Một số vấn đề về kiểm soát tội phạm gây rối trật tự nơi công cộng

24/12/2024 14:48

(kiemsat.vn)
Bài viết làm rõ những đặc điểm về chức năng, chủ thể, phương tiện, phương thức, nội dung kiểm soát tội phạm gây rối trật tự công cộng trong mối quan hệ với kiểm soát xã hội đối với tội phạm gây rối trật tự công cộng và phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng; đồng thời, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát tội phạm này.

1. Chức năng, chủ thể, phương tiện, phương thức, nội dung kiểm soát tội phạm gây rối trật tự công cộng

Về chủ thể: Chủ thể kiểm soát tội phạm gây rối trật tự công cộng (GRTTCC) là do nhà nước thực hiện. Đây là hoạt động kiểm soát chuyên trách, kiểm soát đương nhiên trên cơ sở quy định của pháp luật. Các cơ quan đại diện cho nhà nước thực hiện kiểm soát gồm cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tội phạm, các cơ quan quản lý nhà nước khác… Các chủ thể có thẩm quyền có nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp về kiểm soát tội phạm GRTTCC thông qua các biện pháp có tính chất cưỡng chế hoặc hoạt động nghiệp vụ chuyên biệt.

Bên cạnh chủ thể là nhà nước, các chủ thể xã hội khác như tổ chức tôn giáo, tổ chức giáo dục, gia đình, cộng đồng dân cư, các hội/nhóm (tập hợp dưới lợi ích chung); các các nhân có mối quan hệ tác động, chi phối khác cũng đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát tội phạm GRTTCC. Mỗi chủ thể đều có vai trò và chức năng quan trọng khác nhau, là sự bổ sung cần thiết cho hoạt động kiểm soát của nhà nước, đặt trọng tâm là kiểm soát tư tưởng phạm tội của người thực hiện hành vi GRTTCC, để họ tự điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật với xã hội, cộng đồng và nhà nước.

Về phương tiện kiểm soát: Mỗi chủ thể có những phương tiện kiểm soát đối với tội phạm GRTTCC tương ứng và trong nhiều trường hợp, chủ thể có thể sử dụng nhiều phương tiện kiểm soát khác nhau để tạo ra hiệu quả phòng ngừa đối với tội phạm GRTTCC. Phương tiện kiểm soát tội phạm của nhà nước là pháp luật. Kiểm soát tội phạm GRTTCC thể hiện từ việc xây dựng pháp luật đến việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành các hình phạt hoặc biện pháp xử lí hình sự khác đối với người phạm tội.

Ngoài phương tiện kiểm soát là pháp luật, các phương tiện khác được sử dụng như dư luận, niềm tin, sự giáo dục, tập quán, tôn giáo, lý tưởng cá nhân, nhân cách… Có thể thấy rằng các chủ thể xã hội chủ yếu sở hữu các phương tiện này nhiều nhất là cộng đồng dân cư, các nhóm xã hội, gia đình, tổ chức giáo dục, các tổ chức chính trị, xã hội khác…

Về phương thức kiểm soát tội phạm: Hiện nay trên thế giới và Việt Nam có nhiều cách phân loại phương thức kiểm soát tội phạm, điển hình như kiểm soát bằng chế tài, kiểm soát bằng giáo dục, xã hội hóa; kiểm soát có ý thức, kiểm soát vô thức, kiểm soát xây dựng, kiểm soát phá hủy; kiểm soát xã hội tích cực, kiểm soát xã hội tiêu cực; Kiểm soát hành vi phạm tội, kiểm soát tư tưởng phạm tội, kiểm soát nội bộ, kiểm soát chung, tự kiểm soát.

Nhìn chung, các phương thức kiểm soát trên đều có những tiêu chí xác định khác nhau, sự đa dạng đó góp phần làm rõ hơn các phương diện khác nhau của các phương thức kiểm soát xã hội. Có thể thấy, phương thức kiểm soát tội phạm GRTTCC càng đa dạng, linh hoạt thì tác động lên đối tượng trực tiếp, gián tiếp ở các mức độ khác nhau, góp phần kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tội phạm GRTTCC phát sinh, giảm bớt tái phạm.

Về nội dung: Kiểm soát tội phạm GRTTCC là khả năng nắm bắt tình hình tội phạm thực tế và phản ứng thực tế của Nhà nước đối với tội phạm này.

Đối với tội phạm GRTTCC thì khả năng nắm bắt tình hình tội phạm thực tế và mức độ phản ứng thực tế của Nhà nước đối với tội phạm được thực hiện thông qua mối tương quan giữa tình hình (thực trạng thực tế của tội phạm (tình hình tội phạm) GRTTCC trong xã hội; thông tin về tội phạm đã được thụ lý, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng quyết định, áp dụng hình phạt); thông tin về tội phạm ẩn; các phản ánh phản ứng thực tế của Nhà nước về kinh tế, xã hội, dân cư, các yếu tố khác, sự thay đổi về pháp luật, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang diễn ra trong xã hội.

Nội dung kiểm soát tội phạm GRTTCC còn là vấn đề tự kiểm soát hành vi GRTTCC của chính cá nhân người phạm tội GRTTCC. Đây là phương thức kiểm soát đặc biệt, nó diễn ra bên trong mỗi cá nhân. Tất cả những biện pháp kiểm soát từ bên ngoài có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào mức độ tự kiểm soát của cá nhân. Tự kiểm soát được thực hiện nhờ những yếu tố như nhân cách, trí tuệ, phẩm chất đạo đức… những yếu tố này giúp hành vi của các cá nhân được kìm chế trong chuẩn mực và ngược lại là lệch lạc, phạm tội.

Mức độ kiểm soát tội phạm GRTTCC về không gian chủ yếu là cấp độ một nhóm cộng đồng, một địa phương, hoặc một liên kết xã hộ nào đó hay cấp độ quốc gia. Đặc trưng của tội phạm GRTTCC có thể xảy ra ở nơi công cộng, khu vực công cộng trong khu dân cư, cơ quan, tổ chức nhưng có liên quan đến trật tự công cộng, vào những khoảng không gian đa dạng tùy theo tình huống phạm tội cụ thể.

Vì vậy, nội dung kiểm soát tội phạm GRTTCC hướng tới đặc điểm, tính chất hoạt động của từng nơi công cộng, các kế hoạch, biện pháp kiểm soát được thực hiện phù hợp, có thể xảy ra gắn với hoạt động của địa bàn công cộng để đề ra các biện pháp có tính lâu dài, phổ biến tại những nơi công cộng có đặc điểm, tính chất hoạt động tương tự nhau hoặc kiểm soát tội phạm GRTTCC tại những không gian công cộng bao gồm cả không gian mạng internet.

2. Mối quan hệ giữa kiểm soát tội phạm, kiểm soát xã hội đối với tội phạm gây rối trật tự công cộng và phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng

Kiểm soát tội phạm GRTTCC có mối quan hệ tương quan với kiểm soát xã hội đối với tội phạm GRTTCC và phòng ngừa tội phạm GRTTCC.

Chức năng cơ bản của kiểm soát tội phạm là thiết lập và duy trì trật tự xã hội, do đó kiểm soát tội phạm là một bộ phận của hệ thống kiểm soát xã hội. Kiểm soát tội phạm luôn được đặt trong mối quan hệ rộng hơn với các quá trình xã hội, có tác động điều chỉnh hành vi của con người.

Trên cơ sở các nghiên cứu trên, căn cứ vào bản chất, nguồn gốc, nội dung của tội phạm là một hiện tượng pháp lý tiêu cực trong xã hội, tội phạm luôn chứa đựng trong nó các đặc tính chống lại Nhà nước, chống đối lại xã hội, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, trật tự xã hội, xâm phạm đến quyền, tự do và các lợi ích hợp pháp của con người. Mặt khác, các phản ứng thực tế của Nhà nước, của xã hội đối với tội phạm là nhằm mục tiêu kiểm soát tội phạm, nghĩa là giảm bớt, hạn chế, khống chế, kiềm chế tội phạm trong xã hội, giữ gìn trật tự xã hội, an toàn xã hội. Vì vậy, nghiên cứu kiểm soát tội phạm GRTTCC không được tách rời kiểm soát xã hội đối với tội phạm GRTTCC.

Kiểm soát tội phạm GRTTCC là bộ phận quan trọng, có tác động mạnh mẽ nhất của kiểm soát xã hội đối với tội phạm GRTTCC bên cạnh các yếu tố, bộ phận, phương tiện, phương thức của kiểm soát xã hội đối với tội phạm này. Thực tế, kiểm soát tội phạm GRTTCC được thực hiện bằng kiểm soát chính thức (thông qua nhà nước) hoặc kết hợp với việc thực hiện kiểm soát không chính thức (thông qua các chủ thể của kiểm soát xã hội) như gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức nơi làm việc, hàng xóm…

Kiểm soát tội phạm GRTTCC được xác định là một phần của phòng ngừa tội phạm GRTTCC, vì qua nghiên cứu thì kiểm soát tội phạm “là phản ứng đối với tội phạm đã xảy ra còn phòng ngừa tội phạm lại hướng tới việc ngăn ngừa không để cho tội phạm xảy ra”. Hiểu theo nghĩa rộng thì mục đích của kiểm soát tội phạm GRTTCC cũng chứa đựng mục đích của phòng ngừa tội phạm GRTTCC.

Xét về phương tiện thì kiểm soát tội phạm GRTTCC là biện pháp phòng ngừa tội phạm GRTTCC vì đối với người phạm tội GRTTCC thực hiện kiểm soát tội phạm chính là việc thể hiện và thực hiện sự phản ứng xã hội đối với hành vi phạm tội GRTTCC của họ để nhằm điều chỉnh hành vi trong tương lai của họ cho phù hợp với các chuẩn mực pháp luật, đồng thời ngăn ngừa tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Kiểm soát tội phạm GRTTCC có tác động tăng cường kiểm soát chủ động, góp phần hình thành và củng cố kiểm soát bên trong của các cá nhân.

3. Một số giải pháp tăng cường hiệu quả kiểm soát tội phạm gây rối trật tự công cộng ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, đa dạng phương thức kiểm soát tội phạm GRTTCC, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động kiểm soát của nhà nước, kiểm soát xã hội và vấn đề tự kiểm soát.

Đối với tội phạm GRTTCC, các chủ thể kiểm soát cần tập trung vào kiểm soát có ý thức, kiểm soát tích cực, tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm soát chính thức thông qua việc thực hiện các quy định của pháp luật để cho đối tượng có hành vi phạm tội GRTTCC, đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi GRTTCC nhận thấy sự kiểm soát một cách rõ ràng, đặc biệt phát huy chức năng kiểm soát của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tội phạm.

Mức độ kiểm soát tới tội phạm GRTTCC có thể tác động tới toàn bộ xã hội, toàn thể cộng đồng mà không riêng gì bất kỳ cá nhân nào, từ đó sẽ gián tiếp kiểm soát tội phạm GRTTCC. Do vậy, các chủ thể cần tiếp tục quan tâm, chú ý tới hoạt động kiểm soát tội phạm GRTTCC thông qua sự lên án, phê bình, cam kết, bồi thường đối với các hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức dẫn tới việc thực hiện hành vi phạm tội GRTTCC.

Thực tế, kiểm soát hành vi phạm tội GRTTCC và kiểm soát tư tưởng phạm tội GRTTCC luôn chi phối lẫn nhau. Sự kiểm soát chặt chẽ về hành vi là cơ chế ngăn chặn tư tưởng phạm tội GRTTCC và ngược lại. Do đó, các chủ thể thực hiện kiểm soát tội phạm GRTTCC cần coi trọng kiểm soát tư tưởng phạm tội, không để họ hình thành những tư tưởng tiêu cực, tiếp tục khơi dậy những nhân tố tích cực trong truyền thống gia đình, dòng họ từ thói quen, nếp sống, chuẩn mực đạo đức, quản lý, hình thành nhân cách tốt hoặc xấu.

Về diễn biến thực hiện tội phạm, người phạm tội vẫn có khả năng kiểm soát ham muốn của mình, khi có ham muốn nảy sinh cá nhân xung đột với lợi ích của xã hội, nếu để lấn áp trong khoảnh khắc, không kiểm soát được bản thân sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật, phát triển trở thành tội phạm. Vì vậy, cần chú trọng việc giáo dục “tự kiểm soát” bản thân của các cá nhân GRTTCC nhằm.

chế ngự ham muốn cá nhân, răn đe, cảnh tỉnh đối với chính bản thân mình thì mới không thực hiện hành vi phạm tội.

Để hoạt động này phát huy hiệu quả cần xây dựng những tình cảm tích cực của bản thân, thông qua nhân cách của bản thân được phát triển trong gia đình, xã hội. Kiểm soát tội phạm GRTTCC hướng tới sự kiểm soát tội phạm tại chỗ, đồng thời ngăn chặn, xử lý mối quan hệ giữa tội phạm GRTTCC với các loại tội phạm có tính chất tương quan, tác động qua lại.

Hai là, tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả của các mô hình, chương trình, chiến lược kiểm soát tội phạm GRTTCC bằng nhiều phương pháp khác nhau như giáo dục, ràng buộc, khuyến khích, lên án, xử lý bằng pháp luật thông qua hình phạt, biện pháp cưỡng chế của nhà nước; phát triển và nhân rộng chương trình cao điểm trấn áp tội phạm đường phố; chương trình “tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; đề án xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú tập trung…

Các chủ thể tham gia kiểm soát tội phạm GRTTCC cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và nhân rộng các mô hình phong trào theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; “Ba an toàn” về an ninh, trật tự; “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”; “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”; “Quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng”…

Đặc biệt chú trọng xây dựng, vận hành các Trung tâm quản lý, điều hành về trật tự công cộng để nghiên cứu, ứng dụng, điều khiển, kết nối cơ sở dữ liệu, theo dõi, phân tích, đưa ra dự báo, tự động xử lý thông tin về các tình huống phát sinh liên quan đến phòng ngừa tội GRTTCC. Các dự báo, khuyến nghị về phòng ngừa tội GRTTCC có thể kết nối, chia sẻ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn thể mọi người nắm được dời khỏi nơi có nguy cơ hoặc tham gia hỗ trợ xử lý các vụ án GRTTCC.

Ba là, hoàn thiện cơ chế phối hợp, hệ thống quy định pháp luật đảm bảo hoạt động giữa nhà nước và các thiết chế xã hội trong kiểm soát tội phạm GRTTCC

Cơ chế phối hợp hoạt động giữa Nhà nước và các thiết chế xã hội được pháp luật Việt Nam quy định trong nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, cần thiết bổ sung nhiệm vụ quản lý chung đối với toàn bộ hệ thống kiểm soát tội phạm cho cơ quan chuyên trách của Nhà nước, cụ thể là vai trò hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân tham gia kiểm soát tội phạm nói chung, tội phạm GRTTCC nói riêng; quản lý hoạt động kiểm soát tội phạm nói chung, tội phạm GRTTCC nói riêng.

Ngoài ra, cần xây dựng khung quy chế hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia kiểm soát tội phạm nói chung trong đó có tội phạm GRTTCC, giữ gìn ANTT, an toàn xã hội. Đây vừa là khuôn khổ pháp lý định hướng cho hoạt động kiểm soát tội phạm GRTTCC của các tổ chức xã hội vừa là cơ sở để Nhà nước quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức này, cũng như loại trừ việc lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật.

Nhà nước cần tăng cường, đẩy mạnh các chính sách, chương trình hành động nhằm thúc đẩy hoạt động kiểm soát đặc thù của các thiết chế xã hội, quan tâm tới các biện pháp như tuyên dương, khen thưởng tập thể, nhóm, cá nhân có thành tích tốt trong phòng, chống tội phạm hoặc tổ chức rút kinh nghiệm trong các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh trang bị kiến thức pháp luật trong các cộng đồng dân cư, đặc biệt coi trọng giáo dục pháp luật đối với người uy tín, có tác động ảnh hưởng lớn trong tổ chức tôn giáo, giáo lý, tổ chức chính trị, xã hội, cha mẹ của người chưa thành niên. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc học tập, triển khai nhân rộng các mô hình tổ chức xã hội tham gia kiểm soát tội phạm GRTTCC ở các địa bàn.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đảm bảo điều kiện cho việc thực hiện kiểm soát tội phạm GRTTCC.

Ngay trong việc thiết kế, cải tạo đô thị, môi trường sống tại các khu dân cư, cộng đồng đã phải giảm tối đa khả năng, điều kiện phạm tội, tối ưu hóa khả năng nhín thấy, kiểm soát được của tất cả mọi người trong cộng đồng dân cư, giảm xung đột xã hội dẫn tới các hành vi phạm tội tiềm ẩn về GRTTCC. Tiếp tục đẩy mạnh vận động xây dựng các khu dân cư đạt tiêu chí, tiêu chuẩn về an ninh, trật tự; phát triển kinh tế - văn hóa ở khu dân cư, nếp sống văn minh nơi công cộng, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự, tuyến phố tự quản, chuẩn nông thôn mới.

Việc kiểm soát tội phạm GRTTCC phải gắn liền với việc làm hạn chế, giải quyết triệt để các mâu thuẫn xã hội, góp phần phát triển xã hội trên cơ sở sự đồng thuận của đại bộ phận thành viên trong xã hội. Bên cạnh đó, kiểm soát tội phạm GRTTCC phải gắn với việc duy trì chuẩn mực xã hội, ngăn chặn, phòng ngừa sự sai lệch xã hội hướng con người tuân thủ hoặc nỗ lực thực hiện những quy tắc, chuẩn mực đã được thiết lập, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang