Phân cấp đối với Cán bộ điều tra

29/12/2018 18:17

(kiemsat.vn)
Cán bộ điều tra là một chức danh pháp lí của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Cán bộ điều tra là chức danh pháp lý

Trước khi có BLTTHS năm 2015, Cán bộ điều tra là cán bộ, chiến sĩ của Cơ quan điều tra tham gia vào một số hoạt động điều tra vụ án hình sự, nhưng chưa được quy định về quyền năng pháp lý trong tố tụng hình sự.

Trong BLTTHS năm 2015, Cán bộ điều tra được quy định là một chức danh pháp lí của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tại khoản 2 Điều 34 và khoản 2 Điều 35 với tư cách là người tiến hành tố tụng, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Chúng ta có thể hiểu Cán bộ điều tra là người của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực điều tra, hình sự, được bổ nhiệm chức danh pháp lý Cán bộ điều tra theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, giúp Điều tra viên Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của tố tụng hình sự và pháp luật về điều tra hình sự.

Phân cấp thẩm quyền điều tra

Phân cấp đối với Cán bộ điều tra căn cứ trên cơ sở phân cấp thẩm quyền điều tra. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra quy định tại khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015 như sau:

a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

c) Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.”

Đối với Cơ quan điều tra VKSNDTC, khoản 3 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.

Có thể phân chia Cán bộ điều tra ở 2 hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Phân cấp Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra

Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra của VKSND tối cao (Điều 4, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015).

Theo phân cấp cụ thể ở từng ngành, từng lực lượng thì Cán bộ điều tra có ở các cấp của các Cơ quan điều tra như sau:

Cơ quan điều tra của Công an nhân dân gồm có: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp tỉnh) và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp huyện) (1).

Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực (2).  

Cơ quan điều tra của VKSND tối cao gồm: Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương (3)

Phân cấp Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

BLTTHS năm 2015 quy định Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân và các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 2015, và Điều 9 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015).

Cán bộ điều tra có ở các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Bộ đội biên phòng (có Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn biên phòng); cơ quan Hải quan (có Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Hải quan cửa khẩu); cơ quan Kiểm lâm (có Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm); Cảnh sát biển (có Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn, Hải đội và Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển); cơ quan Kiểm ngư (gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng); Các cơ quan của Công an nhân dân (có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh; Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trại giam); Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân (có trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương) (4).

Cán bộ điều tra chính là giai đoạn đầu tiên để cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra học việc, rèn luyện, phấn đấu để đạt được chức danh pháp lý cao hơn như Điều tra viên, Phó Thủ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc cấp trưởng, cấp phó của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

----------------------------------------------------

(1) Xem Điều 5 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

(2) Xem Điều 6 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

(3) Xem Điều 7 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

(4) Xem Điều 35 BLTTHS năm 2015 và các điều 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

H.D

Cho phạm nhân lao động ngoài khu vực Trại giam liệu có khả thi?

(Kiemsat.vn) - Dự thảo Luật Thi hành án hình sự bổ sung quy định: Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động.

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm

(Kiemsat.vn) - ​Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng, qua đó đánh giá được năng lực, trình độ chuyên môn cũng như khả năng ứng biến linh hoạt, nhạy bén của Kiểm sát viên trước những tình huống phát sinh tại phiên tòa.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang