Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện – Những vấn đề đặt ra

07/08/2017 07:06

(kiemsat.vn)
kiểm sát bản án, quyết định  của Tòa án có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm sự chính xác, có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần bảo đảm pháp luật thực hiện thống nhất.

Cơ sở pháp lý của việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện

Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát (VKS) đã được Hiến định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS là “kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án” (khoản 2 Điều 19 và khoản 2 Điều 27) khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây viết tắt là vụ, việc dân sự).

Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này, các Luật tố tụng chuyên ngành đều quy định trách nhiệm của Tòa án phải gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho VKS. Cụ thể, tại Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định việc giao các quyết định của Tòa án như sau: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Điều 229 BLTTHS năm 2003 quy định về việc giao bản án: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp…”. Tại khoản 2 Điều 214 và khoản 3 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho VKS cùng cấp; còn đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định (Điều 212 BLTTDS năm 2015). Việc Tòa án gửi bản án, quyết định hành chính sơ thẩm được quy định tại Điều 196 Luật Tố tụng hành chính năm 2015: “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp, gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp” và những quy định tương ứng…

Những vấn đề đặt ra trong công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện

Nhiều vấn đề đặt ra về mặt lý luận và thực tiễn trong công tác kiểm sát bản án, quyết định này, không ít vi phạm chưa được phát hiện kịp thời để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, trong khi đó, tỉ lệ án phúc thẩm bị sửa, hủy (do có kháng cáo của đương sự) vẫn còn cao, cá biệt có trường hợp phát hiện vi phạm nhưng đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm, song xét tính chất, mức độ chưa đến mức kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (trong nhiều trường hợp khi xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với án dân sự, hành chính phải có đơn của đương sự thì mới kháng nghị), nên vẫn còn khoảng trống và những vi phạm này chưa được khắc phục triệt để.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do nhiều quy định pháp luật còn chung chung nên kháng nghị rất khó bảo vệ, do năng lực của công chức, Kiểm sát viên; hoặc do chủ quan, chưa nghiên cứu, đọc bản án, quyết định, nhất là những bản án dài; không ít Viện kiểm sát, Kiểm sát viên còn nể nang, xuôi chiều; tình trạng cấp dưới không gửi bản án, quyết định lên Viện kiểm sát cấp trên (cấp tỉnh) hoặc có gửi nhưng chậm, không còn thời hạn để kháng nghị phúc thẩm. Mặt khác, không ít Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (nhất là những đồng chí mới bổ nhiệm hoặc mới được chuyển từ khâu công tác kiểm sát này sang khâu công tác kiểm sát khác) chưa nghiên cứu nắm kỹ, chưa chú trọng thực hiện nghiêm túc công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án theo tinh thần các Chỉ thị về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm.

Nhiều phiếu kiểm sát bản án, quyết định do Kiểm sát viên tự đánh máy, rồi tự sửa chữa theo ý của mình nên dẫn đến việc ban hành không đúng mẫu, không đầy đủ các nội dung yêu cầu kiểm sát hoặc không có phần nội dung kiểm sát của VKS cấp trên trực tiếp cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án. Một số vụ, việc do tính chất phức tạp, nếu chỉ thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định rất khó phát hiện được vi phạm của Tòa án (trong khi đó rất nhiều vụ, việc trong lĩnh vực dân sự, vụ án hành chính VKS cùng cấp không tham gia giải quyết, không nghiên cứu hồ sơ từ đầu, như việc Tòa án quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ…), mà phải có hồ sơ vụ, việc hoặc trực tiếp tham gia kiểm sát hoặc phải có đơn khiếu nại, đề nghị của đương sự thì mới có thể nghiên cứu phát hiện được vi phạm, thiếu sót của Tòa án, cũng làm hạn chế công tác kiểm sát bản án, quyết định này, nhất là đối với VKS cấp phúc thẩm chỉ kiểm sát trên cơ sở bản án, quyết định sơ thẩm và phiếu kiểm sát của VKS cấp huyện gửi lên, mà không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa như ở VKS cấp sơ thẩm.

Theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các Luật tố tụng chuyên ngành, thì VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền, tuy nhiên lại không quy định việc VKS cấp huyện gửi bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp cho VKSND cấp cao để kiểm sát, nên cũng làm hạn chế khả năng của VKSND cấp cao trong việc tiếp cận phát hiện vi phạm thiếu sót để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, mà chủ yếu dựa trên báo cáo của VKS cấp tỉnh, cấp huyện thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định của cấp sơ thẩm của Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, nếu quy định VKS cấp huyện vừa gửi bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện cho VKS cấp tỉnh lại vừa gửi cho VKSND cấp cao thì lại phát sinh không ít những vấn đề cần xem xét, đánh giá, như VKSND cấp cao sẽ tiếp nhận kiểm sát quá nhiều bản án, quyết định (bên cạnh bản án quyết định sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh, năm 2016, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã kiểm sát 826 bản án, quyết định sơ thẩm và 454 bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh ở miền Trung – Tây Nguyên (Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2016 của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng)), trong khi lực lượng hiện nay còn rất mỏng và làm rất nhiều công tác khác.

Một số giải pháp, kiến nghị

Một là, Lãnh đạo VKS các cấp phải chú trọng quán triệt và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên các cấp phải nghiên cứu, nắm đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và của ngành (nhất là 02 Chỉ thị nêu trên) về công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện, coi đây là một trong những khâu công tác kiểm sát cơ bản của đơn vị mình.

Hai là, Viện kiểm sát cấp huyện phải thực hiện nghiêm quy định sau khi nhận được bản án, quyết định, Kiểm sát viên, công chức được phân công kiểm sát phải đọc kỹ để phát hiện vi phạm, trường hợp cần thiết thì phải khẩn trương xác minh, làm rõ, mời đương sự đến làm việc để làm rõ những vi phạm thiếu sót của Tòa án để phục vụ cho việc xem xét kháng nghị, lập phiếu kiểm sát báo cáo Lãnh đạo Viện. Đồng thời, phải sao gửi bản án, quyết định sơ thẩm, phiếu kiểm sát bản án, quyết định cho VKS cấp phúc thẩm đúng mẫu quy định, đầy đủ và kịp thời. Đối với những bản án, quyết định Tòa án gửi chậm (trường hợp này hay có vấn đề áp dụng không đúng pháp luật), VKS cùng cấp phải theo dõi chặt chẽ thời gian gửi bản án, quyết định, thường xuyên trao đổi, nhắc nhở Tòa án cùng cấp gửi sớm hoặc đúng thời hạn quy định. Trường hợp Tòa án gửi chậm nếu dẫn đến việc kháng nghị phúc thẩm của VKS bị chậm trễ phải kiến nghị khắc phục vi phạm ngay từng trường hợp, trường hợp chậm trễ lặp đi lặp lại, nhưng không đến mức nghiêm trọng thì tập hợp kiến nghị theo định kỳ hàng tháng, quý, năm. Phải xác định đây là cấp kiểm sát chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp.

Ba là, VKS cấp tỉnh phải tăng cường kiểm sát bản án, quyết định do VKS cấp sơ thẩm gửi lên, nếu phát hiện vi phạm thì phải kháng nghị phúc thẩm kịp thời, trường hợp vụ, việc phức tạp thì cần xác minh làm rõ như VKS cấp sơ thẩm như nêu trên hoặc rút hồ sơ của Tòa án cấp huyện để nghiên cứu. Trường hợp thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện phát hiện những vi phạm nhưng đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm thì phải báo cáo để VKSND cấp cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp dưới. Mặt khác, để khắc phục tình trạng VKS cấp huyện gửi không đầy đủ hoặc không kịp thời bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp cho VKS cấp tỉnh, thì VKS cấp tỉnh cần phải mở sổ theo dõi việc tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện, hàng tháng tổng hợp, so sánh, đối chiếu với số liệu thống kê, báo cáo công tác định kỳ của VKS cấp huyện hoặc thông qua hồ sơ vụ án phúc thẩm để xác định bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện có được VKS cấp huyện gửi cho VKS cấp tỉnh hay không. Trên cơ sở đó, hàng năm, VKS cấp tỉnh phải tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát bản án, quyết định, để thấy được ưu điểm và hạn chế nhằm đề ra giải pháp phù hợp; cần ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm gửi các đơn vị cấp huyện để nghiên cứu nhằm khắc phục các vi phạm, thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm.

Bốn là, đối với VKSND cấp cao, trong mối quan hệ giữa VKSND cấp cao với VKS cấp tỉnh và VKS cấp huyện trong phạm vi địa bàn quản lý, để khắc phục tình trạng VKSND cấp cao không tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện làm hạn chế quyền năng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm như đã nêu trên, theo chúng tôi thì trước mắt VKSND tối cao nên có công văn yêu cầu VKS cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện, định kỳ hàng tháng có báo cáo chuyên đề riêng về công tác nghiệp vụ này cho VKSND cấp cao trong phạm vi quản lý.

Năm là, tiếp tục đưa chỉ tiêu công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, kháng nghị phúc thẩm vào đánh giá thi đua hàng năm, nhưng phải lấy tiêu chí chất lượng kháng nghị để làm căn cứ đánh giá nhằm tránh tình trạng kháng nghị tràn lan hoặc không có bất kỳ kháng nghị nào trong năm công tác.

Sáu là, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì sớm ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 03/CT-VT ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự để phù hợp với Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và BLTTHS mới./.

(Trích bài viết: “Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện – Những vấn đề đặt ra” của tác giả Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, Tạp chí Kiểm sát số 06/2017).

Có tách vụ án khi người bị hại sau đó là bị cáo?

(Kiemsat.vn) - Thực tế hiện nay nhiều Tòa án vẫn xét xử những vụ án mà người bị hại sau đó là là bị cáo trong một phiên Tòa. Việc tách vụ án là không cần thiết dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của người bị hại, bị cáo và người liên quan.

Điểm mới về chứng cứ và thu thập chứng cứ trong BLTTHS 2015

(Kiemsat.vn) – So sánh với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 mở rộng chủ thể có quyền thu thập chứng cứ là người bào chữa, không chỉ là các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án như trước đây.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang