Một số vấn đề về phòng vệ chính đáng

22/02/2024 07:43

(kiemsat.vn)
Bài viết phân tích điều kiện phát sinh quyền và giới hạn phòng vệ chính đáng, nêu một số bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện chế định này, nhằm bảo đảm và đề cao quyền con người, tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

1. Về cơ sở phát sinh và giới hạn phòng vệ chính đáng

- Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ:

Về lý luận chung, một trong những cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ là phải có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật. Tính nguy hiểm đáng kể thường được xác định là nguy hiểm đến mức là tội phạm. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện bắt buộc, vì đối với các hành vi tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay lập tức mà chưa gây ra hậu quả (cầm dao dọa chém hoặc đã chém nhưng trượt) thì chưa xác định được thiệt hại cụ thể. Hơn nữa, trước sự tấn công trái pháp luật đang xảy ra thì người bị tấn công chưa biết được đó có phải hành vi phạm tội hay không. Trường hợp hành vi đe dọa tấn công hoặc hành vi tấn công chưa đến mức nguy hiểm đáng kể thì sẽ không phát sinh quyền phòng vệ. Khi đó, người bị tấn công có hành vi chống trả gây thương tích hoặc gây chết người có thể bị xem xét về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người với tình tiết “trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Như vậy, điều kiện phát sinh quyền phòng vệ là hành vi tấn công đang diễn ra hoặc đe dọa diễn ra ngay tức khắc, dù chưa gây ra hậu quả. Tuy nhiên, trên thực tiễn, hành vi tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc rất đa dạng về mức độ nguy hiểm, từ dùng tay không cho đến dùng hung khí nguy hiểm (như dao, rựa, thậm chí là vũ khí quân dụng); đối tượng tấn công (có thể chỉ có một người hoặc nhiều người đánh một người). Do đây chỉ là một yếu tố định tính không cụ thể, nên việc xác định trường hợp làm phát sinh quyền phòng vệ còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có trường hợp xác định mặc dù hành vi tấn công đáng kể đang diễn ra, chưa kết thúc nhưng người có hành vi chống trả không được xem là phòng vệ, mà thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh.

Theo tác giả, những hành vi của người tấn công mà xâm phạm hoặc đe dọa tác động đến thân thể người phòng vệ thì trước hết hành vi đó sẽ xâm phạm đến sức khỏe của người bị tấn công và tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm đến tính mạng của họ. Bởi lẽ, đối với hành vi tấn công, chúng ta không thể lường trước được hậu quả hay hướng phát triển của hành vi đó. Ví dụ: Có thể lúc đầu đối tượng chỉ đánh bằng tay không nhưng sau đó lấy hoặc nhặt được hung khí nguy hiểm như dao, gậy để tấn công; hoặc chỉ đánh, đá bằng tay, chân nhưng lại dẫn đến hậu quả chết người. Xu hướng chung của thế giới và của nước ta hiện nay là đề cao, bảo vệ quyền con người, mà quyền sống là một trong những quyền quan trọng nhất, không thể tách rời mỗi cá nhân. Do đó, khi đứng trước những đe dọa hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình thì con người phải được phép hành động để bảo vệ chính bản thân mình. Từ đó, tác giả nhận thấy, đối với hành vi đe dọa tấn công ngay tức khắc hoặc hành vi tấn công đang hiện hữu, cần xem xét đến tương quan lực lượng, công cụ, phương tiện, mức độ quyết liệt của hành vi tấn công hoặc hành vi đe dọa để nhận định liệu có phát sinh quyền phòng vệ hay không. Trường hợp có sự tương quan lực lượng, công cụ rõ ràng, mức độ nguy hiểm của công cụ, phương tiện sử dụng là đáng kể, thì chỉ cần có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc, người bị đe dọa tấn công có quyền phòng vệ. Nếu không có sự chênh lệch này thì quyền phòng vệ chỉ phát sinh khi người tấn công đã có tác động đáng kể đến thân thể của người bị tấn công.

- Về giới hạn “rõ ràng quá mức cần thiết”:

Hiện nay, lý luận cũng như thực tiễn, khi xem xét hành vi phòng vệ có rõ ràng vượt quá mức cần thiết hay không, cần xem xét đến các yếu tố: (1) Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; (2) Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; (3) Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; (4) Tính chất và mức độ của phương pháp, phương tiện hay công cụ mà đối tượng tấn công đã sử dụng, thời gian, địa điểm, tình hình trị an nơi xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ; (5) Sức mạnh và khả năng phòng vệ; (6) Nhân thân của người tấn công và người phòng vệ; (7) Yếu tố tâm lý của người phòng vệ. Trên cơ sở xem xét toàn diện những tiêu chí trên, chủ thể áp dụng pháp luật có thể quyết định hành vi phòng vệ có rõ ràng vượt quá mức cần thiết hay không. Do căn cứ vào sự đánh giá chủ quan của chủ thể áp dụng pháp luật nên dẫn đến sự thiếu thống nhất trong thực tiễn. Việc đánh giá giới hạn này quá thấp hay quá cao sẽ dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Ví dụ: Ngày 05/9/2019, Trần Thế X, trú tại số nhà 63B đường G, phường T, thành phố B, tỉnh Đ mượn một chiếc xe ô tô tải để sáng ngày 06/9/2019 chở đá hoa cương đến công trình. Do nhà không có chỗ đỗ xe ô tô nên X đến nhà ông Trần Thanh M là hàng xóm gần nhà, làm dịch vụ rửa xe để xin gửi xe qua đêm. Ông M đồng ý nên chiều cùng ngày, X nhờ tài xế điều khiển xe đỗ trong sân nhà ông M. Khoảng 22 giờ 30 phút, sau khi đi nhậu về, ông M thấy xe đỗ không ngay ngắn, không để chìa khóa trên xe như đã dặn trước đó, nên ông M đi sang nhà X to tiếng mắng chửi X. Thấy vậy, chị Lương Thị V là vợ của X giải thích X đã đến nhà tìm ông M hai lần để đưa chìa khóa nhưng ông M không có nhà. Ngay sau đó, X cầm chìa khóa xe ô tô đi sang nhà ông M.

Tại đây, cả hai tiếp tục cãi nhau thì ông M lấy 01 con dao (dài 109cm, cán bằng tre dài 60cm, lưỡi bằng kim loại dài 49cm (hình cong), mũi dao vật rộng 10cm, bản dẹp, trên mũi dao có 01 hình tròn đường kính 02cm) đuổi chém X. X bỏ chạy về nhà và đóng cửa lại nên ông M đứng ngoài đường chửi mắng X rồi bỏ về. Khoảng 05 phút sau, do lo sợ ông M phá xe ô tô nên X nói với chị V lấy chìa khóa đi nhờ người điều khiển xe ô tô ra ngoài, không gửi ở sân nhà ông M nữa. X ra vỉa hè cạnh nhà nhìn theo chị V thì thấy ông M đang cầm dao đi nhanh về phía X. Thấy thái độ hung hăng của ông M, X liền cầm chiếc xẻng (dài 173cm, cán bằng tre dài 142cm, đường kính 04cm, lưỡi bằng kim loại dài 31cm, rộng 23,5cm) gần chỗ X đang đứng. Lúc này, anh Đinh Ngọc T kéo X lùi về đứng trên vỉa hè trước cổng nhà của X nhưng ông M vẫn cầm dao chạy tới. Ông M cầm dao bằng hai tay lao về phía X đang đứng, chém 01 nhát từ trên cao xuống hơi chếch từ phải sang trái. X lùi lại để tránh nên không trúng, đồng thời X dùng hai tay cầm xẻng đánh từ trên xuống dưới trúng vào đầu ông M làm ông M ngã xuống đường. Khi phát hiện ông M bị thương, X cùng anh T và anh Q đưa ông M đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa. Kết luận giám định thương tật ông M: Sẹo trán phải dính, xơ cứng, hình chữ V, kích thước 5,5cm x 0,2cm, ảnh hưởng thẩm mỹ; khuyết sọ trán phải kích thước 2cm x 2,5cm, đáy chắc; tổn thương não vùng trán phải; sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên hiện tại là 48%. Hội đồng xét xử tuyên X phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Trường hợp này, tác giả cho rằng, hành vi của X là phòng vệ chính đáng. Bởi vì, khi xem xét toàn diện 07 yếu tố như đã liệt kê ở trên, có thể thấy ông M đã vô cớ, hung hăng cầm dao là hung khí có sức sát thương cao đuổi chém X. Về phần X thì ngay từ khi phát sinh mâu thuẫn, X đã chủ động xin lỗi, khắc phục, khi thấy ông M cầm dao đuổi chém mình thì X chủ động bỏ chạy, chỉ khi ông M đuổi kịp và chém trượt X thì X mới dùng xẻng (tương quan vũ khí thì cây dao của ông M vẫn nguy hiểm hơn xẻng của X) đánh một cái trúng đầu ông M. Khi đã tước được vũ khí và thấy ông M không còn tấn công mình nữa thì X cũng ngừng chống trả, chỉ ngồi đè lên người ông M để khống chế, vì lúc này ông M vẫn còn hung hăng. Hành vi của X là phù hợp, tương xứng và cần thiết để gạt bỏ sự tấn công từ phía ông M nên đây là phòng vệ chính đáng.

Theo tác giả, để xem xét hành vi phòng vệ có rõ ràng vượt quá mức cần thiết hay không thì bên cạnh 07 yếu tố kể trên, cần chú ý đến hoàn cảnh, nhận thức của người phòng vệ tại thời điểm xảy ra vụ việc. Bởi vì, phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ yếu tố nguy hiểm cho xã hội của hành vi; thông qua phòng vệ chính đáng, Nhà nước khuyến khích người dân ngăn chặn những hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của họ, của Nhà nước hoặc của cơ quan, tổ chức. Việc chống trả đó nếu gây thiệt hại cho người tấn công trong một giới hạn nhất định thì vẫn sẽ được Nhà nước bảo vệ, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, giới hạn của việc phòng vệ là một phạm trù còn chưa thống nhất, do đó, việc đòi hỏi người phòng vệ - phần lớn không am hiểu pháp luật, trong một hoàn cảnh cấp thiết mà không do họ tạo nên phải lựa chọn cách thức, mức độ phòng vệ phù hợp là không hợp lý.

2. Yếu tố “lỗi” đối với Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Trên thực tế, rất khó xác định người phạm tội có hay không mong muốn hậu quả xảy ra, bởi đây là yếu tố thuộc về mặt chủ quan của tội phạm, không bộc lộ ra ngoài. Để xem xét yếu tố này, chủ thể áp dụng pháp luật sẽ đánh giá gián tiếp thông qua dấu hiệu mục đích của tội phạm. Trong mối tương quan giữa sự mong muốn hậu quả phát sinh và mục đích của người phạm tội, nếu thuộc các trường hợp sau thì có thể xác định người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra: (1) Hậu quả là mục đích cuối cùng của hành vi phạm tội; (2) Hậu quả là điều kiện để đạt được mục đích của người phạm tội; (3) Hậu quả là phương pháp để đạt được mục đích cuối cùng; (4) Trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quả tất yếu xảy ra mà vẫn thực hiện hành vi thì hậu quả là mong muốn của người đó.

Có một số bản án về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà bị hại không chết. Ví dụ: Bực tức vì N đưa Q đi chơi nên khi N vừa xuống xe thì M (người yêu cũ của Q) lao vào dùng tay, chân đánh liên tiếp vào mặt và người N. Do nghĩ rằng việc đưa Q đi chơi qua đêm là sai nên N không dám chống đỡ mà để yên cho M đánh khoảng 5 - 10 phút thì bà H (mẹ của Q) xuống can ngăn và bảo đưa N vào trong nhà nói chuyện. Trong lúc ngồi nói chuyện thì M mắng chửi và tiếp tục tát vào mặt N. Nhân lúc mọi người không để ý, N nhắn tin cho một người bạn tên T đến đón. Khoảng 09 giờ 00 phút cùng ngày, N nhận được tin nhắn của T là “ra đi” thì N chạy ra chỗ vị trí xe taxi, ngồi vào ghế sau và bảo xe đi. Thấy N bỏ chạy, Lê Hoàng L (bạn của M) đi xe máy còn M chạy bộ đuổi theo chặn xe taxi lại. M mở cửa, kéo N từ trên xe taxi xuống rồi một tay túm tóc ấn đầu, một tay đánh liên tiếp vào người và mặt của N. L đứng ngay phía sau đấm vào lưng và ghì đầu N xuống. Do ức chế vì bị đánh nên N dùng tay phải lấy dao dạng gấp dài 20cm, mũi dao nhọn để trong túi đeo trước ngực đâm về phía M ba nhát liên tiếp theo hướng ngang từ phải qua trái vào bắp tay trái và mạn sườn trái của M, M buông N ra và lùi lại, còn L tiếp tục dùng tay, chân đấm đá N thì N cầm dao đâm một nhát vào mạn sườn trái của L. L túm được tay cầm dao của N kéo xuống, giằng co một lúc thì N buông dao ra bỏ chạy và bị một số người dân bắt giữ, báo Công an đưa N về trụ sở để làm rõ, còn M và L được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tỉ lệ thương tích gây ra cho M và L là 27%. Hội đồng xét xử đã tuyên N phạm Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Mặc dù trong bản án không thể hiện rõ nhận định của Hội đồng xét xử về yếu tố lỗi của bị cáo nhưng thông qua việc phân tích về yếu tố lỗi trong Tội giết người nói chung ở trên, có thể suy luận rằng Hội đồng xét xử đã xác định bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.

Tác giả cho rằng, để đạt được mục đích của phòng vệ chính đáng thì bắt buộc phải loại bỏ sự tấn công thông qua việc tác động đến thân thể người tấn công nhằm khống chế, tước vũ khí, tước bỏ khả năng tấn công của họ, kết quả của hành vi này có thể gây thương tích hoặc tử vong cho người tấn công. Từ đó có thể thấy, hậu quả chết người không phải là yếu tố để đạt được mục đích phòng vệ. Điều kiện để đạt được mục đích phòng vệ là người tấn công chấm dứt hành vi tấn công trái pháp luật hoặc người phòng vệ bỏ chạy, thoát khỏi sự tấn công; phương pháp để đạt được mục đích phòng vệ là sử dụng vũ lực để chống trả lại người đang có hành vi tấn công trái pháp luật.

Việc kết luận người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp (dùng dao đâm vào ngực, dùng xẻng đập vào đầu) phần nào phù hợp với tinh thần của Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại. Tuy nhiên, nếu xét trong hoàn cảnh phải phòng vệ thì người phạm tội thực tế rất khó thấy trước hậu quả chết người tất yếu sẽ xảy ra. Bởi vì, ngay từ đầu họ đã bị động khi bị tấn công trước và khi thực hiện hành vi chống trả, thì họ có rất ít điều kiện cũng như thời gian để nhìn nhận tính nguy hiểm của hành vi chống trả đó, nhất là trong các trường hợp bị hại tấn công một cách quyết liệt, hung hãn cao độ. Xét về tâm lý khi bị tấn công, người phòng vệ thường sợ hãi, lúng túng, cố tìm cách chống trả để thoát thân, nên việc đòi hỏi họ phải chủ động tránh những vị trí trọng yếu trên cơ thể đối tượng tấn công rõ ràng là không phù hợp với bản chất của hành vi phòng vệ. Do đó, việc người phòng vệ tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể người tấn công (nếu có xảy ra), thì chỉ là sự ngẫu nhiên xuất phát từ bản chất của phòng vệ chính đáng. Tại thời điểm đó, người phòng vệ hoàn toàn không có đủ điều kiện để nhận thức hay đánh giá được đâu là vùng trọng yếu trên cơ thể của người tấn công và hoàn toàn không có chủ ý tác động vào những vùng đó nhằm gây ra cái chết cho người tấn công.

Do đó, tác giả cho rằng, yếu tố lỗi trong cấu thành của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ là lỗi cố ý gián tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ khi nào hậu quả chết người xảy ra thì người phòng vệ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này.

Cơ chế bảo vệ cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định của Trung Quốc

(Kiemsat.vn) - Ngày 21/7/2016, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Quy định về bảo vệ cán bộ tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật” và ra thông báo yêu cầu tất cả các địa phương và bộ, ban, ngành nghiêm túc thực hiện. Sau đây, chúng tôi giới thiệu toàn văn Quy định này.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho thấy, việc thực hiện các quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn tồn tại những vướng mắc, bất cập nhất định trong nhận thức và áp dụng pháp luật, tác giả đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục hạn chế này.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang