Trao đổi việc đánh giá, sử dụng chứng cứ khi định tội danh về hành vi cố ý gây thương tích

03/06/2022 08:49

(kiemsat.vn)
Tác giả cho rằng, hành vi của Th, H, N đã thoả mãn dấu hiệu của Tội làm nhục người theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015, đó là “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Nghiên cứu bài viết “Trao đổi việc đánh giá, sử dụng chứng cứ khi định tội danh về hành vi cố ý gây thương tích” của tác giả Đinh Ngọc Huân đăng ngày 17/4/2022 trên kiemsat.vn, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng hành vi của Th chỉ phạm tội Làm nhục người khác quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015). Theo quan điểm của tác giả, hành vi của Trần Thị Th đã phạm hai tội, đó là: Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS năm 2015) và Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS năm 2015); còn hành vi của Trần Thị H và Lê Thị N  là đồng phạm với Th về “Tội làm nhục người khác” bởi các lý do sau:

Đối với Tội làm nhục người khác: Có thể hiểu hành vi làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi đó được thể hiện qua các hình thức:

(1) Lời nói: Chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục, xúc phạm thậm tệ, nhằm hạ thấp nhân phẩm, danh dự của bị hại. Đồng thời làm cho bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã ê chề trước những người khác.

(2) Hành động: Có những hành động xúc phạm như tạt nước bẩn, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông, quay phim, chụp hình đăng lên mạng xã hội… nhằm làm nhục bị hại. Ngoài ra, để làm nhục bị hại, người phạm tội còn có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như vật lộn, đấm đá… hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa như đe đoạ rạch mặt, đánh, buộc bị hại phải làm theo ý mình.

Các hành vi được nêu trên thường diễn ra một cách công khai, trực tiếp, trước mặt nhiều người chứng kiến hoặc được quay phim chụp hình đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với hành vi của Trần Thị Th: Th đã có hành vi rủ rê, lôi kéo H và N cùng tham gia vào việc bắt quả tang chồng mình là anh Q ngoại tình với chị T, khi được Th rủ rê thì cả H và N đều đồng ý đi theo để đánh ghen. Th phân công N và H quay video, phát trực tiếp với mục đích phát tán hình ảnh Th đánh ghen lên mạng xã hội nhằm làm nhục T, đồng thời Th còn phân công nếu Th bị đánh thì H và N phải vào giúp đỡ. Do đó, trong vụ án này, Th là người cầm đầu, chỉ huy và trực tiếp thực hiện tội phạm. Th đã có hành vi rủ rê, khởi xướng cho H và N cùng đi đánh ghen, Th cũng là người trực tiếp thực hiện hành vi làm nhục chị T và kêu gọi H và N quay video đăng trực tiếp lên mạng xã hội nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của T.

Đối với hành vi của Trần Thị H và Lê Thị N: H và N là người được Th rủ đi để đánh ghen, khi được Th rủ thì H và N đều đồng ý tham gia, trực tiếp cầm điện thoại quay lại những hình ảnh nhạy cảm của chị T và anh Q. Do đó, hành vi của H và N là đồng phạm với Th, cả hai thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người giúp sức trong đó H là người giúp sức tích cực hơn vì H được Th phân công cầm điện thoại của Th đang mở chế độ video quay và phát trực tiếp các hình ảnh nhạy cảm của anh Q và chị T trên mạng xã hội.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định, hành vi của Th, H, N đã thoả mãn dấu hiệu của Tội làm nhục người theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015, đó là sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Trong trường hợp này, Trần Thị Th trong lúc nóng giận không giữ được bình tĩnh, ngoài hành vi làm nhục chị T còn có hành vi dùng tay tát hai cái trúng mặt chị T, dùng chiếc chìa khóa xe mô tô, đâm nhiều nhát vào vùng đầu, vùng mặt, tay của chị T và anh Q. Hành vi của Th là hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Chị T bị thương tích và tổn hại sức khỏe 11% thì Th có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, xét trong tình huống này thì Th lại dùng chìa khóa đâm nhiều cái trúng vùng đầu, vùng mặt chị T. Chiếc chìa khóa nếu trong điều kiện thông thường thì không thể xét là phương tiện nguy hiểm nhưng Th lại dùng chìa khóa để đâm vào vùng đầu, mặt của chị T mà đây được xác định là vùng trọng yếu trên cơ thể, khi đâm vào những vùng này sẽ có gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của chị T. Cho nên trong trường hợp này chìa khoá  phải được coi là phương tiện nguy hiểm, Th phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.

Để xác định Th có ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không cần căn cứ vào các yếu tố, đó là: (1) Phải có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại; hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội; (2) Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần.

Trong trường hợp của Th, thì Th thực chất đã bị kích động bởi các yếu tố bộc phát bên ngoài (nhìn thấy chồng đang ngoại tình với T) và nguyên nhân âm ỉ, lâu dài bên trong (thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do chồng Th ngoại tình). Nói cách khác, tại thời điểm phạm tội, Th không còn nhận thức một cách đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường nhưng Th vẫn có đủ nhận thức và ý chí kêu gọi H và N quay phim, trong đó có H quay trực tiếp và phát lên mạng xã hội, cho nên trong trường hợp này Th chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy định tại điểm  e khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang