Kinh nghiệm truy tố tội phạm sử dụng công nghệ cao của Viện Công tố Singapore

03/10/2018 10:26

(kiemsat.vn)
Tại hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 11, tổ chức tại Bru-nây từ ngày 13 - 16/8/2018, Tổng Chưởng lý của Singapore - ngài Lucie Wong đã có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của nước mình trong việc cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác truy tố loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có 02 điểm chính: hệ thống pháp luật và sự chuyên môn hóa.

Theo số liệu thống kê cho thấy 70% người dân Singapore sử dụng mạng xã hội, gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 34%. Singapore cũng có tỷ lệ thâm nhập internet cao thứ sáu ở Châu Á, ở mức 83,6%. Trong bối cảnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao trở thành mối quan tâm lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng Singapore.Tháng 7/2018, Viện chăm sóc sức khỏe lớn nhất Singapore – SingHealth đã bị tấn công bởi tin tặc, các đối tượng này đã ăn cắp các thông tin cá nhân và các thông tin khác của 1,5 triệu bệnh nhân, trong đó bao gồm cả Thủ tướng Lý Hiển Long.

Trong năm 2014, số liệu tội phạm sử dụng công nghệ ở cao ở đất nước này là 7,9% nhưng đến năm 2017, con số đã tăng lên 16,6%. Nói cách khác, cứ 06 tội phạm xảy ra thì có 01 tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tại hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 11, Tổng Chưởng lý của Singapore - ngài Lucie Wong đã có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của nước mình trong việc cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác truy tố loại tội phạm này, trong đó có 02 điểm chính: hệ thống pháp luật và sự chuyên môn hóa.

Ảnh minh họa 

Thứ nhất, về pháp luật. Sớm nhận thức được nếu không có các khung pháp lý cần thiết, Cảnh sát và Công tố viên có thể không tiến hành được các thủ tục tố tụng, do đó các cơ quan lập pháp luôn nỗ lực cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để nhanh chóng bắt kịp với sự thay đổi và phát triển của xã hội cùng với đó là sự biến đổi, gia tăng nhanh chóng các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Từ năm 2006, Bộ luật Hình sự Singapore đã được sửa đổi rất nhiều lần nhằm đảm bảo các loại tội phạm “truyền thống” như: tội giả mạo giấy tờ, tài liệu cũng bao gồm chế độ “điện tử” (ví dụ: các tài liệu và văn bản được sửa đổi để bao gồm các tài liệu điện tử hay các phương thức giả mạo sử dụng công nghệ cao). Đạo luật về Bảo mật và Vi phạm an toàn máy tính đã được sửa đổi, trong đó giới thiệu các dạng vi phạm mới, cách xử lý đối với các trường hợp liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao được nhanh chóng, hiệu quả hơn như: xử lý thông tin cá nhân bị tin tặc tấn công, xử lý việc sở hữu các công cụ thực hiện việc tấn công hệ thống thông tin… Theo đạo luật về Bảo vệ con người trước các hành vi quấy rối trước đây, hành vi phạm tội quấy rối người khác chỉ áp dụng cho các hành vi được thực hiện trong thế giới thực, nhưng theo quy định của luật mới, việc sử dụng các phương tiện truyền thông như Internet, mạng xã hội… cùng với sự phát triển của các phương thức giao tiếp trực tuyến khác đã mở rộng phạm vi của hành vi này trên không gian mạng.

Đạo luật về Chứng cứ được sửa đổi vào năm 2012 đã thừa nhận các thông tin có được từ hệ thống máy tính là chứng cứ. Từ đó, BLTTHS đã trao quyền cho cảnh sát được yêu cầu cung cấp các bằng chứng điện tử ở dạng máy tính có thể đọc dữ liệu được, từ đó giúp điều tra viên, công tố viên phân tích nội dung hồ sơ vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Điều tra viên có quyền truy cập dữ liệu máy tính từ xa cũng như buộc người liên quan hỗ trợ trong việc truy cập dữ liệu máy tính. Đồng thời, các quy định của luật hình sự truyền thống cũng được sử dụng làm cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm mới trên không gian mạng, đặc biệt là loại tội phạm liên quan đến việc đăng tải trực tuyến các tài liệu phản cảm (VD: Vào năm 2015, một cặp vợ chồng đã bị kết án từ 8 – 10 tháng tù do vi phạm các quy định của đạo luật chống nổi loạn, cụ thể: các đối tượng này đã đăng tải các nội dung trực tuyến và tuyên truyền không đúng sự thật qua đó kích động thù địch giữa các chủng tộc khác nhau ở Singapore trên trang web tự lập với động cơ kiếm tiền từ việc thu hút lượt xem của người đọc trên Internet).

Thứ hai, về chuyên môn hóa. Kể từ khi tội phạm sử dụng công nghệ cao lần đầu bị truy tố ra trước Tòa trong những năm 1990, Viện Công tố Singapore luôn tìm hiểu, phát hiện những công tố viên có tố chất, đặc biệt đam mê, am hiểu trong lĩnh vực công nghệ, từ đó xây dựng đội ngũ công tố viên phù hợp cho việc xử lý loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ được mời tham gia vụ án để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết một cách chính xác và hiệu quả.

Năm 2012, Viện Công tố Singapore chính thức chuyên môn hóa bộ phận trên với sự hình thành của Bộ phận giải quyết án tội phạm sử dụng công nghệ cao (TCU), hiện nay thuộc Phòng giải quyết án kinh tế và tội phạm công nghệ. TCU được lãnh đạo bởi 02 trưởng phòng – là những người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc xử lý, giải quyết loại tội phạm không gian mạng và 14 công tố viên. Các công tố viên đều được đào tạo về kỹ thuật số, các lĩnh vực kỹ thuật khác liên quan đến công nghệ thông tin, thường xuyên được cử đi tham dự các hội nghị, hội thảo về tội phạm sử dụng công nghệ cao và an ninh mạng, để bám sát với xu hướng phát triển mới của quốc tế. Bên cạnh đó, đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu và tham mưu cho các công tố viên trực tiếp thụ lý vụ án khác về tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ điện tử phát sinh trong giai đoạn truy tố. Ngoài ra, Viện Công tố Singapore còn chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước như: các lượng Cảnh sát, Viện kiểm sát, Viện Công tố trong và ngoài khối ASEAN; Bộ Tư pháp Hoa Kỳ; lực lượng Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol… trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tham khảo và dịch:

  1. Bài phát biểu của Tổng Chưởng lý Singapore tại hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 11.
  2. Bộ luật Hình sự Singapore 1987 sửa đổi, bổ sung 2017.

Xem thêm >>>

VKSND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo về xử lý tội phạm công nghệ cao

Sử dụng Wifi phải đề phòng nguy cơ lộ thông tin cá nhân

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang