Cho phạm nhân lao động ngoài khu vực Trại giam liệu có khả thi?

28/12/2018 08:28

(kiemsat.vn)
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự bổ sung quy định: Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động.

Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi (Dự thảo Luật) đã được trình Quốc  hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Khóa XIV (tháng 10/2018).

Dự thảo Luật bổ sung điểm b vào khoản 4 Điều 17 như sau: “Căn cứ yêu cầu thực tế công tác của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định ”.

Khoản 5 Điều 32 quy định: “Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này và thực hiện theo các quy định tại các khoản 1, 2,3,4 của Điều này”.

Như vậy, để bảo đảm quy định này có thể được áp dụng trên thực tế và phát huy ý nghĩa của nó, cần phải trả lời được các vấn đề xung quanh quy định này, nếu không thì quy định trên sẽ không có tính khả thi hoặc sẽ làm phát sinh nhiều bất ổn trong công tác quản lý phạm nhân thi hành án phạt tù, đó là:

Vấn đề thứ nhất, việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù là bảo đảm mục đích của hình phạt (trừng trị & giáo dục người phạm tội). Đối với phạm nhân, việc giáo dục phạm nhân được thông qua nhiều hình thức trong đó có tổ chức cho phạm nhân lao động. Như vậy, lao động của phạm nhân là một biện pháp giáo dục chứ không phải nhằm tạo ra vật chất để phục vụ đời sống của phạm nhân vì Nhà nước đã bảo đảm toàn bộ chi phí ăn, mặc, ở,... của phạm nhân. Theo quy định của dự thảo Luật và ngay cả trong Luật THAHS hiện hành thì kết quả lao động của phạm nhân, sau khi trừ đi tất cả các chi phí như vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài, chi phí điện nước,... mới được sử dụng bổ sung mức ăn cho phạm nhân, lập một số quỹ,...

Do đó, nếu có tạo ra giá trị thặng dư từ lao động của phạm nhân thì đó cũng không phải là mục đích chính của giáo dục phạm nhân. Vậy nên, khi cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân tại điểm, khu sản xuất ngoài trại giam, thì vô hình chung lao động của phạm nhân sẽ là hoạt động chính tạo ra giá trị vật chất cho phạm nhân. Điều này làm nảy sinh 02 vấn đề khác nữa: Thứ nhất, toàn bộ chi phí ăn, ở,... của phạm nhân đã được Nhà nước bỏ ra, nếu có giá trị thặng dư từ lao động của phạm nhân thì kết quả lao động này phải đóng thuế và có cần tính đến việc nhà nước giảm bớt định mức đầu tư cho công tác thi hành án phạt tù không? Thứ hai, khi Trại giam đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp, lao động của phạm nhân sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp (phạm nhân có thể phải làm theo ca chứ không phải chỉ sáng đi làm chiều tối về), sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục khác đối với phạm nhân như các hoạt động giáo dục pháp luật, học văn hóa,...  và  nếu chỉ chú trọng tổ chức lao động cho phạm nhân thì cũng không bảo đảm được ý nghĩa của việc thi hành hình phạt đối với phạm nhân giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Vấn đề thứ hai, đối với công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự: Một khó khăn và cũng là một tồn tại trong công tác thi hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ hiện nay là phạm nhân vi phạm kỷ luật trại giam, mang vật cấm vào trại giam, đánh nhau và trốn khỏi nơi giam giữ. Báo cáo công tác thi hành án hàng năm của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy. Như vậy, khi tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài khu vực trại giam, vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang vật cấm (thậm chí cả ma túy, điện thoại di động,...) vào cơ sở giam giữ sẽ trở nên rất khó khăn. Nếu như Nhà nước bố trí kinh phí để trang bị máy móc phục vụ cho việc kiểm soát an ninh tại các cơ sở sản xuất liên kết với trại giam cho phạm nhân lao động thì rất khó khả thi vì làm tăng chi phí đầu tư so với hiệu quả thu được, trong khi ngay cả việc trang bị các phương tiện kỹ thuật cho các trại giam hiện vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thì không thể bố trí đủ kinh phí để trang bị phương tiễn kỹ thuật kiểm soát ở các cơ sở sản xuất.

Vấn đề thứ ba, theo quy định khoản 5 Điều 32 Dự thảo Luật, việc trại giam liên kết để tổ chức điểm, khu sản xuất ngoài khu vực trại giam cho phạm nhân thì khu sản xuất, điểm lao động vẫn phải bảo đảm theo chế quản lý, giam giữ tại Điều 30 của dự thảo Luật. Việc thực hiện quy định này sẽ làm nảy sinh 02 vấn đề phải giải quyết: thứ nhất, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động phải bảo đảm được xây dựng đáp ứng yêu cầu của chế độ giam giữ (phân loại giam giữ theo mức án, giới tính,...) và bảo đảm các quy định về nghiệp vụ giam giữ của ngành công an. Như vậy, cần tính đến tính khả thi của quy định này, bởi lẽ, mục đích hoạt động của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận với chi phí đầu tư tiết kiệm nhất, liệu có doanh nghiệp nào chấp nhận đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chỉ để cho phạm nhân lao động, đồng thời việc xây dựng cơ sở sản xuất đó lại phải đáp ứng được các yêu cầu về giam giữ? thứ hai, việc tổ chức điểm lao động, cơ sở sản xuất ngoài khu vực trại giam cũng đồng nghĩa với việc dù ít hay nhiều trại giam phải bố trí thêm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, giữ gìn trật tự tại điểm lao động, khu sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến việc làm tăng biên chế cảnh sát trại giam vì vừa phải có lực lượng quản lý, giữ gìn trật tự ở trại giam vừa phải có thêm lực lượng để quản lý, giữ gìn trật tự tại khu sản xuất ngoài trại giam, và như vậy là trái với việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế ngành Công an vừa thực hiện.

Vấn đề thứ tư, thực tế công tác thi hành án phạt tù tại các trại giam thời gian qua cho thấy, việc tổ chức lao động cho phạm nhân đã được các trại giam tổ chức thực hiện trong khu vực do trại giam quản lý. Xuất phát từ thực tế mặt bằng văn hóa của phạm nhân khác nhau và nhìn chung là thấp, thời gian chấp hành án phạt tù khác nhau, việc tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân chỉ phù hợp với các công việc mang tính gia công, lao động đơn giản, giá trị sức lao động thấp (như bóc hạt điều, làm nông nghiệp - trồng lúa, làm mi giả, sản xuất vàng mã, đan ghế nhựa,... ). Phạm nhân khó có thể bảo đảm các công việc mang tính dây chuyền, có tính chuyên môn hóa cao như công nhân các nhà máy may mặc hay lắp ráp linh kiện máy móc.

Vấn đề thứ năm, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có quy định về biện pháp tha tù có điều kiện. Việc thực thi biện pháp này đã được tổ chức trên thực tế và với định hướng dự kiến biện pháp này sẽ thực hiện từ 2-3 lần/năm. Như vậy, những phạm nhân được áp dụng biện pháp này, trong thời gian thử thách của biện pháp tha tù có điều kiện có cơ hội được lao động cùng gia đình hoặc lựa chọn các công việc phù hợp với khả năng bản thân và điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, điều này sẽ thiết thực cho phạm nhân hơn và cũng tiết kiệm các khoản đầu tư của Nhà nước. 

Với các lý do trên, người viết bài này cho rằng, việc bổ sung quy định cho phép trại giam liên kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức điểm lao động, khu sản xuất cho phạm nhân ngoài trại giam có thể được thực hiện nhưng cần xác định việc tổ chức lao động chỉ với mục đích tuyên truyền, dạy nghề cho phạm nhân và phạm vi chỉ áp dụng với phạm nhân còn thời hạn chấp hành án phạt tù từ 01 năm trở xuống với mục đích hỗ trợ phạm nhân thuận lợi trong tái hòa nhập cộng đồng. Còn nếu tổ chức lao động cho phạm nhân chỉ với mục đích tạo thêm nguồn thu để bổ sung mức ăn và bổ sung vào các quỹ của phạm nhân thì cần phải cân nhắc đến các lý do đã nêu ở trên.

Xem thêm>>>

Phạm nhân có quyết định tha tù trước thời hạn bị khiển trách sẽ bị xem xét lại

Điều kiện để phạm nhân thường xuyên ốm đau được giảm án                                

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang