Trao đổi về phân biệt hành vi phạm tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
(kiemsat.vn) Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định liên quan đến giải quyết các hành vi phạm tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 BLHS và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS, tuy nhiên trong thực tiễn giải quyết hai tội phạm này vẫn tồn tại nhiều quan điểm và cách xử lý khác nhau.
Về quy định bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Vướng mắc trong xác định thời hạn áp dụng, hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Ví dụ: Ngày 15/9/2023, Nguyễn Văn A mua của Trần Văn B một chiếc xe mô tô nhãn hiệu SH mode BKS 37K-01234 với giá 08 triệu đồng, khi mua không có giấy chứng nhận đăng ký xe. Sau đó, Nguyễn Văn A có lên mạng và nhờ một người lạ làm giả giấy tờ xe với giá 02 triệu đồng; sau khi có giấy tờ xe giả, Nguyễn Văn A đã bán chiếc xe với giá 30 triệu đồng cho Hồ Văn C. Vào ngày 20/12/2023, khi Hồ Văn C đang đi xe SH mode mua của Nguyễn Văn A thì bị Công an thành phố H giữ xe. Qua kiểm tra, Công an phát hiện giấy tờ xe đó bị làm giả. Đến ngày 03/01/2024, Cơ quan Công an đã chuyển hồ sơ cùng toàn bộ vật chứng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố H để giải quyết theo quy định. Tại Kết luận giám định của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh K kết luận: Giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô SH mode BKS 37K-01234 gửi giám định là giả.
Liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A, hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 vì sau khi mua chiếc xe mô tô của Trần Văn B và biết chiếc xe này không có giấy chứng nhận đăng ký xe thì Nguyễn Văn A đã đặt làm giả 01 chiếc giấy chứng nhận đăng ký xe, sau đó bán lại chiếc xe này cho Hồ Văn C việc bị cáo nhờ làm giả giấy tờ xe nhằm mục đích bán được chiếc xe để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo sử dụng giấy tờ xe giả để bán xe chính là thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nên hành vi trên đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản điều này phù hợp với hướng dẫn tại Công văn số 50/TANDTC-PC ngày 07/4/2020 của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao trả lời vướng mắc của TAND tỉnh Hà Giang đối với trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:
“Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (như sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả…) để chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, thế chấp… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu đặc trưng trong mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là hành vi khách quan của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TAND tối cao thì trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thoả mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Do đó, trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS. Cũng cần lưu ý rằng, trường hợp này khác với trường hợp làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ, tài liệu đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của bị cáo Nguyễn Văn A là một chuỗi hành vi một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó hành vi đặt giấy tờ giả là tiền đề điều kiện để thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả với mục đích bán xe để chiếm đoạt tài sản. Do vậy, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn A thỏa mãn yếu tố cấu thành của hai tội đó là tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo khoản 1 Điều 314 BLHS năm 2015 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 và phù hợp với Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019, Hội đồng thẩm phán TANDTC:
“- Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn…
- Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Ví dụ 1: Do làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Văn A đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất có diện tích 100m2, sau đó A lừa bán mảnh đất này cho bà Trần Thị C để chiếm đoạt số tiền 5.000.000.000 đồng. Hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của A có dấu hiệu cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS 2015 còn hành vi lừa bán mảnh đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do A làm giả) để chiếm đoạt 5.000.000.000 đồng của bà Trần Thị C có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 và tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS 2015, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm”.
Quan điểm thứ ba: Hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo khoản 1 Điều 341 BLHS 2015. Tác giả nhất trí với quan điểm này, bởi: Qua nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự nhận thấy một số vấn đề sau đây:
(1) Tài sản thể hiện trong giấy tờ giả đó phải là những loại tài sản không được phép quyền sở hữu, quản lý theo quy định của pháp luật dân sự. Ví dụ: Chiếc xe ô tô đang được cầm cố tại ngân hàng nhưng sau đó làm giả giấy tờ xe để bán bởi vì chiếc xe đó đang bị cấm chuyển quyền sở hữu, quản lý chỉ có việc làm giả và sử dụng giấy tờ giả đó mới bán được chiếc xe để chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu của thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thủ đoạn gian dối là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội).
(2) Đối với các loại tài sản mà pháp luật dân sự không cấm chuyển quyền sở hữu, quản lý thì nếu làm giả giấy tờ của tài sau đó sử dụng giấy tờ giả đó để làm tăng giá trị tài sản và hưởng mức chênh lệch so với giá trị tài sản ban đầu chỉ thỏa mãn yếu tố cấu thành của tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo khoản 1 Điều 341 BLHS 2015, còn mục đích trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là để chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án nêu trên, tài sản là chiếc xe máy SH mode BKS 37K-01234 mà Nguyễn Văn A mua của Trần Văn B là tài sản chiếm hữu ngay tình và thuộc trường hợp chuyển quyền sở hữu, quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự, việc A đặt mua giấy tờ giả và sử dụng dụng giấy tờ giả đó để bán chiếc xe với mục đích tăng giá trị của chiếc xe để hưởng tiền chênh lệch đây không phải là thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 mà thỏa mãn dấu hiệu của tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS 2015.
Trên đây là những quan điểm khác nhau về tội danh của Nguyễn Văn A, rất mong nhận được ý kiến trao đổi.
Về thời điểm phát sinh và căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
-
1Những điểm mới về phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng, hòa giải theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
-
2Làm giả tài liệu hay sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
-
3Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can
-
4Một số vấn đề pháp lý về thành lập doanh nghiệp qua vụ án “Vạn Thịnh Phát”
-
5Bàn về việc tổng hợp hình phạt đối với người được hưởng án treo phạm tội mới
-
6Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
-
7Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề "Tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước"
-
8Các bị can có phạm tội hủy hoại tài sản?
Bài viết chưa có bình luận nào.