Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai: Liệu có cần đại diện hộ dân sinh sống lâu đời?

10/05/2018 14:23

(kiemsat.vn)
Hòa giải tại UBND xã, phường đối với tranh chấp đất đai là thủ tục bắt buộc trước khi đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Việc quy định thành phần băt buộc là đại diện hộ dân sinh sống lâu đời, biết rõ nguồn gốc đất trong Hội đồng hòa giải đã gây những khó khăn trong quá trình hòa giải, dẫn đến việc giải quyết kéo dài.

 

Ảnh minh họa

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, phường, thị trấn được qui định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. 

Theo đó, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. (Khoản 2, 3 – Điều 202 Luật đất đai năm 2013).

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất; thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. (Điểm a, b, khoản 1, Điều 88 – NĐ 43/2014/NĐ-CP).

Đối với thành phần bắt buộc là “đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó” trên thực tế phát sinh một số bất cập đó là: Thành phần này là những người không có trách nhiệm công vụ, nên việc họ không tham gia hoặc từ chối tham gia hội đồng sẽ không có chế tài bắt buộc. 

Mặt khác, việc xác định được người sinh sống lâu đời và biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các khu vực đô thị hóa nhanh, các mặt bằng tái định cư việc thay đổi nhân khẩu trong khu vực này cũng rất thường xuyên, nên đối tượng sinh sống lâu đời ở các khu vực này rất khó xác định. 

Đối với khu vực nông thôn, đất khu dân cư lâu năm thì có thể  xác định được người sinh sống lâu đời và biết rõ về nguồn gốc thửa đất có tranh chấp, nhưng việc mời đối tượng này tham gia Hội đồng giải quyết tranh chấp về đất đai cũng không phải dễ, bởi họ ngại va chạm, sợ mất lòng v.v... 

Trong các trường hợp nêu trên, việc giải quyết tranh chấp về đất đai gặp khó khăn do thiếu đi thành phần bắt buộc mà pháp luật qui định. Điều này có thể gây những hệ quả phức tạp như việc giải quyết tranh chấp đất đai kéo dài; nếu đưa lên giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì phát sinh quan điểm cho rằng thủ tục giải quyết ban đầu chưa đảm bảo, không đủ thành phần, thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện do chưa đủ điều kiện khởi kiện và như vậy thì không biết đến khi nào mới được giải quyết dứt điểm yêu cầu của mình.

Vì vậy, để khắc phục vướng mắc này, cần phải sửa qui định về thành phần tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp về đất đai tại xã, phường, thị trấn qui định tại Điều 88 - Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Nên qui định thành phần “đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó” là thành phần không bắt buộc mà tùy trường hợp cụ thể, để cấp chính quyền địa phương giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời đảm bảo đúng qui định của pháp luật, tránh gây khó khăn phiền hà cho nhân dân./.

Xem thêm>>>

Điều kiện để công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở

Kinh nghiệm thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết tranh chấp đất đai

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang