Bàn về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

04/10/2021 08:00

(kiemsat.vn)
Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhận thức chưa thống nhất về thời điểm người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước; về mối liên hệ của quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước và quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…

Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

Theo Điều 40 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Việc thi hành hình phạt tử hình liên quan đến tính mạng của một con người, do đó các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về thủ tục thi hành hình phạt tử hình cũng có những điểm đặc thù để bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật thì hồ sơ vụ án được Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao thẩm định theo thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. Qua đó, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những nhận thức chưa thống nhất về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, quy định tại Điều 367 BLTTHS năm 2015, cụ thể:

- Về thời điểm người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước:

Khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 quy định:

“… d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;

đ) Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình”.

Quy định này dẫn đến hai cách hiểu khác nhau về thời điểm người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời điểm để người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm gửi lên Chủ tịch nước là trong vòng 07 ngày sau khi bản án sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, tức là sau 30 ngày đối với bản án sơ thẩm (nếu không có kháng cáo, kháng nghị) và sau khi tuyên án đối với bản án phúc thẩm. Như vậy, khi chưa biết là Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hay không thì người bị kết án đã có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời điểm để người bị kết án tử hình gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước là trong vòng 07 ngày sau khi bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình. Nghĩa là, người bị kết án tử hình phải chờ Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hay không và nếu có thì phải chờ Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao có quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình hay không thì mới có thể gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước là quyền chính đáng của người bị kết án tử hình, do đó cần phải hiểu các quy định tại Điều 376 BLTTHS năm 2015 theo quan điểm thứ nhất mới hợp lý. Bởi lẽ, thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật là thời điểm cơ bản nhất để xác định thời điểm thi hành bản án đối với mọi vụ án (theo  Điều 364 BLTTHS năm 2015). Hơn nữa, không phải bản án có hiệu lực pháp luật nào cũng bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên cách hiểu theo quan điểm thứ hai chỉ đúng với trường hợp bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài ra, vì quy định này thể hiện chính sách hình sự đặc biệt đối với người bị kết án tử hình, do đó ngay sau khi bản án tuyên hình phạt tử hình đối với họ có hiệu lực pháp luật thì họ sẽ được quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

- Về mối liên hệ của quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước đối với quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

Điểm e khoản 1 Điều 367 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”.  Vậy trong trường hợp người bị kết án đã có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước thì Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao còn có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nữa hay không. Để trả lời câu hỏi này hiện nay có quan điểm cho rằng: Quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước là quyết định tố tụng cuối cùng để đưa ra thi hành bản án tuyên hình phạt tử hình. Do đó, khi Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm của người bị kết án thì Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không còn có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nữa. Quan điểm này bộc lộ một số điểm bất hợp lý như sau:

Một là, về bản chất quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước không phải là một quyết định tố tụng vì Chủ tịch nước không phải là người tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTHS năm 2015 thì người tiến hành tố tụng chỉ bao gồm: “a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên”. Đây là những người được giao những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời họ cũng phải tuân thủ những nghĩa vụ và có trách nhiệm trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, xác định trách nhiệm hình sự và hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Trong trường hợp vụ án bị xác định có vi phạm thủ tục tố tụng hoặc oan, sai, bỏ lọt tội phạm thì họ là những người có thẩm quyền khắc phục những vi phạm đó bằng các quyết định tố tụng khác như hủy bản án để điều tra, xét xử lại. Người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu có vi phạm tố tụng và đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan của họ có trách nhiệm bồi thường Nhà nước đối với những vi phạm tố tụng đó.

Hai là, quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước là một quyết định hành pháp, thể hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với những người bị kết án tử hình. Đối với những hình phạt khác không có quy định này, do đó nếu coi đây là một căn cứ để hạn chế phạm vi quyền kháng nghị và thời điểm kháng nghị của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Bởi lẽ, nếu người bị kết án bị tuyên áp dụng các hình phạt khác thì trường hợp phát hiện ra có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng có lợi cho họ thì có thể kháng nghị bất cứ thời điểm nào (kể cả khi họ đã chết mà cần minh oan); nhưng nếu họ bị kết án tử hình thì khi phát hiện có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì lại chỉ được kháng nghị trước khi có quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước.

Ba là, quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình không thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát. Viện kiểm sát có chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Nếu coi quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước là một văn bản tố tụng thì Viện kiểm sát phải có nhiệm vụ, quyền hạn xem xét tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định này; đồng thời phải có các quyền năng đưa ra các quyết định khắc phục sai phạm nếu phát hiện ra quyết định này không có căn cứ hoặc không hợp pháp như: Yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm. Tuy nhiên BLTTHS năm 2015 không có quy định về nội dung này.

Bốn là, việc hạn chế thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao bởi quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước là mâu thuẫn với quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại Điều 379 BLTTHS năm 2015 và thời hạn kháng nghị tái thẩm quy định tại Điều 402 BLTTHS năm 2015: “…2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Từ những phân tích trên cho thấy, quá trình tố tụng đối với mọi vụ án hình sự bao gồm các vụ án mà người phạm tội bị kết án tử hình kết thúc kể từ khi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao ra quyết định kháng nghị hay không kháng nghị. Việc Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình chỉ là hoạt động xem xét đơn của người bị kết án để có cho họ được hưởng một chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước ta hay không. Trong trường hợp Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm của người bị kết án mà TAND tối cao, VKSND tối cao phát hiện ra có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì vẫn có thể kháng nghị để bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Một số kiến nghị

Việc TAND tối cao và VKSND tối cao xem xét lại vụ án trước khi đưa bị án ra thi hành bản án tử hình là một việc quan trọng, bởi đây là lần cuối cùng các cơ quan tiến hành tố tụng thẩm định lại vụ án. Do đó, để thống nhất nhận thức về việc xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, trước tiên cần hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự theo các hướng sau:

Thứ nhất, cần bổ sung hoặc hướng dẫn về căn cứ và thủ tục để Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước chấp thuận hoặc bác đơn ân giảm của người bị kết án. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về nội dung này, tuy nhiên trên thực tế, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao thường có tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị chấp thuận hoặc bác đơn xin ân giảm của người bị kết án. Việc ghi nhận căn cứ và thủ tục của quy trình này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

Như vậy, việc xem xét áp dụng và thi hành hình phạt tử hình đối với bị cáo phải trải qua ba cấp độ, một là, có căn cứ áp dụng hình phạt tử hình hay không; hai là, khi có đủ căn cứ thì có cần thiết áp dụng hình phạt tử hình hay không và ba là, khi đã áp dụng hình phạt tử hình thì có căn cứ ân giảm hay không. Ba cấp độ này thể hiện tính thận trọng ở mức cao nhất trước khi thi hành án tử hình đối với người bị kết án và đảm bảo nguyên tắc quyền con người và tính nhân đạo của pháp luật nước ta.

Thứ hai, cần xây dựng Quy chế phối hợp giữa TAND tối cao, VKSND tối cao và Văn phòng Chủ tịch nước, trong đó có việc phối hợp thực hiện các quy định, hướng dẫn về quy trình thụ lý, giải quyết các trường hợp xem xét, thi hành án tử hình; thủ tục trình Chủ tịch nước; thông tin về quyết định của Chủ tịch nước bác đơn hay ân giảm đối với các bị án bị kết án tử hình để tạo tiền đề cho các cơ quan có liên quan nhanh chóng giải quyết được các vấn đề phát sinh trong quá trình xem xét bản án tử hình trước khi thi hành./.

Vướng mắc về định giá tài sản trong vụ án hình sự

(Kiemsat.vn) - Việc định giá tài sản có vai trò quan trọng trong xác định tính chất, mức độ của từng tội danh cụ thể của Bộ luật Hình sự, ngoài ra còn là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bài viết này phân tích những quan điểm trái chiều trong việc xác định giá trị thiệt hại của tài sản, từ đó đưa ra căn cứ đề xuất hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự.

Kinh nghiệm tranh luận, đối đáp của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm hình sự

(Kiemsat.vn) - Bài viết chia sẻ một số kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa sở thẩm hình sự, đặc biệt là kỹ năng tranh luận, đối đáp, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện tốt các quy định về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; việc nghiên cứu, trích cứu hồ sơ vụ án; các hoạt động chuẩn bị khác…
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang