Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi xác định tội danh

13/02/2023 09:11

(kiemsat.vn)
Xác định đúng tội danh là cơ sở để áp dụng đúng pháp luật, đảm bảo nguyên tắc xử lý “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, thì mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Khi thực hành quyền công tố, Kiểm sát viên cần nắm chắc bốn yếu tố cấu thành tội phạm đối với từng loại tội danh cũng như phân biệt ranh giới giữa các tội danh với nhau.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) là nguồn trực tiếp quy định các tội phạm cụ thể. Việc xác định tội danh phải căn cứ vào dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm đối với từng loại tội danh để xem xét. Vì vậy, cần nắm chắc khái niệm về tội phạm quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 và các yếu tố cấu thành tội phạm đối với từng loại tội, trên cơ sở đó khi xác định tội danh cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Về xác định tội danh

- Xác định khách thể bị xâm hại:

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Trong các loại khách thể của tội phạm (khách thể chung, khách thể loại, khách thể trực tiếp) thì việc xác định khách thể trực tiếp của tội phạm có ý nghĩa để xác định tội phạm cụ thể vì khách thể trực tiếp của tội phạm chính là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể. Một tội phạm cụ thể có thể có một khách thể trực tiếp, nhưng cũng có thể có nhiều khách thể trực tiếp. Trong nhiều trường hợp, việc xác định khách thể của tội phạm được thực hiện thông qua việc xác định đối tượng tác động của tội phạm. Do vậy, xác định đối tượng tác động của tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội. Ví dụ: Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 BLHS); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS), Tội hủy hoại rừng (Điều 243 BLHS);...

- Xác định hành vi khách quan:

Để xác định hành vi thực tế do một người hoặc một pháp nhân thực hiện phạm tội gì, phải đối chiếu hành vi đã thực hiện của người đó hoặc của pháp nhân đó với dấu hiệu hành vi khách quan của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, nhằm xác định hành vi đã thực hiện có phù hợp với dấu hiệu hành vi được quy định trong điều luật cụ thể của BLHS không, trên cơ sở đó rút ra kết luận về việc một người hoặc pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội gì theo quy định tại điều, khoản nào của BLHS. Lưu ý, trong trường hợp một điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 quy định về tội phạm có nhiều hành vi khách quan (tội ghép), khi xác định tội danh cần chú ý:

Trường hợp chỉ thực hiện một trong các hành vi phạm tội được quy định tại điều luật đó thì xác định tội danh về hành vi phạm tội đã thực hiện theo điều luật tương ứng, ví dụ: Đối với hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì xác định tội danh chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS.

Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì định tội với tên tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng, ví dụ: người phạm tội thực hiện đồng thời các hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ thì xác định tội danh của người đó là “chế tạo, chế tạo, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ”, theo Điều 305 BLHS.

Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì phải định tội về các tội danh mà người ấy đã thực hiện, ví dụ: Hành vi sử dụng súng quân dụng để giết người thì xử lý về 02 tội “giết người” và “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, theo Điều 123 và Điều 304 BLHS.  

Ví dụ: Từ ngày 22/5/2020 đến ngày 07/6/2020, tại vùng biển khu vực biên giới tỉnh Q, Nguyễn Văn A cùng Nguyễn Văn B, Phạm Mạnh C tổ chức 04 lần cho 20 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để nhận tiền công. Chuyến cuối cùng vào đêm ngày 06 rạng ngày 07/6/2020, các đối tượng trên đã tổ chức nhập cảnh trái phép cho 06 người nước ngoài thì bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Quá trình điều tra vụ án, ngoài các bị can A, B, C đã bị khởi tố về Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép, các đối tượng còn lại gồm Đ, E, H có hành vi vận chuyển cho số người nước ngoài trên đi sâu vào nội địa Việt Nam để hưởng tiền công vận chuyển với số tiền từ 150.000 đồng đến 13.000.000 đồng. Các đối tượng này không biết số người nước ngoài trên nhập cảnh vào Việt Nam như thế nào, không có sự bàn bạc trước với A, B, C hoặc không chứng minh được có sự bàn bạc từ trước và cũng không biết được số người nước ngoài trên ở lại Việt Nam hay không? Có ý kiến cho rằng, hành vi của các đối tượng Đ, E, H không phải là tội phạm mà chỉ là vi phạm hành chính.

Không đồng tình với ý kiến trên, theo VKSND tỉnh Q: Đ, E, H, phạm tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, bởi lẽ: Các đối tượng trên không biết địa điểm đến cụ thể, thời gian sẽ lưu trú tại Việt Nam của số người nước ngoài, nhưng nhận thức được những người nước ngoài đó đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, vì vụ lợi nên vẫn nhận vận chuyển và tìm cách trốn tránh lực lượng chức năng (đi vào ban đêm, chiều tối hoặc sáng sớm, đi bằng xe máy, bè mảng,…), vận chuyển đưa người nước ngoài đi vào sâu trong nội địa Việt Nam, thậm chí khi bị phát hiện, các đối tượng đã tìm cách đưa họ tìm nơi trốn tránh để chờ cơ hội đưa sâu vào nội địa, đó là các hành vi bố trí, sắp xếp để người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép cần phải xử lý hình sự. Do có quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh của các đối tượng Đ, E, H nên liên ngành tố tụng tỉnh Q đã báo cáo thỉnh thị liên ngành Trung ương. Kết quả, Đ, E, H bị xét xử về Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, theo quy định tại Điều 348 BLHS như quan điểm của VKSND tỉnh Q.

- Về xác định hậu quả của tội phạm: Khi xác định tội danh trong trường hợp dấu hiệu hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cần chú ý trường hợp tội phạm có cấu thành vật chất (có hậu quả xảy ra) và thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Nếu hậu quả của tội phạm không xảy ra thì người thực hiện hành vi vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Trường hợp tội phạm thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý thì người thực hiện hành vi chỉ phải chịu TNHS nếu có hậu quả của tội phạm xảy ra.

Ví dụ: Bà Trần Thị T có ngôi nhà 02 tầng cho con trai là Dương Văn B ở cùng. Khoảng 20 giờ ngày 22/8/2020, sau khi uống rượu, B hỏi xin tiền bà T nhưng bà không cho, B liền đe dọa đốt nhà. Do sợ hãi nên bà T đã sang nhà mẹ đẻ ở gần đó. B ở nhà lấy dép, quần áo, chăn màn châm lửa đốt ở trong phòng rồi đóng cửa bỏ đi. Trị giá tài sản thiệt hại do vụ cháy gây ra là 57 triệu đồng (trong đó số tài sản bị hư hỏng hoàn toàn, không có khả năng sửa chữa, khắc phục trị giá 7 triệu đồng; các tài sản khác là bộ phận cấu thành của ngôi nhà bị hư hỏng một phần trị giá 50 triệu đồng).

Quá trình giải quyết vụ án còn có nhiều quan điểm khác nhau về xác định tội danh của Dương Văn B.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, về hậu quả tài sản bị thiệt hại, đủ căn cứ truy cứu TNHS Dương Văn B về 02 tội hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản, được quy định trong cùng một điều luật nên B phạm tội hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Quan điểm thứ hai cho rằng, do thiệt hại chủ yếu là các bộ phận cấu thành ngôi nhà, trị giá 50 triệu đồng (trong tổng giá trị thiệt hại 57 triệu đồng). Nên hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản nhẹ hơn so với hành vi hủy hoại tài sản, do vậy cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội và xác định Dương Văn B phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Quan điểm thứ ba cho rằng, động cơ, mục đích của B là đốt nhà, như lời B đe dọa bà T trước đó, căn nhà chỉ bị hư hỏng một phần là ngoài ý thức chủ quan của B do đám cháy được phát hiện và dập lửa kịp thời. Căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 233 ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao: “Trường hợp người thực hiện một hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”. Do đó, Dương Văn B phạm tội hủy hoại tài sản, theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Kết quả, bị cáo đã bị điều tra, truy tố và xét xử về Tội hủy hoại tài sản, theo quy định tại Điều 175 BLHS.

- Về xác định dấu hiệu công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện tội phạm:

Đối với một số tội phạm, dấu hiệu công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện tội phạm là dấu hiệu bắt buộc. Trong những trường hợp đó, việc xác định có các dấu hiệu này trên thực tế mới có thể xác định tội danh của người thực hiện hành vi.

Ví dụ: Vũ Thị P và chồng là anh Vương Ngọc H sở hữu 01 mảnh đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên anh H. Đầu tháng 3/2020, do cần tiền làm ăn nhưng không muốn cho chồng biết, nên P nảy sinh ý định làm giả GCNQSDĐ mảnh đất trên mang tên P, để mang đi cầm cố vay tiền. Sau đó, thông qua mạng xã hội facebook, P thuê một người đàn ông (không rõ lai lịch, địa chỉ) làm giả GCNQSDĐ. Do GCNQSDĐ thật đang được bố mẹ anh H cất giữ, nên P chỉ cung cấp thông tin theo trí nhớ của mình về địa chỉ, chiều dài, chiều rộng của mảnh đất. Ngày 13/3/2020, P đã nhận GCNQSDĐ giả mang tên Vũ Thị P, tuy nhiên các thông tin trong giấy này không đúng với giấy GCNQSDĐ gốc. Để làm được thủ tục vay tiền của chị Tạ Thị M, Vũ Thị P đã chụp hình ảnh GCNQSDĐ giả gửi qua zalo để chị M làm thủ tục. Quá trình làm thủ tục vay tiền tại Văn phòng công chứng của Công ty luật T, anh Vũ Đình Q, nhân viên của Công ty đã phát hiện GCNQSDĐ là giả nên đã trình báo với lực lượng chức năng, đồng thời nói với P là giấy giả, nên P xin lại giấy tờ về để xác minh lại, nhưng anh Q không đồng ý, P đã giật lại tập tài liệu của mình rồi mang về nhà và đốt GCNQSDĐ giả, đồng thời xóa hết các hình ảnh trong điện thoại di động nhằm tiêu hủy chứng cứ.

Quá trình điều tra, chỉ thu giữ được dữ liệu trong điện thoại di động chụp các loại giấy tờ trong đó có GCNQSDĐ giả. Kết luận giám định, các hình ảnh trong điện thoại không thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung. Đồng thời, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Phòng Tài nguyên Môi trường xác định GCNQSDĐ do P thuê làm không đúng với quy định của pháp luật, do không có trong hệ thống lưu trữ cấp GCNQSDĐ của Văn phòng.

Vụ án này có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, không thể xử lý P về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, do GCNQSDĐ giả đã bị đốt, tiêu hủy nên không có đối tượng giám định và kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

Quan điểm thứ hai cho rằng, việc giám định chỉ là một trong các chứng cứ để xem xét, đánh giá P có phạm tội hay không; mặt khác, việc giám định này là bắt buộc đối với trường hợp làm giả y nguyên các thông tin trong giấy tờ. Trong vụ án này, mặc dù GCNQSDĐ giả đã bị đốt nhưng các thông tin trong giấy giả đều sai lệch với hồ sơ gốc và không có thật, bằng mắt thường có thể nhận biết được đó là GCNQSDĐ giả. Ngoài ra, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với các chứng cứ thu được như hình ảnh GCNQSDĐ giả, kết luận giám định hình ảnh không bị cắt ghép, chỉnh sửa. Văn bản trả lời của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố M đã xác định các thông tin trong ảnh chụp GCNQSDĐ giả của P không chính xác, không có thật… phù hợp với diễn biến của vụ án nên đủ căn cứ  xử lý P về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo Điều 341 BLHS.

Kết quả, bị cáo Vũ Thị P bị điều tra, truy tố, xét xử về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (như quan điểm thứ 2 nêu trên).

- Xác định tuổi chịu TNHS và năng lực TNHS:

Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu TNHS. Theo đó, để xác định tuổi của người thực hiện hành vi làm căn cứ định tội, cần dựa trên cơ sở xem xét các giấy tờ xác thực như giấy khai sinh, giấy chứng sinh, chứng minh thư, sổ hộ khẩu... Trong trường hợp không có căn cứ để xác định được năm sinh của người thực hiện hành vi và có sự nghi ngờ về việc người đó có thể đủ tuổi chịu TNHS hoặc chưa đủ tuổi phải chịu TNHS thì phải đưa người đó đi giám định độ tuổi.

Năng lực TNHS: Một trong những dấu hiệu bắt buộc của chủ thể của tội phạm là dấu hiệu người thực hiện hành vi có năng lực TNHS. Bộ luật Hình sự không quy định trực tiếp thế nào là người có năng lực TNHS mà quy định về tình trạng không có năng lực TNHS. Để xác định một người có năng lực TNHS phải loại trừ khả năng đó là người không có năng lực TNHS.

Điều 21 BLHS quy định về tình trạng không có năng lực TNHS. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu TNHS, đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Thông thường, khi đã đạt độ tuổi chịu TNHS thì người thực hiện hành vi nguy hiểm đã có khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Do vậy, nếu không nghi ngờ người đó trong tình trạng không có năng lực TNHS (theo quy định tại Điều 21 BLHS) thì đương nhiên coi người đó là người có năng lực TNHS. Chỉ khi có sự nghi ngờ thì mới cần yêu cầu trưng cầu giám định. Trong yêu cầu trưng cầu giám định phải yêu cầu Hội đồng giám định xem xét kết luận vấn đề: Người đó thực hiện hành vi có phải trong trạng thái mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi hay không. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng giám định về những vấn đề nêu trên mới có thể kết luận người đó là người có năng lực TNHS hay không có năng lực TNHS.

- Xác định động cơ, mục đích phạm tội và lỗi khi thực hiện hành vi phạm tội:

Trong những trường hợp động cơ, mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm thì để định tội đối với người thực hiện hành vi phạm tội đó phải chứng minh được động cơ, mục đích phạm tội của người đó phù hợp với động cơ, mục đích được quy định trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trong vụ án có đồng phạm, để định tội đối với những người đồng phạm về tội đòi hỏi có dấu hiệu động cơ, mục đích phạm tội thì chỉ cần chứng minh có người phạm tội có dấu hiệu động cơ, mục đích phạm tội phù hợp với động cơ, mục đích phạm tội được quy định trong cấu thành tội phạm, còn những người khác có thể tiếp nhận động cơ, mục đích của người này để cùng tham gia thực hiện tội phạm cũng đã thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm của tội này.

Ví dụ: Mặt khách quan của hành vi phạm tội giống nhau, nhưng ý thức chủ quan khác nhau thì việc xác định tội danh lại khác nhau. A và B đều có hành vi cất giấu 0,1g heroin trong người, nhưng A bị truy tố về Tội mua bán trái phép chất ma túy vì A nhằm mục đích để bán, còn B bị truy tố về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy vì B nhằm mục đích để sử dụng.

Khi xác định lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội làm căn cứ để định tội cần chú ý: Lỗi là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thường có xu hướng chối tội, không thừa nhận lỗi của mình khi các cơ quan có thẩm quyền chưa chứng minh được lỗi của người đó.

Ví dụ: Cùng là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, A đi xe ô tô phóng nhanh, vượt quá tốc độ quy định đâm vào B gây hậu quả chết người. Nếu A và B không có mâu thuẫn, vi phạm giao thông do lỗi vô ý thì A phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS; ngược lại, nếu hành vi của A là cố ý muốn tước đoạt tính mạng của B do A và B có mâu thuẫn từ trước thì A phạm tội Giết người với lỗi cố ý trực tiếp.

2. Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi xác định tội danh

Một là, khi xác định tội danh, Kiểm sát viên cần lưu ý về thời gian xảy ra vụ án, điều luật quy định trong BLHS được áp dụng, những quy định đã được bãi bỏ, thay thế, hết liệu lực... để xác định thời hiệu truy cứu TNHS.

Hai là, chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho đến khi khởi tố, điều tra, truy tố. Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên luôn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ, khẩn trương đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra để Cơ quan điều tra kịp thời thu thập chứng cứ, làm rõ đối tượng; nghiên cứu kỹ, toàn diện các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; tổng hợp được nội dung vụ án ngắn gọn nhưng phải đầy đủ, đảm bảo phản ánh đúng sự thật khách quan.

 Khi nghiên cứu, Kiểm sát viên chú ý đến các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn thì Kiểm sát viên, Điều tra viên cần trao đổi tìm giải pháp, đồng thời báo cáo ngay với lãnh đạo hai ngành để kịp thời giải quyết vướng mắc. Mặt khác, Kiểm sát viên cần ghi chép tất cả các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để tích lũy kinh nghiệm và đưa ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt pháp luật.

Ba là, đối với các vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh, người thực hiện hành vi trong vụ án đồng phạm thì liên ngành tố tụng cần báo cáo thỉnh thị liên ngành cấp trên để thống nhất quan điểm chỉ đạo, đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bốn là, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, thao tác nghiệp vụ và các kiến thức có liên quan cho cán bộ, Kiểm sát viên.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang