Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo BLHS năm 2015
(kiemsat.vn) Theo BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có nhiều điểm mới về tình tiết định tội, định khung hình phạt cũng như về chế tài xử phạt so với quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Còn quy định chưa thống nhất về khám nghiệm hiện trường
Điểm mới về quy định từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Bất cập trong tạm ngừng phiên tòa dân sự
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định.
Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Những điểm mới về tình tiết định tội và định khung hình phạt
Tại khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 quy định tình tiết định tội danh đối với loại tội phạm này là: hành vi phạm tội phải gây thiệt hại cho tài sản giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2.000.000 đồng thì hành vi đó phải “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Điều luật mới đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và bổ sung thêm ba tình tiết: “...c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật”. Như vậy, với tài sản bị xâm hại có giá trị dưới 2 triệu đồng mà hành vi đó làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn công cộng, làm náo động một địa bàn nhất định, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân và hậu quả này là hậu quả trực tiếp mà nguyên nhân từ hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ra (do cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định, đánh giá); hành vi đó làm hủy hoại hoặc làm hư hỏng phương tiện kiếm sống, mưu sinh chính của người bị hại mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình sẽ bị lâm vào tình trạng khó khăn (VD: hủy hoại máy làm nước mía của người sinh sống chính bằng nghề bán nước mía; hủy hoại thuyền, lưới đánh cá của ngư dân… có trị giá dưới 2 triệu đồng; hành vi đó làm mất giá trị hoặc giảm giá trị của tài sản là di vật, cổ vật ( tài sản thuộc loại này phải được giám định, kết luận bởi cơ quan chuyên môn theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, cụ thể hậu quả như thế nào, ở mức độ nào thì được coi là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội? thế nào thì coi tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người sở hữu tài sản hoặc là phương tiện kiếm sống chính của gia đình họ? cách nhận định và thu thập vật chứng là tài sản bị xâm phạm là di vật, cổ vật khi chưa có kết luận giám định?… các tình tiết này cần có hướng dẫn cụ thể hơn để thống nhất áp dụng trong thực tiễn, tránh sự đánh giá, áp dụng tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng khi có tình huống thực tế phát sinh.
Về tình tiết định khung hình phạt, trong khoản 2 điều 178 BLHS năm 2015 quy định thêm điểm c.“Tài sản là bảo vật quốc gia”. Theo quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Bảo vật quốc gia là những vật đặc định, được công nhận bằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, khi hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý xâm phạm tài sản là cổ vật quốc gia chỉ cần căn cứ vào Quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đang có hiệu lực mà không cần qua thủ tục giám định như đối với di vật, cổ vật.
Cũng trong khoản 2 điều 178 BLHS năm 2015, điểm d đã sửa đổi cụm từ “dùng chất nổ, chất cháy” thành cụm từ “dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ”. Ý nghĩa của việc sửa đổi này là nhằm tháo gỡ vướng mắc khi xuất hiện một số tình huống thực tiễn phát sinh khi đối tượng phạm tội sử dụng các chất nguy hiểm dễ xẩy ra cháy nổ để hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như xăng, dầu, cồn, benzen... Quy định này phù hợp với Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành: “Chất nguy hiểm về cháy nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hóa, vật tư dễ xảy ra cháy nổ”.
BLHS năm 2015 đã bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định ở các khoản từ 1,2,3 và 4 Điều 143 BLHS năm 1999. Theo đó, điều luật mới cụ thể hóa thiệt hại về tài sản (hậu quả xảy ra) bằng chính giá trị tài sản bị thiệt hại để làm tình tiết định khung hình phạt. Bởi lẽ, xét về mặt bản chất, mức độ thiệt hại về tài sản chính là định lượng duy nhất trong quan hệ này. Quy định này nhằm khắc phục sự không phù hợp khi vừa áp dụng tình tiết định khung dựa trên giá trị tài sản bị thiệt hại, vừa áp dụng tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được định lượng bằng mức độ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của con người). Trong trường hợp hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng con người thì bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà hành vi đó còn có thể cấu thành thêm tội phạm độc lập khác và được điều chỉnh bởi các điều luật thuộc nhóm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng của con người được quy định tại Chương XIV BLHS năm 2015. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với mục đích nhằm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người thì đó được coi là thủ đoạn để người phạm tội thực hiện hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Những điểm mới trong quy định loại hình phạt chính và mức hình phạt:
Khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 chỉ quy định 2 loại hình phạt chính là “cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015, ngoài hai loại hình phạt trên, đã bổ sung thêm hình phạt tiền đối với loại tội phạm này “từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng”. Như vậy, trong khung hình phạt áp dụng với loại tội phạm ít nghiêm trọng xâm phạm sở hữu thì hình phạt tiền là hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này cũng như khách thể xâm hại của nó.
Nếu như khoản 2 điều 178 BLHS năm 2015 không có quy định khác về hình phạt so với quy định tại khoản 2 Điều 143 BLHS năm 1999 thì tại khoản 3, khoản 4 Điều 178 BLHS năm 2015 lại có những thay đổi đáng kể: Khoản 3 Điều luật mới quy định mức hình phạt “từ 5 năm đến 10 năm” trong khi điều luật cũ quy định mức hình phạt cao hơn: “từ 7 năm đến 15 năm”; Khoản 4 Điều 178 BLHS 2015 bỏ hình phạt “tù chung thân”, quy định hình phạt tù tối đa 20 năm trong khi luật cũ quy định mức hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này là tù chung thân.
Xem thêm>>>
Hành vi của T cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của gia đình trưởng Công an xã
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.