Nguyễn Văn A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

31/08/2017 03:37

(kiemsat.vn)
Theo tác giả phân tích thì A không phạm tội “Cướp giật tài sản” mà đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

A không phạm tội “Cướp giật tài sản”

Cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm về tài sản rồi tẩu thoát mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản.

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

A không phạm tội “Cướp giật tài sản” vì những lý do sau đây:

– Đặc điểm nổi bật của tội cướp giật tài sản là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được. Rõ ràng A không phải lợi dụng sơ hở của B mà A đã tự tạo điều kiện thuận lợi để chiếm đoạt điện thoại, bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm giao hàng để dễ dàng tẩu thoát, trao đổi về chức năng của điện thoại tạo lòng tin cho B để B đưa điện thoại cho A cầm trên tay. Sau đó mới nhanh chóng tẩu thoát.

– Tính chất công khai của hành vi cướp giật tài sản là công khai với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản là bị giật chứ không phải công khai về thân phận của người phạm tội. Tức là lúc A cầm điện thoại bước nhanh ra sau nhà, B vẫn không hề biết là A giật điện thoại của mình. Nếu biết A giật điện thoại của mình, B đã không nói “Ơ anh cầm điện thoại của em” mà phải nhanh chóng đuổi theo B để lấy lại điện thoại.

– Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi giật tài sản của họ. Ở đây, A cũng dùng thủ đoạn gian dối tiếp cận B. Tuy nhiên, lúc trao đổi, điện thoại có đưa qua đưa lại giữa A và B, và B cầm điện thoại trên tay rồi vẫn còn trao đổi với A về chức năng của điện thoại, nên không có hành vi “giật”. Nếu như lúc A đưa điện thoại cho B, B cầm lấy rồi chạy nhanh để tẩu thoát hoặc điện thoại đang trên tay A, B giật lấy rồi chạy nhanh để tẩu thoát thì A mới phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Có thể nói, đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc). Thông thường, hành vi giật tài sản một cách nhanh chóng đã tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người đang quản lý tài sản làm cho những người này không có khả năng giữ được tài sản đang quản lý. Lúc B cầm điện thoại bước nhanh ra sau nhà, A vẫn có khả năng đuổi theo, nhưng đang ở mức độ nghi ngờ nên A mới hỏi để xác minh, tức là lúc đó, A vẫn chưa tin là B sẽ chiếm đoạt chiếc điện thoại, trong khi “Tội cướp giật tài sản” đòi hỏi phải công khai, không giấu diếm với người bị hại về hành vi “giật” và hành vi đó phải gây yếu tố bất ngờ đối với người bị hại.

A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối.

– Đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ có hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ở đây, lúc B gọi điện thông báo đã có hàng và hẹn trong ngày sẽ mang xuống thành phố M giao cho A, A đã nảy sinh ý định chiếm đoạt điện thoại của B. A đã có sự chuẩn bị từ trước, do A biết nhà bà Mai Thị Tân, ở gần khu vực cầu S, cửa khóa, có nhiều lối đi sau nhà, nên A đã dẫn B và C đến đó. A nói dối là quên chìa khóa và phải ngồi đợi vợ A về mở cửa lấy tiền. Rõ ràng, A không phải lợi dụng sơ hở của B để chiếm đoạt, mà đã cố ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiếm đoạt và tẩu thoát. Vấn đề mấu chốt ở đây là thủ đoạn gian dối có từ khi nào? Theo tôi, thủ đoạn gian dối có từ khi A và B thỏa thuận về việc giao hàng, lúc này, B tin A là người mua hàng, A lừa dối B mình là người mua hàng nhưng thực ra đã nảy sinh ý định chiếm đoạt điện thoại. Thông qua thủ đoạn gian dối, A tiếp cận B, trao đổi nhằm cầm được điện thoại trên tay và tẩu thoát.

Nhiều ý kiến cho rằng, lúc A bước nhanh ra sau nhà, B nói “Ơ anh đang cầm điện thoại của em”, có nghĩa là A lừa dối B, nhưng B chưa tin thì không có hành vi lừa dối để người bị hại tin. Tuy nhiên, hành vi lừa dối đã có từ trước đó, trước khi B giao điện thoại cho A: Lừa dối mua điện thoại, lừa dối địa điểm thuận lợi để tẩu thoát là nhà của mình, lừa dối không có khóa nên chờ vợ về để lấy tiền.

– Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng như: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ở đây, A đã có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước.

Tất cả các yếu tố trên đều thỏa mãn tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, theo quan điểm của tôi, A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Thị Thanh Thủy

VKSQS Khu vực 43  

Bài viết có liên quan>>>

Lừa đảo hay cướp giật tài sản?

Có được nhờ người khác trả nợ thay?

Trước đây, tôi có vay người bạn một số tiền để làm ăn nhưng hiện nay tôi đã đi lao động ở nước ngoài. Vậy, tôi có thể nhờ anh trai tôi đang ở nhà trả nợ thay cho tôi được không?

Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo mới

(Kiemsat.vn) - Trong điều kiện mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đã xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo mới, người dân cần phải hết sức cảnh giác, như trường hợp dưới đây của chị Bùi Thị H ở Hải Phòng là một ví dụ
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang