Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can

06/12/2022 18:00

(kiemsat.vn)
Tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can là một hoạt động tố tụng do Kiểm sát viên tiến hành để thu thập các chứng cứ, tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can, cũng như các tình tiết khác; có ý nghĩa cho việc đề xuất, ban hành các quyết định tố tụng chính xác, khách quan và có căn cứ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Bài viết rút ra một số vấn đề cần lưu ý cho Kiểm sát viên khi tiến hành các hoạt động này.

Tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can là một hoạt động tố tụng do Kiểm sát viên tiến hành để thu thập các chứng cứ, tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can, cũng như các tình tiết khác có ý nghĩa cho việc đề xuất, ban hành các quyết định tố tụng, giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Hoạt động tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can được quy định tại các điều 183, 184, 236 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) và các văn bản pháp luật có liên quan như: Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố (Quyết định số 15); Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 111/2020); Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra, trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quyết định số 264/2020)…

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 2.290 vụ án với 4.140 bị can phạm tội. Đáng chú ý ở lĩnh vực trật tự xã hội, xuất hiện những đối tượng người nước ngoài móc nối, liên kết với đối tượng trên địa bàn để thực hiện hành vi phạm tội, bằng chiêu thức trực tiếp lập trình lên các trang web, ứng dụng, đặt máy chủ ở nước ngoài, mua bán hàng ngàn tài khoản ngân hàng dùng để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tội phạm về kinh tế chức vụ, tham nhũng, đã phát hiện khởi tố 6 vụ/12 bị can (tăng 50% số vụ so với năm 2020); tội phạm về ma túy vẫn còn cao so với những năm trước đây, riêng năm 2021, lực lượng chức năng đã phối hợp, bắt giữ 187 vụ/312 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 14 bánh heroin, 4,5 kg ma túy đá (số vụ tăng 3,33% so với năm 2020).

Trước tình hình trên, VKSND tỉnh Đắk Nông đã chủ động lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, trừng phạt nghiêm khắc các hành vi phạm tội; kịp thời trao đổi thông tin, nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp trong giải quyết vụ, việc theo quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng hiệu quả của công tác tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can của Kiểm sát viên, thông qua hoạt động này đã kiểm tra, xác định những tài liệu, chứng cứ có mâu thuẫn hoặc những vấn đề chưa được làm rõ để xác định toàn bộ sự thật về hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm, cũng như những vấn đề cần thiết khác, làm căn cứ cho việc phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra. Từ thực tiễn tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can, tác giả rút ra một số nội dung sau:

1. Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi tham gia hỏi cung cùng Điều tra viên

1.1. Trong công tác chuẩn bị

Sau khi nhận được thông báo của Điều tra viên, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án, đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ý nghĩa của các tài liệu trong việc chứng minh tội phạm, xác định những vấn đề chưa được làm rõ hoặc còn mâu thuẫn, nắm chắc nội dung diễn biến của vụ án, loại và đặc điểm vật chứng đã thu giữ; phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội; đặc điểm nhân thân của bị can, các mối quan hệ gia đình, xã hội, quan hệ với các đối tượng khác trong vụ án để đấu tranh với bị can; xác định vai trò của bị can trong vụ án; chủ động trao đổi với Điều tra viên về kế hoạch, nội dung, phương pháp, chiến thuật hỏi cung, đặt ra các giả thiết, tình huống trong trường hợp bị can nhận tội hoặc bị can chối tội, kêu oan hoặc không khai báo hành vi phạm tội.

1.2. Kiểm sát về trình tự, thủ tục

Kiểm sát viên cần kiểm sát về chủ thể thực hiện hỏi cung bị can; ngày, giờ, địa điểm thực hiện hoạt động hỏi cung, nhất là trong những trường hợp tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm, trường hợp không thể trì hoãn, để sau này khi nghiên cứu lời khai theo tuần tự thời gian sẽ đánh giá được diễn biến tâm lý của bị can, xác định được nguyên nhân bị can ở giai đoạn đầu thì quanh co chối tội, nhưng giai đoạn sau lại khai báo trung thực, thành khẩn hoặc ngược lại.

Kiểm sát các thông tin về căn cước lý lịch của bị can, bảo đảm sự thống nhất với danh, chỉ bản của bị can, với các văn bản tố tụng đã được lập như biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp… Đây là những thông tin bắt buộc để xác định chính xác chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội, tránh nhầm lẫn về con người; nhất là liên quan đến xác định tiền sự, tiền án của bị can, lý lịch trong các tài liệu như bản án cũ, quyết định xử phạt hành chính đều phải trùng khớp với lý lịch hiện tại của bị can, từ đó mới có căn cứ để xác định được chính xác nhân thân của bị can hoặc xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Nếu phát hiện có sự khác nhau, Kiểm sát viên cần chủ động yêu cầu Điều tra viên kiểm tra, xác minh ngay, bởi lẽ, trong các vụ án hình sự, lý lịch, danh bản, chỉ bản phải có sự thống nhất, chính xác tuyệt đối. Kiểm sát viên chú ý tình trạng sức khỏe của bị can, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bị can là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất, bị can là người không biết chữ, bị can là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt, người đang bị điều tra về hành vi phạm tội có khung hình phạt cao nhất đến chung thân hoặc tử hình thì những trường hợp này phải có sự tham gia của người giám hộ, Luật sư theo quy định.

1.3. Kiểm sát về nội dung

Quá trình tham gia hỏi cung, Kiểm sát viên cần có sự nhanh nhạy, khả năng tổng hợp và phân tích để tóm lược được các vấn đề cốt lõi của vụ án, diễn biến hành vi phạm tội đã xảy ra, nhất là làm rõ hành vi phạm tội của bị can; có đồng phạm hay không? Có sự bàn bạc, thống nhất về phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm và che giấu hành vi phạm tội không? Số lần và thời gian, địa điểm cụ thể của từng lần thực hiện hành vi phạm tội… chủ động đối chiếu nội dung hỏi cung với các tài liệu khác để phát hiện mâu thuẫn trong lời khai, những vấn đề chưa được làm rõ.

Lưu ý khi tham gia hỏi cung, nếu phát hiện Điều tra viên có dấu hiệu mớm cung, ép cung thì Kiểm sát viên phải kịp thời yêu cầu Điều tra viên dừng câu hỏi đó và đề nghị Điều tra viên có thái độ khách quan trong hỏi cung. Kiểm sát viên chỉ đặt câu hỏi khi phát hiện thấy vấn đề còn mâu thuẫn giữa lời khai của bị can với các đối tượng khác, hoặc những vấn đề chưa được Điều tra viên làm rõ, còn bỏ ngỏ…

Ví dụ: Vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 28/4/2019, tại đường Hồ Chí Minh, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện Trần Nam S điều khiển xe mô tô, không có giấy tờ, ổ khóa điện có dấu vết cạy phá và đã lập biên bản, chuyển giao hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý. Quá trình xác minh tin báo, S không thừa nhận hành vi nhưng vẫn có căn cứ để khởi tố S về Tội trộm cắp tài sản. Tại biên bản hỏi cung ngày 18/5/2019 của Điều tra viên (có sự tham gia của Kiểm sát viên) đối với Trần Nam S, Điều tra viên đã đặt câu hỏi yêu cầu bị can khai rõ về hành vi trộm cắp chiếc xe mô tô. Tuy nhiên, Kiểm sát viên nhận thấy chiếc xe mô tô có thể là vật chứng chứng minh S có liên quan nhưng chưa chứng minh S là người trộm cắp. Vì vậy, Kiểm sát viên đã yêu cầu Điều tra viên không đặt câu hỏi trực tiếp buộc bị can phải khai nhận về hành vi trộm cắp mà chỉ đặt câu hỏi nhằm làm rõ mối quan hệ giữa S và chiếc xe máy.

Trường hợp bị can nhận tội, Kiểm sát viên phải kiểm tra những lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người làm chứng và vật chứng đã thu giữ trong vụ án không? Nếu bị can chối tội thì Kiểm sát viên phải xác định nguyên nhân của việc không khai báo các chứng cứ khác để có đủ căn cứ chứng minh nhằm buộc tội bị can. Các chứng cứ sẽ được đưa ra sử dụng để đấu tranh, buộc tội bị can có đảm bảo tính khách quan không? Lưu ý, đối với những vụ án có đồng phạm, những bị can bị bắt đầu tiên thường nắm được thông tin về những đối tượng còn lại, do vậy, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên hỏi ngay các đối tượng đã bị bắt về những đối tượng khác cùng tham gia (nơi ẩn náu, hướng bỏ trốn, quy luật đi lại của các đối tượng đó); đưa ra các câu hỏi về tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của từng đối tượng; mối quan hệ của các đối tượng với những người khác; đặc điểm của các đối tượng, nhất là những đặc điểm nhận dạng.

Đối với các vật chứng của vụ án: Yêu cầu Điều tra viên hỏi về số lượng vật chứng, chủng loại, đó là công cụ phương tiện gây án hay vật mang dấu vết của tội phạm; đặc điểm về hình dáng, kích thước, những đặc điểm mang tính riêng biệt và nguồn gốc của những vật chứng đó...

1.4. Kiểm sát việc kết thúc cuộc hỏi cung

Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát về hình thức biên bản quy định tại Điều 133 BLTTHS năm 2015, Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự; bảo đảm những phần nội dung bị tẩy xóa, cần được bị can ký xác nhận; phần giấy trắng còn thừa phải được gạch bỏ; Điều tra viên phải đọc lại cho bị can và những người tham gia tố tụng nghe về nội dung biên bản đã lập hoặc để cho bị can, người phiên dịch, Luật sư tự đọc lại biên bản, sau đó bị can phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản, nhất là ký tại các phần giáp lai giữa các trang; người phiên dịch, Luật sư, người giám hộ khi tham gia vào hoạt động hỏi cung cũng phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản; Điều tra viên thực hiện hỏi cung, người ghi biên bản giúp cho Điều tra viên cũng ký tên, chữ ký của Điều tra viên phải được đóng dấu của Cơ quan điều tra nơi Điều tra viên đang công tác.

Trường hợp cuộc hỏi cung có ghi âm, ghi hình thì tiến hành kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can theo quy định tại Điều 184 BLTTHS năm 2015, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của liên ngành trung ương hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Thông tư liên tịch số 03/2018), khoản 3 Điều 50 Quy chế số 111/2020 và Quyết định số 264/2020.

2. Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi trực tiếp hỏi cung bị can

2.1. Trong công tác chuẩn bị

Kiểm sát viên cần chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trong vụ án, nhận xét, đánh giá sơ bộ về những tài liệu, chứng cứ đã thu thập (trình tự, thủ tục tố tụng; ý nghĩa của các tài liệu trong việc chứng minh tội phạm…); xác định những vấn đề chưa được làm rõ, còn mâu thuẫn hoặc đã có manh mối nhưng còn bỏ ngỏ... Nắm rõ nội dung diễn biến của vụ án, loại và đặc điểm vật chứng đã thu giữ; phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân của bị can, nắm rõ quan hệ của bị can với các đối tượng khác có ý nghĩa trong đấu tranh với các bị can khác trong cùng vụ án; xác định vai trò của từng đối tượng trong vụ án.

Xây dựng kế hoạch hỏi cung bị can và báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo đơn vị theo quy định tại khoản 5 Điều 50 Quy chế số 111/2020, gồm một số nội dung như: Xác định vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, các tình tiết liên quan đến vụ án mà bị can biết; dự kiến phương pháp, chiến thuật hỏi cung trong một số tình huống có thể xảy ra (bị can thành khẩn khai báo, từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối); chuẩn bị đề cương hỏi cung…

Nếu bị can nhận tội thì cần xác định lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người làm chứng và vật chứng đã được thu giữ trong vụ án không? Nếu bị can chối tội thì cần xác định nguyên nhân của việc chối tội, các chứng cứ khác để chứng minh nhằm buộc tội bị can. Xác định tính khách quan đối với các chứng cứ sẽ được đưa ra sử dụng để đấu tranh, buộc tội bị can… Chuẩn bị các tình huống có Luật sư tham gia; biện pháp giải quyết trong các trường hợp bị can không biết chữ, là người nước ngoài, người dân tộc ít người không biết tiếng Việt hoặc có nhược điểm về thể chất (câm, điếc).

2.2. Tiến hành hỏi cung

Kiểm sát viên quan sát, lựa chọn vị trí ngồi phù hợp, an toàn, bao quát được toàn bộ hoạt động hỏi cung, sau đó thực hiện việc hỏi cung theo đúng trình tự, thủ tục tại các điều 183, 184 BLTTHS năm 2015 và Quy chế số 111/2020.

Kiểm sát viên cần thiết lập sự tiếp xúc tâm lý với bị can thông qua các câu hỏi về nhân thân, lý lịch, hoàn cảnh, quan hệ gia đình, quá trình công tác, hoạt động xã hội của bị can có liên quan... để tác động vào tâm lý, tinh thần, tình cảm của bị can nhằm tạo sự tin tưởng, chia sẻ của bị can… lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tác động tâm lý phù hợp với đặc điểm của bị can, làm cho bị can tin tưởng, mong muốn tiếp xúc và khai báo. Trường hợp bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc có tiền án, tiền sự, Kiểm sát viên cần cảm hóa, giáo dục, giải thích để bị can nhận thức được sự quan trọng của việc khai báo thành khẩn để được giảm nhẹ hình phạt và hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Lưu ý, Kiểm sát viên cần phân định các trường hợp hỏi cung để đấu tranh mở rộng vụ án hay hỏi cung để làm rõ vấn đề nhằm triệt tiêu mâu thuẫn hoặc hỏi cung để chốt lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội của bị can để có phương pháp hỏi cung phù hợp.

Ví dụ: Vào hồi 18h00’ ngày 25/02/2018, Nguyễn Thị M (sinh năm 1974), trú tại thôn 3 xã C, huyện B, tỉnh Đ giao xe ô tô (xe 16 chỗ ngồi - loại xe phải có bằng D mới được điều khiển) cho Ngô Minh K (sinh năm 1984), trú tại thôn 6 xã C, huyện B, tỉnh Đ điều khiển từ huyện B đi Thành phố Hồ Chí Minh. Do điều khiển xe ô tô không chú ý quan sát, đã gây tai nạn với xe mô tô do anh Trần Long C điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại, làm anh C chết tại chỗ. Quá trình điều tra vụ án, M đã khai báo K có nói là K có bằng hạng D nên M mới giao xe loại 16 chỗ ngồi cho K, K cũng xác nhận điều này. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố K theo điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình nghiên cứu nhân thân, các mối quan hệ xã hội của K, Kiểm sát viên đã phát hiện và thu giữ được 01 bức ảnh do K đăng trên mạng xã hội (facebook), liên hoan mừng ngày K nhận được Giấy phép lái xe hạng C do Sở giao thông vận tải tỉnh Đ cấp, trong bức hình có mặt M. Ngay lập tức, Kiểm sát viên đã báo cáo lãnh đạo cho xây dựng kế hoạch hỏi cung K. Quá trình hỏi cung, Kiểm sát viên đã vận dụng các phương pháp, chiến thuật hỏi cung với K, ghi lời khai với M, để từ đó làm rõ hành vi phạm tội của M. Trên cơ sở kết quả điều tra, hỏi cung thu thập được, ngày 30/8/2018, Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị M về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vụ án đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử và kết án M theo đúng tội danh mà Viện kiểm sát đã khởi tố.

Trường hợp bị can ngoan cố không khai báo như: Muốn che giấu tội lỗi, trốn tránh trách nhiệm của mình; hoặc do thiếu hiểu biết về đường lối, chính sách pháp luật thì Kiểm sát viên cần căn cứ vào các quy định của pháp luật, tài liệu, chứng cứ của vụ án, tùy từng đối tượng bị can và điều kiện hoàn cảnh cụ thể để sử dụng biện pháp, chiến thuật phù hợp (giáo dục, thuyết phục) để bị can chuyển biến nhận thức, từ đó làm thay đổi thái độ khai báo.

Ví dụ: Trong một vụ án trộm cắp, khi Kiểm sát viên tiến hành hỏi cung, bị can không hợp tác, không khai báo, trong khi vụ án chỉ có mình bị can thực hiện, nên lời khai của bị can rất quan trọng, mang tính quyết định cho việc giải quyết vụ án. Vì vậy, Kiểm sát viên đã tạm dừng việc xét hỏi để trò chuyện, tìm hiểu và phát hiện được nguyên nhân bị can không khai báo về hành vi phạm tội là do bị can tự ti, mặc cảm, cho rằng mình là người dân tộc thiểu số thì sẽ bị phân biệt đối xử nên có phản ứng tiêu cực. Ngay lập tức, Kiểm sát viên đã sử dụng phương pháp cảm hóa để giải quyết tư tưởng cho bị can, như: Dẫn chứng, chứng minh trong bộ máy cơ quan Nhà nước có những vị trí công tác quan trọng được giao cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đảm trách; chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, an sinh, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có bản mà bị can đang sinh sống… Sau khi được Kiểm sát viên giải thích, bị can đã có thái độ hợp tác khai báo.

Trường hợp bị can không nhận tội, Kiểm sát viên cần đặt câu hỏi chi tiết hóa lời khai của bị can để khai thác, kết hợp với những thông tin đã chuẩn bị trước để đấu tranh loại bỏ từng vấn đề bị can không khai báo. Trường hợp lời khai của bị can mâu thuẫn với những chứng cứ, lời khai đã có hoặc bị can nhận tội nhưng trước - sau không thống nhất, thì Kiểm sát viên cần giáo dục, thuyết phục và sử dụng chính những điểm mâu thuẫn và chứng cứ đã có để đấu tranh trực diện với bị can, yêu cầu bị can giải thích về những vấn đề, chứng cứ đó, buộc bị can khai báo đúng sự thật. Trường hợp, bị can khai báo không đầy đủ, không thành khẩn, khai báo cầm chừng nhằm thăm dò thái độ, thông tin từ phía cơ quan tiến hành tố tụng và tránh khai bất lợi cho mình thì Kiểm sát viên cần đặt các câu hỏi thẳng, câu hỏi khẳng định để kiểm tra tính xác thực giữa lời khai của bị can với những chứng cứ khác, khai thác thêm thông tin để bị can khai về các đồng phạm khác (nếu có).

2.3. Kết thúc cuộc hỏi cung

Việc hỏi cung được Kiểm sát viên lập thành biên bản theo quy định tại Điều 133 BLTTHS năm 2015 và Quyết định số 15/2020. Trước khi kết thúc, Kiểm sát viên đọc lại biên bản cho bị can, những người tham gia hỏi cung nghe (hoặc cho tự đọc lại), trường hợp những người tham gia tố tụng có ý kiến đề nghị bổ sung, thay đổi, sửa chữa nội dung khai thì hỏi kỹ nội dung, lý do. Nếu thấy không ảnh hưởng thì chấp nhận, yêu cầu người khai ký xác nhận, trước khi kết thúc biên bản.

Nếu phát sinh việc thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh thì Kiểm sát viên thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018 và Quyết định số 264/2020.

Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

(Kiemsat.vn) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy và các loại tội phạm mang lại lợi nhuận cao như buôn bán vũ khí, mua bán người, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao... diễn biến phức tạp. Là địa bàn trọng điểm có các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ở khu vực biên giới, các cơ quan tư pháp tỉnh Quảng Ninh, nhất là Viện kiểm sát nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đấu tranh với loại tội phạm này.

Bàn về việc ra quyết định thi hành án với tài sản đang tranh chấp trong thời gian kháng cáo đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

(Kiemsat.vn) - Có nhiều ý kiến khác nhau trong vụ việc Cục Thi hành án dân sự TP. HCM ra quyết định thi hành án, thực hiện kê biên 04 thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc phường 16, Quận 8, TP. HCM; đáng chú ý, đây là tài sản đang tranh chấp trong một vụ án dân sự và đương sự hiện đang kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang