Kinh nghiệm rút ra qua điều tra vụ án trộm cắp tài sản
(kiemsat.vn) Đối tượng trong các vụ án trộm cắp tài sản thường có tiền án, tiền sự và dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với Cơ quan điều tra như: Cố tình tạo chứng cứ ngoại phạm, ngoan cố, chối tội… Qua nội dung một vụ án cụ thể, tác giả đưa ra một số kinh nghiệm điều tra vụ án trộm cắp tài sản.
Hiểu thế nào cho đúng về tình tiết “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”?
Bàn về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng dân sự
T lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức?
Trong những năm gần đây, tội phạm xâm phạm sở hữu ở nước ta diễn biến phức tạp. Trong đó, phần lớn là các vụ xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt như: Trộm cắp tài sản; cướp tài sản; cướp giật tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản… và tội phạm trộm cắp tài sản luôn chiếm tỉ lệ cao trong nhóm tội này. Đây là loại tội phạm có tính chất chiếm đoạt bằng thủ đoạn lén lút, bí mật. Tức là, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có ý thức che giấu hành vi phạm tội đối với chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản và thậm chí là những người khác để họ không biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Đặc biệt, đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đối tượng tham gia vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy...; gây án và che giấu tội phạm rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan điều tra (CQĐT).
Do đặc điểm của đối tượng trộm cắp tài sản là lén lút, bí mật nên khi tiến hành điều tra vụ án, CQĐT gặp không ít khó khăn như: Nhiều vụ án không xác định được đối tượng gây án, đặc biệt có vụ án mặc dù đã xác định được đối tượng nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng; cố tình tạo chứng cứ ngoại phạm, quá trình làm việc đối tượng không thừa nhận hành vi của bản thân… Vì vậy, trong quá trình điều tra vụ án trộm cắp tài sản, CQĐT phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo và sử dụng đồng bộ, tổng hợp nhiều biện pháp điều tra khác nhau để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm. Tác giả nêu vụ án cụ thể và từ đó rút ra một số kinh nghiệm điều tra vụ án trộm cắp tài sản.
Nội dung vụ án:
Khoảng 11h30 ngày 17/8/2017, Dương Tuấn N (sinh năm 1974), đi qua quán nước của chị Trần Thị Nh (sinh năm 1966, trú tại quận H), thì phát hiện chiếc xe máy của anh Đỗ Ngọc T (sinh năm 1979) dựng trước cửa quán. Sau khi nhìn xung quanh thấy không có ai trông giữ xe nên N đã thực hiện hành vi trộm cắp. Khi N dắt xe được khoảng 04 mét thì bị T phát hiện, đuổi theo giữ xe, sau đó túm cổ áo và đẩy N ra. Tiếp đó, T lao vào và dùng tay đấm, đạp vào mặt, bụng của N làm N ngã ngồi bệt xuống đường. Lúc này, có 01 nam thanh niên (không rõ nhân thân) đi xe máy qua hiện trường dừng lại hỏi chuyện thì T trả lời người này ăn trộm xe máy. Nghe vậy nam thanh niên này xuống xe máy và dùng chân tay đấm đá liên tiếp vào mặt N khiến N ngã ra đường rồi anh ta bỏ đi. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận H đã phối hợp với Viện kiểm sát quận H tiến hành khám nghiệm hiện trường và tổ chức các hoạt động điều tra tại hiện trường.
Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 19/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận H đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Tuấn N về hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, quá trình làm việc từ giai đoạn điều tra ban đầu đến khi khởi tố và bắt bị can để tạm giam, N không thừa nhận hành vi trộm cắp và đưa ra lý do bị tổn thương về thần kinh do bị đánh (đối tượng bị chấn thương sọ não với tỉ lệ thương tật là 58%) nên không nhớ được sự việc xảy ra trong ngày 17/8/2017.
Bản thân N là đối tượng có 05 tiền án, 02 tiền sự về các tội xâm phạm sở hữu, hiện đối tượng đang bị nhiễm HIV. Còn về Đỗ Ngọc T, tuy chưa có tiền án, tiền sự nhưng qua đấu tranh, khai thác vẫn không thừa nhận hành vi đánh N.
Trong quá trình điều tra, các đối tượng đã thay đổi thái độ khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân. Tuy nhiên; việc tiến hành đấu tranh để T và N khai nhận mọi hành vi phạm tội là một quá trình phức tạp. Vì vậy, CQĐT đã sử dụng tài liệu, chứng cứ để đấu tranh kết hợp tác động tâm lý và giáo dục, thuyết phục để đối tượng N thay đổi thái độ khai báo và sử dụng lời khai của N kết hợp với lời khai của người làm chứng đấu tranh với T.
Từ quá trình điều tra, giải quyết vụ án trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, trong quá trình điều, tra cần làm tốt công tác tiếp nhận nguồn tin ban đầu về tội phạm và xử lý thông tin. Khi tiếp nhận cần phân loại và kiểm tra các nguồn tin, đề xuất lãnh đạo cơ quan Công an trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với Công an cơ sở và Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động cấp bách khi tới hiện trường, khám nghiệm hiện trường. Trong vụ án này, đối tượng N bị thương tích thì nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Hai là, trong vụ án trên, CQĐT đã phối hợp với Viện kiểm sát tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường để kịp thời thu vật chứng của vụ án là chiếc vam phá khóa và chiếc xe máy. Tiến hành rà soát người làm chứng, rà soát camera tại khu vực xung quanh hiện trường, xác định anh Cao Đức Q - chủ quán nước là người làm chứng nên CQĐT đã tiến hành lấy lời khai của anh Q để làm rõ nội dung sự việc. Tuy nhiên, khi Điều tra viên lấy lời khai thì anh Q có biểu hiện không hợp tác và từ chối khai báo. Vì vậy, CQĐT đã tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện giữa anh Q và Đỗ Ngọc T có quan hệ quen biết với nhau. Việc anh Q từ chối khai báo là do sợ nếu khai báo thì ngoài việc đối tượng N bị xử lý về hành vi trộm cắp tài sản, CQĐT còn xử lý T về hành vi cố ý gây thương tích, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa anh Q và T. Sau khi xác định được nguyên nhân, Điều tra viên quyết định tiến hành thuyết phục kết hợp với việc sử dụng tài liệu thu thập được để anh Q trình bày toàn bộ sự việc đã chứng kiến.
Ba là, quá trình làm việc từ giai đoạn điều tra ban đầu đến khi khởi tố và bắt bị can để tạm giam, N không thừa nhận hành vi của mình và đưa ra lý do bị tổn thương về thần kinh nên không nhớ được sự việc xảy ra trong ngày 17/8/2017. Căn cứ vào thông tin thu thập được và trao đổi với cơ quan chuyên môn, CQĐT đưa ra nhận định N vẫn có khả năng nhận thức đầy đủ các sự việc trước và sau khi xảy ra vụ việc. Vì vậy, CQĐT xác định được đối tượng có hành vi khai báo gian dối trong quá trình giải quyết vụ án.
Trong vụ án này, Điều tra viên đã sử dụng có hiệu quả các thủ thuật hỏi cung với Dương Tuấn N. Cụ thể là không hỏi trực tiếp vào hành vi phạm tội, bởi vì quá trình điều tra đối tượng khai nhận không nhớ được sự việc hôm xảy ra vụ án mà chỉ hỏi những tình tiết về quá khứ và thời điểm hiện tại của đối tượng với mục đích làm cho đối tượng có những nghi ngờ và chuyển biến về tư tưởng. Sau đó, lời khai này được kiểm tra, xác minh qua thông tin thu thập được từ lời khai của chị gái N và thông tin trao đổi với Giám định viên. Qua đó, CQĐT đưa ra nhận định đối tượng đang quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân. Khi đã xác định được nguyên nhân, trong những lần hỏi cung tiếp theo, Điều tra viên chủ yếu sử dụng biện pháp tác động tâm lý, và giáo dục thuyết phục, khai thác triệt để đặc điểm nhân thân của đối tượng (N có 01 mẹ già, 01 con trai còn nhỏ, vợ đã chết và hiện đang bị HIV), nắm được diễn biến tư tưởng của N để tác động tâm lý làm cho đối tượng thay đổi thái độ khai báo. Từ đó, kết hợp với các tài liệu chứng cứ để đấu tranh làm đối tượng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Bốn là, trong vụ án này, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, CQĐT đã ra lệnh khám xét khẩn cấp đối với chỗ ở của Dương Tuấn N. Để quá trình khám xét được an toàn, hiệu quả, trước khi tiến hành khám xét, CQĐT đã làm tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là việc nghiên cứu đặc điểm nhân thân, mối quan hệ cũng như thái độ chấp hành của đối tượng đối với cuộc khám xét. Nhận định với tình huống đối tượng bị thương tích phải đi cấp cứu thì việc khám xét vào thời điểm ngay sau khi xảy ra vụ án có thể gặp phải sự chống đối của gia đình đối tượng, vì vậy, CQĐT đã đưa ra cách xử lý đối với tình huống trên nên quá trình khám xét đã diễn ra an toàn.
Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm nhân thân của đối tượng N (có 05 tiền án, 02 tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản, bản thân đang bị HIV) và đối tượng cho rằng chính mình là bị hại trong vụ án trên, khi thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Dương Tuấn N, CQĐT đã dự kiến đến tình huống đối tượng có những biểu hiện tiêu cực và căn cứ tình trạng sức khỏe của đối tượng để lựa chọn thời gian và địa điểm bắt (ngay sau khi đối tượng ổn định về sức khỏe) và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam ngay tại trụ sở CQĐT để đảm bảo an toàn./.
Vướng mắc trong xử lý một số loại vật chứng
Bàn về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.