Thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng - Bất cập và kiến nghị
(kiemsat.vn) Công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng là giai đoạn cuối cùng của các hoạt động tố tụng, đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong những năm gần đây, việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn là vấn đề quan tâm của xã hội, đặc biệt là vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Bàn về kiểm sát thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Kiểm sát việc xử lý yêu cầu thi hành án dân sự
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong Thi hành án dân sự
Thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (viết tắt là THADS về thu hồi tài sản tham nhũng) được coi là cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu ở Việt Nam, thực hiện thông qua cơ quan THADS.
1. Một số khó khăn, bất cập
Thứ nhất, hơn 10 năm tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (Công ước UNCAC), hiện nay các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng vẫn nằm rải rác trong một số đạo luật như: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2008). Những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng, tham nhũng, kinh tế nói chung trong các văn bản này mới chỉ là những quy định chung. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số hiện nay, việc giải quyết những vụ án tham nhũng, kinh tế có yếu tố nước ngoài đòi hỏi một cơ chế hợp tác quốc tế hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, ngoài Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước ASEAN và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ với Hàn Quốc, hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp khác mà Việt Nam đã ký kết đều không quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Vấn đề hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát lại chưa có các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cụ thể, chưa có cơ chế công nhận lệnh, quyết định của Tòa án hay cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, hoặc ban hành các lệnh, quyết định theo yêu cầu của các cơ quan này. Nói một cách chính xác hơn thì việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước UNCAC còn chậm, dẫn đến nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài, nhất là việc giám định xác định tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt cũng như yêu cầu tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án rất phức tạp, tốn kém về kinh phí, mất nhiều thời gian và hiệu quả còn hạn chế.
Ngoài ra, việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được thực hiện chủ yếu dựa theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài theo pháp luật hiện nay còn lỏng lẻo. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, trực tiếp tiếp nhận hồ sơ từ đương sự, thu lệ phí và có trách nhiệm như là “cầu nối” giữa các cơ quan có thẩm quyền trong nước với cá nhân, tổ chức yêu cầu thi hành án (phần lớn là ở nước ngoài). Tuy vậy, khi các Tòa án tiến hành thụ lý đơn cũng như trong quá trình xét xử, thường không thông báo cho Bộ Tư pháp, dẫn đến việc Bộ Tư pháp bị động trước các vấn đề mà cá nhân, tổ chức nước ngoài hỏi hoặc yêu cầu. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể, nên dẫn đến tình trạng các Tòa án giải quyết vụ việc không thống nhất.
Thứ hai, khó khăn, bất cập từ các quy định của pháp luật có liên quan về THADS thu hồi tài sản tham nhũng:
Từ thực tiễn hoạt động THADS cho thấy, việc THADS về thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là các tài sản mà cơ quan THADS có thể kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành án. Vì vậy, để đảm bảo việc thu hồi tài sản sau khi xét xử, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chú ý đến việc xác minh, truy tìm tài sản của bị can, bị cáo để có biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán, cất giấu tài sản. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội, mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản của bị can, bị cáo có nguồn gốc từ tham nhũng hay không, để có thể áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết nhằm đảm bảo thu hồi được tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sau xét xử.
Hơn nữa, đối với các vụ án kinh tế, khi thực hiện kê biên, phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện theo quy định tại Điều 128, 129 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tức là cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản phần tài sản, số tiền tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, trong khi những mức tương ứng này chỉ có thể xác định được khi có kết quả giám định, định giá hoặc khi Tòa án tuyên án. Do vậy, các biện pháp kê biên hay tịch thu tài sản thường rất ít được áp dụng vì cơ quan tiến hành tố tụng không thể biết chắc rằng khi xét xử thì người phạm tội có bị tịch thu tài sản hoặc phải bồi thường thiệt hại hay không và nếu phải kê biên tài sản thì cũng rất khó xác định mức “tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu”, nếu chưa biết về việc quyết định mức phạt, mức bị tịch thu, mức phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cùng với việc tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án, cơ quan THADS chủ yếu phải xử lý các tài sản đã được các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên trước đó để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, phần lớn các vụ án, để có thể áp dụng được biện pháp kê biên, tịch thu tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục giám định thiệt hại theo quy định của pháp luật. Những thủ tục này mất nhiều thời gian, chi phí, ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng, nên thực tế quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan có thẩm quyền vừa chưa có biện pháp hiệu quả để kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, vừa chưa chú trọng xác minh và áp dụng các biện pháp này trong quá trình điều tra. Vì vậy, đến giai đoạn thi hành án, khi cơ quan THADS xác minh mới phát hiện trong nhiều vụ việc, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành vì tài sản đã bị tẩu tán, nhờ người khác đứng tên hoặc không xác định rõ phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác. Thực tế cũng cho thấy, việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế thường liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, nhiều cơ quan, tổ chức nhưng công tác phối hợp còn chậm, chưa hiệu quả. Các tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài sản là bất động sản còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, sai lệch; tài sản phải thi hành có giá trị lớn, có tính đặc thù; đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chống đối, cản trở… nên việc thu hồi tài sản thường kéo dài.
Điều 55 Luật THADS năm 2008 quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS phải ủy thác thi hành án cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở”. Trong khi đó, người phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng thường có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau và theo luật định cơ quan THADS đang thụ lý vụ việc “phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác” trước khi ủy thác. Do vậy, cơ quan THADS có thẩm quyền không thể ủy thác thi hành án đến địa phương khác nếu chưa xử lý xong tài sản tại địa phương mình, dẫn đến khó hoặc chậm trễ trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau, tạo kẽ hở cho việc tẩu tán tài sản hoặc tài sản bị giảm giá trị trong thời gian chờ được xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những bất cập của luật, đòi hỏi cần được sửa đổi trong thời gian tới.
Về nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thi hành án đối với các khoản thu/bồi hoàn cho các doanh nghiệp nhà nước: Cụ thể, theo quy định thì “hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án”. Đồng thời, Luật THADS năm 2008 cũng quy định Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước (khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước; khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước). Do không thống nhất trong các quy định nêu trên, nên thực tế, người được thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước không làm đơn yêu cầu thi hành án, nhưng luật cũng không có cơ chế xử lý buộc phải thực hiện trách nhiệm làm đơn yêu cầu thi hành án để thu hồi tài sản cho Nhà nước, dẫn đến việc thu hồi tài sản trong các trường hợp này gặp nhiều khó khăn, làm thất thoát tài sản.
Thứ ba, khó khăn, bất cập từ thực tiễn công tác THADS thu hồi tài sản tham nhũng.
Về thi hành phần dân sự trong bản án hình sự khi trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Tòa án không xác định rõ tài sản đã phong tỏa, kê biên thuộc quyền sở hữu riêng của bị cáo hay sở hữu chung của bị cáo với người khác dẫn đến quy định về quyền khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản chung thường bị lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án hoặc kéo dài thời gian thi hành án. Ngoài ra, trong thực tế có trường hợp, Tòa án tuyên các bị cáo phải liên đới thi hành nghĩa vụ là chưa phù hợp, bởi “nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”, trong khi đó người phải thi hành án thường chỉ chấp nhận thi hành phần nghĩa vụ của mình, không đồng ý thi hành phần nghĩa vụ thay cho người khác. Điều này dễ dẫn tới việc nếu cơ quan THADS cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của họ để thi hành nghĩa vụ thay cho người khác thì dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo, chống đối quyết liệt từ phía người phải thi hành án. Có trường hợp nhiều tài sản thế chấp trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được thẩm định giá cho vay cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực của tài sản, nên khi tổ chức thi hành án không thể thu hồi theo giá thẩm định lúc thế chấp tài sản, dẫn đến không có khả năng thu hồi, gây thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng.
Pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tiền, tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với các tội phạm tham nhũng, cá nhân, tổ chức phạm tội luôn tìm cách chuyển các tài sản liên quan đến tội phạm thành tài sản khác khiến việc xác định được nguồn gốc các tài sản này gặp nhiều khó khăn hoặc không thể xác định được. Đồng thời, nhiều giao dịch chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt, hay các dạng tài sản mà chưa được pháp luật Việt Nam công nhận/chưa có quy định (như cryptocurrencies-tiền mã hóa). Điều này dẫn tới việc kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như các giao dịch tiền mặt của tổ chức, cá nhân là không dễ dàng.
2. Đề xuất, kiến nghị
Một là, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng, chống tham nhũng (như nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định một số hành vi tham nhũng là tội phạm trong Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính tương thích với Công ước UNCAC), thì Việt Nam cần xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội như một số quốc gia (ví dụ: Cơ chế tịch thu dân sự và tịch thu tài sản không giải thích được nguồn gốc của Úc; cơ chế thu hồi tài sản đối với công chức giàu có bất thường của Thái Lan; cơ chế tịch thu hành chính đối với tiền không xác định được nguồn gốc hợp pháp của Hoa Kỳ) nhằm mục đích thực hiện tốt nhất việc thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án.
Hai là, cần xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng, theo hướng: Bổ sung các quy định về thu hồi tài sản và xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, kê biên, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam; thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Ba là, Tòa án nhân dân các cấp khi tuyên án phải đảm bảo tính khả thi của phần dân sự trong bản án hình sự, nhất là các phán quyết liên quan đến áp dụng hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm,…). Tức là, Tòa án có thẩm quyền xét xử cần quyết định rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản đã áp dụng biện pháp bảo đảm từ khi khởi tố vụ án, đồng thời, xác định rõ nghĩa vụ thi hành án của bị cáo (kể cả nghĩa vụ liên đới theo phần) để đảm bảo hiệu quả xử lý tài sản trong quá trình thi hành án, tránh phát sinh tranh chấp và khiếu nại, tố cáo của đương sự.
Bốn là, cần sửa đổi, bổ sung Luật THADS năm 2008 về ủy thác thi hành án theo hướng để cơ quan THADS đang tổ chức thi hành án có quyền ủy thác đồng thời cho các cơ quan THADS nơi có tài sản của người phải thi hành án mà không nhất thiết phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên trước khi ủy thác nhằm rút ngắn thời gian xử lý tài sản, tránh việc tẩu tán tài sản, tài sản bị hư hỏng, giảm giá trị.
Năm là, sửa đổi quy định của Luật THADS năm 2008 về việc ra quyết định thi hành án theo hướng: Cơ quan THADS chỉ chủ động ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước, còn các khoản thu cho doanh nghiệp nhà nước thì việc ra quyết định thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án để đảm bảo tính chủ động của cơ quan THADS và sự bình đẳng của đương sự trong quá trình thi hành án. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước trong việc không kịp thời nộp đơn yêu cầu thi hành án, gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.
Sáu là, cần quy định về cơ chế phối hợp đặc thù giữa Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan THADS theo hướng: Cơ quan điều tra tiến hành xác minh nguồn gốc tiền, tài sản của người có hành vi phạm tội để tiến hành kê biên trong giai đoạn điều tra đối với tài sản là nhà, đất thì ngay khi lập biên bản kê biên phải đi thực tế để xem xét hiện trạng tài sản và tiến hành bàn giao cho cơ quan THADS để đảm bảo cho việc thi hành án, tránh trường hợp kê biên theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đã thu được, nơi lập biên bản kê biên là trụ sở Ủy ban nhân dân phường hoặc trụ sở Công an phường, khi Tòa án tuyên kê biên để đảm bảo thi hành án thì tài sản không đúng thực tế, không đồng nhất dẫn đến không tổ chức thi hành được.
Bảy là, cần hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thông qua các quy định cho phép theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở mọi thời điểm và mở rộng đối tượng thuộc diện kê khai tài sản (những người thân thích khác của người có chức vụ, quyền hạn như cha, mẹ, anh, chị, em) nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng kịp thời; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.
Tám là, cần nghiên cứu xây dựng pháp luật theo hướng quy định trách nhiệm chứng minh tài sản có nguồn gốc hợp pháp thuộc về người nắm giữ tài sản; nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng xử lý, thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc. Theo đó, nếu người có chức vụ, quyền hạn không chứng minh được tài sản của mình là hợp pháp thì có cơ sở xác định tài sản đó là tài sản tham nhũng.
Kỹ năng kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế
Vụ 11 VKSND tối cao phát hiện, xử lý một số vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự
-
1Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
-
2Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hành chính
-
3Bàn về việc xác định chủ thể kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong các trường hợp cơ quan nhà nước sáp nhập, chia, tách
Bài viết chưa có bình luận nào.