Thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

15/07/2024 09:06

(kiemsat.vn)
Thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho thấy, một số quy định còn vướng mắc, chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, liên quan đến những nội dung như: Các hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về căn cứ tạm đình chỉ; áp dụng biện pháp tạm giam; biện pháp dẫn giải; về quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố; kiểm sát trong giai đoạn truy tố…

1. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

- Về các hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Theo khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), các hoạt động này bao gồm: “Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản”. Trong thực tế, khi giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, đặc biệt là các tin báo về tai nạn giao thông thì cần thực nghiệm điều tra để xác định được hành vi của các bên liên quan đến tai nạn hoặc các tố giác về lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng cần nhận dạng người (qua ảnh) để xác định người bị tố giác, người liên quan có đúng là người đã thực hiện hành vi vi phạm hay không; từ đó, có căn cứ xem xét, xử lý. Nhưng tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 không quy định các hoạt động điều tra như: Thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng… mà Cơ quan điều tra (CQĐT) cần thiết phải thực hiện trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

- Về áp dụng biện pháp tạm giam:

Thứ nhất, điểm b khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định về “không có nơi cư trú rõ ràng”, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “có nơi cư trú rõ ràng” (Ví dụ: Bị can có hộ khẩu ngoài tỉnh nhưng có tạm trú tại địa phương thì có coi là “có nơi cư trú rõ ràng” không?). Việc xác định bị can có nơi cư trú rõ ràng hay không trong thực tiễn gặp vướng mắc vì có trường hợp bị can có đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương này nhưng lại sinh sống và làm việc ở địa phương khác và thường xuyên thay đổi nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác điều tra dẫn đến vụ án bị kéo dài. Việc bị can đăng ký tạm trú có được coi là có nơi cư trú rõ ràng hay không cũng chưa có quy định thống nhất. Trường hợp bị can phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có hộ khẩu thường trú ở ngoài tỉnh, nếu không áp dụng biện pháp tạm giam đã gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử; nhiều trường hợp triệu tập nhưng bị can không đến làm việc, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đến tận nơi xác minh, làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.

Thứ hai, điểm c, khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định áp dụng biện pháp tạm giam đối với trường hợp bị can “có dấu hiệu bỏ trốn” nhưng hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên khó áp dụng trong thực tiễn. Theo luật cư trú thì công dân có quyền tự do cư trú và thay đổi nơi cư trú, vì vậy, không có căn cứ pháp lý để xác định việc họ đi khỏi nơi cư trú trong trường hợp nào thì được xem là “có dấu hiệu bỏ trốn”, dẫn đến nhận thức khác nhau và áp dụng không thống nhất.

Thứ ba, điểm d, khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo đối với trường hợp bị can “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội” nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là có dấu hiệu tiếp tục phạm tội. Ví dụ: Bị can thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng qua xác minh, bị can đã có tiền án, tiền sự (chưa được xóa án tích). Như vậy, trường hợp này có được xem là có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hay không?

- Về biện pháp dẫn giải:

Trong nhiều vụ việc cố ý gây thương tích, người bị hại không hợp tác giám định thương tích. Theo điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 thì có thể dẫn giải bị hại đi giám định thương tích. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn quy trình thi hành quyết định “dẫn giải”. Trên thực tế, quá trình giải quyết vụ việc, CQĐT chưa thực hiện được trường hợp dẫn giải nào đối với người bị hại để đi giám định thương tích, dẫn đến nhiều tin báo “cố ý gây thương tích” kéo dài thời hạn giải quyết và phải tạm đình chỉ. Hay tại điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định, dẫn giải có thể áp dụng đối với “người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Tuy nhiên, theo điểm a khoản 4 Điều 66 BLTTHS năm 2015, người làm chứng có nghĩa vụ “có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải”. Như vậy, có sự thiếu thống nhất trong quy định về trường hợp (căn cứ) áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người làm chứng.

- Về quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố:

Khoản 2 Điều 236 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, luật không quy định rõ trách nhiệm, thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét, thực hiện, trả lời yêu cầu của Viện kiểm sát về cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ án, cũng như hậu quả pháp lý, biện pháp xử lý khi hết thời hạn yêu cầu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện.

- Về quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố:

Điểm a khoản 1 Điều 237 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật. Nhưng trường hợp nào Viện kiểm sát kiến nghị, trường hợp nào Viện kiểm sát yêu cầu xử lý người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật? Vấn đề này chưa được quy định rõ ràng. Và nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát thì sẽ xử lý như thế nào luật cũng chưa quy định.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, bổ sung quy định về việc CQĐT được tiến hành các hoạt động như: Thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng… trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015.

Hai là, Điều 119 BLTTHS năm 2015 cần quy định căn cứ xác định bị can, bị cáo thuộc các trường hợp: “Không có nơi cư trú rõ ràng”, “có dấu hiệu bỏ trốn”, “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội” để áp dụng biện pháp tạm giam.

Đối với biện pháp dẫn giải, để đảm bảo tính thống nhất, cần sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 như sau: “Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”.

Ba là, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 236 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Quy định rõ trách nhiệm, thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét, thực hiện, trả lời yêu cầu của Viện kiểm sát về cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ án trong giai đoạn truy tố; quy định rõ chế tài nếu hết thời hạn yêu cầu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện.

Bốn là, tại điểm a khoản 1 Điều 237 BLTTHS năm 2015 cần quy định rõ trường hợp nào Viện kiểm sát yêu cầu, trường hợp nào Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; quy định biện pháp, chế tài cụ thể nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát. 

Đồng thời, trên cơ sở quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát các cấp cần tích cực xây dựng các quy chế, quy định hoặc cơ chế khác để phối hợp chặt chẽ ngay từ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và xuyên suốt những giai đoạn tố tụng tiếp theo. Việc phối hợp phải thường xuyên, liên tục, có tính ràng buộc trách nhiệm thực hiện từ lãnh đạo cho đến Kiểm sát viên, Điều tra viên. Các cơ chế này phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, quán triệt các nguyên tắc cơ bản về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và CQĐT trong tố tụng hình sự nói chung và trong hoạt động điều tra các vụ án nói riêng.

Trong đó, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tiến hành tố tụng, tạo điều kiện cho từng chủ thể góp phần nâng cao hiệu quả điều tra các vụ án hình sự, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có quy định phối hợp liên ngành và ngành dọc cấp trên để cùng đánh giá chứng cứ, xác định tội danh trong những trường hợp phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, duy trì đều đặn chế độ họp liên ngành để phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về quy định bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn thực hiện các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những bất cập cần hoàn thiện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang