Kỹ năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can
(kiemsat.vn) Có hai phương pháp để Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can đó là: Kiểm sát gián tiếp thông qua nghiên cứu biên bản hỏi cung có trong hồ sơ vụ án và trực tiếp tham gia khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can.
Một số yêu cầu sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can của Kiểm sát viên
Kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ án “giết người” không quả tang
Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
Hỏi cung bị can là một hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Điều tra viên (ĐTV) tiến hành sau khi có quyết định khởi tố bị can, nhằm mục đích thu thập các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can và các tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.
Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn: Internet)
Căn cứ pháp lý để Kiểm sát viên (KSV) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự được quy định tại các điều 14, 15, 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014; Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003.Kỹ năng kiểm sát qua biên bản hỏi cung
Trong thực tiễn đây là biện pháp mà KSV thường hay thực hiện nhất, vì nhiều lý do khác nhau mà KSV không thể tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung bị can của ĐTV được hoặc có tham gia cũng không đầy đủ, do vậy, hoạt động kiểm sát thông qua nghiên cứu các biên bản hỏi cung do ĐTV lập vẫn là hoạt động kiểm sát chủ yếu; biên bản hỏi cung được ĐTV lập phải tuân thủ theo quy định tại các điều 95, 125, 132 BLTTHS năm 2003, khi kiểm sát biên bản hỏi cung, KSV cần chú ý những vấn đề sau đây:
– Kiểm sát những vấn đề về trình tự, thủ tục, hình thức
Kiểm sát về thể thức biên bản hỏi cung có được lập theo đúng biểu mẫu quy định không?
Kiểm sát về chủ thể thực hiện hỏi cung bị can có đúng không? ĐTV tiến hành hỏi cung bị can phải là người được Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT) phân công bằng quyết định tố tụng.
Kiểm sát về ghi ngày, giờ, địa điểm thực hiện hoạt động hỏi cung của ĐTV. Biên bản hỏi cung bị can phải được ghi giờ bắt đầu hỏi cung, giờ kết thúc. Việc ghi đầy đủ, chính xác ngày, giờ hỏi cung còn có ý nghĩa rất quan trọng khi kiểm sát hoạt động của ĐTV tuân thủ quy định của BLTTHS trong những trường hợp tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau), trường hợp không thể trì hoãn thì ghi rõ lý do vào biên bản. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu lời khai theo tuần tự thời gian sẽ đánh giá được diễn biến tâm lý của bị can, có bị can giai đoạn đầu quanh co chối tội nhưng giai đoạn sau lại khai báo trung thực, thành khẩn hoặc ngược lại.
Kiểm sát các thông tin về căn cước lý lịch của bị can ghi trong biên bản, như: Tên, tuổi, quê quán, dân tộc, nghề nghiệp…, của bị can đều phải được kiểm tra tính chính xác, phải có sự thống nhất với danh, chỉ bản của bị can, với các biên bản hỏi cung khác, với các văn bản tố tụng đã được lập như biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, biên bản bắt khẩn cấp, lệnh tạm giam…, đây là những thông tin bắt buộc để xác định chính xác chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội, tránh nhầm lẫn về con người; nhất là phần liên quan đến xác định tiền sự, tiền án của bị can, phần lý lịch trong các tài liệu như bản án cũ, quyết định xử phạt hành chính đều phải trùng khớp với lý lịch hiện tại của bị can thì mới có căn cứ để xác định được chính xác nhân thân của bị can là tốt hay xấu, hoặc xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Nếu phát hiện có sự khác nhau, KSV cần phải yêu cầu ĐTV có biện pháp xác minh ngay, xác định nguyên nhân tại sao lại có những khác nhau đó, kết quả xác minh phải chốt được lý lịch nào là chính xác để có căn cứ loại bỏ những lý lịch còn lại, điều chỉnh chính xác với danh bản, chỉ bản; bởi lẽ, trong các vụ án hình sự, người phạm tội có thể bị áp dụng mức án cao nhất đến tử hình thì lý lịch và danh bản, chỉ bản phải có sự thống nhất và chính xác gần như tuyệt đối, có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi thi hành án về sau này.
Kiểm sát về thực hiện các quyền của bị can nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can theo quy định của pháp luật thì khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải giải thích về quyền, nghĩa vụ của bị can. Việc giải thích này phải được nghi vào biên bản hỏi cung, nhất là bản hỏi cung đầu tiên ngay sau khi bị can đã được tống đạt quyết định khởi tố bị can và quyết định phê chuẩn khởi tố bị can của Viện kiểm sát. Do vậy, nếu qua kiểm sát các bản cung của bị can mà CQĐT chuyển tới, nếu không có việc giải thích về quyền, nghĩa vụ này thì KSV phải có văn bản yêu cầu CQĐT, ĐTV triển khai thực hiện bằng biên bản hỏi cung khác, mà phải thực hiện ngay; đồng thời, cần tập hợp để có kiến nghị với CQĐT về việc thực hiện chưa được nghiêm túc quy định của BLTTHS. Trong các trường hợp bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, bị can là người không biết chữ, bị can là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt, người đang bị điều tra về hành vi phạm tội có khung hình phạt cao nhất đến chung thân hoặc tử hình thì những trường hợp này phải có sự tham gia của người giám hộ, Luật sư theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003, người phiên dịch quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 61 BLTTHS năm 2003. Nếu không thực hiện là vi phạm tố tụng, quyền của bị can không được đảm bảo, các biên bản hỏi cung này sẽ không thể thành chứng cứ để buộc tội đối với bị can cho dù nó có thể phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa nhưng cần phải ghi rõ vào biên bản để chứng minh quyền của bị can đã được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đầy đủ.
Kiểm sát về thực hiện hình thức của biên bản theo quy định của pháp luật. Khi ghi chép nội dung biên bản hỏi cung, ĐTV chỉ được sử dụng một màu mực, những phần nội dung bị tẩy xóa cần được bị can ký xác nhận; phần giấy trắng còn thừa phải được gạch bỏ; kết thúc buổi hỏi cung, ĐTV đọc lại cho bị can và những người tham gia tố tụng nghe về nội dung biên bản đã lập hoặc để cho bị can, người phiên dịch, Luật sư tự đọc lại biên bản, sau đó bị can phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản, nhất là ký tại các phần giáp lai giữa các trang; người phiên dịch, Luật sư, người giám hộ khi tham gia vào hoạt động hỏi cung cũng phải ký xác nhận vào từng trang của biên bản; ĐTV thực hiện hỏi cung, người ghi biên bản giúp cho ĐTV cũng ký tên, chữ ký của ĐTV phải được đóng dấu của CQĐT nơi ĐTV đang công tác theo quy định về trách nhiệm của ĐTV trong việc sử dụng các biểu mẫu tố tụng và con dấu (Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/01/2006 và khoản 2 Điều 41 của Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an).
– Kiểm sát về nội dung của biên bản hỏi cung
Khi kiểm sát nội dung của biên bản cung, KSV phải nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ nội dung các biên bản hỏi cung do ĐTV lập. Yêu cầu của hoạt động kiểm sát này đòi hỏi mỗi KSV phải có sự nhanh nhạy, có khả năng tổng hợp và phân tích để tóm lược được các vấn đề cốt lõi của vụ án, xây dựng thành nội dung vụ án, mô tả được diễn biến về hành vi phạm tội đã xảy ra; cần phải làm rõ được diễn biến về hành vi phạm tội của bị can, bị can thực hiện hành vi phạm tội đó như thế nào? Thực hiện một mình hay có đồng phạm? Trước khi thực hiện hành vi phạm tội thì có sự bàn bạc, thống nhất về phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm và che giấu hành vi phạm tội hay không? đặc điểm nhận biết ra sao? Số lần thực hiện hành vi phạm tội? thời gian, địa điểm cụ thể của từng lần thực hiện hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi hay không có lỗi, cố ý hay vô ý? Chú ý những dấu hiệu đặc biệt trong vụ án như việc các bị can sử dụng ám hiệu nhận biết với nhau như thế nào khi giao dịch, điều này rất có ý nghĩa đối với các vụ án khám phá nhờ hoạt động “truy xét”, KSV cần đối chiếu nội dung của các biên bản hỏi cung với nhau và với các nội dung có trong các tài liệu khác để phát hiện ra các vấn đề còn mẫu thuẫn trong lời khai, những vấn đề chưa được làm rõ. Qua đó, đánh giá hoạt động hỏi cung của ĐTV đã thực sự có chất lượng chưa, việc hỏi cung bị can có thu lại được những kết quả như mong muốn không? ĐTV đã sử dụng hợp lý các chiến thuật hỏi cung và phương pháp hỏi chưa? Điều này đòi hỏi người KSV phải thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng nghiên cứu đối chiếu giữa các bản cung với nhau để phát hiện ra những vi phạm…
Sau khi kiểm sát nội dung các biên bản hỏi cung, KSV nếu phát hiện thấy những vấn đề gì còn mâu thuẫn trong lời khai của bị can với các đối tượng khác, những vấn đề gì chưa được làm rõ, nhất là về hành vi phạm tội của bị can, những vấn đề đã được KSV đề ra trong yêu cầu điều tra rồi mà ĐTV vẫn chưa thực hiện thì KSV phải tiếp tục đề ra yêu cầu điều tra, trong đó nêu lại cả những nội dung đã yêu cầu mà ĐTV chưa thực hiện và nội dung yêu cầu mới gửi cho ĐTV thực hiện.
Kỹ năng kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của Điều tra viên
Khác với hoạt động kiểm sát thông qua các biên bản hỏi cung (kiểm sát gián tiếp) thì KSV có quyền tham gia kiểm sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của ĐTV theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này, KSV phải nhận thức rõ về vị trí, vai trò của mình theo quy định của Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS; KSV là người được pháp luật trao quyền để giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng của ĐTV khi tiến hành hỏi cung bị can (đó là nội dung của kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự), do vậy, KSV không nên quá sa đà, chú trọng vào việc trực tiếp hỏi bị can, không khéo sẽ trở thành người làm thay nhiệm vụ của ĐTV, phá vỡ mất các chiến thuật, phương pháp đấu tranh với bị can mà ĐTV đang sử dụng, KSV chỉ nên đặt câu hỏi khi ĐTV đã hỏi xong mà còn có vấn đề chưa được làm rõ, còn mâu thuẫn, hoặc còn bỏ ngỏ…, từ đó cần lưu ý một số kỹ năng khi tiến hành hoạt động kiểm sát như sau:
– Công tác chuẩn bị
Trước khi tiến hành hoạt động kiểm sát, KSV phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trong vụ án, có những nhận xét, đánh giá sơ bộ về những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, việc thu thập các tài liệu đó có đúng trình tự, thủ tục tố tụng không? ý nghĩa của các tài liệu trong việc chứng minh tội phạm? xác định những vấn đề chưa được làm rõ, những vấn đề còn mâu thuẫn cần phải triệt tiêu, những vấn đề đã có manh mối nhưng còn bỏ ngỏ cần phải tiếp tục đấu tranh với bị can.
Nắm rõ nội dung diễn biến của vụ án, loại và đặc điểm vật chứng đã thu giữ; thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và phương thức che giấu để tránh bị phát hiện của bị can.
Nắm rõ những thông tin về lai lịch của bị can, về những mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội thông thường, quan hệ với các đối tượng khác trong đường dây tội phạm có gì đặc biệt, có ý nghĩa trong đấu tranh với các bị can khác trong cùng vụ án; xác định vai trò của bị can trong vụ án.
Xây dựng kế hoạch, nội dung cho buổi làm việc, nên chủ động trao đổi với ĐTV về kế hoạch tiến hành hỏi cung; nội dung hỏi cung; phương pháp hỏi cung sẽ được sử dụng; KSV phải luôn thận trọng trong cả trường hợp bị can nhận tội, cũng như các trường hợp bị can chối tội, không khai báo hành vi phạm tội đồng thời kêu oan. Khi bị can nhận tội thì những lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người làm chứng và vật chứng đã thu giữ trong vụ án không? Đối với bị can chối tội thì cũng phải xác định nguyên nhân của việc không khai báo các chứng cứ khác để chứng minh nhằm buộc tội bị can có đủ căn cứ không? Có đảm bảo tính khách quan không đối với các chứng cứ sẽ được đưa ra sử dụng để đấu tranh, buộc tội bị can…
Chuẩn bị các tình huống có Luật sư tham gia và có thể đề nghị được đặt câu hỏi đối với thân chủ của mình (tức bị can trong vụ án) thì phải giải quyết như thế nào?
Trong các trường hợp bị can là người không biết chữ, người nước ngoài, người dân tộc ít người không biết tiếng Việt, hoặc bị can có nhược điểm về thể chất như câm, điếc thì cần phải mời người phiên dịch tham gia buổi hỏi cung.
– Nội dung tiến hành
Khi tham gia kiểm sát việc hỏi cung bị can của ĐTV, KSV cần phải lưu ý quan sát không gian nơi tiến hành hỏi cung, tùy thuộc vào điều kiện thực tế KSV sẽ lựa chọn vị trí ngồi cho phù hợp làm sao có thể quan sát bao quát được toàn bộ hoạt động hỏi cung.
Kiểm sát việc ĐTV có kiểm tra lý lịch bị can để xác định chính xác người được hỏi cung có phải là bị can trong vụ án không? lý lịch này có giống với lý lịch được ghi trong tài liệu có trong hồ sơ vụ án không? chú ý về các tên đệm, ngày, tháng, năm sinh, tên bố, mẹ…
Kiểm sát việc ĐTV phải giải thích về quyền và nghĩa vụ cho bị can, thông báo cho bị can biết mình đang bị khởi tố điều tra về tội danh gì. Việc giải thích đầy đủ sẽ giúp cho bị can nắm rõ về những quyền của họ được hưởng và nhiệm vụ của họ sẽ phải thực hiện chấp hành, nếu bị can chưa rõ về vấn đề gì thì cần phải giải thích ngay cho bị can hiểu, đối với những đề nghị của bị can thì vấn đề nào hợp lý, không trái quy định của pháp luật thì cần chấp nhận, còn những vấn đề không thể thực hiện vì trái quy định của pháp luật hoặc chưa thể thực hiện ngay được thì cũng phải giải thích cặn kẽ cho bị can biết.
Kiểm sát việc ĐTV có kiểm tra về tình trạng sức khỏe của bị can, thời điểm hiện tại có đau ốm, bệnh tật gì không? Có đủ sức khỏe, tỉnh táo, minh mẫn để làm việc không?
Kiểm sát việc ĐTV giải quyết các đề nghị của bị can như thế nào? Có phù hợp và đúng với các quy định của pháp luật hay không?
Khi ĐTV hỏi KSV cần có sự quan sát thái độ của ĐTV; phương pháp hỏi cung mà ĐTV đang sử dụng; cách đặt câu hỏi của ĐTV có ngắn, rõ ràng không? trong câu hỏi có ẩn ý hoặc có sự ám chỉ ra hiệu về một vấn đề gì không?
Nội dung mà ĐTV hỏi có làm rõ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án không? nhất là các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản, đó là phải trả lời được các vấn đề sau: Bị can có thực hiện hành vi phạm tội không? nếu có thì thực hiện vào thời gian nào? địa điểm thực hiện hành vi phạm tội ở đâu? đối tượng phạm tội là gì? đặc điểm hình thức của vật chứng ra sao? phương thức thực hiện hành vi phạm tội, thủ đoạn che giấu như thế nào? động cơ, mục đích của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội? bị can thực hiện hành vi phạm tội cùng với ai? đó là những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Kiểm sát viên chú ý trường hợp buổi hỏi cung được thực hiện ghi âm thì nội dung vẫn phải được thể hiện bằng biên bản hỏi cung; khi kết thúc hỏi cung, ĐTV phải để bị can nghe lại nội dung và cùng đối chiếu với nội dung đã được thể hiện dưới dạng văn bản (đoạn 3 khoản 2 Điều 132 BLTTHS năm 2003).
Kiểm sát viên cũng cần phải lưu ý phân định các trường hợp hỏi cung để đấu tranh mở rộng vụ án hay hỏi cung để làm rõ vấn đề nhằm triệt tiêu mâu thuẫn hoặc hỏi cung để chốt lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội của bị can (tổng cung) để có phương pháp kiểm sát cho phù hợp./.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Giang
Vụ 4, VKSND tối cao.
Tạp chí Kiểm sát số 07/2017
Mở rộng trường hợp phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo
VKSND TP. Hà Nội: Khai giảng lớp nghiệp vụ lấy lời khai, phúc cung, hỏi cung bị can cho cán bộ, Kiểm sát viên
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính