Nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự

16/05/2018 10:45

(kiemsat.vn)
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, tháo gỡ vướng mắc do thực tiễn đặt ra, BLTTHS 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới so với BLTTHS năm 2003.

Ảnh minh họa

Khái niệm chứng cứ (Điều 86 BLTTHS 2015)

Nếu BLTTHS 2003 quy định về khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ trong cùng một điều luật (Điều 64), thì BLTTHS 2015 dành 02 điều luật (Điều 86, Điều 87) quy định tách bạch, rõ ràng về khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ. Điều 86 BLTTHS 2015 so với Điều 64 BLTTHS 2003 đã có sự mở rộng phạm vi chủ thể có quyền thu thập chứng cứ.

Điều 64 BLTTHS 2003 quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Điều 86 BLTTHS 2015 thay đổi theo hướng: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, việc BLTTHS 2015 bỏ cụm từ “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án” của BLTTHS 2003 cho thấy quyền thu thập chứng cứ không chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, mà còn là quyền của người tham gia tố tụng. Khái niệm trên thể hiện đầy đủ 03 thuộc tính của chứng cứ: Tính xác thực, tính hợp pháp và tính liên quan. Thông tin, tài liệu, đồ vật có đầy đủ 03 thuộc tính trên thì mới trở thành chứng cứ. Thiếu một trong ba thuộc tính, thì không phải là chứng cứ.

Nguồn chứng cứ (Điều 87 BLTTHS 2015)

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định (1). Điều 87 BLTTHS 2015 về nguồn chứng cứ so với khoản 2 Điều 64 BLTTHS 2003 có một số thay đổi, bổ sung như sau:

- Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, tháo gỡ vướng mắc do thực tiễn đặt ra, BLTTHS 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới:

(i) Dữ liệu điện tử: Thực tiễn hiện nay, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ để thực hiện và che dấu tội phạm, nên để giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, việc thu thập các chứng cứ điện tử là rất quan trọng, thế nhưng dữ liệu điện tử chưa được BLTTHS 2003 ghi nhận với tư cách là nguồn chứng cứ. Ngày nay, BLTTHS 2015 ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

(ii) Kết luận định giá tài sản: Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tài sản như: trộm cắp tài sản, Cố ý làm hư hỏng tài sản…, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu định giá tài sản làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, nhưng kết luận định giá tài sản chưa được BLTTHS 2003 quy định là nguồn chứng cứ. Vậy nên, BLTTHS 2015 đã bổ sung kết luận định giá là nguồn chứng cứ mới.

(iii) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm: Ủy thác tư pháp chính là việc yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật của nước có liên quan hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã tham gia như các trường hợp dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài (2).

- Về nguồn chứng cứ là biên bản trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 87 BLTTHS 2015 có sự bổ sung biên bản trong hoạt động khởi tố, truy tố, thi hành án thay vì chỉ quy định biên bản về hoạt động điều tra, xét xử như Điều 64 BLTTHS 2003.

- Về nguồn chứng cứ là lời khai, Điều 87 BLTTHS 2015 bổ sung thêm lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm; lời khai của người chứng kiến; lời khai của người phạm tội tự thú, đầu thú.

- Vì Điều 64 BLTTHS 2003 không quy định về trường hợp không được công nhận là chứng cứ, nên thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự, Cơ quan tiến hành tố tụng đã dùng các thông tin, tài liệu không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định làm chứng cứ để giải quyết vụ án như: Tài liệu thu thập được bằng biện pháp trinh sát, các tài liệu nghiệp vụ… Khắc phục hạn chế trên, Điều 87 BLTTHS 2015 được bổ sung khoản 2 để quy định về trường hợp loại trừ chứng cứ, theo đó: Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

(1) Trường Đại học Luật Hà Nội (2011): Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.166.

(2) Phạm Minh Tuyên,  Một số vấn đề về chứng minh trong tố tụng hình sự, Tạp chí kiểm sát số 13/2017, tr.30.

 

Xem thêm>>>

Kinh nghiệm thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết tranh chấp đất đai

Hoạt động sử dụng chứng cứ và nguyên tắc sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự

Thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự

 

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang