Ngành kiểm sát nhân dân với công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua

13/10/2021 08:00

(kiemsat.vn)
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, trong những năm qua Viện kiểm sát nhân dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về tham nhũng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội.

Viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) có trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ, trực tiếp điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, VKSND, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Từ thực tiễn công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, có thể tổng hợp những kết quả nổi bật mà ngành Kiểm sát đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ

Ban cán sự đảng (BCSĐ) Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả công tác PCTN được ban hành.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, yêu cầu khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW) về PCTN theo dõi chỉ đạo, cũng như các vụ việc Ban Nội chính Trung ương (BNCTW) theo dõi, đôn đốc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND được thực hiện hiệu quả thông qua nhiều hình thức như: Trực tiếp nghe báo cáo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng; chỉ đạo thông qua các cuộc họp Ban cán sự đảng, Ủy ban Kiểm sát, hội nghị giao ban, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác ngành, hội nghị tập huấn nghiệp vụ; chỉ đạo, điều hành thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền,… và xây dựng các quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ quy định về công tác phối hợp, báo cáo giữa các đơn vị để tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác PCTN.

Công tác xây dựng, ban hành, phối hợp ban hành theo thẩm quyền các văn bản về phát hiện, xử lý tham nhũng của ngành Kiểm sát đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; hoàn thành đảm bảo chất lượng các dự án luật được giao chủ trì, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, như: Chủ trì xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và phối hợp xây dựng 05 dự án luật khác, bao gồm: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật tố cáo năm 2018; Luật tổ chức Cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp năm 2012. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, ban hành nhiều Thông tư liên tịch, quy chế, quy định mối quan hệ phối hợp giữa VKSND với các bộ, ngành nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong PCTN.

Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát đã chú trọng tổng hợp những nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tài sản công để ban hành kiến nghị với cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Chú trọng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, áp dụng pháp luật để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục, như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Văn bản số 418/VKSTC ngày 30/01/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Ngày 23/12/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, trong đó đã tiếp thu các nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát, nhất là việc thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương để thực hiện định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã chủ động kiến nghị với BCĐTW về PCTN chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành văn bản pháp luật áp dụng chính sách hình sự và hướng dẫn về cách tính hậu quả thiệt hại, thời điểm xác định thiệt hại, thời điểm xác định giá trị tài sản phải thu hồi, phải bồi thường trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Dưới sự chỉ đạo của BCĐTW về PCTN, ngày 30/12/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, trong đó đã ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến của Viện kiểm sát.

Kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án về tham nhũng

Viện kiểm sát các cấp đã chủ động đề ra các biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án; chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để định hướng hoạt động điều tra, 100% vụ án mới khởi tố có yêu cầu điều tra. Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, VKSND tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng lập hồ sơ vụ án, chủ động trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, thận trọng trong nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, đề xuất, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát hướng xử lý và ra các quyết định giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện BCĐTW về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Kết quả, trong kỳ Viện kiểm sát các cấp thụ lý kiểm sát điều tra 1.560 vụ/3.340 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 1.223 vụ/2.953 bị can, kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.130 vụ/2.759 bị cáo.

Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nổi bật là đưa 08 vụ án/93 bị can ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng. Trong những năm 2016 - 2020, đã tích cực phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, trong đó có nhiều vụ án thuộc diện BCĐTW về PCTN theo dõi, chỉ đạo; nhiều vụ án có liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại PVC; vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm xảy ra tại dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại PVP land; vụ án Phan Văn Anh Vũ liên quan đến Tổng cục tình báo Bộ Công an và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; vụ án Phan Sào Nam và đồng phạm liên quan bị can nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an; vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án xảy ra tại AVG liên quan đến các bị can nguyên là Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông; vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm xảy ra tại Công ty Vinashin;...

Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Trên cơ sở Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính, ngày 26/6/2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC về tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế qua đó chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp, ngoài việc bảo đảm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng quy định pháp luật, cần tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, trong đó: Tiếp tục áp dụng các biện pháp, duy trì lệnh kê biên, phong tỏa tài sản bảo đảm thu hồi tài sản đối với các vụ án của giai đoạn trước; chủ động đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu xác minh tài sản, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp thu, giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn không để đối tượng bỏ trốn, chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Kiểm sát viên trực tiếp tham gia các hoạt động hỏi cung bị can, yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu hồ sơ có liên quan đến tài sản của các bị can trong vụ án để kịp thời phát hiện các tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có, những tài sản thuộc sở hữu của bị can, các tài sản của bị can nhưng chuyển nhượng, sang tên cho người thân có dấu hiệu tẩu tán tài sản, trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo đơn vị các biện pháp thu hồi tài sản, yêu cầu Cơ quan điều tra kê biên tài sản. Kết quả, trong kỳ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã thu hồi được 67.930,454 tỷ/118.366,743 tỷ, đạt tỷ lệ 57,39%. Nhiều vụ án thể hiện rõ vai trò, sự quyết liệt của Viện kiểm sát, hiệu quả thu hồi tài sản cao, điển hình như quá trình điều tra vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, VKSND tối cao đã có kiến nghị Cơ quan điều tra, yêu cầu thay đổi tội danh từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999, sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 140 BLHS năm 1999; quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú thành bắt bị can để tạm giam đối với các bị can, cùng với việc ban hành nhiều yêu cầu điều tra liên quan đến phát hiện và thu hồi tài sản cho Nhà nước, đồng thời đã kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản trị giá ước tính trên 10.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (giai đoạn 1), thu hồi hơn 6.700 tỷ đồng. Vụ án Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Đà Nẵng, trước khi khởi tố bị can, Kiểm sát viên đã đề ra yêu cầu điều tra, đề nghị CQĐT có văn bản yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng không cho phép chuyển nhượng, thế chấp đối với toàn bộ diện tích đất, nhà đất công sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, đồng thời xem xét việc kê biên, phong tỏa đối với diện tích đất, nhà đất công sản đứng tên Phan Văn Anh Vũ.

Về công tác điều tra chống tham nhũng của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã được kiện toàn, tăng cường về tổ chức và nhân sự, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp được phát hiện, xử lý kịp thời như: vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; vụ Lương Duy Kỳ, nguyên Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng; vụ Lê Thị Bích Anh, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội nhận hối lộ 300 triệu đồng; vụ Phạm Văn Ngoan, nguyên Điều tra viên Công an quận 8, thành phố Hồ Chí Minh nhận hối lộ 160 triệu đồng…

Về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước thực hiện yêu cầu tương trợ của nước ngoài và thực hiện đầy đủ các thủ tục trong việc tiếp nhận yêu cầu tương trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cho cơ quan có thẩm quyền các nước đề nghị hỗ trợ thực hiện. Việc thực hiện tương trợ tư pháp cơ bản đáp ứng về thời hạn, thủ tục theo yêu cầu, góp phần khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tham gia nhiều định chế quốc tế liên quan đến PCTN, trong đó có Hiệp hội các cơ quan phòng chống tham nhũng quốc tế (IAACA), Hiệp hội công tố viên quốc tế (IAP), Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ARIN-AP), Mạng lưới các cơ quan tư pháp Khu vực Đông Nam Á (SEA Just). VKSND tối cao đã chủ động, thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác song phương với Viện kiểm sát, Viện công tố, cơ quan thực thi pháp luật với các quốc gia có nền công tố mạnh, có hệ thống tư pháp phát triển, nhất là các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hung-ga-ri, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức. Đã có 17 thỏa thuận hợp tác được ký kết, triển khai thực hiện và hàng năm đều triển khai các hoạt động trao đổi đoàn ở cấp cao và cấp chuyên gia.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao tiến hành đàm phán thành công 12 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; có 10 hiệp định đã được ký chính thức. Việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý và thúc đẩy hợp tác song phương để nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp hình sự nói chung cũng như trong hợp tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Nhiều hiệp định do VKSND tối cao chủ trì được ký kết trong các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, góp phần phục vụ các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định việc nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm trong đó có tội phạm tham nhũng.

Về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Việc thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng được ngành Kiểm sát đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức với nội dung phong phú, như: Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lý luận và thực tiễn nghiệp vụ công tác kiểm sát trong đấu tranh chống tội phạm về tham nhũng; kết quả hoạt động của ngành Kiểm sát trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng qua việc giải quyết các vụ án cụ thể; thông tin về kinh nghiệm nước ngoài trong đấu tranh PCTN.

Các cơ quan thông tin, báo chí của ngành như Tạp chí Kiểm sát, Báo bảo vệ pháp luật… đã đăng tải hàng nghìn tin, bài, chương trình truyền hình, phóng sự tuyên truyền các đạo luật mới về tư pháp; cập nhật các hoạt động của lãnh đạo VKSND tối cao, các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân; thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ công tác kiểm sát, trong đó có việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong công tác đấu tranh PCTN, nhất là giải quyết các vụ án tham nhũng lớn được dư luận xã hội quan tâm, qua đó định hướng dư luận và đưa thông tin chính xác nhất tới nhân dân về cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang tiến hành.

Dấu ấn nổi bật về công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát trong thời gian qua là VKSND tối cao đã phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng bộ phim “Sinh tử” - bộ phim truyền hình đầu tiên tuyên truyền đậm nét về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, giúp khán giả có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về vai trò, vị trí và chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong công cuộc PCTN.

Có thể nói, trong những năm vừa qua, công tác PCTN của ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm tham nhũng, được dư luận đồng tình, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.

Kiểm sát việc xử lý yêu cầu thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Việc đảm bảo quyền yêu cầu thi hành án dân sự của đương sự là một trong những nội dung thực hiện nguyên tắc “bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” để góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc xử lý yêu cầu thi hành án, KSV cần lưu ý một số nội dung liên quan đến thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự; các nội dung yêu cầu thi hành án; căn cứ mà cơ quan Thi hành án từ chối không nhận đơn, không thụ lý.

Điều kiện đảm bảo cho hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt

(Kiemsat.vn) - Hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chế độ chính trị, kinh tế đất nước. Bài viết phân tích một số điều kiện đảm bảo hoạt động này được tiến hành có hiệu quả trên thực tế như: Đảm bảo yếu tố bí mật; đúng trình tự, thủ tục; đầy đủ phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật; thực hiện tốt công tác kiểm sát.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang