Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ

21/12/2023 16:34

(kiemsat.vn)
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác, với phương châm: Nỗ lực vượt khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tốt cho các hoạt động quản lý, điều hành và nghiệp vụ, bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.

Về nhận thức và chỉ đạo

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021, Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao: “Toàn ngành Kiểm sát nhân dân xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số”, xác định chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát nhân dân. Gắn với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy chuyển đổi số, tạo bước chuyển biến tích cực trong toàn ngành. Do đó, trong nhiều năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều biện pháp để thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, đồng thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch công tác hằng năm, các chuyên đề, đã xác định tăng cường ứng dụng CNTT là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với mục tiêu xây dựng Viện kiểm sát điện tử, hướng tới Viện kiểm sát số, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ của VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên cơ sở các Chỉ thị, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, nhất là Quyết định số 359/QĐ-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-VKS ngày 22/6/2021 triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 năm 2021, Chương trình hành động số 03 ngày 30/3/2023 thực hiện Quy hoạch phát triển CNTT của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 68, 69/QĐ-VKS ngày 01/11/2021 về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, Quyết định số 10/QĐ-VKS ngày 10/02/2023 thành lập tổ giúp việc xây dựng phần mềm trợ lý ảo...; đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn.

Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo, đơn vị đã thành lập 04 tiểu ban, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể. Thành lập Tổ giúp việc gồm những cán bộ có năng lực chuyên môn, năng lực về CNTT để nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện.

Tiến hành rà soát, đánh giá trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, nhất là kỹ năng tổng hợp, kỹ năng ứng dụng các phần mềm, từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài, sát với thực tiễn, phù hợp và hiệu quả hơn nữa.

Thường xuyên đánh giá thực trạng hạ tầng CNTT đối với VKSND hai cấp để từng bước bổ sung hoàn thiện, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ. Ngoài 11 phần mềm và hệ thống họp kết nối giữa VKSND tối cao và VKSND tỉnh, VKSND tỉnh Quảng Ninh có 02 hệ thống họp trực tuyến. Đồng thời, với sự giúp đỡ của Cục thống kê tội phạm và CNTT (Cục 2) VKSND tối cao, đơn vị đã xây dựng và thực hiện thí điểm 05 phần mềm, như: Số hóa hồ sơ, báo cáo án hình sự, dân sự, hành chính bằng sơ đồ, hồ sơ điện tử, đặc biệt, năm 2023 đã có phần mềm Trợ lý ảo.

Trong kế hoạch công tác hằng năm, lãnh đạo VKSND tỉnh đều giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, coi đây là chỉ tiêu thi đua quan trọng (như: Chỉ tiêu số hóa năm 2021 là 30% tổng số án truy tố, năm 2022 nâng lên 50%, năm 2023 nâng lên 80%, năm 2024 phấn đấu 100% hồ sơ được số hóa...).

Một số kết quả đạt được

Một là, ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp, khai thác tốt 03 hệ thống truyền hình trực tuyến nêu trên để phục vụ công tác giao ban, hội nghị và mở các lớp tập huấn trực tuyến để nhiều người được tham gia, tiết kiệm được kinh phí, thời gian đi lại cho cán bộ Viện kiểm sát cấp huyện, nhất là trong những ngày chống dịch Covid-19; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử, có thể tổ chức đồng thời các hội nghị trực tuyến trong các lĩnh vực công tác... Trong 06 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức tổng số 32 hội nghị giao ban trực tuyến tuần, tháng; tổ chức 04 phiên tòa trực tuyến hình sự (trong đó có 02 phiên tòa kết nối với trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và 94 điểm cầu của 08 VKSND tỉnh thuộc Cụm thi đua số 3) và 12 Hội nghị do VKSND tối cao và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức.

Nghiên cứu và đã thực hiện thí điểm: “Trung tâm điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin” chung của VKSND tỉnh, tích hợp các phần mềm của ngành, hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành; các ứng dụng phiên tòa trực tuyến, hỏi cung ghi âm, ghi hình có âm thanh, hệ thống chỉ tiêu thi đua, biểu đồ cập nhật kết quả thực hiện của các đơn vị theo tuần, tháng, quý, 06 tháng; theo dõi công tác bắt, giam giữ theo ngày; công tác tổ chức, thi đua… từ đó kịp thời phục vụ tốt cho công tác theo dõi, quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện.

Tổ chức tiếp công dân trực tuyến, theo đó, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc kết nối từ các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, Phòng tiếp dân đến lãnh đạo VKSND tỉnh.

Hai là, ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ: Thực hiện Chỉ thị công tác hằng năm của Viện trưởng VKSND tối cao, trong đó xác định chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và nâng cao chất lượng công tác kiểm sát dân sự, hành chính là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời, xuất phát từ thực tiễn yêu cầu công tác, với phương châm nỗ lực vượt khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm - không cầu toàn, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT, phục vụ tốt cho hoạt động nghiệp vụ. Nổi bật là ứng dụng các phần mềm “Số hóa hồ sơ” trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; phần mềm “Báo cáo án bằng sơ đồ”; xây dựng “Hồ sơ điện tử”; đặc biệt là phần mềm “Trợ lý ảo”, cụ thể như sau:

- Phần mềm “Số hóa hồ sơ vụ án”, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa trong giải quyết các vụ án hình sự. Đơn vị đã triển khai từ năm 2019, đến nay cơ bản đã hoàn thiện và mở rộng phạm vi áp dụng sang khâu công tác kiểm sát vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, kiểm sát của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính. Kết quả: Trong 06 tháng đầu năm 2023, VKSND hai cấp đã số hóa 792 hồ sơ tin báo, hồ sơ vụ án hình sự, dân sự, hành chính (tăng 143 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó chiếm hơn 80% vụ án hình sự truy tố, 10% vụ án dân sự, hành chính); trình chiếu công khai tài liệu chứng cứ 336 phiên toà hình sự; xây dựng 396 hồ sơ điện tử (phấn đấu năm 2024 đạt 100% hồ sơ điện tử trong lĩnh vực hình sự).

- Phần mềm “Báo cáo án bằng sơ đồ”: Xác định việc nâng cao chất lượng báo cáo án là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác, nhất là chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Từ năm 2019, lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng chuyên đề “Báo cáo án” (về hình sự giao cho Phòng 2, dân sự và hành chính giao cho Phòng 9, 10 phụ trách). Quá trình thực hiện chuyên đề đến năm 2020, từ kết quả nâng cao chất lượng báo cáo án truyền thống (báo cáo viết), đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng chuyển đổi từ báo cáo án truyền thống thành “Báo cáo án bằng sơ đồ”.

Qua hơn một năm thực hiện, với nhiều sáng kiến, cách làm, khả năng ứng dụng phần mềm vào việc sơ đồ hóa đã mang lại hiệu quả, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức sơ kết đánh giá lại, có sự tham gia thẩm định của Cục 2 VKSND tối cao, trên cơ sở đó đã ban hành Hướng dẫn số 99/HD-VKS ngày 01/12/2021 thống nhất thực hiện ở hai cấp việc “Báo cáo án bằng sơ đồ”, với 04 phần mềm từ đơn giản đến phức tạp để Kiểm sát viên chủ động lựa chọn, phù hợp với từng loại án với tính chất, mức độ và trình độ công nghệ của cán bộ, Kiểm sát viên (đối với các vụ án đơn giản, rõ ràng không nhất thiết phải thực hiện báo cáo bằng sơ đồ).

Đồng thời giao chỉ tiêu cho các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp để triển khai thực hiện. Kết quả: Năm 2022, VKSND hai cấp đã báo cáo án bằng sơ đồ 1.455 vụ, việc; 06 tháng đầu năm 2023, báo cáo án bằng sơ đồ 1.016 vụ, việc (tăng 547 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Đồng thời, để phục vụ chuyên đề: “Báo cáo án bằng sơ đồ”, đơn vị đã thành lập phòng nghe án bằng sơ đồ: Tại VKSND tỉnh đã bố trí, sắp xếp, trang bị 02 phòng nghe án bằng sơ đồ; đối với các VKSND cấp huyện thì tùy điều kiện có thể tận dụng trang thiết bị của các phòng họp trực tuyến.

Cùng với đó, đã thí điểm triển khai xây dựng phòng hỏi cung có trang bị ghi âm, ghi hình có âm thanh tại VKSND thành phố Cẩm Phả và 20 bộ thiết bị hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh di động bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương.

Đặc biệt từ đầu năm 2023, với sự giúp đỡ của Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tỉnh đã được chia sẻ và sử dụng có hiệu quả phềm mềm “Trợ lý ảo” về văn bản pháp luật hỗ trợ cho Kiểm sát viên trong nghiệp vụ. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị nhà mạng Mobifone, Viettel, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” phục vụ trong công tác chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ. Phần mềm “Trợ lý ảo” tích hợp hệ thống các văn bản của ngành, các Chỉ thị, quy định của Viện trưởng VKSND tối cao, đặc biệt là các hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm trong các lĩnh vực của các đơn vị cấp trên,... qua đó đã hỗ trợ quan trọng cho công tác chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ của lãnh đạo, Kiểm sát viên.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ: Xác định công tác đào tạo cán bộ là mấu chốt, do vậy cùng với quá trình ứng dụng CNTT là quá trình đào tạo cán bộ. Qua hơn 02 năm thực hiện Hướng dẫn báo cáo án bằng sơ đồ của đơn vị và 01 năm thực hiện Hướng dẫn số 5124/VKSTC-V2 ngày 28/10/2022 của VKSND tối cao về “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy” đã mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Quảng Ninh thấy cần thiết phải tổ chức sơ kết đánh giá lại một cách toàn diện, nhất là thực trạng về kỹ năng tổng hợp, kỹ năng ứng dụng các phần mềm của cán bộ, Kiểm sát viên, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Mặt khác, kịp thời biểu dương, nhân rộng những đơn vị, cá nhân có cách làm mới, giải pháp sáng tạo, hiệu quả, tạo không khí thi đua trong toàn đơn vị.

Đặc biệt, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc thi thực hành “Báo cáo án bằng sơ đồ” trong lĩnh vực hình sự năm 2023. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, gồm 02 vòng thi, trong đó: Vòng 1 tổ chức cho các cá nhân với 86 Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên, chuyên viên ở tất cả các đơn vị; vòng 2 tổ chức cho 16 tập thể là các phòng nghiệp vụ về hình sự, các VKSND cấp huyện, qua đó đã lựa chọn trao giải thưởng nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các đội thi. Ban giám khảo có đại diện Cục thống kê tội phạm và CNTT, Vụ pháp chế và quản lý khoa học, đại diện Văn phòng VKSND tối cao...

Kết quả, cơ bản các thí sinh và Đội dự thi đều làm bài đạt yêu cầu về kỹ năng tổng hợp, sử dụng các phần mềm, một số bài thi đã sử dụng kết hợp các phần mềm khác nhau có sáng tạo để tăng hiệu quả giúp các Kiểm sát viên, cán bộ của Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh thêm một lần nghiên cứu sâu các hướng dẫn của VKSND tối cao, của tỉnh, thể hiện sự sáng tạo trong áp dụng các phần mềm cho phù hợp với nội dung, tính chất, mức độ của vụ án cũng như khả năng tổng hợp, trình độ ứng dụng CNTT của cá nhân. Cuộc thi là dịp để các đơn vị, cá nhân học hỏi kinh nghiệm của nhau về kỹ năng tổng hợp, khả năng ứng dụng CNTT và kỹ năng làm việc nhóm. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp nắm chắc thực trạng về khả năng ứng dụng CNTT, kỹ năng tổng hợp của cán bộ, để có những định hướng, giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong thời gian tới.

Bốn là, tranh thủ mọi nguồn lực hiện có của ngành và sự hỗ trợ của địa phương trong công tác ứng dụng CNTT: Với phương châm “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, làm từng bước, không cầu toàn, tận dụng tối đa các trang thiết bị hiện có, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có đến đâu làm có hiệu quả đến đó. Do vậy, đến nay về cơ sở vật chất phục vụ cho ứng dụng CNTT của VKSND Quảng Ninh cơ bản đã được đảm bảo bước đầu.

Bên cạnh những thuận lợi, đơn vị cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:

Về cơ sở vật chất: Hiện nay, hệ thống máy tính, thiết bị hội nghị trực tuyến, máy tính và camera của VKSND hai cấp đã được cấp từ nhiều năm trước nên có cấu hình thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nhất là việc số hóa hồ sơ, báo cáo án bằng sơ đồ, xây dựng hồ sơ điện tử, cơ sở vật chất dùng cho ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh... Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức còn có hạn chế nhất định; hệ thống phần mềm hiện có của ngành và của đơn vị đang thực hiện thí điểm, chưa tích hợp đồng bộ để khai thác triệt để và có hiệu quả. Mặt khác, trong quá trình triển khai việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành và nghiệp vụ còn có những khó khăn bởi các quy định về bảo mật và an toàn an ninh mạng...

Một số đề xuất, kiến nghị

Qua thực tiễn thực hiện tại địa phương, để tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, VKSND tỉnh Quảng Ninh có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, đề nghị VKSND tối cao tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác, nhất là hướng dẫn và đầu tư phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình có âm thanh đáp ứng yêu cầu công tác và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

Hai là, tiếp tục chú trọng đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ để nâng cao khả năng ứng dụng CNTT. Đề nghị Cục thống kê tội phạm và CNTT, VKSND tối cao nghiên cứu, sửa đổi các phần mềm quản lý hiện có để tích hợp đồng bộ, khai thác triệt để và có hiệu quả hơn; tiếp tục đồng hành cùng VKSND các địa phương để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ, như phần mềm “Trợ lý ảo”, hướng tới xây dựng phần mềm “Trợ lý ảo” thống nhất trong toàn ngành theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao đã đề ra.

Ba là, đề nghị các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao hướng dẫn cụ thể việc ứng dụng CNTT, gắn với công tác bảo mật và an ninh mạng, sớm đề xuất để cấp có thẩm quyền sửa đổi danh mục bí mật nhà nước trong ngành KSND theo Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, quy định về cách lập, chuyển giao, lưu trữ, khai thác hồ sơ điện tử hình sự, dân sự, hành chính để thống nhất thực hiện trong toàn ngành.

Cần công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có điều kiện “giải chấp” sẽ thực hiện chuyển nhượng

(Kiemsat.vn) - Bài viết nêu tình huống pháp lý: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có điều kiện “giải chấp” sẽ thực hiện chuyển nhượng, hai bên đã thực hiện hai phần ba nghĩa vụ, nhưng không được Tòa án công nhận với lý do hợp đồng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và vi phạm điều cấm của luật. Tác giả cho rằng cần áp dụng Án lệ số 55/2022/AL để công nhận hiệu lực của hợp đồng này.

Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm

(Kiemsat.vn) - Artificial Intelligence (AI hay trí tuệ nhân tạo) là một trong những loại hình công nghệ được thế giới quan tâm, nghiên cứu. Việc ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa - xã hội đến những lĩnh vực có tính chuyên môn cao như y tế, quân sự, pháp luật… sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang