Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ
(kiemsat.vn) Trong quá trình giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có vai trò rất lớn của Viện kiểm sát nhân dân trong việc tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đòi hỏi Kiểm sát viên ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật còn cần phải hoàn thiện các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, xác định rõ những đặc điểm của loại tội phạm trong lĩnh vực này.
Xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, giáo dục…
Viện kiểm sát quân sự quân khu 7 tổ chức tập huấn công tác ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hồ sơ
VKSND thành phố Lai Châu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp
Theo số liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 5 năm trở lại đây (từ năm 2018 đến tháng 6/2022), trong công tác giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố tổng số 18.603 vụ/18105 bị can (trong đó năm 2018 4.109 vụ/3882 bị can, năm 2019 4.106 vụ/3.998 bị can, năm 2020 4.022 vụ/3.933 bị can, năm 2021 4.288 vụ/4.213 bị can, năm 2022 2.078 vụ/2.079 bị can).
Số liệu trên cho thấy, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, kịp thời ban hành nhiều quy định và triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn có những diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn chưa thuyên giảm, nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, làm hư hỏng tài sản có giá trị cao.
Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do hiểu biết pháp luật và ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao trong bối cảnh sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân. Trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm và tội phạm, nhiều vụ việc sau khi xảy ra, người gây tai nạn bỏ trốn, tạo hiện trường giả nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình.… Do đó, việc tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của các cơ quan có thẩm quyền là hết sức khó khăn. Một số vụ việc còn để thiếu sót như chưa xem xét kỹ hiện trường, tiên lượng hậu quả không chính xác, đánh giá không đúng về tính chất của vụ việc cũng như mức độ lỗi của các bên tham gia giao thông đường bộ... dẫn đến giải quyết vụ án không khách quan, toàn diện. Nhiều vụ án không tìm ra đối tượng phạm tội, phải tạm đình chỉ hoặc gia hạn điều tra hay bị trả hồ sơ điều tra bổ sung; cá biệt có trường hợp được đình chỉnh miễn trách nhiệm hình sự không có căn cứ pháp luật. Hệ quả của thực trạng này dẫn đến nguy cơ gây oan sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm...
Thực trang trên cho thấy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đối với việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có vai trò rất lớn của Viện kiểm sát nhân dân trong việc tránh oán, sai, bỏ lọt tội phạm. Điều này đòi hỏi Kiểm sát viên ngoài việc cần nắm vững các quy định của pháp luật còn cần phải hoàn thiện các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, xác định rõ những đặc điểm của tội phạm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Những kết quả đạt được trong công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp từ giai đoạn phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra đến giai đoạn truy tố, xét xử các vụ án vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ được nâng lên rõ rệt, về cơ bản không có trường hợp nào khởi tố oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm giải quyết các vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và phòng ngừa tội phạm.
Trong quá trình giải quyết, Viện kiểm sát đã tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phân loại, xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, bảo vệ hiện trường, khám nghiệm phương tiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017. Khi Cơ quan điều tra thông báo, Kiểm sát viên đã cố gắng có mặt ngay tại hiện trường vụ việc để phối hợp với Điều tra viên và lực lượng cảnh sát giao thông trong việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ, khoanh vùng bảo vệ hiện trường đồng thời đánh giá nhanh hậu quả thiệt hại ban đầu cũng như phối hợp chặt chẽ trong khám nghiệm, thu thập dấu vết. Đối với các vụ việc do lực lượng Cảnh sát giao thông tham gia khám nghiệm hiện trường (do tiên lượng hậu quả chết người không xảy ra hoặc thiệt hại không lớn), Kiểm sát viên đã tham gia dựng lại hiện trường, chủ động trong việc phối hợp xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xác định lỗi của các bên tham gia giao thông để xử lý đúng pháp luật. Sau khi khám nghiệm đối với những tin báo có dấu hiệu tội phạm, Kiểm sát viên đã kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị trao đổi với Cơ quan điều tra kiên quyết khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Các yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra về cơ bản đảm bảo chất lượng, bám sát tiến độ điều tra và đều được Cơ quan điều tra thực hiện có hiệu quả. Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử có khó khăn, vướng mắc đều được các cơ quan tiến hành tố tụng họp bàn thống nhất hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, đa số các Kiểm sát viên đã nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Lãnh đạo Viện quan tâm đến công tác tự đào tạo tại đơn vị; thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiên cứu giải quyết loại án giao thông.
Một số tồn tại, hạn chế
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn có những khó khăn, vướng mắc; thậm chí bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như:
Công tác kiểm sát bảo vệ hiện trường trong một số vụ việc chưa triệt để, chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, quyết liệt dẫn đến khi phân luồng giao thông, khoanh vùng hiện trường còn để người và phương tiện qua lại làm mất dấu vết. Hoạt động phối hợp có lúc chưa thực sự chặt chẽ, đặc biệt khi lực lượng Cảnh sát giao thông giải quyết ban đầu tiên lượng hậu quả chưa chính xác, nạn nhân chưa chết nhưng Cơ quan điều tra không thông báo cho Viện kiểm sát để kiểm sát khám nghiệm hiện trường ngay từ đầu. Sau khi nạn nhân chết, Kiểm sát viên phải yêu cầu dựng lại hiện trường.
Việc phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong giải quyết tình huống người bị hại từ chối giám định sức khỏe hoặc gia đình nạn nhân cương quyết không cho các cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi nhiều lúc chưa đạt hiệu quả.
Công tác kiểm sát bảo quản dấu vết vật chứng và thu mẫu so sánh của Cơ quan điều tra chưa được thực hiện tốt. Một số vụ việc sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, các phương tiện được chuyển về các bãi xe để lưu giữ, bảo quản không đạt yêu cầu như không được che đậy hoặc là để chồng chất lên nhau tạo ra rất nhiều dấu vết mới, thậm chí là làm thất lạc các dấu vết vật chứng.
Về yếu tố chủ quan, việc nắm, bám sát tiến độ giải quyết của Kiểm sát viên có lúc, có nơi còn chưa được thường xuyên, dẫn tới việc giải quyết, xử lý còn để kéo dài, phải gia hạn thời hạn giải quyết, thời hạn điều tra. Một số vụ việc còn tồn tại tình trạng “lạm dụng” quy định của BLHS về đình chỉ điều tra miễn trách nhiệm hình sự (theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS), việc áp dụng pháp luật chưa thực sự chính xác, không căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các địa phương.
Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu sót, tồn tại, hạn chế nêu trên:
Quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ còn một số bất cập
Quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 vẫn còn có một số bất cập khi xác định hậu quả giữa các khoản của điều luật. Tại điểm e khoản 2 quy định “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%”. Do đó, trường hợp gây tai nạn làm 01 người tổn hại 68 % sức khỏe và 01 người tổn hại 70% sức khỏe, hậu quả 02 người tổn hại 138% sức khỏe sẽ bị truy cứu theo điểm e khoản 2 Điều 260. Tuy nhiên, cũng với ví dụ này nếu hậu quả làm 01 người bị chết và 01 người tổn hại 90% sức khỏe, ở đây hậu quả lớn hơn nhưng chỉ bị truy cứu theo khoản 1 Điều 260.
Theo quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ cần trong máu có nồng độ cồn (không cần mức cụ thể nồng độ) là đã bị xử phạt vi phạm hành chính và quy định các mức phạt tương ứng với nồng độ cồn khác nhau (từ ngày 01/01/2020, cấm hoàn toàn việc lái xe khi có nồng độ cồn). Tuy nhiên thực tiễn còn gặp trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 260 vì không xác định được chính xác nồng độ cồn là bao nhiêu; điều này dẫn đến xử lý tội phạm không triệt để. Bên cạnh đó, khi xác định tình tiết định khung tăng nặng, rất ít trường hợp cơ quan chức năng thu được mẫu máu của người gây tai nạn để giám định mà chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Bệnh viện, kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở của lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý đối với tình tiết này, do đó việc xác định nồng độ cồn của người gây tai nạn còn nhiều khó khăn.
Theo điểm a khoản 7 Điều 7 của Thông tư số 63/2020 quy định 7 trường hợp cụ thể Cơ quan điều tra phải tiến hành thụ lý giải quyết vụ tai nạn; điểm a khoản 2 Điều 17 của Thông tư 63/2020 quy định đối với vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm thì Cảnh sát giao thông báo cáo Trưởng Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, tài liệu, tang vật, phương tiện vụ tai nạn giao thông cho Đội điều tra tổng hợp tiếp nhận điều tra, giải quyết. Như vậy, đối với các vụ tai nạn giao thông không do Cơ quan điều tra tiếp nhận, điều tra từ ban đầu mà do lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp nhận, điều tra, giải quyết theo thủ tục hành chính, sau đó mới phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cho Cơ quan điều tra tiếp nhận, điều tra, giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự; như vậy các tài liệu được Cảnh sát giao thông thu thập không theo trình tự tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra có phải thực nghiệm lại không? vấn đề này hiện nay Liên ngành tư pháp Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Nhận thức pháp luật của một số cơ quan chức năng có liên quan về khoản 3 Điều 29 BLHS trong quá trình giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn chưa thực sự chính xác. Điều luật quy định là “có thể” được miễn trách nhiệm hình sự dẫn tới còn tình trạng các địa phương vận dụng khác nhau. Có trường hợp đình chỉ ngay cả khi vụ việc tai nạn hoàn toàn do lỗi của bị can, điều khiển xe tốc độ cao, lấn đường phương tiện ngược chiều…. Do đó cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tình hình tội phạm vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng phức tạp, hậu quả của việc phạm tội để lại hết sức nặng nề, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Pháp luật hiện tại chưa có quy định về thời hạn lực lượng Cảnh sát giao thông phải giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiến hành giải quyết theo thủ tục tố tụng nên dẫn đến việc chuyển hồ sơ còn chưa kịp thời, tùy tiện.
Thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp đã thực hiện hết các biện pháp kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng chưa xác định được dấu hiệu tội phạm thì cần phải tiến hành thực nghiệm điều tra, tuy nhiên hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định việc thực nghiệm điều tra trong giai đoạn này.
Nguyên nhân khác
Trong nhiều trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn, không xác định được; người làm chứng, người chứng kiến không phối hợp trong quá trình giải quyết; bị hại từ chối giám định thương tích; các vụ tai nạn không còn hiện trường vì khi xảy ra tai nạn, nạn nhân và người dân không báo, khi xảy ra hậu quả mới báo Cơ quan chức năng. Việc giám định thương tích đối với những người bị thương do tai nạn giao thông thường bị kéo dài do phải điều trị vết thương ổn định mới tiến hành giám định được; một số vụ tai nạn gây thương tích nặng cho nạn nhân nhưng trong quá trình điều trị, các bên tự thương lượng bồi thường, người bị hại không đi giám định hoặc không hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giám định thương tật. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng không thể giám định xác định tốc độ của phương tiện gây tai nạn; vì vậy, không có cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hoặc áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Một số vụ tai nạn giao thông nạn nhân chỉ bị thương tích nên Cơ quan điều tra không thụ lý giải quyết theo thủ tục tin báo. Trong các trường hợp này Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tích của các nạn nhân nên gây khó khăn cho việc xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân do trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ, Kiểm sát viên còn hạn chế, kỹ năng vận dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ còn chưa cao. Trang thiết bị hỗ trợ cho công tác khám nghiệm hiện trường cũng còn hạn chế. Các đơn vị quận, huyện không có bộ phận kỹ thuật hình sự nên khi xảy ra sự việc chết phải mời kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh tham gia khám nghiệm hiện trường, gây khó khăn, kéo dài thời gian khám nghiệm hiện trường, tử thi.
Trong thực tế có nhiều vụ án tai nạn giao thông xảy ra ban đêm, trên đoạn đường vắng, đối tượng gây tai nạn bỏ trốn, dấu vết để lại bị xáo trộn, thay đổi, hiện trường không được bảo vệ tốt khiến việc thu thập chứng cứ để giải quyết các vụ việc là rất khó khăn. Các huyện, địa bàn rộng, thường có nhiều loại hình đường bộ chất lượng không đồng đều, đặc biệt ở vùng núi, nông thôn dẫn đến khó khăn cho việc xác định hiện trường xảy ra vụ án.
Thậm chí, cũng có những nguyên nhân xuất phát từ một bộ phận gia đình nạn nhân quan niệm vụ việc tai nạn giao thông là sự việc có yếu tố tâm linh; nên gia đình nạn nhân phản đối, không phối hợp với cơ quan chức năng trong việc khám nghiệm xác định nguyên nhân tử vong.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Để nâng cao chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, an toàn giao thông đường bộ, nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tụng các lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ giải pháp về quản lý, chỉ đạo điều hành; giải pháp về quan hệ phối hợp và giải pháp về nghiệp vụ theo đó:
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Để bảo đảm tính công bằng, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội trong trường hợp gây ra hậu quả vụ tai nạn có cả người chết và cả người bị thương. Đề nghị sửa điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự từ “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%” thành “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% hoặc làm 01 người chết và người khác bị thương mà tổng tỷ lệ tổn thương của những người này từ 61% đến 121%.”
Liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thống nhất việc áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự: “Trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định…” với quy định của Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP nêu trên. Theo đó, việc xác định tình tiết định khung tăng nặng tại điểm b, khoản 2 Điều 260 theo hướng: Nếu hành vi xảy ra từ ngày 01/01/2020 (ngày hiệu lực thi hành Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu bia) thì: Không cần thiết phải xác định có nồng độ cồn vượt quá mức quy định mà người điều khiển phương tiện đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Người tham gia giao thông không điều khiển phương tiện giao thông thì phải xác định rõ có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Trường hợp hành vi xảy ra trước ngày 01/01/2020 thì áp dụng quy định về tính nồng độ cồn của Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013. Nếu đã áp dụng mọi biện pháp xác minh mà không thể xác định được nồng độ cồn của người phạm tội tại thời điểm gây ra tai nạn cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng tại điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Đối với việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự, có thể thấy đây là biện pháp thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội, đồng thời động viên khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội để chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Do đó để áp dụng thống nhất quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự, Liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự, điều kiện áp dụng để đảm bảo áp dụng thống nhất trong cả nước, tránh việc “lạm dụng”, tùy nghi, đảm bảo mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, việc miễn trách nhiệm hình sự cho người thực hiện hành vi phạm tội cần được thực hiện đúng pháp luật, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đặc thù của từng vụ việc, từng địa bàn, tránh cứng nhắc, hình thức. Đặc biệt đối với người phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, để được miễn trách nhiệm hình sự cần chú trọng căn cứ vào tình hình an toàn giao thông, an toàn công cộng, đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương, bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung nhằm kiềm chế, giảm tải sự gia tăng các vụ việc tai nạn giao thông trên địa bàn.
Cần bổ sung quy định về thời hạn mà lực lượng Cảnh sát giao thông phải giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra nhằm bảo đảm việc giải quyết theo thủ tục tố tụng được nhanh chóng, kịp thời. Các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng hướng dẫn phối hợp giữa Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình thực hiện các quy định Thông tư số 63/2020/TT-BCA và Thông tư số 64/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ công an quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Giải pháp trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, lực lượng Cảnh sát giao thông... ngay từ khi tiếp nhận tin báo về vụ việc vi phạm an toàn giao thông. Đặc biệt trong việc phối hợp phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên có kinh nghiệm, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết các loại vụ việc liên quan đến vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Đối với một số vụ tai nạn giao thông xảy ra, lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám phương tiện theo yêu cầu Thông tư số 63, 64 nêu trên nhưng không có Kiểm sát viên tham gia. Khi vụ việc phải chuyển giải quyết theo thủ tục tố giác, tin báo tội phạm cần phải thực hiện dựng lại hiện trường, đánh giá lại chứng cứ theo đúng trình tự Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.
Kiểm sát viên phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ngay từ quá trình khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết trên phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn, xác định điểm va chạm đầu tiên để tránh bỏ sót các dấu vết quan trọng của vụ việc; kịp thời tiến hành hỏi ngay người làm chứng có mặt tại hiện trường, đồng thời lấy thông tin về lý lịch người làm chứng, mối quan hệ với người gây tai nạn và nạn nhân, cách thức để liên lạc khi cần thiết. Kiểm sát viên cần “song hành” cùng Điều tra viên trong quá trình giải quyết vụ việc, phối hợp với Điều tra viên tích cực tham gia vào một số hoạt động điều tra mà Luật không quy định bắt buộc phải có sự tham gia của Kiểm sát viên. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ trong việc động viên, kiên trì thuyết phục đối với gia đình bị hại để bảo đảm việc giải phẫu, giám định xác định nguyên nhân chết một cách thuận lợi.
Thực hiện gắn công tố với điều tra, đối với vụ án phức tạp trước khi phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai những người liên quan để làm cơ sở cho việc xét phê chuẩn được chính xác, khách quan tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng cần thiết phải có Lãnh đạo Cơ quan Công an, Viện kiểm sát trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác phối hợp giải quyết giữa các lực lượng liên quan và các tình huống phức tạp phát sinh.
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, ngoài việc thực hiện các giải pháp nêu trên, ngành Kiểm sát nhân dân cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về quy định trong lĩnh vực an toàn giao thông; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong quá trình cơ quan Công an tiếp nhận, xử lý, giải quyết ban đầu vụ tại nạn giao thông cũng như trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tai nạn giao thông nói chung và vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp cần tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án xác định án điểm, đưa ra xét xử lưu động, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, qua đó nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho nhân nhân, góp phần hạn chế, phòng ngừa vi phạm và tội phạm về giao thông đường bộ.
Viện kiểm sát các cấp cần tích cực tham gia xây dựng và tiến hành ký kết các quy chế phối hợp với các ngành liên quan về công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong quy chế nêu rõ mối quan hệ phối hợp trong công tác khám nghiệm hiện trường nói chung và hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ nói riêng. Trong đó, khi tiếp nhận các vụ việc, các đơn vị phải cơ bản kịp thời thông báo cho Viện kiểm sát để tổ chức khám nghiệm hiện trường theo đúng quy định. Hai ngành Kiểm sát - Công an thường xuyên tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm, tiến hành nhiều cuộc tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn đối với các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra về công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập dữ liệu điện tử tại các địa điểm xảy ra tai nạn giao thông... nhằm đào tạo kỹ năng khám nghiệm, thu thập chứng cứ để đánh giá vụ việc khách quan, toàn diện.
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tuyển 61 chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ đợt 1 năm 2023
VKSND huyện Con Cuông góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.