Kiểm sát quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ khó khăn và vướng mắc
(kiemsat.vn) Điều 89, 103 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (gọi chung là người chấp hành án ngoài cộng đồng) được rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự về án treo
Bàn về thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người được hưởng án treo
Một số bất cập của Luật thi hành án hình sự năm 2019 về án treo và giải pháp hoàn thiện
Quá trình kiểm sát thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); Quyết định không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo (Mẫu số 04), cụ thể: Khi Tòa án mở phiên họp phải ra một trong hai quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách, trong đó phần hiệu lực của Quyết định có ghi "có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp: Rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại như thế nào dẫn đến lúng túng và không thống nhất trong việc ra quyết định. Một số trường hợp cụ thể Tòa án đã ra quyết định:
Hình ảnh minh họa. |
Trường hợp thứ nhất: Người chấp hành án Phạm Văn C, bị Tòa án nhân dân thành phố L, xét xử sơ thẩm tuyên phạt 02 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm về tội "Cố ý gây thương tích", thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 20/02/2020). Đến ngày 22/8/2023, Tòa án mở phiên họp thì người chấp hành án đã chấp hành được 03 năm 6 tháng 02 ngày. Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp đề nghị rút ngắn 03 tháng thời gian thử thách, thời gian thử thách còn lại là 02 tháng 28 ngày. Tòa án đã ra quyết định: “Rút ngắn hết thời gian thử thách của án treo còn lại là 02 tháng 28 ngày cho người được hưởng án treo Phạm Văn C” nhưng phần hiệu lực của Quyết định “có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Vậy tính theo Quyết định của Tòa án, nếu sau 15 ngày thì thời hạn còn lại chỉ là 01 tháng 23 ngày.
Trường hợp thứ 2: Người chấp hành án Vũ Đình T, bị Tòa án nhân dân huyện Đ, xét xử sơ thẩm tuyên phạt 01 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm về tội "Tổ chức đánh bạc", thời gian thử thách của án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 29/4/2021). Đến ngày 16/01/2023, Tòa án mở phiên họp thì người chấp hành án đã chấp hành được 01 năm 08 tháng 18 ngày, thời gian gian thử thách còn lại là 03 tháng 12 ngày, Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp đề nghị rút ngắn 03 tháng thời gian thử thách. Tòa án đã quyết định: “Rút ngắn thời gian thử thách 03 tháng cho người được hưởng án treo Vũ Đình T” nhưng phần hiệu lực của Quyết định “có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Nếu sau 15 ngày thì thời hạn còn lại chỉ là 02 tháng 28 ngày.
Do đó, với việc ban hành Quyết định của Tòa án như trên, hiện này có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Không có hướng dẫn cụ thể thì thực hiện theo mẫu “có hiệu lực sau 15 ngày,…” nhưng quyết định phải trừ đi 15 ngày.
Quan điểm thứ hai: Rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại thì phải được thi hành ngay kể từ ngày ban hành quyết định. Quyết định có thể bị khiếu nại, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai: Bởi theo hướng dẫn giải đáp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nội dung quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại thì “phải được thi hành ngay kể từ ngày ban hành quyết định” mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, đồng thời có thể áp dụng tương tự như Điều 363 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị".
Trên thực tế có trường hợp Tòa án lại quyết định rút ngắn thời gian thử thách khi thời gian còn lại của người chấp hành án dưới 15 ngày, dẫn đến người chấp hành án đã chấp hành xong thời gian thử thách và được cấp giấy chứng nhận trước khi quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp: Người chấp hành án Vi Thị Đ, bị Tòa án nhân dân huyện Đ, xét xử sơ thẩm tuyên phạt 01 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm về tội Hủy hoại rừng, thời gian thử thách của án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 26/01/2021). Đến ngày 16/01/2023, Tòa án mở phiên họp thì người chấp hành án đã chấp hành được 01 năm 11 tháng 20 ngày, thời gian gian thử thách còn lại là 10 ngày. Tòa án đã quyết định: “Rút ngắn thời gian thử thách còn lại là 10 ngày cho người được hưởng án treo Vi Thị Đ” nhưng phần hiệu lực của Quyết định “có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Trường hợp này, nếu sau 15 ngày thì người chấp hành án đã chấp hành xong thời gian thử thách và đã được cấp giấy chứng nhận trước khi quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Hiện nay, liên ngành Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn nên một số Tòa án khi thực hiện theo Mẫu số 03-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03 ngày 11/10/2021), phần quyết định vẫn ghi “có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định…” dẫn đến khó khăn trong hoạt động kiểm sát. Mặt khác, việc ghi các nội dung trong quyết định cũng nhiều cách hiểu khác nhau, có một số Tòa án cấp huyện thì ghi đầy đủ nội dung, như người chấp hành án bị phạt bao nhiêu năm, tháng, thời gian thử thách…, đã chấp hành đến ngày mở phiên họp là bao nhiêu, chấp hành về phần dân sự như thế nào và chấp hành nghĩa vụ ra sao…, đã được giảm lần nào chưa hay lần đầu, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp đề nghị bao nhiêu, chấp nhận một phần hoặc toàn bộ và phải nêu lý do cụ thể; có Tòa án lại ghi chung chung, không đầy đủ nội dung nên việc xác định có đảm bảo đủ điều kiện hay không, rất khó khăn khi kiểm sát. Vì vậy, theo hướng dẫn của Ngành thì việc Tòa án ban hành quyết định rút ngắn thời gian thử thách như trên là không đảm bảo, do đó Viện kiểm sát xác định là vi phạm, trường hợp này Viện kiểm sát có ban hành kiến nghị được không?.
Qua hoạt động kiểm sát quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo và án phạt cải tạo không giam giữ, còn gặp khó khăn, vướng mắc xin được tổng hợp trong bài viết này, mong nhận được ý kiến trao đổi, góp ý của đồng nghiệp và bạn đọc.
Bài viết chưa có bình luận nào.