Bàn về kiểm sát thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
(kiemsat.vn) Khi thực hiện kiểm sát nội dung về quyền yêu cầu THADS của đương sự, một trong những hoạt động quan trọng của VKSND là xác định thời hiệu yêu cầu THADS của đương sự nhằm đảm bảo việc đồng ý hay từ chối tổ chức THADS của cơ quan THADS, của Chấp hành viên là đúng căn cứ pháp luật.
Quyền yêu cầu THADS là quyền của đương sự trong THADS, yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS. Việc đảm bảo quyền yêu cầu THADS của đương sự là một trong những nội dung thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” được ghi nhận tại Điều 5 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS).
Hoạt động THADS được thực hiện nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định về mặt thực tế. Khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện để yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án phải tiến hành nghiên cứu, xem xét yêu cầu thi hành án cùng các tài liệu kèm theo của đương sự để ra một trong các văn bản: Thông báo về việc từ chối yêu cầu THADS hoặc quyết định THADS; văn bản xử lý yêu cầu thi hành án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện hoạt động kiểm sát theo luật định. Theo quy định tại Điều 6 Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (sau đây gọi tắt là Quy chế số 810) đã quy định về kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu THADS, hành chính”; theo đó, khi kiểm sát việc nhận, từ chối yêu cầu thi hành án, VKSND kiểm sát về thẩm quyền, nội dung yêu cầu, thủ tục yêu cầu, việc tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu của cơ quan THADS; bảo đảm việc từ chối hoặc tiếp nhận THADS đúng căn cứ pháp luật. Một trong những nội dung quan trọng VKSND cần phải làm rõ là xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Theo quy định của Luật THADS, thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án. Theo đó, thời hiệu yêu cầu THADS được quy định như sau:
“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án”.
Việc nghiên cứu thời hiệu yêu cầu THADS có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đương sự có quyền yêu cầu thi hành án hay không, từ đó kịp thời thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị, đảm bảo hiệu quả hoạt động của VKSND khi kiểm sát THADS. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu quy định của pháp luật nói chung, thực tiễn công tác kiểm sát thời hiệu yêu cầu THADS nói riêng cho thấy việc thực hiện quy định của pháp luật về thời hiệu yêu cầu THADS có những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc áp dụng trong hoạt động THADS nói chung cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và hướng dẫn thi hành, cụ thể:
Quy định về thời hạn thực hiện quyền yêu cầu thi hành án dân sự
Luật thi hành án dân sự quy định thời hạn yêu cầu THADS là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THADS.
Với quy định trên, có thể hiểu thời điểm bắt đầu thực hiện quyền yêu cầu THADS của đương sự được bắt đầu từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cũng có thể hiểu khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự không có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành bản án, quyết định trên thực tế. Việc quy định quyền yêu cầu thi hành án chỉ đặt ra khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chưa được đầy đủ, không thống nhất với quy định tương ứng của Luật THADS về đối tượng được thi hành án. Theo quy định tại Điều 2 Luật THADS, đối tượng được tổ chức thi hành án bao gồm:
“1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Theo quy định tại Điều 30 Luật THADS, đương sự có quyền yêu cầu THADS khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; trong khi đó, tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS cũng quy định trong một số trường hợp, bản án, quyết định vẫn được tổ chức thi hành mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật như: Thi hành án về cấp dưỡng, trả công lao động, trợ cấp thôi việc… bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhằm kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích cho người được thi hành án. Vấn đề đặt ra là nếu như khoản 1 Điều 30 chỉ quy định thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền yêu cầu thi hành án là khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, đương sự có phải đợi đến thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới được thực hiện quyền yêu cầu không? Câu trả lời là không, vì trái với quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Do đó, việc quy định thời hiệu yêu cầu THADS được tính từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chưa đầy đủ, gây khó khăn cho việc xác định quyền yêu cầu thi hành án của đương sự. Để đảm bảo việc áp dụng hiệu quả và thống nhất quy định trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của Luật THADS như sau: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan THADS ra quyết định thi hành án”. Việc sửa đổi quy định theo nội dung trên là phù hợp và đảm bảo tính khoa học, bởi lẽ:
Thứ nhất, sử dụng thuật ngữ “hiệu lực thi hành án” được hiểu là hiệu lực thi hành của bản án, quyết định nói chung, bao gồm cả trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (hiệu lực thi hành án đương nhiên) và bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng có hiệu lực thi hành trên thực tế ngay. Với quy định này đảm bảo tính phù hợp với các quy định tương ứng, cũng như đảm bảo việc nhận thức và áp dụng thống nhất trong hoạt động THADS nói chung.
Thứ hai, sử dụng thuật ngữ “đương sự” thay vì “người được thi hành án, người phải thi hành án” trong pháp luật hiện hành thể hiện sự ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ trong quy định luật, bởi lẽ, đương sự trong THADS bao gồm “người được thi hành án, người phải thi hành án”.
Xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án trong trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án
Đối với các trường hợp hoãn thi hành án hoặc tạm đình chỉ thi hành án thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Vấn đề đặt ra là nhận thức và áp dụng quy định này như thế nào? Xử lý yêu cầu thi hành án trong trường hợp có quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án ra sao? Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này dẫn đến việc hiểu và áp dụng chưa thống nhất.
Trước hết, cần làm rõ việc ra quyết định hoãn hay tạm đình chỉ THADS có thể được ban hành tại hai thời điểm khác nhau, đó là: Khi đã ra quyết định THADS và khi chưa ra quyết định THADS. Trường hợp cơ quan THADS đã ra quyết định THADS (tức đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án đã tiến hành xem xét và ra quyết định THADS, đã tổ chức thi hành bản án, quyết định trên thực tế) thì việc hoãn THADS được thực hiện theo quy định tại Điều 48, việc tạm đình chỉ THADS được thực hiện theo quy định tại Điều 49 Luật THADS. Trường hợp này, thời gian hoãn hoặc tạm đình chỉ không liên quan đến việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án khi đương sự chưa yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu thi hành án nhưng chưa ra quyết định THADS mà có quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự. Cần lưu ý rằng, việc ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ trong trường hợp này nhằm đảm bảo thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có những căn cứ theo luật định. Theo đó, cơ quan THADS có quyền ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được văn bản yêu cầu hoãn THADS của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được; thời gian hoãn không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án. Trong trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ra văn bản kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì có quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án theo luật định.
Như vậy, khi ra văn bản yêu cầu hoãn hoặc ban hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi văn bản, quyết định cho cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để cơ quan THADS chủ động trong việc xử lý yêu cầu thi hành án của đương sự (nếu có). Thời gian hoãn để xem xét kháng nghị, tạm đình chỉ để giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án không ảnh hưởng đến thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự.
Tuy nhiên, nếu như trường hợp hoãn hoặc tạm đình chỉ THADS khi cơ quan THADS chưa ra quyết định thi hành án thì vấn đề đặt ra là cơ quan THADS sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự khi việc hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án đang có hiệu lực thi hành? Bởi lẽ, Luật THADS quy định kết quả xử lý yêu cầu thi hành án gồm: Tiếp nhận yêu cầu thi hành án (thể hiện bằng việc ra quyết định thi hành án) hoặc từ chối yêu cầu thi hành án. Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án khi đảm bảo các điều kiện như: Quyền yêu cầu, thời hiệu yêu cầu, trình tự, thủ tục yêu cầu, thẩm quyền của cơ quan THADS…; ra văn bản thông báo từ chối yêu cầu thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau:
“a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;
b) Cơ quan THADS được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án”.
Với nội dung này, yêu cầu của đương sự không thuộc trường hợp từ chối yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan THADS cũng chưa ra quyết định thi hành án được, vì đã có quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ để xem xét kháng nghị hoặc giải quyết kháng nghị. Tuy nhiên, hiện nay Luật THADS chưa quy định kết quả xử lý trong trường hợp này. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về THADS đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động THADS nói chung, hoạt động kiểm sát THADS nói riêng.
Xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án
Khác với trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án không ảnh hưởng thời hiệu yêu cầu thi hành án, Luật THADS quy định trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án thì thời gian hoãn thi hành án sẽ được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào là: Người được thi hành án đồng ý cho hoãn? Hiện nay, có hai ý kiến như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thể hiện sự “đồng ý” của người được thi hành án được đặt ra trong tất cả các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, bao gồm cả trường hợp hoãn, tạm đình chỉ để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, nếu như người được thi hành án đồng ý thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án; ngược lại, nếu người được thi hành án không đồng ý với việc hoãn, tạm đình chỉ thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Ý kiến thứ hai cho rằng, việc đồng ý hoãn thi hành án xuất phát từ việc thống nhất hoặc thỏa thuận giữa các bên đương sự trong THADS, là sự tự nguyện của người được thi hành án mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai, kể cả nhà nước; khi người được thi hành án tự nguyện cho người phải thi hành án được hoãn việc thi hành án thì người được thi hành án phải chấp nhận ảnh hưởng đến thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu thi hành án của mình. Vì vậy, trường hợp “người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án” độc lập với trường hợp hoãn, tạm đình chỉ liên quan đến việc thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Chúng tôi đồng ý với ý kiến thứ hai, bởi lẽ:
Theo Điều 6 Luật THADS quy định về “thỏa thuận thi hành án” như sau:
“1. Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án.
2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
Như vậy, việc thỏa thuận thi hành án giữa các đương sự được Nhà nước khuyến khích và đặt ra trước hoặc sau khi cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án, các bên đương sự có thể thỏa thuận với nhau các nội dung liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định trên thực tế như: Thời gian thực hiện thi hành án, cách thức thi hành án, tài sản thi hành án… Trước khi yêu cầu thi hành án mà đương sự có sự thỏa thuận với nhau về việc thi hành án thì phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận theo trình tự nhất định. Trường hợp đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận; các bên đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS đã quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”. Như vậy, văn bản thỏa thuận là căn cứ để xác định người được thi hành án có đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án hay không, sau khi đồng ý cho hoãn thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận thì người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định khi còn thời hiệu yêu cầu thi hành án theo luật định. Việc người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án độc lập với trường hợp cơ quan Thi hành án ra quyết định hoãn thi hành án, người có thẩm quyền kháng nghị ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Nếu như trường hợp hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án nhằm đảm bảo việc xem xét kháng nghị hoặc giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thể hiện ý chí của nhà nước mà không phụ thuộc vào ý chí của người được thi hành án (đồng ý hay không đồng ý) nhằm đảm bảo bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án đúng căn cứ pháp luật; thì trường hợp người được thi hành án đồng ý cho hoãn thi hành án thể hiện ý chí của người được thi hành án và chỉ do người được thi hành án quyết định. Xuất phát từ bản chất khác nhau nên hậu quả của việc hoãn cũng khác nhau (tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án hay không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự).
Có thể thấy rằng, thời hiệu yêu cầu THADS là nội dung có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định đương sự có hay không có quyền yêu cầu THADS; là căn cứ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của đương sự, đặc biệt là của người được thi hành án. Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát THADS nói chung, kiểm sát nội dung về thời hiệu yêu cầu THADS nói riêng cần nghiên cứu và đánh giá đầy đủ các vấn đề, tiêu chí liên quan đến thời hiệu yêu cầu thi hành án của đương sự, nhằm đảm bảo việc từ chối hay tiếp nhận yêu cầu THADS của cơ quan THADS là đúng căn cứ pháp luật. Với ý nghĩa quan trọng của thời hiệu yêu cầu thi hành án - là một trong những căn cứ để cơ quan THADS tiếp nhận hay từ chối yêu cầu thi hành án; đồng thời để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được đầy đủ và thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát THADS của Viện kiểm sát nhân dân, chúng tôi kiến nghị bổ sung hoàn thiện Quy chế số 810 về kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu THADS như sau:
“Điều 6: Kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu THADS, hành chính
Khi kiểm sát việc nhận, từ chối nhận yêu cầu thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát quyền yêu cầu, thời hiệu yêu cầu, nội dung yêu cầu, thủ tục thực hiện quyền yêu cầu, thẩm quyền tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự; bảo đảm việc tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu thi hành án có căn cứ, đúng quy định của Điều 31 Luật thi hành án dân sự 2014; Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự”./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.