"Quyền im lặng" của bị cáo và những yêu cầu với Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự
(kiemsat.vn) Bị cáo trong một số vụ án được dư luận xã hội quan tâm gần đây đã triệt để sử dụng quyền im lặng. Tinh thần và những nội dung cốt lõi của “Quyền im lặng” lần đầu tiên được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015, song đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện; từ đó dẫn đến nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án.
Những điểm mới về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Bàn về giới hạn xét xử trong BLTTHS năm 2015
Áp dụng án lệ trong giải quyết án dân sự, hành chính
Ngày 16/5/2018, phiên toà xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình được đưa ra xét xử. Trong phần xét hỏi, khi đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại toà tiến hành thẩm vấn “nhân vật chính” trong vụ án là bị cáo Hoàng Công Lương, 32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình bị truy tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Lương trả lời, do bị VKS quy kết tội nên bị cáo xin được giữ quyền im lặng. Bị cáo uỷ quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội.
Trước đó, ngày 22/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án “hoa hậu” Trương Hồ Phương Nga về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (16,5 tỷ). Tại phần thẩm vấn, khi trả lời câu hỏi của đại diện VKS, Phương Nga đã nói: “Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh tội trạng của bị cáo, nghĩa vụ này là của cơ quan công tố”, dù được Tòa giải thích nếu bị cáo từ chối việc tự bào chữa cho chính mình thì cũng là một cách tự gây thiệt hại. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xét xử, Phương Nga vẫn kiên quyết sử dụng “Quyền im lặng” nhằm “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Ngày 29/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung. Sau đó, vụ án đã được cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với bị can. Và mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị can Trương Hồ Phương Nga.
Ảnh minh họa |
“Quyền im lặng” là gì?
Thuật ngữ “Quyền im lặng” bắt nguồn từ Mỹ, với nguyên tắc “Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình”. Theo đó, người bị bắt giữ, trước khi bị thẩm vấn, biết rõ họ có quyền giữ im lặng; bất cứ điều gì người ấy khai báo sẽ được dùng xem là chứng cứ để chống lại họ ở Tòa án. Người bị buộc tội chỉ có thể khai báo khi có mặt luật sư. Quyền có được bào chữa và quyền im lặng là 2 trong số các quyền cơ bản được luật pháp nước Mỹ quy định.
Ở nước ta, “Quyền im lặng” không được quy định cụ thể trong luật; BLTTHS năm 2015 không nêu khái niệm về “Quyền im lặng”, nhưng đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 như: Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13); “Xác định sự thật của vụ án” (Điều 15); “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16); “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26). Điều 59 đến Điều 62 BLTTHS năm 2015 quy định quyền của người bị buộc tội (gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử. Tuy nhiên, đây có phải chính là nội hàm, tinh thần cốt lõi của “Quyền im lặng” được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015 hay không? Trên thực tế, “Quyền im lặng” được hiểu và áp dụng khác nhau ở các chủ thể (người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo, Luật sư, Điều tra viên, Kiểm sát viên…) mang tính đối lập nhau, thể hiện như sau:
Một là, người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo luôn cho rằng “Quyền im lặng” được thể hiện xuyên suốt ở các giai đoạn tố tụng của vụ án, họ “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, vì nghĩa vụ chứng minh họ có tội hay không thuộc về Cơ quan điều tra, VKS. Riêng giới luật sư luôn cổ súy, nhiệt tình ủng hộ các” “thân chủ” của mình thực hiện “Quyền im lặng” ở các giai đoạn tố tụng, nhất là khi vụ án được đưa ra xét xử.
Hai là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán) luôn gặp lúng túng, bất ngờ khi bị can, bị cáo… thực hiện “Quyền im lặng”. Do trong BLTTHS năm 2015 và các văn bản dưới luật chưa có quy định cụ thể hoặc hướng dẫn; hơn thế nữa chưa có tài liệu nghiệp vụ nào quy định về cách thức, trình tự, thủ tục để các cơ quan và người tiến hành tố tụng thực hiện khi bị can, bị cáo thực hiện “Quyền im lặng”. Hơn nữa, lịch sử tố tụng hình sự luôn quy định, tiến trình tố tụng đối vụ án (điều tra, truy tố, xét xử) gắn liền với lời trình bày bằng lời nói, chữ viết của bị can, bị cáo về việc “thừa nhận, không thừa nhận” hành vi phạm tội của họ; việc “im lặng”, không khai báo, từ chối khai báo luôn được xem là bất hợp tác, không thành khẩn, gây bất lợi cho chính họ trong quá trình xử lý vụ án.
Ba là, qua 2 vụ án nói trên cho thấy, thời điểm được các bị cáo (Trương Hồ Phương Nga, Hoàng Công Lương) thực hiện đều trong giai đoạn xét xử; các bị cáo đều cho rằng do bị cáo buộc tội, nên dẫn đến họ sử dụng “Quyền im lặng” để bảo vệ mình. Từ đó cho thấy, đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa là đối tượng chính bị tác động khi các Luật sư, bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”. Vụ án sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xét xử, có thể sẽ diễn ra ở hướng bị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc bị cáo được tuyên không phạm tội. Ở thời điểm này bản lĩnh, năng lực của Kiểm sát viên phải được chứng minh để bảo vệ công lý, để tội ác phải bị trừng phạt.
Ảnh minh họa |
Vậy khi nào, giai đoạn tố tụng nào bị can, bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”?
Thực tiễn lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam nói chung, “Quyền im lặng” được người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo sử dụng rất ít. Qua nghiên cứu cho thấy, “quyền im lặng” được các bị cáo sử dụng ở các trường hợp sau:
- Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan ngôn luận đưa tin, bình luận trái chiều.
- Có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý vụ án (có tội, không có tội, khác nhau về tội danh, về chứng cứ…).
- Các bị can, bị cáo không nhận tội, có nhiều luật sư tham gia (bị cáo Phương Nga, Hoàng Công Lương đều cho rằng mình không phạm tội; bị cáo Nga có 3 luật sư bào chữa, Lương có 4 luật sư).
- Thời điểm các bị cáo sử dụng “Quyền im lặng” là lúc vụ án được đưa ra xét xử, khi biết mình bị VKS truy tố theo điều, khoản cụ thể của Bộ luật Hình sự. Ở đó bị cáo, luật sư sử dụng “Quyền im lặng” nhằm chống lại cáo buộc của VKS.
Những lưu ý đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố ở các vụ án có bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”
Với những phân tích ở trên, theo chúng tôi, trước, trong khi thực hành quyền công tố đối với các vụ án này, Kiểm sát viên cần lưu ý những nội dung sau:
Một là, ngoài bản lĩnh nghiệp vụ, Kiểm sát viên phải có thần kinh thép, có niềm tin vững chắc về pháp luật về quyết định truy tố của VKS là chính xác, để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý.
Hai là, nắm chắc, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các chứng cứ được sử dụng để buộc tội. Do bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”, nên KSV chỉ công bố các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố kết hợp với xét hỏi các bị cáo khác, bị hại, người làm chứng… tại phiên tòa.
Ba là, có đề cương, kế hoạch xét hỏi chính xác, khoa học, đúng trọng tâm; trong đó cần chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ khoa học để kịp thời lập luận, bác bỏ các tài liệu, lời khai nại của bị cáo (nếu có) và Luật sư đưa ra. Lưu ý ở trường hợp này, do bị cáo ủy quyền cho các luật sư bào chữa cho mình, nên KSV còn tập trung “đấu” với các Luật sư. Vì vậy, cần tập trung vào nội dung chính, không được sa đà, hoặc bị dẫn dụ vào những nội dung không cần thiết, theo ý đồ sắp đặt sẵn của người bào chữa.
Bốn là, có kế hoạch dự phòng ở trường hợp xấu nhất sẽ diễn ra (ví dụ: Bị cáo khác, bị hại, nhân chứng… thay đổi lời khai trước đó được Kiểm sát viên dự định sử dụng làm chứng cứ buộc tội). Có kế hoạch về sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Viện về những vấn đề phát sinh tại phiên tòa; sự hỗ trợ về nghiệp vụ đơn vị, cơ quan để cung cấp kịp thời các tài liệu cần thiết do bị cáo, Luật sư đưa ra.
Trên đây là những quan điểm của cá nhân về những vấn đề pháp lý xảy ra khi bị cáo sử dụng “Quyền im lặng”, và những khó khăn, vướng mắc Kiểm sát viên gặp phải ở các phiên tòa nêu trên; rất mong nhận được sự trao đổi, chia sẻ từ các đồng nghiệp.
Nguyễn Hoàng Hà
VKSND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Tạp chí Kiểm sát số 13/2018
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.