Tội Đào ngũ theo Bộ luật Hình sự năm 2015

04/10/2018 10:24

(kiemsat.vn)
Tội đào ngũ theo BLHS năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa hơn về tính chất, mức độ của hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời điều chỉnh mức hình phạt ở từng khoản của điều luật theo hướng giảm nhẹ so với BLHS năm 1999 về cùng tội danh.

Tội đào ngũ được quy định tại Điều 402, Chương XXV Các tội tội phạm xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015).

Điều 402 BLHS năm 2015 quy định về tội đào ngũ như sau:

1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, so với Tội đào ngũ quy định tại Điều 325 BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã sửa đổi dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm đào ngũ và chế tài hình phạt khởi điểm tại khung cơ bản (khoản 1); đồng thời sửa đổi, bổ sung mức hình phạt và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 và khoản 3 Điều 402.

Về cấu thành tội phạm cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015 đã thay đổi cách sắp xếp dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm, theo đó dấu hiệu rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự “trong thời chiến” được đặt trước các dấu hiệu “đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”; mức hình phạt khởi điểm Bộ luật giữ nguyên hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt tù từ 06 tháng nhưng chỉ đến 03 năm (mức hình phạt cao nhất của khoản 1), thay vì từ 06 tháng đến 05 năm như quy định tại khoản 1 Điều 325 BLHS năm 1999.

Về các khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 và khoản 3 của Điều 402 cũng được BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung chi tiết hơn so với BLHS năm 1999, cụ thể:

Khoản 2, ngoài các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung như quy định tại khoản 2 Điều 325 BLHS năm 1999, thì điểm c khoản 2 Điều 402 BLHS năm 2015 có sửa đổi rõ hơn, đó là “mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự” thay vì quy định là “mang theo, vứt bỏ vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu quan trọng”; sửa mức hình phạt tù theo hướng giảm xuống còn từ 02 năm đến 07 năm (BLHS năm 1999 là từ 03 năm đến 08 năm).

Khoản 3, bổ sung cụ thể 05 tình tiết tăng nặng định khung như: Trong chiến đấu; trong khu vực có chiến sự; trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; trong tình trạng khẩn cấp và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thay vì quy định chung chung như: Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù… (BLHS năm 1999). Sửa mức hình phạt tù theo hướng giảm xuống còn từ 05 năm đến 12 năm (BLHS năm 1999 là từ 07 năm đến 12 năm).

Ảnh minh họa 

Các dấu hiệu pháp lý của tội đào ngũ

Khách thể: Tội đào ngũ trực tiếp xâm phạm chế độ nghĩa vụ quân sự của hạ sỹ quan, binh sỹ, chế độ của phục vụ của quân nhân tại ngũ là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội; làm giảm sức chiến đấu của Quân đội; ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong Quân đội.

Mặt khách quan: Mặt khách quan của Tội đào ngũ được thể hiện ở hành vi rời bỏ đơn vị không có ý định trở lại nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Đào ngũ có thể được thực hiện bằng việc quân nhân tự ý rời bỏ đơn vị một cách trái phép (hành động) hoặc không có mặt tại đơn vị một cách trái phép để nhận nhiệm vụ (không hành động). Tự ý rời bỏ đơn vị một cách trái phép là tự ý đi khỏi đơn vị, nơi công tác, hoặc nơi điều trị, điều dưỡng không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền. Không có mặt tại đơn vị một cách trái phép là trường hợp không đến đơn vị, nơi công tác, nơi điều trị, nơi điều dưỡng… với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự(1). Hành vi rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ khi có một trong các yếu tố sau:

+ Rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời chiến. Phạm tội trong thời chiến là phạm tội trong khoảng thời gian đang có chiến tranh ở nước ta. Tình trạng chiến tranh do Chủ tịch nước công bố theo quyết định của Quốc hội hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2).

+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà còn vi phạm. Trường hợp bị coi coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà con vi phạm, cụ thể như sau:

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi đào ngũ theo quy định của Điều lệnh quản lý bộ đội về hành vi đào ngũ và chưa hết thời hạn để được coi là chưa xử lý. Người vi phạm bị xử lý kỷ luật, thì sau 06 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách, sau 12 tháng đối với hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu không vi phạm thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực (3) Hình thức xử lý kỷ luật hành vi đào ngũ của quân nhân được căn cứ vào Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật nghĩa vụ quân sự (4). Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với hành vi đào ngũ căn cứ Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng (sau đây viết gọn là Thông tư số 192/2016/TT-BQP) .

Đã bị xử lý hành chính bằng một trong các hình thức quy định tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (5), chưa bị cắt quân số và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính. Nếu quân nhân đào ngũ đã bị xử phạt hành chính và buộc trở lại đơn vị nhưng cố tình không trở lại đơn vị thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ.

+ Hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự gây hậu quả nghiêm trọng như: Hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra, tức là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Hậu quả đó có thể là hậu quả vật chất (như thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản, về vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự) hoặc phi vật chất như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về an ninh quốc phòng; ảnh hưởng đến khả năng và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; ảnh hưởng đến quan hệ đoàn kết trong nội bộ Quân đội; mối quan hệ quân dân v.v. Để xác định thế nào là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng phải xem xét đánh giá một cách tổng hợp, toàn diện các loại hậu quả do hành vi phạm tội gây ra gồm thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, thiệt hại về vũ khí, trang bị và thiệt hại phi vật chất (6).Trường hợp quân nhân rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự và trong thời gian trốn tránh, rời bỏ đơn vị đó mà phạm tội khác thì không bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi đào ngũ gây ra và không bị truy cứu về đào ngũ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện. Ngoài dấu hiệu hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự gây hậu quả nghiêm trọng ra, thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm quân nhân rời bỏ đơn vị hoặc từ lúc phải có mặt ở đơn vị đúng hạn mà không có mặt nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự và hành vi thuộc một trong các dấu hiệu khách quan nêu trên.

Chủ thể: Chủ thể của tội phạm đào ngũ là quân nhân tại ngũ (sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và binh sỹ) (7) đang trong thời gian phục vụ Quân đội.

Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, tức là họ nhận thức rõ hành vi đào ngũ của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi do mình thực hiện nhưng mong muốn hậu quả xảy ra. Người cố ý đào ngũ rõ ràng thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra đó là Quân đội mất đi sự phục vụ của họ thông qua chức trách, nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn mong muốn thực hiện. Đối với tội đào ngũ, mục đích trốn tránh nghĩa vụ phục vụ trong quân đội là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội phạm đào ngũ.

Về định khung hình phạt

Điều 402 BLHS năm 2015 quy định ba khung hình phạt tại các khoản 1, 2 và 3, cụ thể:

- Khoản 1: Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đây là chế tài tại khung cơ bản của điều luật, được áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung.

- Khoản 2: Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp có một trong các tình tiết tăng nặng định khung như: Là sỹ quan hoặc chỉ huy; lôi kéo người khác phạm tội; mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự; gây hậu quả rất nghiêm trọng (8).

- Khoản 3: Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, được áp dụng đối với người phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng định khung như: Trong chiến đấu; trong khu vực có chiến sự; trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; trong tình trạng khấn cấp; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (9). Phạm tội trong chiến đấu là phạm tội trong thời gian người phạm tội đang trực tiếp chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Phạm tội trong khu vực có chiến sự là phạm tội trong khu vực đang có các hoạt động tác chiến quân sự giữa ta và địch (10).

Một số vướng mắc khi áp dụng quy định về tội đào ngũ

Thứ nhất, về các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của BLTTHS số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (Nghị quyết 41) giao cho Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về những tình tiết này; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật xét xử các điều, khoản, điểm khác trong BLHS năm 2015 (khoản 2 Điều 3); các tình tiết này được các nhà làm luật đưa vào làm căn cứ để cấu thành tội phạm và cấu thành định khung tăng nặng hình phạt tại các khoản 2 và khoản 3 của tội đào ngũ quy định tại Điều 402 BLHS năm 2015.

Hiện tại, vẫn chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các tình tiết: Trong thời chiến; gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; là chỉ huy hoặc sỹ quan; lôi kéo người khác phạm tội; mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự; trong chiến đấu; trong khu vực có chiến sự… đây là các tình tiết thể hiện tích chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người vi phạm có thể phải trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ nếu vi phạm được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 402.

Trước đó, khi hướng dẫn áp dụng quy định của Điều 325 BLHS năm 1999 về tội đào ngũ có Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999. Trong đó, tại Mục II của Thông tư này hướng dẫn áp dụng một số tình tiết như: Trong thời chiến; gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; là chỉ huy hoặc sỹ quan; lôi kéo người khác phạm tội; mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự; trong chiến đấu; trong khu vực có chiến sự… Hiện nay, khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thống nhất việc áp dụng các tình tiết quy định tại Điều 402 BLHS năm 2015, chúng tôi cho rằng có thể tham khảo hướng dẫn của văn bản nêu trên để nghiên cứu, đánh giá cho phù hợp với thực tế khi có vụ án xảy ra.

Thứ hai, đối với tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”, đây là một trong những tình tiết mà các nhà làm luật sử dụng làm một căn cứ để cấu thành tội đào ngũ quy định tại khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015. Như vậy, để xử lý người vi phạm về tội đào ngũ thì trước đó họ đã phải bị xử lý kỷ luật về hành vi đào ngũ (quyết định xử lý kỷ luật phải còn hiệu lực). Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng quy định này đã gặp một số vướng mắc nhất định, bởi việc tiến hành kỷ luật phải thực hiện theo quy định về trình tự và thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật đối với người có hành vi đào ngũ quy định tại Thông tư số 192/2016/TT-BQP.

Điều 19 Thông tư số 192/2016/TT-BQP quy định về người có hành vi đào ngũ như sau: (1) Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức; (2) Nếu người vi phạm thuộc một trong các trường hợp như: Là chỉ huy hoặc sĩ quan; gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng; khi đang làm nhiệm vụ; lôi kéo người khác tham gia thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.

Để xử lý người vi phạm theo quy định tại Điều 19 nêu trên, cơ quan, người có thẩm quyền phải căn cứ vào Điều 40 Thông tư số 192/2016/TT-BQP quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật. Cụ thể trình tự, thủ tục như sau: (1) Người vi phạm phải tự kiểm điểm bằng văn bản trước tập thể cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật; (2) Tập thể cơ quan, đơn vị phân tích, phê bình, tham gia ý kiến vào việc vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật; (3) Người chỉ huy phải kiểm tra, xác minh trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp có thẩm quyền trực tiếp gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến; (4) Kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật; (5) Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua (nếu có); (6) Ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật theo quyền hạn phân cấp; (7) Tổ chức công bố quyết định kỷ luật, báo cáo lên trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị.

Như vậy, theo quy định tại Điều 40 Thông tư số 192/2016/TT-BQP, thì để xử lý người có hành vi đào ngũ như quy định tại Điều 19 Thông tư số 192/2016/TT-BQP nêu trên, thì ba điều kiện quan trọng nhất cần phải có, đó là: Một là, người đó phải có mặt tại cơ quan, đơn vị để thực hiện việc tự kiểm điểm bằng văn bản trước tập thể cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật; hai là, tập thể cơ quan, đơn vị phân tích, phê bình, tham gia ý kiến vào việc vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật; ba là, người chỉ huy phải kiểm tra, xác minh trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp có thẩm quyền trực tiếp gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến. Ngoài ra còn phải thực hiện các trình tự, tự khác trong quá trình tiến hành xử lý kỷ luật người vi phạm như: Kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật; báo cáo cấp có thẩm quyền, ra quyết định .v.v.

Việc thực hiện các trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm sẽ đơn giản, không gặp vướng mắc nếu người thực hiện hành vi rời bỏ cơ quan, đơn vị trở về địa phương hoặc một nơi nào khác để nhằm trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng đại diện cơ quan, đơn vị vẫn có thể liên hệ được với người vi phạm để gặp mặt và động viên họ quay trở lại cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Từ đó, cơ quan, đơn vị có thể tiến hành các trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật vi phạm đối với họ. Song, trong thực tế, không phải trường hợp nào rời bỏ cơ quan, đơn vị với mục đích trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm, mà đại diện cơ quan, đơn vị đều có thể dễ dàng liên hệ với người vi phạm để gặp mặt,  động viên họ quay trở lại đơn vị, bởi có trường hợp sau khi đào ngũ, cơ quan, đơn vị và người thân của người vi phạm không biết họ đang ở đâu; có trường hợp sau khi đào ngũ, nhưng vi người vi phạm cố ý muốn rời bỏ cơ quan, đơn vị, mặc dù có thể liên hệ được với người đào ngũ nhưng họ nhất quyết không quay trở về đơn vị, tìm mọi cách để trốn tránh.

Thực tế nêu trên, chính là mấu chốt của những vướng mắc khi thực hiện các trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật người vi phạm theo quy định tại Điều 40 của Thông tư số 192/2016/TT-BQP, bởi vì người vi phạm không có mặt tại cơ quan, đơn vị để thực hiện việc tự kiểm điểm bằng văn bản trước tập thể cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật như quy định; điều đó cũng đồng nghĩa với việc tập thể cơ quan, đơn vị không thể tham gia trực tiếp để phân tích, phê bình, tham gia ý kiến vào việc vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật. Và, quan trọng hơn là đối với người chỉ huy, mặc dù Thông tư số 192/2016/TT-BQP quy định phải kiểm tra, xác minh trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp có thẩm quyền trực tiếp gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến, nhưng trong trường hợp không biết họ ở đâu, hoặc đặt giả thiết biết nơi họ đang ở, song vì các điều kiện để gặp người vi phạm nằm ngoài khả năng có thể của cơ quan, đơn vị (vì nhiều lý do khách quan khác nhau). Theo đó, tất yếu dẫn tới việc không thể xử lý kỷ luật người thực hiện hành vi đào ngũ theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất khó khăn khi xác định căn cứ để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đào ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015 với tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”. Từ thực tế đó, có thể dẫn tới bỏ lọt tội phạm, người phạm tội đào ngũ.

Tóm lại: Từ những vướng mắc khi áp dụng quy định về tội đào ngũ tại Điều 402 của BLHS năm 2015; Quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với quân nhân vi phạm tại Điều 40 của Thông tư số 192/2016/TT-BQP nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 và các cơ quan có thẩm quyền liên quan sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để bảo đảm sự phù hợp và linh hoạt giữa các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

 


1. TS. Phùng Thế Vắc, …, “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 – Phần các tội phạm”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, Tr.800.
2. Xem: điểm c Mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999
3. Xem: khoản 4 Điều 43 Thông tư liên tịch số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.
4. Xem: khoản 2 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, khoản 1 Điều 60 Luật nghĩa vụ quân sự.
5. Xem: Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
6. Xem: Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999
7. Xem: Điều 2 Thông tư liên tịch số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.
8. Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999.
9. Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999
10. Mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999.

Xem thêm >>>

Báo động nạn buôn bán quân tư trang

Bộ Quốc phòng: Ban hành nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang