VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn

18/11/2024 08:35

(kiemsat.vn)
Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm gây rối trật tự công cộng diễn biến ngày càng phức tạp, đối tượng tham gia là học sinh THPT và THCS trên địa bàn TP Hà Nội có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, VKSND quận Cầu Giấy đã điến nghị đồng chí Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn.

Phần lớn các vụ việc, vụ án đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa một hoặc một số ít đối tượng, từ đó đối tượng này rủ rê, lôi kéo bạn bè, hoặc lôi kéo trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Messenger để tập hợp, lôi kéo, kích động nhau tham gia thành nhóm với số lượng đông, trung bình từ 10 đến 20 người sử dụng nhiều hung khí (phóng lợn, kiếm, dao, chai thủy tinh, tuýp sắt…) điều khiển xe mô tô có phân khối lớn tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, gầm rú ga, bấm còi để truy đuổi, đánh nhau gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Địa điểm xảy ra tội phạm là những nơi công cộng như đường giao thông, cổng công viên, địa điểm kinh doanh, dịch vụ công cộng, khiến cho quần chúng nhân dân hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từ năm 2022 đến nay, Công an quận Cầu Giấy đã tiếp nhận và giải quyết 32 vụ, việc liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng và đã khởi tố 21 vụ án hình sự.

Phiên tòa hình sự sáng ngày 12/11/2024 tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xét xử vụ án "gây rối trật tự công cộng do Nguyễn Tiến Đ (16 tuổi; trú tại tỉnh Ninh Bình) và 09 bị cáo khác trong độ tuổi từ 16 đến 20 tuổi thực hiện trong hai đêm 15-16/6/2024 sử dụng hung khí và vỏ chai bia để đi đánh nhau với các nhóm thanh niên khác trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nguyên nhân sự gia tăng người dưới 18 tuổi phạm tội, vi phạm pháp luật phần lớn là do thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý của gia đình, các phụ huynh, gia đình học sinh thường tập trung vào việc lao động, tạo thu nhập buông lỏng quản lý, giáo dục con; không kịp thời phối hợp với Nhà trường trong việc quản lý, giáo dục, nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của con. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến trách nhiệm của các trường học trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với gia đình học sinh trong việc quản lý và giáo dục học sinh trong và ngoài trường học.

Hình ảnh minh họa.

Để bảo đảm phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm, tội phạm về gây rối trật tự công cộng liên quan đối tượng là thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, ngày 01/10/2024 VKSND quận Cầu Giấy đã ban hành Kiến nghị phòng ngừa số 04/KN-VKSCG yêu cầu đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin… phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy thực hiện một số nội dung sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các nhà trường đối với học sinh. Coi trọng chương trình giáo dục pháp luật, các kỹ năng sống cho học sinh để học sinh hiểu rõ một số luật cơ bản liên quan tới quyền, nghĩa vụ của mình, các quy định học sinh hay vi phạm như: Luật giao thông đường bộ, Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự…; chế tài xử lý khi vi phạm, tác hại của các hành vi đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối trật tự công cộng… Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tiếp nhận xử lý thông tin cho học sinh.

2. Tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho các em học sinh có các sân chơi, bãi tập, các hình thức sinh hoạt bổ ích, lành mạnh nhằm thu hút học sinh tham gia học tập, rèn luyện, sử dụng quỹ thời gian ngoài giờ học tập một cách có ích và thiết thực, tăng cường đoàn kết giữa các học sinh.

3. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, đào tạo học sinh. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài trường học, thường xuyên trao đổi thông tin, quản lý, giáo dục học sinh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hạn chế tối đa những hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực về đạo đức và hành vi vi phạm pháp luật... Kịp thời nắm bắt các mâu thuẫn trong học sinh, tổ chức hòa giải và xử lý kịp thời các vụ việc ngay từ ban đầu để tránh xảy ra xung đột dẫn đến hành vi đánh chửi nhau, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Kịp thời phối hợp, trao đổi thông tin giữa Nhà trường với Công an các phường để nắm bắt, ngăn ngừa tình hình vi phạm.

4. Phối hợp với Quận đoàn, các Cơ quan tiến hành tố tụng của quận (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) tổ chức các buổi ngoại khóa để phổ biến kiến thức pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng cho các học sinh, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, để giúp học sinh biết, hiểu, điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp, đúng chuẩn mực thông qua các hình thức như tổ chức phiên tòa giả định, tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang