Những trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định trả tự do ngay người bị tạm giữ, người bị tạm giam

14/08/2023 11:08

(kiemsat.vn)
Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng mọi phương thức kiểm sát theo quy định của pháp luật và Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự để phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật theo thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Viện kiểm sát có quyền quyết định trả tự do ngay người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, nếu phát hiện người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù thuộc một trong những trường hợp sau đây mà đang bị giam, giữ thì Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định trả tự do ngay cho họ. Cụ thể:

Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp: người bị tạm giữ không có quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền; người đã được Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm giữ, người bị tạm giữ đã có quyết định trả tự do; người mà Viện kiểm sát không phê chuẩn gia hạn tạm giữ;

Người bị tạm giam nhưng không có lệnh, lệnh không có phê chuẩn của Viện kiểm sát (đối với những trường hợp luật quy định phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát); người đã được Viện kiểm sát quyết định không gia hạn tạm giam; người đã có quyết định hủy bỏ việc tạm giam; người đã có quyết định trả tự do hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác; người đã có quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án mà không bị giam giữ về hành vi phạm tội khác; người đã được Tòa án xét xử và quyết định trả tự do; tuyên không phạm tội, được miễn trách nhiệm hình sự; miễn hình phạt, hình phạt không phải là tù giam, thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam;

Người đã chấp hành xong thời hạn phạt tù ghi trong bản án nếu họ không bị tạm giam về một hành vi phạm tội khác, người đã có quyết định giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại; người đã có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật: người đã có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước; người đã có quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; người đã có quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án; người đã có quyết định miễn chấp hành án phạt tù; người bị bắt thi hành bản án đã hết thời hiệu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa.

Phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, bên cạnh các phương thức để thực hiện công tác kiểm sát như: Quyền yêu cầu; kiểm sát quyết định về thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Viện kiểm sát có thẩm quyền trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự theo quy định pháp luật. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể trực tiếp gặp, hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án về việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; trường hợp cần thiết thì có thể lập biên bản, lấy lời khai của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án.

Khi xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành xác minh, thu thập tài liệu về việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự hoặc để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, nhất là trong việc chậm thi hành quyết định thi hành án; hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; quản lý, giám sát người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Để khắc phục, xử lý vi phạm, bên cạnh việc ban hành Quyết định trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, người đang bị tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật, trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện kiểm sát còn thực hiện một số biện pháp khác, như: Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đình chi việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm pháp luật và trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các quyết định của Tòa án về việc miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án; tha tù trước thời hạn có điều kiện; hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có trách nhiệm thu thập các chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật./.

Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong việc quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

(Kiemsat.vn) - Ngày 8/8/2023, liên ngành VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và vũ khí, vật liệu nổ

(Kiemsat.vn) - Ngày 09/8/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng và trao đổi kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và vũ khí, vật liệu nổ. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang