Một số lưu ý trong kiểm sát hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ đối với vụ án về ma túy

02/08/2024 16:23

(kiemsat.vn)
Từ thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy, tác giả tổng hợp, nhận diện các dạng vi phạm phổ biến liên quan đến hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong giai đoạn điều tra; từ đó rút ra kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến loại tội này.

1. Về thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong các vụ án về ma túy

Trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy ngày một gia tăng về số lượng và nguy hiểm hơn về tính chất, hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong các vụ án về ma túy còn có những tồn tại ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hiện nay, việc phát hiện, thu thập chứng cứ các vụ án ma túy xuất phát từ các nguồn sau: (1) Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; (2) Lời khai người làm chứng; (3) Nguồn dữ liệu điện tử; (4) Từ việc bắt giữ người phạm tội và khám xét phương tiện, nơi cư trú. Trong đó, hoạt động thu thập chứng cứ, từ việc bắt giữ người phạm tội và khám xét là nguồn trực tiếp, xác định có hay không có sự kiện phạm tội, chứng cứ thu thập có giá trị chứng minh và là căn cứ để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. Nếu cơ quan tố tụng không kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại, thiếu sót sẽ dẫn đến việc thu thập chứng cứ không đầy đủ, vi phạm thủ tục tố tụng, chứng cứ không còn giá trị chứng minh và gây ra nhiều khó khăn cho công tác giải quyết vụ án.

Thứ nhất, cơ quan tố tụng lập biên bản khám xét phương tiện, đồ vật, thu giữ vật chứng chưa đầy đủ.

Ví dụ: Vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy xảy ra ngày 29/12/2019 tại thành phố S, tỉnh S. Ngày 28/12/2019, bà Hoàng Hải A trình báo: Trong ốp mặt nạ phía trước đầu xe máy mà bà mua đấu giá tài sản thi hành án có 01 bánh bột nén khối lượng 359,23 gam (kết luận giám định là heroine). Quá trình điều tra xác định xe máy trên là vật chứng của vụ án Thào Xua T cùng đồng phạm phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy xảy ra ngày 02/4/2018 tại bản T, xã L, huyện Y (thời điểm tiếp nhận tin báo từ bà A, vụ án trên đã được đưa ra xét xử và thi hành án tử hình đối với Thào Xua T). Trong quá trình bắt giữ Thào Xua T, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y chỉ kiểm tra và thu giữ 02 bánh heroine trong ốp dưới bình xăng bên phải xe máy, mà không tiến hành khám xét đối với toàn bộ xe máy, nên không phát hiện ra 01 bánh heroine nữa là vi phạm Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015); dẫn đến không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T về số ma túy này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Thứ hai, khi thu giữ vật chứng trong vụ án có số lượng lớn ma túy, cất giấu ở nhiều vị trí khác nhau, biên bản bắt người phạm tội quả tang không mô tả chi tiết, đầy đủ đặc điểm, màu sắc, kích thước của từng loại vật chứng, nơi cất giấu vật chứng, hoặc hình dáng, kích thước vật chứa đựng ma túy, tài sản…, mà những đồ vật, tài sản đó có thể là những đầu mối quan trọng cho việc điều tra mở rộng vụ án.

Ví dụ: Vụ Vì Văn P và Chảo Ông T phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Biên bản bắt người phạm tội quả tang do tổ công tác của Công an huyện S, tỉnh S lập; quá trình kiểm sát phát hiện số vật chứng và tài sản thực tế bị thu giữ nhiều hơn so với số lượng được thể hiện trong biên bản đã lập: Điện thoại của đối tượng, thẻ ATM, giấy đăng ký xe mô tô, xe máy, giấy phép lái xe,… không được đưa vào biên bản là vi phạm thủ tục tố tụng. Trong quá trình kiểm sát Kiểm sát viên đã yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm.

Thứ ba, trong biên bản bắt người phạm tội quả tang ghi thu giữ “vật chứng”, nhưng thực tế tài sản, đồ vật tạm giữ không thuộc trường hợp được coi là vật chứng theo Điều 89 BLTTHS năm 2015.

Ví dụ: Vụ Nguyễn Thị T phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy; biên bản bắt người phạm tội quả tang do tổ công tác Công an huyện V lập ngày 11/9/2020. Quá trình bắt quả tang có ghi hình và trích xuất vào thiết bị lưu giữ điện tử (USB), Cơ quan điều tra xác định nội dung ghi hình là nguồn chứng cứ vật chất dữ liệu điện tử và cần được thu thập sao lưu đưa vào hồ sơ vụ án để phục vụ công tác điều tra, công bố hình ảnh. Việc Cơ quan điều tra xác định chứng cứ trên là vật chứng và lập biên bản thu giữ, niêm phong nhập kho theo thủ tục thu giữ vật chứng là chưa chính xác. Kiểm sát viên đã yêu cầu Cơ quan điều tra trích xuất dữ liệu trên đưa vào hồ sơ vụ án để giải quyết theo đúng trình tự luật định.

Thứ tư, sai sót trong việc kiểm tra chứng cứ:

Ví dụ: Vụ án Vì Văn D phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y bắt quả tang Nguyễn Đình O do có hành vi cất giữ 0,069 gam heroine nhằm mục đích sử dụng, nhưng không đủ yếu tố cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nên đã ra quyết định trả tự do cho O. Phần lý lịch cá nhân của O có 01 tiền án năm 2012 bị Tòa án nhân dân thành phố S tuyên phạt 24 tháng tù giam về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng đến thời điểm trả tự do chưa có kết quả xác minh về nhân thân (tiền án, tiền sự) của O đối với bản án trên để làm cơ sở xác định O đã được xóa án tích hay chưa. Ngoài ra, lý lịch của đối tượng O với bản án, tài liệu do Cơ quan điều tra xác minh, thu thập không trùng khớp về mặt thông tin cá nhân (tên mẹ, tên gọi khác, năm sinh), nhưng chưa được xác minh làm rõ. Việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y trả tự do cho O là chưa đảm bảo căn cứ và bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát đã ban hành kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm.

Thứ năm, trong hoạt động đánh giá chứng cứ:

Ví dụ: Ngày 02/12/2022, cơ quan Công an huyện T phát hiện, bắt quả tang các đối tượng Lò Văn C, Lò Văn S và Cà V do có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Quá trình lấy lời khai, các bị can có thái độ không thành khẩn, lời khai không trùng khớp, nên không xác định được đối tượng thuê các bị can vận chuyển ma túy. Trong giai đoạn điều tra, trên cơ sở tài liệu thu thập được từ sao kê tài khoản ngân hàng, điện tín, khôi phục dữ liệu trong điện thoại của các bị can, kết quả nhận dạng cho thấy: Ngoài 03 bị can trên còn có các đối tượng liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh S đã mở rộng hướng điều tra, khởi tố thêm 02 bị can Lò Văn T và Bùi A do có liên quan đến vụ án; đồng thời, xác định ngoài hành vi phạm tội bị bắt quả tang, các bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác 03 lần. Liên ngành Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh S đã đánh giá toàn bộ diễn biến hành vi khách quan của các bị can, chứng cứ (giao dịch chuyển tiền, nội dung tin nhắn, lời khai, kết quả nhận dạng, ghi âm, ghi hình) để đưa ra nhận định hành vi của các bị can là mua bán trái trái phép chất ma túy. Viện kiểm sát đã có công văn đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh S thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với các bị can từ Tội vận chuyển trái phép chất am túy sang Tội mua bán trái phép chất ma túy.

Như vậy, những thiếu sót và hạn chế về đánh giá, sử dụng chứng cứ nêu trên nếu không được phát hiện, khắc phục kịp thời, không có hướng dẫn cụ thể để có quan điểm nhận định đánh giá, sử dụng chứng cứ thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thì có thể dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng không thể khắc phục được, không có giá trị pháp lý hoặc gây oan, sai, bỏ lọt tội phạm; hoặc vụ án bị hủy để điều tra bổ sung, điều tra lại.

2. Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên

Nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong giải quyết vụ án ma túy, tác giả đưa ra một số lưu ý đối với Kiểm sát viên như sau:

Một là, về kiểm sát biên bản bắt người phạm tội quả tang. Đối với tội phạm về ma túy, bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang chiếm tỷ lệ cao. Do đó, Kiểm sát viên cần lưu ý các vấn đề về thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang, thẩm quyền người lập biên bản; hình thức, nội dung biên bản và các tài liệu có liên quan; tính nhất quán, khách quan giữa lời khai người bị bắt, người chứng kiến, người làm chứng.

Trường hợp số lượng ma túy ít, nếu nghi ngờ không đủ khối lượng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên sử dụng loại cân điện tử đã được cơ quan kiểm định chất lượng để cân vật chứng ngay, kết hợp với việc lấy lời khai người bị bắt quả tang; từ đó, xem xét hành vi của họ cấu thành tội gì, nếu đủ yếu tố cấu thành Tội mua bán trái phép chất ma túy thì mới tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang; trường hợp hành vi của họ chỉ là vận chuyển hoặc tàng trữ thì không lập biên bản bắt người phạm tội quả tang mà lập biên bản vi phạm hành chính; tránh tình trạng khi đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, sau đó phải trả tự do vì không cấu thành tội phạm.

Hai là, về kiểm sát thu thập chứng cứ từ hoạt động khám xét, khám nghiệm hiện trường, phương tiện.

Quá trình kiểm sát điều tra trực tiếp hoặc gián tiếp qua biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, phương tiện, Kiểm sát viên phải nắm chắc trình tự, thủ tục để đảm bảo hoạt động khám xét, khám nghiệm hiện trường, phương tiện đúng quy định tố tụng hình sự, chứng cứ có giá trị chứng minh; biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, phương tiện phải đảm bảo mô tả đầy đủ, chi tiết về thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm, thành phần tham gia. Trường hợp thu giữ được tài liệu, vật chứng phải miêu tả rõ, đầy đủ số lượng, chủng loại, vị trí, kích thước, màu sắc và chụp ảnh, vẽ sơ đồ đầy đủ vào biên bản làm căn cứ; niêm phong đồ vật, tài liệu theo quy định. Trước khi ký vào biên bản, đối tượng bị khám xét phải ghi rõ “tôi công nhận những đồ vật đã niêm phong này là của tôi”.

Ba là, chú trọng kỹ năng kiểm sát việc thu giữ thư tín, điện tín.

Khi kiểm sát việc thu giữ thư tín, điện tín trong các vụ án về ma túy, Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung sau: Tính có căn cứ và sự cần thiết áp dụng biện pháp thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra; hình thức, nội dung lệnh thu giữ thư tín, điện tín; biểu mẫu, thẩm quyền người ký lệnh thu giữ. Đồng thời, Kiểm sát viên cần chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra sớm ra quyết định thu giữ thư tín, điện tín; phối hợp cùng Điều tra viên theo dõi kết quả thu giữ để đảm bảo tiến độ điều tra vụ án; đôn đốc các đơn vị viễn thông cung cấp kết quả kịp thời; tránh tình trạng phải gia hạn thời hạn điều tra do chưa có kết quả thu giữ thư tín, điện tín.

Bốn là, về kỹ năng kiểm sát thu thập chứng cứ từ công tác giám định kỹ thuật hình sự.

Trong một số vụ án, khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan Cảnh sát điều tra còn đặt ra các yêu cầu về giám định không rõ ràng. Điều này gây khó khăn, phức tạp cho công tác giám định và ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án. Do đó, Viện kiểm sát phải đôn đốc Cơ quan điều tra thực hiện ngay việc trưng cầu giám định để có kết quả trước khi hết thời hạn tạm giữ đối tượng làm căn cứ khởi tố; kiểm sát chặt chẽ nội dung quyết định trưng cầu giám định, kết luận giám định; nếu thấy nội dung các văn bản này còn có điểm chưa rõ ràng hoặc mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác, thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan thực hiện giám định giải thích, khắc phục ngay; trường hợp cần thiết có thể yêu cầu trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại; chỉ thực hiện phê chuẩn quyết định khởi tố bị can khi có đủ căn cứ xác định tang vật, vật chứng là ma túy (trừ trường hợp truy xét mở rộng vụ án không thể thu giữ được vật chứng).

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu các tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập, kịp thời phát hiện những vật chứng (ngoài ma túy), những nội dung, tình tiết cần giám định như: Đường vân, chữ viết ghi số điện thoại, thông tin người nhận trên các vỏ, bao bì cất giấu ma túy, giám định ADN... để yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện việc trưng cầu giám định bổ sung.

Năm là, về kiểm sát thu thập chứng cứ từ dữ liệu điện tử.

Hiện nay, thực tiễn điều tra thu thập được những chứng cứ chứa dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Vì vậy, đối với từng trường hợp cụ thể, Kiểm sát viên đều phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về phương pháp thu giữ, bảo quản phương tiện chứa dữ liệu điện tử, trình tự, thủ tục khám xét, thu giữ, lập biên bản, niêm phong, bảo quản vật chứng như: Ổ cứng máy tính, điện thoại thông minh, USB, thẻ nhớ, đĩa quang, video camera, máy ảnh, email... theo Điều 88 BLTTHS năm 2015. Quá trình thu thập phải sử dụng công nghệ được pháp luật công nhận, trong cả khám xét, thu giữ vật chứng, sao lưu dữ liệu, chặn thu trên mạng, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu. Việc chuyển hóa dữ liệu điện tử sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn phải thực hiện đúng quy định tại Điều 107 BLTTHS năm 2015. Bên cạnh dữ liệu điện tử, cần củng cố chứng cứ bằng chứng cứ khác liên quan như vật chứng, lời khai của người làm chứng… để tăng giá trị pháp lý.

Sáu là, về kiểm sát hỏi cung.

Đối với các vụ án về ma túy, việc hỏi cung bị can là nguồn chứng cứ quan trọng, nhằm làm rõ nội dung vụ án, vai trò, vị trí và mức độ phạm tội của từng bị can. Để nâng cao, hoàn thiện kỹ năng kiểm sát hỏi cung trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án ma túy, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, các tài liệu, chứng cứ, lời khai ban đầu của bị can (đặc biệt là các bị can chối tội, khai báo quanh co,…), diễn biến tâm lý của bị can… để phối hợp cùng Điều tra viên đưa ra phương pháp lấy lời khai hiệu quả.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tối đa khi áp dụng chiến thuật trong hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải lưu ý các nội dung: Khi bắt được đối tượng phải tiến hành hỏi cung ngay, bố trí giam giữ riêng biệt các bị can trong cùng một vụ án, không để thông cung; giữ bí mật về việc bắt, giam giữ đồng phạm khác; sử dụng ghi âm, ghi hình để chuyển hóa lời khai thành chứng cứ vật chất.

Bảy là, về kiểm sát lấy lời khai người làm chứng.

Đối với tội phạm ma túy, việc lấy lời khai người làm chứng gặp không ít khó khăn do tội phạm thường hoạt động bí mật, có ít người làm chứng hoặc người làm chứng không cung cấp thông tin do sợ bị trả thù, sợ mất thời gian, hoặc có quan hệ họ hàng thân thích với bị can. Sau khi xác định chính xác người làm chứng, tùy từng trường hợp, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên sử dụng chiến thuật lấy lời khai linh động, phù hợp để người làm chứng cung cấp đầy đủ thông tin về thủ phạm và vụ án, thiết lập tiếp xúc ban đầu để khai thác thông tin có giá trị. Trường hợp người làm chứng không tự giác khai báo hoặc khai báo nhầm lẫn, gian dối, thì cần sử dụng các chiến thuật như chỉ rõ mâu thuẫn trong lời khai, sử dụng tài liệu từ nguồn khác để đấu tranh, buộc người làm chứng khai báo đúng sự thật khách quan.

Tám là, chú trọng tiến hành kiểm sát các hoạt động điều tra bổ sung như đối chất, nhận dạng,…

Đây là những biện pháp điều tra nhằm làm rõ mâu thuẫn giữa lời khai của bị can, người làm chứng, người chứng kiến, hoặc làm sáng tỏ một tình tiết của vụ án; làm rõ sự đồng nhất, sự tương đồng, hay sự khác biệt giữa đối tượng nhận dạng và đối tượng có liên quan đến vụ án.

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ về phòng, chống tội phạm mạng

(Kiemsat.vn) - Pháp luật Hoa Kỳ là một trong những hệ thống pháp luật toàn diện, lâu đời và hiệu quả nhất trên thế giới về bảo toàn an ninh mạng cũng như hợp tác phòng ngừa tội phạm mạng. Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm mạng, tác giả rút ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang