Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của BLTTHS trong việc tính thời hạn điều tra vụ án hình sự

13/08/2024 09:15

(kiemsat.vn)
Thực tiễn cho thấy quy định của BLTTHS về thời hạn nói chung, thời hạn điều tra, gia hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra nói riêng, cũng như cách tính các thời hạn này trong một số trường hợp cụ thể còn vướng mắc, dẫn đến thực tiễn áp dụng còn lúng túng và thiếu thống nhất.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) được coi là sự kiện pháp lý có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường trách nhiệm các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; cụ thể hóa trình tự, thủ tục tạo điều kiện để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định. Một trong những sửa đổi, bổ sung vừa có ý nghĩa kế thừa vừa có nghĩa phát triển của BLTTHS, đó là quy định về thời hạn tố tụng - nhằm bảo đảm hầu hết các hoạt động, hành vi tố tụng đều bị ràng buộc trong một khoảng thời gian nhất định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quy định của BLTTHS về thời hạn nói chung, thời hạn điều tra, gia hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra nói riêng, cũng như cách tính các thời hạn này trong một số trường hợp cụ thể còn tồn tại những bất cập, hạn chế, vướng mắc, dẫn đến thực tiễn áp dụng còn lúng túng và thiếu thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp về thời hạn điều tra và cách tính thời hạn điều tra trong một số trường hợp cụ thể (gia hạn điều tra, thay đổi tội danh;…)

Theo Từ điển tiếng Việt: “Thời hạn là khoảng thời gian có giới hạn nhất định để làm việc gì đó”. Theo Từ điển Luật học thì "thời hạn" được hiểu là “khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác” hay thời hạn tố tụng là “thời gian được pháp luật quy định để tiến hành các hành vi tố tụng”. Mặc dù, BLTTHS hiện hành không đưa ra định nghĩa lập pháp về “thời hạn tố tụng hình sự”. Tuy nhiên, căn cứ theo các từ điển nêu trên, chúng ta có thể hiểu: Thời hạn tố tụng hình sự là một loại thời hạn pháp lý, được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, là khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để tiến hành các hoạt động tố tụng, hành vi tố tụng cụ thể. Hay nói cách khác “Thời hạn tố tụng hình sự là giới hạn thời gian do pháp luật tố tụng hình sự quy định để các chủ thể tố tụng hình sự thực hiện các hoạt động, hành vi tố tụng do Bộ luật này quy định”.

Thời hạn tố tụng, cách tính thời hạn nói chung và thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được quy định cụ thể tại Điều 134, Điều 172 BLTTHS và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04) ngày 19/10/2018.

Điều 134 BLTTHS quy định:

1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.

Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì hết thời hạn vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn”.

Điều 172 BLTTHS quy định:

“1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.”

Theo các quy định trên thì thời hạn điều tra được tính theo tháng. Đây cũng là cách tính phổ biến trong tố tụng hình sự.  

+ Thời hạn điều tra được tính kể từ ngày khởi tố vụ án hình sự đến ngày trùng của tháng sau. Ví dụ 1:  Ngày 01/01/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra (CQĐT) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 168 BLHS 2015. Thời hạn điều tra là 04 tháng. Do đó, ngày kết thúc điều tra là ngày 01/5/2024.

+ Nếu tháng đó không có ngày trùng thì hết thời hạn vào ngày cuối cùng của tháng đó. Ví dụ 2: Ngày 31/12/2023, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Thời hạn điều tra là 02 tháng. Do tháng 2 không có ngày 31 nên ngày kết thúc điều tra sẽ là ngày 28/02/2024.

+ Nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn. Trở lại ví dụ 1 nêu trên, ngày kết thúc điều tra sẽ là ngày 02/5/2024 (do ngày 01/5 là ngày nghỉ lễ).

Đặt bên cạnh cách tính thời hạn tạm giam, chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa hai thời hạn tố tụng trên, mặc dù đều dùng đơn vị tính là “tháng”. Thời hạn tạm giam được tính bằng tháng và một tháng là 30 ngày không kể tháng đó có đủ 30 ngày hoặc có ngày trùng hay không còn thời hạn điều tra được tính theo tháng, một tháng được tính từ ngày đầu tiên của thời hạn (ngày khởi tố vụ án) và ngày kết thúc của tháng được tính vào ngày trùng của tháng cuối cùng của thời hạn, hoặc ngày cuối cùng của tháng đó hoặc ngày làm việc tiếp theo nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ…

Trong cách tính thời hạn theo quy định tại Điều 134 BLTTHS có nhắc đến “ngày nghỉ”, nhưng trong BLTTHS không có điều luật nào giải thích “ngày nghỉ” là những ngày nào. Tuy nhiên, có thể hiểu như sau: Ngày nghỉ là ngày mà theo quy định của pháp luật, người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động của mình đối với người sử dụng lao động và được trả lương. Luật Lao động năm 2019 cũng đã quy định cụ thể, rõ ràng về ngày nghỉ. Do vậy, theo tác giả hiểu thì “ngày nghỉ” theo quy định tại Điều 134 BLTTHS là những ngày nghỉ hàng tuần (thứ 7, chủ nhật) và những ngày nghỉ lễ theo quy định của Luật Lao động năm 2019 hoặc theo điều chỉnh của các cơ quan có thẩm quyền đối với các trường hợp cụ thể.

Cách tính thời hạn điều tra trong một số trường hợp cụ thể:

- Về cách tính ngày hết hạn điều tra, ngày gia hạn thời hạn điều tra:

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngày hết hạn thời hạn điều tra chính là ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng thì hết vào ngày cuối cùng của tháng đó, không xem xét tính bù vào ngày nghỉ. Cơ sở pháp lý của quan điểm này là áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội để tránh việc kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, và để cho phù hợp với thời hạn tạm giam (vì thời hạn tạm giam tính 01 tháng là 30 ngày). Ngoài ra, trong BLTTHS cũng không quy định rõ những ngày nào thì được coi là ngày nghỉ.

Ví dụ: Ngày 28/02/2024, CQĐT khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Thời hạn điều tra vụ án là 02 tháng kể từ ngày 28/02/2024 đến ngày đến ngày 28/4/2024. Trường hợp vụ án phải gia hạn thời hạn điều tra thì sẽ gia hạn kể từ ngày 28/4/2024 đến ngày 28/6/2024.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngày hết hạn thời hạn điều tra là hết ngày trùng của tháng sau, khi tính thời hạn điều tra thì phải xem xét đến cả ngày nghỉ. Ngày hết hạn thời hạn điều tra tính đến hết 24h của ngày trùng của tháng sau và phải xem xét đến cả ngày nghỉ (nếu ngày hết hạn rơi vào ngày nghỉ thì ngày làm việc tiếp theo được tính là ngày hết hạn thời hạn điều tra).

Ví dụ: Ngày 28/02/2024, CQĐT khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Thời hạn điều tra vụ án là 02 tháng kể từ ngày 28/02/2024 đến ngày đến ngày 02/5/2024, do ngày 28/4/2024 là ngày nghỉ lễ (kỳ nghỉ lễ kéo dài từ 27/4/2024 đến hết ngày 01/5/2024). Trường hợp vụ án phải gia hạn thời hạn điều tra thì sẽ gia hạn kể từ ngày 02/5/2024 đến ngày 02/7/2024.

Tác giả đồng ý với cách tính của quan điểm thứ hai vì: Theo từ điển tiếng Việt, dấu chấm phảy được sử dụng để tạo ra sự phân cách trong một câu ghép, giúp hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các vế câu trong đoạn văn và tạo ra một dòng suy nghĩ nhất quán và liên tục, không làm mất đi sự kết nối giữa các phần của câu. Với tác dụng này, nhà làm luật cũng sử dụng dấu chấm phảy có ý nghĩa liên kết các mệnh đề trong quy định: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn”.

Cùng với việc sử dụng cặp quan hệ “nếu... thì” để xây dựng các giả thiết và kết quả của các giả thiết đó. Do đó, cần hiểu, các mệnh đề trong điều luật trên có mối liên hệ, liên kết, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, nếu thế này thì thế kia (nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn...), hoàn toàn không làm thay đổi cách hiểu thời hạn điều tra phải tính bằng tháng và thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau.

Đồng thời điều luật cũng quy định “khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn”. Do đó, tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của VKSND tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS và thi hành án hình sự cũng hướng dẫn quy định khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau tại khoản 1 Điều 134 BLHS cần được hiểu là thời hạn theo tháng được tính đến 24 giờ của ngày trùng của tháng sau (tức là đến 24 giờ của ngày đó mới hết thời hạn), không phải được tính đến 24 giờ của ngày liền kề trước ngày trùng của tháng sau.     

- Về cách tính thời hạn điều tra trong các trường hợp thay đổi tội danh:

Tại khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch số 04 ngày 19/10/2018 quy định: “Trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở điều luật khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ thời hạn điều tra, tạm giam trước đó”.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp vụ án ban đầu khởi tố về tội nhẹ hơn, nhưng trong quá trình điều tra đã gia hạn thời hạn điều tra lần thứ nhất thì sau khi thay đổi tội danh sang tội nặng hơn, thời hạn điều tra sẽ tiếp tục tính theo thời hạn đã gia hạn.

Ví dụ: Ngày 23/11/2023, CQĐT khởi tố vụ án hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS. Trong quá trình điều tra, CQĐT có đề nghị gia hạn thời hạn điều tra trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày 24/01/2024 đến ngày 24/02/2024, VKS đã ra quyết định gia hạn thời hạn điều tra theo đề nghị của CQĐT. Đến ngày 15/02/2024, CQĐT ra quyết định thay đổi tội danh từ tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi sang tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 142 BLHS. Thời hạn điều tra đối với vụ án trên được tính đến ngày 24/02/2024 theo quyết định gia hạn thời hạn điều tra trước đó của Viện kiểm sát.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Khi thay đổi tội danh sang tội nặng hơn thì thời hạn điều tra tính theo tội mới kể từ ngày khởi tố vụ án theo tội ban đầu, không xét theo quyết định gia hạn thời hạn điều tra.

Ví dụ 1: Vẫn theo ví dụ trên thì trong quá trình điều tra theo tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, các cơ quan tố tụng đã gia hạn thời hạn điều tra lần thứ nhất đến ngày 24/02/2024. Ngày 15/02/2024, đã thay đổi tội danh sang tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 142 BLHS. Thời hạn điều tra là 04 tháng kể từ ngày 23/11/2023 đến hết ngày 23/3/2024.

Ví dụ 2: Ngày 23/11/2023, CQĐT khởi tố vụ án hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 146 BLHS. Ngày 18/02/2024, VKS ra quyết định gia hạn thời hạn điều tra lần thứ nhất với thời hạn 03 tháng kể từ ngày 24/02/2024 đến ngày 24/5/2024. Đến ngày 01/3/2024, CQĐT ra quyết định thay đổi tội danh sang tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 142 BLHS. Thời hạn điều tra trong trường hợp này sẽ được tính là 04 tháng kể từ ngày 23/11/2023 đến ngày 23/3/2024, không tính theo thời hạn đã gia hạn thời hạn điều tra lần thứ nhất.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Khi thay đổi tội danh sang tội nặng hơn thì thời hạn điều tra tính theo tội nặng hơn. Trường hợp đã gia hạn thời hạn điều tra thì thời hạn gia hạn điều tra tính theo thời hạn của tội nặng hơn.

Ví dụ: Ngày 23/11/2023, CQĐT khởi tố vụ án hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS. Trong quá trình điều tra, CQĐT có đề nghị gia hạn thời hạn điều tra trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày 24/01/2024 đến ngày 24/03/2024, VKS đã ra quyết định gia hạn thời hạn điều tra theo đề nghị của CQĐT. Đến ngày 15/02/2024, CQĐT ra quyết định thay đổi tội danh từ tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi sang tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 142 BLHS. Lúc này, thời hạn điều tra đối với vụ án trên phải được tính theo thời hạn gia hạn điều tra vụ án của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, nghĩa là tính từ ngày 24/01/2024 đến 24/5/2024.

Trên đây là một số quan điểm về cách tính thời hạn điều tra theo quy định của BLTTHS, tác giả rất mong được trao đổi ý kiến phản hồi, để qua đó có cách nhìn chính xác, cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng các quy định của BLTTHS về thời hạn điều tra.

Bảo quản, xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự

(Kiemsat.vn) - Bài viết phân tích thực trạng các quy định của pháp luật về bảo quản, xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân; qua đó kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang