Bộ Quốc phòng: Ban hành nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân

19/03/2018 13:52

(kiemsat.vn)
Ngày 12/03/2018, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 27/TT-BQP về nội quy áp dụng đối với người bị tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân quy định về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế; nhận thư, gửi thư; nhận tiền, nhận quà và đồ dùng mang vào buồng giam, giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (sau đây viết gọn là người bị tạm giữ, tạm giam); việc thăm gặp; đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ và xử lý đồ vật cấm trong cơ sở giam giữ.

Trong đó, quy định rõ việc thân nhân, người bào chữa, người tiến hành tố tụng, người đại diện hợp pháp và các tổ chức, cá nhân khác đến thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải xuất trình giấy tờ sau:

- Đối với thân nhân: Có đơn đề nghị thăm gặp, có xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, tạm giam của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập; Thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh lực lượng vũ trang hoặc hộ chiếu; trường hợp không có một trong những giấy tờ tùy thân nêu trên thì đơn đề nghị phải được dán ảnh, được Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

- Đối với người bào: Có văn bản thông báo người bào chữa; Thẻ luật sư, Thẻ trợ giúp viên pháp lý, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

- Đối với người tiến hành tố tụng: Có quyết định phân công giải quyết vụ án; trường hợp không có quyết định phân công giải quyết vụ án thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ án; Giấy chứng nhận của ngành Điều tra, kiểm sát, tòa án; Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh lực lượng vũ trang, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; Người tiến hành tố tụng nếu cần làm việc với người bị tạm giữ, tạm giam ở vụ án khác phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan hoặc người có thẩm quyền đang thụ lý vụ án đó.

- Đối với người đại diện hợp pháp: Có văn bản thể hiện là người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự; Văn bản đồng ý của Cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án; Thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh lực lượng vũ trang hoặc hộ chiếu.-

- Đối với đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác: Có văn bản đồng ý của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án; Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nếu là người đại diện của cơ quan, tổ chức; Giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh lực lượng vũ trang, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Những hành vi bị nghiêm cấm:

- Vi phạm quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Nội quy cơ sở giam giữ; không chấp hành hoặc cản trở việc chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù người phản ánh những hành vi sai trái của mình hoặc của người khác.

- Đe dọa, đánh đập, ức hiếp, làm lây nhiễm vi rút HIV cho người khác, cưỡng đoạt tài sản của người khác, hủy hoại thân thể mình, tự xăm trổ hoặc xăm trổ lên thân thể người khác, đeo đồ vật lên cơ thể.

- Các hình thức đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục.

- Lập hoặc tham gia hội, băng, nhóm dưới bất kỳ hình thức nào.

- Bói toán, cúng lễ, truyền đạo, các hành vi mê tín, dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức.

- Ném, vứt bừa bãi đồ ăn, uống; thuê, bắt ép người khác phục vụ mình.

- Thực hiện hoặc bao che, dung túng, ủng hộ đối với những âm mưu, hành động nhằm trốn khỏi cơ sở giam giữ.

- Thông tin sai lệch nhằm kích động người khác gây mất trật tự trong cơ sở giam giữ.

- Giả vờ ốm, đau hoặc không chấp hành chỉ định, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ và cơ sở khám, chữa bệnh.

Thông tư số 27 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/04/2018.

Xem chi tiết Thông tư 27 tại đây.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang