Lẽ công bằng và bảo vệ quyền dân sự

28/02/2017 04:29

(kiemsat.vn)
Bộ luật Dân sự 2015 giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc khi áp dụng lẽ công bằng và bảo vệ quyền dân sự.

Áp dụng tương tự pháp luật (Điều 6)

Khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

Cho đến nay, chưa có khái niệm thế nào là “lẽ công bằng”. Có người cho rằng, lẽ công bằng là giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức, là những gì phù hợp với đời sống xã hội, với con người trong quan hệ dân sự. Có người lại cho rằng, đó là lẽ phải, là sự minh bạch, bình đẳng trong đời sống xã hội, nó phù hợp với luân lý, đạo đức… nhưng chưa được pháp luật quy định, tập quán công nhận.

Tất cả những quan điểm không phải là một khái niệm, định nghĩa khoa học chính thống, vì thế, xử theo “lẽ công bằng” sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện áp dụng pháp luật. Các vụ, việc dân sự sẽ được xử lý theo nhận thức của mỗi người. Nếu như tập quán hay án lệ đã có những quy tắc, khuôn phép, cách thức áp dụng trong thực tiễn, giúp cho Thẩm phán căn cứ vào đó để áp dụng, còn “lẽ công bằng” thì nó vừa mơ hồ, vừa không thực tế. Cùng một sự việc, ở vùng này, dân tộc này, nhóm người này, chế độ này… cho đó là công bằng, nhưng ở chỗ khác lại coi đó là không công bằng, dẫn đến việc Thẩm phán giải quyết vụ, việc theo nhận thức cá nhân, không thống nhất và không thuyết phục.

Bộ luật Dân sự năm đã công nhận áp dụng “lẽ công bằng”. Có nghĩa là mọi người phải nghiêm chỉnh thực hiện theo luật. Tuy nhiên, để áp dụng tốt nội dung này, theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật và nhân dân cùng có nhận thức thống nhất.

Bảo vệ quyền dân sự (Điều 14)

Tại khoản 2 Điều 14 BLDS 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.

Theo quy định trên, thì bất cứ yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự nào của cá nhân, tổ chức Tòa án phải thụ lý để giải quyết. Nếu các vụ, việc đó chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án dựa và các quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ  và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết vụ, việc.

Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nhằm giảm bớt tình trạng khiếu kiện kéo dài. Tuy nhiên, với điều kiện nước ta hiện nay thì việc áp dụng vào thực tiễn không phải là đơn giản, có khi hiệu quả lại không cao. Bởi, Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết các vụ, việc dân sự các vụ, việc dân sự sau khi được giải quyết còn bị cải, sửa và hủy nhiều. Có vụ xét xử thông qua nhiều cấp, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Nay, quy định căn cứ vào áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ  và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết tất cả các vụ, việc thì có lẽ án cải, sửa và hủy còn nhiều hơn nữa. Chưa nói đến việc áp dụng “lẽ công bằng” như đã phân tích ở trên, có những vụ, việc giải quyết không chỉ kéo dài, mà còn giải quyết không được.

Để khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện cụ thể. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ làm công tác pháp luật, giảng viên giảng dạy pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, cần phải xây dựng một lộ trình chi tiết và khoa học để thực hiện quy định này. Chẳng hạn như loại vụ, việc nào cần thực hiện ngay sau khi BLDS có hiệu lực. Loại vụ, việc nào cần có thêm thời gian tham khảo, đúc rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện. Có như vậy mới tránh được sự tồn đọng trong giải quyết các vụ, việc dân sự.

Lê Đức Khanh

VKSND tỉnh Thừa Thiên -Huế

Tài sản chung của các thành viên trong gia đình là gì?!

(Kiểm sát.vn). Sở hữu chung của các thành viên gia đình lần đầu được ghi nhận trong BLDS năm 2015, theo đó, giữa các thành viên trong gia đình có mối quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng cũng có thể tồn tại khối tài sản chung với nhau.

Bổ sung người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

(Kiểm sát.vn). Bên cạnh trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự mà Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang