Phương thức, thủ đoạn của tội phạm về ma túy trong đại dịch Covid-19 và giải pháp phòng, chống
(kiemsat.vn) Bài viết phân tích khái quát phương thức và thủ đoạn của tội phạm về ma túy ở Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid-19 (2020-2022), từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thời gian tới.
Một số vấn đề về giải quyết vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát trong điều tra các vụ án ma túy
Bất cập trong quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án “Đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”
1. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm về ma túy giai đoạn Covid-19
Trong thời gian đại dịch Covid-19, cả trong nội địa cũng như hầu hết các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, sân bay quốc tế vẫn ghi nhận hoạt động phức tạp của tội phạm về ma túy. Trong năm đầu tiên của thời kỳ đại dịch Covid-19 (năm 2020), theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 738,35kg heroin; 3.430kg, 2.066.637 viên ma túy tổng hợp và 254,4kg cần sa. So sánh với năm 2019 cho thấy, tình hình tội phạm về ma túy tăng 12,85% số vụ và 9,15% số đối tượng, đặc biệt tăng 113,24% số viên ma túy tổng hợp. Đến năm 2021, tình hình Covid-19 ở Việt Nam tiếp tục phức tạp và gia tăng, nhất là tại khu vực phía Nam, số vụ ma túy tăng 2,3% so với năm 2020 với 26.193 vụ; số viên ma túy tổng hợp bị thu giữ tăng 9,9% với 2,3 triệu viên và đặc biệt, số cần sa bị thu giữ tăng 286,9% với hơn 990kg. Năm 2022 (khi Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát), theo báo cáo của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy ngày 10/3/2023 tại Hà Nội, cả nước bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 809 kg heroin; 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867 kg cần sa và trên 01 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy, số liệu này cho thấy sự gia tăng đáng kể về số vụ, số đối tượng và số lượng ma túy, đặc biệt số lượng cần sa thu giữ cao gấp 3,5 lần so với năm 2020.
Với quy luật hoạt động đơn tuyến, có tính xuyên biên giới, gắn liền tất yếu với hoạt động vận chuyển và tiêu thụ ma túy, tội phạm về ma túy cũng có những điều chỉnh và thay đổi về phương thức và thủ đoạn hoạt động trong thời gian đại dịch Covid-19, có thể nhìn nhận khái quát trên một số đặc điểm và khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, tội phạm về ma túy vẫn tiếp tục duy trì các thủ đoạn phi truyền thống trong thời gian đại dịch Covid-19. Về phương thức liên lạc, các đối tượng tiếp tục sử dụng thủ đoạn thường xuyên thay đổi số điện thoại, sử dụng sim khuyến mãi, sim rác, sử dụng mỗi lần một điện thoại di động, hoặc sử dụng cùng lúc nhiều số để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng liên lạc với nhau bằng bí danh, tiếng lóng, ngôn ngữ bản địa để trao đổi thống nhất về hoạt động mua bán ma túy. Về phương thức cất giấu ma túy, tội phạm vẫn lợi dụng tối ưu các khoảng trống tự nhiên hoặc gia cố thêm vào đồ vật và phương tiện giao thông (bình xăng, cốp xe, ghế, cánh cửa, gầm xe, lốp xe…), mũ bảo hiểm, đồ gỗ mỹ nghệ, hàng hóa, thùng loa, gói trà hoặc trong cơ thể, đặc biệt nhiều vụ giấu ma túy vào hàng hóa thiết yếu được phân phối trong thời gian dịch bệnh như mỳ tôm, bánh mỳ, khẩu trang y tế…
Thứ hai, tội phạm về ma túy hình thành những thủ đoạn mới, tinh vi và phức tạp hơn để thích nghi với bối cảnh kiểm soát xã hội trong thời gian đại dịch Covid-19, gây khó khăn cho hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như các nước có liên quan, cụ thể như sau:
- Theo các tuyến đường bộ và biên giới, khi lực lượng chức năng tăng cường trấn áp mạnh, có sự phối hợp quốc tế giữa Việt Nam và các nước, nhất là các nước có chung đường biên giới (Lào, Trung Quốc, Campuchia) để gia tăng kiểm soát trong thời gian đại dịch Covid-19, các đối tượng đã lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy bằng các xe tải chở hàng hóa lương thực (xe luồng xanh) thông qua các chốt kiểm soát phòng, chống dịch nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Trên tuyến Việt Nam - Campuchia ma túy được vận chuyển trên xe ô tô có treo logo giả của cơ quan Nhà nước để vượt qua các trạm kiểm soát và lực lượng chức năng. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc trấn áp mạnh tội phạm về ma túy, xây dựng hàng rào và kiểm soát chặt chẽ đường biên giới với Việt Nam do tình hình dịch Covid-19, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã móc nối với các đối tượng trong nước để đầu tư kinh doanh, thuê kho, xưởng, căn hộ chung cư để điều hành việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ khu vực Tam giác Vàng qua Lào, Thái Lan, Campuchia đưa vào Việt Nam tập kết với thủ đoạn mới và rất tinh vi.
- Trên các tuyến hàng không, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên việc vận chuyển hành khách qua tuyến hàng không bị tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ. Tội phạm về ma túy xuyên quốc gia đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa (thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, quần áo…), quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không (lợi dụng chính sách thông quan điện tử) để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu như Hà Lan, Pháp, Đức, Séc, Bỉ… về Việt Nam tiêu thụ và vận chuyển đi các nước.
- Trên tuyến biển, tội phạm về ma túy cũng xuất hiện những thủ đoạn mới trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, các đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng của hải quan trong xuất, nhập khẩu (hưởng ưu đãi “luồng xanh”), từ đó dễ dàng vận chuyển container hàng hóa, trong đó cất giấu ma túy để đưa ra nước ngoài. Có những vụ phát hiện đối tượng cất giấu ma túy trong các khối đá granit hàng chục tấn, trọng điểm là các cảng biển tại khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thứ ba, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tội phạm về ma túy đã điều chỉnh thủ đoạn theo hướng lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội như: Sử dụng phương thức liên lạc qua mạng xã hội (chủ yếu là zalo, facebook, telegram, viber…) và một số mạng chìm (deep web) gây khó khăn rất lớn cho hoạt động phát hiện và điều tra tội phạm. Đặc biệt, nhiều đối tượng và băng, nhóm tội phạm đã thay đổi phương thức thanh toán giao dịch thông qua sử dụng mạng Internet, thẻ ngân hàng quốc tế hoặc tinh vi hơn là sử dụng tiền ảo (như bitcoin, ethereum) trong giao dịch ma túy....
Thời gian đại dịch Covid-19 còn phát hiện thủ đoạn đối tượng đưa các chất ma túy vào các loại hàng hóa, thực phẩm như bánh kẹo, nước uống với hình thức hấp dẫn rồi rao bán trên mạng Internet, nhằm thu hút giới trẻ, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên mua và sử dụng.
Dự báo sau đại dịch Covid-19, những hệ lụy tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội như tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm... dẫn đến đời sống người dân khó khăn. Trong khi đó, số người nghiện vẫn tăng trong và sau thời gian đại dịch Covid-19, tính đến thời điểm cuối năm 2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý, còn 777 điểm, 68 tụ điểm sử dụng ma túy. Đến thời điểm đầu năm 2023, số người nghiện được thống kê là khoảng 262.000 người, vẫn tăng lên đáng kể, thêm gần 20.000 người nghiện mới. Những yếu tố trên là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm về ma túy thêm phức tạp về thủ đoạn, gia tăng về mức độ, tính chất. Theo kết quả nhận định của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy, thời gian tới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều dạng ma túy mới. Đặc biệt, ma túy núp bóng các sản phẩm đồ uống, ngụy trang dưới danh nghĩa thực phẩm, thuốc lá thế hệ mới. Việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên tăng nhanh, nhất là việc mua bán và sử dụng “bóng cười”, cùng với các loại ma túy được tẩm vào thực phẩm, nước uống và thuốc lá điện tử gia tăng phức tạp, gây mất trật tự xã hội, lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Có thể nói, những dạng ma túy mới sẽ đồng thời xuất hiện những thủ đoạn mới của hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng ma túy.
2. Đề xuất, kiến nghị
Từ nhận thức về tình hình và phương thức, thủ đoạn tội phạm về ma túy thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 như trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm ma túy thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nhận diện đúng, kịp thời tình hình và thủ đoạn của tội phạm về ma túy sau thời gian đại dịch Covid-19 kết thúc, từ đó đánh giá xu hướng và thực trạng để có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Bởi lẽ, tình hình tội phạm về ma túy sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhất là khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chính sách, biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, tội phạm về ma túy sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động. Các đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục lợi dụng và gia tăng các thủ đoạn truyền thống quen thuộc, tiếp tục “cộng sinh” cùng các tuyến lưu thông hàng hóa, mậu dịch, thương mại nội địa và xuyên quốc gia để phạm tội, trên cả tuyến đường bộ, đường biên giới, đường biển, đường hàng không và đường bưu điện. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ “nhạy cảm” trở lại bình thường, tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ có xu hướng gia tăng mạnh. Các đối tượng sẽ tiếp tục duy trì hình thức thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để đối phó với cơ quan chức năng.
Thứ hai, cần xác định mục tiêu cơ bản nhất của chiến lược phòng, chống ma túy là giảm nguồn cung, giảm cầu, giảm tác hại và công tác chỉ đạo phòng, chống ma túy ở các cấp đều phải thực hiện phương châm đánh vào gốc, triệt phá được toàn bộ đường dây, ổ nhóm, bắt giữ bằng được số đối tượng chủ mưu, cầm đầu và không để hình thành các đường dây, tụ điểm, các tuyến hoạt động xuyên khu vực, xuyên quốc gia. Bởi lẽ, quy luật của sự hình thành thủ đoạn của tội phạm về ma túy chịu tác động trực tiếp từ quy luật cung - cầu ma túy, chúng dễ dàng và linh hoạt thích nghi, tồn tại trong các điều kiện quản lý xã hội khác nhau, ví dụ như trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Có thể nhận xét rằng, lượng người nghiện ma túy lớn dẫn đến cầu ma túy không giảm trong thời gian đại dịch, các đối tượng vẫn lén lút sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Như vậy, yếu tố phong tỏa trong phòng, chống dịch Covid-19 không làm thay đổi tình trạng nghiện và nhu cầu sử dụng ma túy của đối tượng nghiện, tình hình tội phạm về ma túy vẫn phức tạp với những thủ đoạn mới, trong khi nhiều tội phạm khác dừng hoạt động hoặc giảm rất sâu.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma túy lợi dụng công nghệ cao để thực hiện các phương thức và thủ đoạn của quá trình vận chuyển và mua bán trong thời gian tới. Đặc biệt, cần làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện ra thủ đoạn liên lạc qua các hình thức mới như zalo, facebook, telegram, viber… và một số mạng chìm (deepweb), hoặc phương thức giao dịch, thanh toán qua thẻ ngân hàng quốc tế, tiền ảo (bitcoin, ethereum); chú trọng việc kiểm soát giao dịch ma túy tiềm ẩn trên các trang bán hàng online.
Thứ tư, việc đưa ra quyết sách phòng, chống ma túy cần bảo đảm có luận cứ trên cơ sở các tổng kết và đánh giá ở các cấp độ khác nhau, nhất là với những yếu tố mới xuất hiện do bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra. Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) và Công an các địa phương cần tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá chuyên đề về tình hình và thủ đoạn của tội phạm về ma túy trong bối cảnh đại dịch Covid-19; lập chính xác bản đồ tuyến và xác định các điểm nóng, phương thức và thủ đoạn mới của tội phạm về ma túy theo tỉnh và theo khu vực để có phương sách đấu tranh kịp thời và hiệu quả.
Thứ năm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ với các quốc gia có cùng mối quan tâm, nhất là các nước chung đường giáp biên giới với Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đẩy ma túy xa biên giới nước ta và kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy, đòi hỏi phải có chiến lược hợp tác quốc tế hiệu quả; cần thực hiện tốt hoạt động phối hợp chung với các quốc gia khác nhằm xác định được tội phạm nguồn, ma túy nguồn và nhận diện những phương thức, thủ đoạn của tội phạm về ma túy qua biên giới, xuyên quốc gia có liên quan; tiếp tục thực hiện và tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong phối hợp trấn áp và kiểm soát ma túy khu vực giáp biên, truy bắt tội phạm về ma túy ngay từ bên kia biên giới, phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia; chú trọng tăng cường công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam để phòng ngừa, phát hiện sớm các đối tượng liên quan đến ma túy là người nước ngoài chuyển hướng lợi dụng đầu tư kinh doanh, thuê kho, xưởng, căn hộ chung cư tại Việt Nam để phạm tội.
VKSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma túy”
Vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” xảy ra tại Huế: Kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo
-
1Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
-
2Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hành chính
-
3Bàn về việc xác định chủ thể kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong các trường hợp cơ quan nhà nước sáp nhập, chia, tách
-
4Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (Kỳ II)
-
5Xác định là phạm tội chưa đạt, hay tội phạm đã hoàn thành đối với người phạm tội
Bài viết chưa có bình luận nào.