Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên để thực hiện tốt quyền yêu cầu tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai
(kiemsat.vn) Để thực hiện tốt quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ nội dung đơn khởi kiện, am hiểu pháp luật về đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, phối hợp chặt chẽ với những người tiến hành tố tụng khác...
VKSND huyện Tây Sơn (Bình Định) kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã
VKSND huyện Đak Pơ ban hành Kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai
Các vụ án dân sự về tranh chấp đất đai luôn là một trong những loại án có tính chất phức tạp nhất, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải xem xét kỹ nội dung đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, am hiểu về pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đất đai, đồng thời nắm vững pháp luật tố tụng dân sự và các văn bản liên quan hướng dẫn hoạt động tố tụng tại Tòa án. Thực tế, trong quá trình thụ lý giải quyết các tranh chấp đất đai hiện nay, một trong các nguyên nhân lớn dẫn đến việc hủy, sửa bản án là do vi phạm, thiếu sót của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ không đảm bảo hoặc không xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ trong vụ án, dẫn đến kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.
Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên
Khi thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai, Kiểm sát viên cần lưu ý như sau:
Một là, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác kiểm sát giải quyết vụ án tranh chấp đất đai phải nghiên cứu kỹ hồ sơ để đánh giá việc thu thập chứng cứ có khách quan và đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định không; Tòa án đã xác định đúng, đủ những người tham gia tố tụng chưa; tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp, Tòa án thu thập có đảm bảo để giải quyết vụ án không.
Thực tế cho thấy, Tòa án thường xác định không đúng hoặc thiếu người tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, nhưng Tòa án không xác định tại thời điểm cấp giấy chứng nhận hộ có bao nhiêu thành viên để đưa hoặc không đưa toàn bộ thành viên vào tham gia tố tụng, không xem xét người có công tạo lập tài sản trên đất...
Đối với vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, Kiểm sát viên cần chú ý các chứng cứ xác định nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp; giấy tờ về quyền sử dụng đất mà các đương sự cung cấp cho Tòa án (giấy tờ về mua bán, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định quyền sử dụng đất…); các tài liệu về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất (biên lai nộp thuế; tờ khai, đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền…); hồ sơ quản lý đất đai của chính quyền địa phương (sổ mục kê, sổ địa chính, bản đồ trích đo đất, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…); tài liệu, chứng cứ khác (lời khai, lời trình bày, xác nhận của người làm chứng…).
Nếu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thông qua các biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc, định giá nhưng không xác định kích thước, tứ cận, sơ đồ bản vẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Kiểm sát viên cần chú ý định giá đầy đủ các tài sản trên đất. Nếu đương sự không yêu cầu định giá thì phải có bản khai không yêu cầu định giá cụ thể từng tài sản.
Hai là, khi kiểm sát giải quyết tranh chấp về đất đai, Kiểm sát viên phải nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai qua các thời kỳ. Trên cơ sở đó, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ, tình tiết của vụ án để xem xét, đánh giá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có căn cứ hay không. Mỗi nhận định, đánh giá khi kiểm sát hồ sơ đối với yêu cầu của các đương sự trong vụ án, Kiểm sát viên đều phải viện dẫn các quy định của pháp luật cụ thể làm cơ sở, căn cứ chứng minh (điểm, khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể). Có như vậy mới bảo đảm việc giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Đây là vấn đề cốt lõi để Kiểm sát viên xác định chứng cứ có trong hồ sơ đã đầy đủ, khách quan hay chưa, từ đó đề ra hướng yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung.
Ba là, trong quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên không chỉ yêu cầu thu thập chứng cứ trước khi xét xử mà còn tiếp tục yêu cầu thu thập chứng cứ tại phiên tòa. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 cho phép các đương sự xuất trình chứng cứ mới ở bất kỳ thời điểm nào, kể cả ở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên nghe trình bày của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình Hội đồng xét xử hỏi, đương sự phát biểu quan điểm tranh luận, đối đáp. Đó cũng là quá trình Hội đồng xét xử kiểm tra chứng cứ và tiếp tục thu thập chứng cứ. Việc nghe và hỏi các đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa là sự tương tác giữa Kiểm sát viên và đương sự, người tham gia tố tụng khác. Do đó, tại phiên tòa, Kiểm sát viên có thể phát hiện những tình tiết, vấn đề mới phát sinh. Điều này đòi hỏi Kiểm sát viên phải nắm chắc chứng cứ để xác định có cần yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hay không. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải đưa ra yêu cầu cụ thể, có tính thuyết phục để Tòa án chấp nhận tạm ngừng phiên tòa, tiếp tục thu thập chứng cứ xây dựng hồ sơ vụ án, đảm bảo đủ chứng cứ giải quyết vụ án.
Bốn là, khi xét thấy cần thu thập chứng cứ để xem xét kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên phải thực hiện đúng theo quy định tại các điều 98, 99, 100, 101, 102 và 106 BLTTDS năm 2015. Cụ thể là:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng: Chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Kiểm sát viên tự mình hoặc Kiểm tra viên ghi lại lời khai vào biên bản; người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản, nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai được lập ngoài trụ sở Viện kiểm sát thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.
- Đối chất: Khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Kiểm sát viên tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau. Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất.
- Xem xét, thẩm định tại chỗ: Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng. Trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến tài sản, đất đai, nhà ở, nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên phải đến tận nơi có tài sản tranh chấp để nghiên cứu. Hoạt động xác minh tại chỗ cần được tiến hành một cách kỹ lưỡng, thận trọng, tỉ mỉ và chính xác, nhất là những vấn đề có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc này để đương sự biết và chứng kiến. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trạng, đảm bảo trung thực, khách quan, không thêm bớt, không bình luận, giải thích theo cảm tính, chủ quan của cá nhân. Các đối tượng xác minh tại chỗ phải được đảm bảo nguyên hiện trạng, không xáo trộn, không hư hỏng, mất mát, thất lạc. Biên bản phải có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
Để nắm chắc hồ sơ, Kiểm sát viên cần phối hợp với Tòa án ngay trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, cùng tham gia tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ để biết hiện trạng đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, để việc tham gia có hiệu quả, Kiểm sát viên cần phối hợp tốt với Thẩm phán để nắm một số tài liệu trước khi tiến hành thẩm định như: Yêu cầu của các đương sự, các giấy tờ liên quan đến đất đang tranh chấp; từ đó, Kiểm sát viên có thể phân định được hướng giải quyết vụ án trước khi Tòa án chuyển toàn bộ hồ sơ sang cho Viện kiểm sát nghiên cứu.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ: Thực hiện thẩm quyền theo khoản 6 Điều 97 BLTTDS năm 2015, khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu trữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu trữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát; nếu không thực hiện được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát.
Thực tế cho thấy, Tòa án thường có thiếu sót về thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai như: Không định giá đầy đủ các tài sản trên đất; không xác định được ranh giới đất ở, đất ao và đất vườn; không xem xét thụ lý, giải quyết hết các yêu cầu của đương sự; định giá tài sản không đúng loại đất được cấp; không xem xét đến công sức người quản lý, tôn tạo di sản...
Tình huống thực tiễn
Ví dụ: Vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản và yêu cầu chia di sản thừa kế giữa: Nguyên đơn bà Bùi Thị T, sinh năm 1960, trú tại thôn P, xã G, huyện T, tỉnh T; bị đơn bà Bùi Thị M, sinh năm 1955, trú tại thôn P, xã G, huyện T, tỉnh T và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nội dung vụ án: Cụ Bùi Khắc K, sinh năm 1917, chết năm 1969; cụ Bùi Thị G, sinh năm 1919, chết năm 1995, khi chết không có di chúc. Các cụ không có con nuôi, không có con riêng; có 04 người con đẻ là ông Bùi Khắc H, sinh năm 1944; bà Bùi Thị B, sinh năm 1949; bà Bùi Thị M, sinh năm 1955 và bà Bùi Thị T, sinh năm 1960. Khi cụ K, cụ G chết có để lại di sản gồm:
Di sản thừa kế thứ nhất: Thửa đất số 183, tờ bản đồ số 07 tại thôn P, xã G, huyện T, tỉnh T (theo bản đồ số 299 là thửa đất số 295 tờ bản đồ số 5). Đặc điểm thửa đất số 183, tờ bản đồ số 07: Diện tích 476,5m2 có tứ cận: Phía Tây Bắc giáp đất nhà anh Bùi Khắc C; phía Đông Nam giáp đường liên thôn; phía Đông Bắc giáp đất nhà ông Bùi Huy Q; phía Tây Nam giáp đường ngõ xóm. Thửa đất số 183 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; từ năm 2005 khi đo đạc thì mang tên bà M; trước đó theo bản đồ số 299 thì mang tên cụ K.
Di sản thừa kế thứ hai: Thửa đất số 184 có diện tích 157m2 đất trồng cây lâu năm.
Di sản thừa kế thứ ba: Tiền bồi thường do thu hồi ruộng 7.006.000 đồng. Số tiền này hiện bà M là người nhận.
Nguyên đơn bà T yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ K, cụ G để lại. Ngôi nhà cấp 4 có gian thờ và diện tích sân gạch bà T không yêu cầu chia thừa kế mà để làm nơi thờ cúng. Bà yêu cầu chia thừa kế các thửa đất số 183, 184 bằng hiện vật; bà đề nghị nhận phần diện tích đất từ trong vườn ra mặt đường thôn (cả đất thổ cư và đất ao) và nhận toàn bộ thửa đất số 184. Các bên thanh toán theo giá do Hội đồng định giá xác định. Các cây trồng trên đất vườn: Bà T và bà M trồng đan xen nhau, mà không chia cụ thể khu vực. Bà T trồng 03 cây mít phía trong, 01 cây vải phía ngoài giáp ngõ. Bà T đồng ý nhận di sản, do ông H, bà B không nhận mà đề nghị chia cho bà T và bà M; bà T sẽ chịu nghĩa vụ đối với phần được nhận đó. Bà T chỉ yêu cầu giải quyết số tiền bồi thường khi thu hồi ruộng là 28.024.000 đồng mà không yêu cầu giải quyết đối với số tiền 42.000.000 đồng; yêu cầu bà M trả 7.006.000 đồng và chia thừa kế theo pháp luật số tiền suất của cụ G là 7.006.000 đồng.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và kiểm sát xét xử, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, trong đó có việc yêu cầu Thẩm phán xem xét lấy lời khai của anh Bùi Đình Q, sinh năm 1971 (trú tại thôn P, xã G), để xác định rõ một phần nguồn gốc mảnh đất đang tranh chấp là việc đổi thửa đất số 300, tờ bản đồ số 05, bản đồ 299 của cụ K, cụ G lấy 71,5m2 đất ao của ông Bùi Đình L (ông L đã chết; hiện con trai của ông L là anh Bùi Đình Q đang quản lý và sử dụng, đã xây dựng nhà cửa trên phần đất này). Tuy nhiên, thực tế thì Tòa án không thực hiện đầy đủ yêu cầu trên của Kiểm sát viên, dẫn đến việc phải tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ bổ sung.
Ngoài ra, quá trình kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên cũng yêu cầu Tòa án xác minh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích 50,9m2 đất ao trong thửa đất số 183; đồng thời, xác minh làm rõ ai là người đã tạo lập diện tích đất trên từ đất ao thành đất trồng cây lâu năm để xem xét công sức tôn tạo, đảm bảo quyền lợi cho họ theo quy định tại Điều 97 BLTTDS năm 2015. Do không thực hiện đầy đủ yêu cầu trên của Kiểm sát viên, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, nên vụ án này bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.