Bàn về hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội
(kiemsat.vn) Bài viết phân tích, bình luận quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và đề xuất tiếp tục quy định, mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở so sánh với các quy định của pháp luật quốc tế và kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia.
Xây dựng nền tư pháp liêm chính phụng sự Tổ quốc và Nhân dân ở Việt Nam hiện nay
Rút kinh nghiệm vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai
Về nguyên tắc chủ quyền nhân dân trong pháp luật Việt Nam
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam, áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015), hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Mục 4 Chương XII - Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, bao gồm 04 loại hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. So với các quy định về hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội có sự giảm nhẹ đáng kể, thể hiện ở việc không quy định hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; không quy định hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội; các mức phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên đều thấp hơn đáng kể so với mức phạt tương ứng áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội. Các quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong BLHS năm 2015 hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng ta về “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội” được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, vừa là sự kế thừa các quy định từ BLHS năm 1999; đồng thời, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989…
Tuy nhiên, xu thế hài hòa hóa pháp luật hiện nay đặt các quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong BLHS năm 2015 trong sự so sánh với các quy định tương ứng của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Canada, Đức, Anh… Có thể nhận thấy, những hạn chế của BLHS năm 2015 về phạm vi áp dụng hình phạt tước tự do (hình phạt tù) của người chưa thành niên còn rộng, trong khi phạm vi áp dụng các hình phạt không tước tự do (hình phạt cảnh cáo, hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ) còn hẹp; các mức phạt đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn còn khá cao… Điều này đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa các quy định của BLHS năm 2015 và Luật tư pháp người chưa thành niên trong tương lai về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích và bình luận vấn đề này và đề xuất hoàn thiện hình phạt cảnh cáo áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trong hệ thống hình phạt hiện nay, cảnh cáo được quy định tại Điều 34 BLHS năm 2015 và là hình phạt nhẹ nhất áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp tội phạm là tội ít nghiêm trọng và người chưa thành niên có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt. Tính nghiêm khắc của hình phạt cảnh cáo thể hiện ở sự lên án công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, nhưng không tước bỏ hoặc hạn chế các quyền như quyền tự do, quyền tài sản, quyền sống của họ. Đối với hình phạt cảnh cáo hiện nay, có hai vấn đề cần tiếp tục trao đổi là: 1) Có nên tiếp tục duy trì hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt; 2) Nếu hình phạt cảnh cáo vẫn được duy trì, có nên mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội. Đối với từng vấn đề, tác giả có những quan điểm bình luận và đề xuất như sau:
1. Về quy định hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt
Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng hình phạt cảnh cáo là hình phạt quá nhẹ, “biện pháp cảnh cáo mặc dù được hiểu là một biện pháp khiển trách công khai của Nhà nước với người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt, song biện pháp này lại không đủ sức răn đe người phạm tội. Vì vậy, nếu áp dụng hình phạt này thực chất không đem lại hiệu quả về mục đích phòng ngừa chung”, “nội dung cưỡng chế của hình phạt này quá thấp, chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ đến tinh thần chứ không tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội”, do đó kiến nghị loại bỏ hình phạt này ra khỏi hệ thống hình phạt. Tác giả không hoàn toàn đồng tình với đề xuất này và cho rằng, hình phạt cảnh cáo có thể không đủ sự nghiêm khắc khi áp dụng đối với người phạm tội là người đã thành niên, nhưng lại hoàn toàn phù hợp để áp dụng đối với đối tượng đặc thù là người chưa thành niên phạm tội vì một số lý do:
Một là, mục đích chính khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là nhằm giúp họ nhận thức được sai lầm của mình và cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt cảnh cáo tuy không tước bỏ hoặc hạn chế quyền của người chưa thành niên phạm tội, nhưng có bản chất là sự lên án một cách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội. Hình phạt này tác động đến tinh thần của người phạm tội. Thông qua việc bị cảnh cáo một cách chính thức và nghiêm khắc bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người phạm tội có thể nhận thức rõ ràng những sai lầm của bản thân và tự cải tạo, giáo dục để trở thành người có ích cho xã hội.
Hai là, hiện nay, nhiều quốc gia được đánh giá cao về hệ thống tư pháp người chưa thành niên như Canada, Bungari… cũng quy định những hình phạt có bản chất tương tự như hình phạt cảnh cáo trong BLHS Việt Nam. Một trong những quốc gia điển hình vẫn duy trì hình phạt cảnh cáo áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là Canada. Pháp luật Canada quy định một hệ thống hình phạt áp dụng riêng với đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, toàn bộ quy định về điều kiện áp dụng và mức hình phạt đều nằm trong đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là Luật tư pháp hình sự thanh thiếu niên (YCJA). Điều 42 của YCJA quy định hình phạt khiển trách. Về cơ bản, khiển trách là một sự lên án hoặc cảnh cáo nghiêm khắc từ Thẩm phán trong những trường hợp người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, mà việc bị bắt giữ, trải qua quá trình xét xử và bị khiển trách dường như đủ để buộc người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội.
Điều 51 BLHS Bungari quy định hình phạt phê bình công khai, theo đó, “Phê bình công khai là hình phạt phê phán người phạm tội về tội phạm họ đã thực hiện bằng một thông báo cụ thể tới nơi họ sinh sống hoặc thông qua phương tiện truyền thông hoặc bằng hình thức khác do Tòa án quyết định”. Có thể nhận thấy, hình phạt phê bình công khai trong BLHS Bungari có tính chất tương tự hình phạt cảnh cáo trong BLHS Việt Nam, nhưng được quy định cụ thể hơn về phương thức phê bình người phạm tội bị kết án.
Ba là, theo kinh nghiệm của một số quốc gia, trong đó có Canada, hình phạt được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội hoàn toàn có thể là những hình phạt được quy định chuyên biệt, không nằm trong hệ thống các hình phạt của BLHS. Đạo luật YCJA của Canada quy định một hệ thống hình phạt áp dụng riêng với đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, toàn bộ quy định về điều kiện áp dụng và mức hình phạt đều nằm trong đạo luật này. Cách quy định này tạo thuận lợi cho việc triển khai các chính sách hình sự có tính giảm nhẹ đối với người chưa thành niên phạm tội, mà không gặp trở ngại về việc e ngại rằng các hình phạt được quy định là quá nhẹ, không đủ tính răn đe với đối tượng người phạm tội là người đã thành niên như vấn đề mà các quốc gia quy định hệ thống hình phạt áp dụng chung cho người phạm tội (bao gồm người chưa thành niên và đã thành niên) như Đức, Trung Quốc, Việt Nam… thường gặp phải.
Bốn là, việc duy trì hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng ta về “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, phù hợp với các yêu cầu và nội dung của nguyên tắc hạn chế việc sử dụng các biện pháp tước tự do của người chưa thành niên được đề cập trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em (UNCRC) mà Việt Nam là thành viên.
Với những phân tích trên, tác giả kiến nghị cần tiếp tục quy định hình phạt cảnh cáo là hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
2. Về phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội
Theo quy định của BLHS năm 2015, hình phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng theo cách phân loại tại Điều 9 BLHS năm 2015. Trong khi đó, Điều 12 BLHS năm 2015 quy định hai mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi trở lên. Cụ thể, người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, người chưa thành niên là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc, mặc dù hình phạt cảnh cáo nằm trong hệ thống các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng lại chỉ có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, mà không thể áp dụng hình phạt cảnh cáo với người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội do những tội mà nhóm này phải chịu trách nhiệm hình sự nằm ngoài phạm vi áp dụng của hình phạt này.
Đối với vấn đề này, tác giả kiến nghị cần sửa đổi nội dung quy định về hình phạt cảnh cáo theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo vì những lý do sau:
Một là, việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên đã được phân tích trên.
Hai là, ở khía cạnh tâm lý học, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối xử hà khắc hoặc gây sợ hãi, áp dụng chế tài không kèm theo hỗ trợ, các trường giáo dưỡng và trại giam, bêu xấu và hạ thấp nhân phẩm là những biện pháp xử lý không hiệu quả đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong khi đó, hình phạt cảnh cáo là sự lên án công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, hình phạt này không tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do, quyền tài sản của người chưa thành niên bị kết án, nhưng vẫn đủ sự nghiêm khắc và tác dụng giáo dục để áp dụng đối với người chưa thành niên
Ba là, trên thực tế, có những trường hợp người chưa thành niên là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội, về mặt phân loại tội phạm thì tội phạm do các đối tượng này thực hiện thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng xét về tính chất và mức độ nguy hiểm, vai trò trong vụ án thì họ lại là người đồng phạm có vai trò không đáng kể, hoặc người chưa thành niên là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nhưng hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm không lớn. Ví dụ: A biết B đang sửa xe đạp để đi “đánh nhau” nhưng lại hỗ trợ cho mượn dụng cụ để sửa xe… B có hành vi gây thương tích và phạm tội theo khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015. Trường hợp này, dù có áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt thì Tòa án cũng không thể tuyên hình phạt cảnh cáo đối với A được.
Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất sửa đổi quy định về phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng áp dụng với: 1) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án; 2) Người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội nghiêm trọng do vô ý.
Đào Phương Thanh
Những khó khăn khi xác định các thuộc tính của chứng cứ điện tử
-
1Bàn về hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội
-
2Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu
-
3Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết tranh chấp dân sự
-
4Triển khai thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
5Quy định “đã bị kết án” được xác định như thế nào đối với một số tội phạm về ma tuý?
Bài viết chưa có bình luận nào.