Quan hệ công tác giữa viện pháp y tâm thần trung ương với các cơ quan tiến hành tố tụng trong tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh

12/10/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Thực tiễn công tác phối hợp giữa Viện pháp y tâm thần trung ương với các cơ quan tiến hành tố tụng trong tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến những bất cập của Nghị định số 64/2011, cần sớm được sửa đổi, bổ sung.

1. Vị trí, vai trò của Viện pháp y tâm thần trung ương trong việc tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh

Viện pháp y tâm thần Trung ương là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế. Viện có phân viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung đặt tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Viện chịu sự quản lý nhà nước về y tế của Bộ Y tế, sự quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp của Bộ Y tế và Bộ Tư pháp; sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân thành phố Hà Nội, nơi đơn vị đặt trụ sở chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nơi đơn vị đặt Phân viện pháp y tâm thần Bắc miền Trung. Tại Điều 6 Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện pháp y tâm thần trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 6015/QĐ-BYT ngày 27/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế) quy định: “Viện pháp y tâm thần trung ương có chức năng thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của Luật giám định tư pháp và pháp luật tố tụng; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chỉ đạo tuyến, tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp y tâm thần; tham gia khám và điều trị bệnh nhân tâm thần theo quy định của pháp luật”. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện là điều trị bắt buộc bệnh nhân tâm thần theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Nghị định số 64/2011). Theo Nghị định này, Viện pháp y tâm thần trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh tâm thần ở các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc. Thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ điều trị bắt buộc chữa bệnh tâm thần được Viện triển khai theo đúng quy định của pháp luật có liên quan, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận và đóng góp tích cực cho công tác điều trị bắt buộc bệnh nhân tâm thần.

2. Thực trạng công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

2.1. Công tác điều trị bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh

Từ khi mới thành lập, Viện thực hiện nhiệm vụ điều trị bắt buộc bệnh nhân tâm thần theo Thông tư liên tịch số 03/TTLT ngày 24/9/1997 của Bộ Nội vụ,  Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Từ khi Nghị định số 64/2011 được ban hành, Viện pháp y tâm thần đã thực hiện điều trị bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo đúng quy định của Nghị định và Luật thi hành án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự; đồng thời nghiêm túc thực hiện Quyết định số 5091/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 của Bộ Y tế về quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trung bình hàng năm, Viện pháp y tâm thần trung ương tiếp nhận và quản lý điều trị từ 100 đến 150 người bệnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, Viện tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, quy chế chuyên môn của ngành và sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Viện tiếp nhận tất cả các trường hợp vào điều trị bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng về điều trị bắt buộc tại Viện pháp y tâm thần trung ương. Cơ quan tiến hành tố tụng khi đưa người bệnh đến có đầy đủ thủ tục sẽ được Viện tiếp nhận gồm: Quyết định bắt buộc chữa bệnh (bản gốc), lý lịch bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh, văn bản ghi nhận quá trình giám định pháp y tâm thần, kết luận  giám định pháp y tâm thần (bản sao) và các loại giấy tờ khác (nếu có).

 Người bệnh vào khoa lâm sàng được quản lý, điều trị bệnh theo đúng chuyên khoa tâm thần. Trong quá trình điều trị sẽ được hội chẩn đánh giá tình trạng tâm thần theo quy định. Sau khi điều trị người bệnh ổn định, xét thấy không cần thực hiện bắt buộc chữa bệnh tâm thần, Viện thực hiện hội chẩn và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng về việc người bệnh không cần bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 64/2011 và Điều 139 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

2.2. Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

- Trong tiếp nhận bệnh nhân: Khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển bệnh nhân và đầy đủ hồ sơ của bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh đến, Viện Pháp y tâm thần Trung ương thực hiện tiếp nhận bệnh nhân, lập biên bản bàn giao theo quy định và làm ngay công văn thông báo cho cơ quan đề nghị và cơ quan ra quyết định bắt buộc chữa bệnh về việc đã tiếp nhận bệnh nhân để điều trị.

- Trong quản lý, điều trị bệnh nhân: Viện pháp y tâm thần trung ương thực hiện điều trị cho bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh theo đúng chuyên khoa tâm thần, định kỳ hội chẩn đánh giá tình trạng bệnh. Khi cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản hỏi về tình trạng bệnh lý, diễn biến điều trị, kết quả điều trị của bệnh nhân, Viện sẽ hội chẩn để đánh giá tình trạng bệnh tại thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng hỏi để trả lời cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp bệnh nhận phát sinh các bệnh lý khác ngoài chuyên khoa tâm thần, Viện đưa bệnh nhân đi cấp cứu hoặc khám chuyên khoa, nếu bệnh nhân phải điều trị nội trú, đơn vị sẽ có văn bản thông báo tới cơ quan đề nghị, cơ quan ra quyết định bắt buộc chữa bệnh biết. Khi bệnh nhân đã điều trị ổn định hoặc khỏi các bệnh lý chuyên khoa khác và quay trở lại Viện tiếp tục điều trị bắt buộc chữa bệnh, Viện làm văn bản thông báo việc bệnh nhân đã đến Viện tiếp tục bắt buộc chữa bệnh tới các cơ quan nêu trên. Trường hợp bệnh nhân bỏ trốn, đơn vị tiến hành lập biên bản, tổ chức truy tìm, đồng thời ra văn bản thông báo việc bệnh nhân trốn viện tới cơ quan đề nghị, cơ quan ra quyết định bắt buộc chữa bệnh, PC10 - Công an thành phố Hà Nội và gia đình bệnh nhân và đề nghị phối hợp hỗ trợ truy tìm để đưa bệnh nhân trở lại Viện tiếp tục điều trị.

- Trong đình chỉ bắt buộc chữa bệnh: Khi bệnh của bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc ổn định, Viện Pháp y tâm thần Trung ương làm công văn thông báo cho cơ quan đề nghị, cơ quan ra quyết định bắt buộc chữa bệnh để ra quyết định trưng cầu giám định sức khỏe tâm thần sau bắt buộc chữa bệnh theo quy định. Khi nhận được quyết định trưng cầu, Viện thực hiện giám định sức khỏe tâm thần, đánh giá tình trạng bệnh tâm thần hiện tại của bệnh nhân gửi cho cơ quan ra quyết định trưng cầu và cơ quan ra quyết định bắt buộc chữa bệnh để đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Khi có quyết định này, cơ quan đề nghị bắt buộc chữa bệnh đến làm thủ tục đón bệnh nhân, Viện pháp y tâm thần Trung ương làm thủ tục cho bệnh nhân ra viện, đồng thời lập biên bản giao nhận bệnh nhân theo khoản 3 Điều 139 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

2.3. Những vướng mắc, bất cập trong quan hệ phối hợp và quy định của pháp luật hiện hành

Thứ nhất, về tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh: Một số cơ quan tiến hành tố tụng đưa người đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh nhưng thiếu một hoặc một số giấy tờ có liên quan như: Có lý lịch cá nhân của đối tượng nhưng không dán ảnh; quyết định bắt buộc chữa bệnh không chỉ định rõ đơn vị thực hiện việc bắt buộc chữa bệnh, kết luận giám định pháp y tâm thần và văn bản ghi nhận quá trình giám định pháp y tâm thần chỉ là bản copy thông thường, không có xác nhận sao y bản chính… Tình trạng này dẫn tới việc phối hợp làm thủ tục vào Viện gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.

Thứ hai, về việc quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh tâm thần: Nghị định số 64/2011 quy định việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biết đối xử. Căn cứ quy định này, nhiều người bệnh và người nhà người bệnh có ý kiến đề nghị Viện thực hiện đúng theo quy định và đòi hỏi được đưa người bệnh ra khỏi khu điều trị. Do đó, Viện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bệnh nhân.

Người bệnh tâm thần vừa có yếu tố tội phạm vừa có yếu tố bệnh tâm thần nên đôi khi có trường hợp bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và người thân bị người bệnh tấn công, đe dọa, bắt làm con tin; bệnh nhân tuân thủ không nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế của Viện. Khi người bệnh trốn viện, việc thực hiện nhiệm vụ truy tìm và đưa người bệnh trở lại điều trị rất vất vả, áp lực, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng vì đơn vị chỉ là cơ sở y tế, không có nghiệp vụ và trang thiết bị hỗ trợ như ngành Công an.

 Tại Điều 10 Nghị định số 64/2011 về giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh trốn có quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ sở bắt buộc chữa bệnh. Trong quá trình thực hiện, có vấn đề bất cập xảy ra như sau: (1) Thông báo về việc bệnh nhân trốn viện của Viện gửi đến Công an thành phố nhưng không nhận được phản hồi về việc phối hợp truy tìm; (2) Không nhận được phản hồi về việc phối hợp tiếp theo trong việc truy tìm và giải quyết tiếp khi người bệnh đã trốn Viện của cơ quan ra quyết định bắt buộc chữa bệnh và cơ quan đề nghị ra quyết định bắt buộc chữa bệnh. Một số cơ quan sau khi nhận được công văn đề nghị phối hợp truy tìm bệnh nhân trốn, có văn bản thông báo kể từ thời điểm bàn giao bệnh nhân cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh, việc quản lý thuộc cơ sở bắt buộc chữa bệnh và đề nghị cơ sở bắt buộc chữa bệnh có trách nhiệm truy tìm bệnh nhân và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng. 

Khi người bệnh đang điều trị bệnh tâm thần mà phát sinh các bệnh khác ngoài bệnh tâm thần phải đi điều trị theo chuyên khoa sâu, Viện pháp y tâm thần trung ương gặp khó khăn trong công tác quản lý, nhất là vấn đề ăn ở, đi lại: Có cơ sở y tế khi người bệnh đến thì đồng ý tiếp nhận bàn giao để quản lý điều trị, có cơ sở y tế không đồng ý mà đề nghị Viện ở lại quản lý người bệnh. Khi tiếp nhận thông báo về tình trạng bệnh nhân phải chuyển Viện điều trị, có nhiều gia đình không phối hợp, dẫn đến Viện gặp khó khăn về nhân lực để quản lý người bệnh tại các cơ sở y tế này. Ngoài ra, một số bệnh nhân có chỉ định thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, cơ sở y tế thực hiện thủ thuật, phẫu thuật yêu cầu đại diện gia đình ký giấy cam kết đồng ý thực hiện thực hiện thủ thuật, phẫu thuật mới tiến hành; trong khi phía đơn vị chỉ là nhân viên y tế đưa đi không thể đại diện cho gia đình. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, Viện cũng không phải là người được chỉ định giám hộ cho bệnh nhân.

Thứ ba, về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong thi hành quyết định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh: Nhiều trường hợp khi làm công văn thông báo tình trạng người bệnh đã ổn định, không cần bắt buộc chữa bệnh, đề nghị ra quyết định trưng cầu giám định để làm các thủ tục giải quyết cho người bệnh ra viện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chậm ra quyết định; dẫn tới tình trạng, đơn vị phải làm công văn nhiều lần, làm kéo dài quá trình điều trị.

Việc sử dụng từ ngữ chuyên môn trong Nghị định số 64/2011 cũng chưa phù hợp dẫn tới cơ quan tiến hành tố tụng đòi hỏi người bệnh phải khỏi bệnh mới làm các thủ tục tiếp theo để giải quyết cho người bệnh ra viện. Trong khi đó, một số bệnh tâm thần chỉ là ổn định bệnh và nguy cơ tái phát cao nhưng vẫn phải kết luận là khỏi bệnh, dẫn tới trong công tác chuyên môn phải “lách từ” để phù hợp với quy định của Nghị định số 64/2011. Một số trường hợp khi có quyết định đình chỉ việc thực hiện bắt buộc chữa bệnh của người bệnh, cơ quan tiến hành tố tụng và gia đình không đến đón người bệnh, nên Viện phải đưa người bệnh về tận địa phương để bàn giao cho địa phương. Nhiều trường hợp khi về bàn giao, địa phương và gia đình không nhận người bệnh trở lại…

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành về công tác điều trị bắt buộc bệnh nhân tâm thần để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quy định của pháp luật.

Thứ hai, Nghị định số 64/2011 quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh là một văn bản quy định rất cụ thể, chi tiết, có tính hướng dẫn nghiệp vụ cao cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn; trong đó, chú trọng quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và phân định rõ: Quản lý đối tượng điều trị bắt buộc là trách nhiệm của ngành Công an; chăm sóc, khám bệnh và điều trị là trách nhiệm của ngành Y tế; đồng thời phải có chế tài cụ thể khi không tuân thủ quy định.

Thứ ba, do tính chất phức tạp của cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn với Viện pháp y tâm thần trung ương trong quá trình tiếp nhận, quản lý, điều trị người bắt buộc chữa bệnh để đơn vị có thể tham gia hiệu quả vào quá trình tố tụng.

Thứ tư, bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện công tác điều trị bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh tâm thần, nhất là khi bệnh nhân điều trị bệnh ngoài bệnh tâm thần; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đặc thù cho đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế của Viện pháp y tâm thần trung ương để đáp ứng yêu cầu trực tiếp quản lý bệnh nhân và phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý phạm nhân./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang