Khó khăn, vướng mắc từ việc thi hành bản án về di dời cây
(kiemsat.vn) Từ thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng giao khoán có vướng mắc trong việc buộc thu hồi, di dời cây trồng trên đất, tác giả kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “thượng tôn hiến pháp, pháp luật” và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay
Hạn chế trong quy định và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ góc nhìn cạnh tranh quy phạm pháp luật
Giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người ở trong nước
Tòa án nhân dân huyện X giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng giao khoán giữa công ty A với ông Mai Văn B và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty A, buộc ông Mai Văn B phải thanh lý hợp đồng giao khoán, thu hồi, di dời cây trồng trên đất là bạch đàn và keo với mật độ trung bình 1.400 cây/ha, đường kính gốc trung bình khoảng từ 5cm - 10cm, để trả lại công ty A 5,04 ha rừng; đối với diện tích 0,61 ha có cây bạch đàn đã đến tuổi khai thác thì ông Mai Văn B có nghĩa vụ khai thác cây để trả lại công ty A.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Mai Văn B không tự nguyện thi hành nên công ty A có đơn yêu cầu thi hành án và Chi cục Thi hành án dân sự huyện X đã ra quyết định thi hành án, buộc ông Mai Văn B phải thanh lý hợp đồng giao khoán, thu hồi, di dời cây trồng trên đất, để trả lại công ty A 5,04 ha rừng. Ông Mai Văn B không tự nguyện thi hành nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện X có văn bản đề nghị và Cục thi hành án dân sự tỉnh Y đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Mai Văn B do không thực hiện công việc phải làm theo bản án.
Do việc thi hành án gặp nhiều khó khăn, Chi cục Thi hành án dân sự huyện X đã có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân huyện X giải thích nội dung bản án, làm rõ việc di dời, thu hồi cây trồng trên đất nghĩa là gì? Trường hợp chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, thu hồi cây trên đất, thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện cưỡng chế, khi cưỡng chế thu hồi, di dời có cần đảm bảo cây còn sống, phát triển bình thường không? Nếu phải đảm bảo cây còn sống, phát triển bình thường thì cần điều kiện gì? Nếu không cần đảm bảo cây còn sống, phát triển bình thường thì có được chặt cây không? Việc thu hồi, di dời cây trên đất có khả thi, phù hợp với thực tế không?
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện X chỉ trả lời: Việc buộc ông Mai Văn B phải di dời, thu hồi cây trồng trên đất đã được tuyên rõ trong bản án, đúng với quy định của pháp luật. Trường hợp phải cưỡng chế thi hành án thì thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2008) và các văn bản liên quan.
Đối với những cây có từ trước khi Tòa án ra bản án, theo nội dung bản án và văn bản giải thích thì người phải thi hành án có nghĩa vụ thu hồi, di dời, trường hợp họ không tự nguyện thì Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện cưỡng chế. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể di dời cây là gì, tuy nhiên, có thể tham khảo một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cụ thể, theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, tại Điều 14 quy định về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị như sau: “Chặt hạ và dịch chuyển là hai hành vi khác nhau, có thể hiểu chặt hạ là làm cho cây chết nhưng dịch chuyển là chuyển cây đến vị trí mới, có thể trồng và tiếp tục phát triển bình thường”. Cách hiểu này cũng phù hợp với định nghĩa “dịch chuyển” là thay đổi hoặc thay đổi vị trí trong khoảng ngắn - trong Từ điển tiếng Việt.
Điều 117 Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về di dời công trình xây dựng, theo đó việc di dời công trình xây dựng từ vị trí này đến vị trí khác phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận và bảo đảm giữ nguyên kiến trúc đối với công trình có yêu cầu cần phải bảo tồn. Tức là khi thực hiện di dời thì công trình xây dựng phải đảm bảo chất lượng, an toàn công trình, giữ nguyên kiến trúc.
Từ các quy định pháp luật trên, áp dụng trong thực tiễn vụ việc thì việc di dời, tức là di chuyển cây đến vị trí khác nhưng phải đảm bảo cây vẫn còn sống, sinh trưởng phát triển bình thường. Trong vụ việc, do ông Mai Văn B không tự nguyện thi hành nên chỉ có thể thực hiện cưỡng chế; tổng số cây cần di dời tương đương khoảng 7.000 cây. Khi cưỡng chế chỉ có thể dùng biện pháp kỹ thuật đánh cả gốc, rễ, bọc di chuyển đến vị trí mới, giao cho tổ chức, cá nhân đủ chuyên môn bảo quản đến khi người phải thi hành án đồng ý nhận. Trong trường hợp này, với số lượng khoảng 7.000 cây bạch đàn với đường kính gốc từ 5cm - 10cm, địa hình trên đồi cao, việc di dời là không thể thực hiện được.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện X trực tiếp xác minh tại thực địa, do quá trình tổ chức thi hành án kéo dài nên ông Mai Văn B đã khai thác cây tại 1,2 ha đất và chăm sóc để phát triển chồi lứa mới, phần diện tích còn lại cây vẫn phát triển bình thường. Như vậy, lúc này tại thực địa của diện tích 5,04 ha có 3,84 ha đất có cây từ thời điểm Tòa án giải quyết đang phát triển bình thường và 1,2 ha có cây chồi mới mọc, tương đương 1.700 cây. Những cây bạch đàn chồi này không phải là cây được nêu trong bản án.
Điều 117 Luật THADS năm 2008 quy định trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế, tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu. Trường hợp người có tài sản gắn liền với đất từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản, giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan Thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản. Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này.
Như vậy, đối với những cây hình thành sau khi có bản án, tương đương khoảng 1.700 cây thì Chấp hành viên chỉ có thể chuyển ra khỏi vị trí đất, tức là không được phép chặt hạ. Số cây này nếu muốn chuyển đi vẫn phải thực hiện tương tự như với những cây có trước bản án và trên thực tế là không thể di chuyển được.
Từ thực tiễn thi hành bản án trên, có thể thấy, theo Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Tuy nhiên, không có quy định nào yêu cầu bản án, quyết định của Tòa án phải có tính khả thi trong thực tiễn. Tính khả thi là yêu cầu quan trọng đầu tiên để đảm bảo tính hiệu lực của bản án, quyết định. Nếu nội dung phán quyết của Tòa án không thể thi hành trong thực tế thì đương sự có muốn chấp hành cũng không thể thực hiện được. Ngược lại, nội dung phán quyết của Tòa án có thể thi hành trong thực tế mà đương sự không tự nguyện thi hành sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành, thậm chí bị xử lý về Tội không chấp hành án... Do vậy, tác giả kiến nghị cần quy định tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án cần được quy định thành một điều trong các Bộ luật về tố tụng gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Đồng thời, sửa đổi quy định tại Điều 117 Luật THADS năm 2008, theo hướng Chấp hành viên chỉ thực hiện tháo dỡ, chuyển ra khỏi vị trí đất những tài sản có thể tháo dỡ, di chuyển được; trường hợp với công trình, vật kiến trúc, cây cối, xét thấy về mặt kỹ thuật không thể thực hiện việc tháo dỡ, di chuyển thì phải cho phép phá dỡ, chặt. Nội dung này sẽ tương đồng với Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế. Do bản chất công trình, vật kiến trúc hình thành sau khi có bản án là không thực hiện đúng phán quyết của Tòa án, tương tự như trường hợp vi phạm hành chính. Quy định như vậy sẽ tạo sự đồng nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác tổ chức thi hành án dân sự.
Phạm Văn Tiến
Thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân
-
1Hạn chế trong quy định và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ góc nhìn cạnh tranh quy phạm pháp luật
-
2Thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân
-
3Giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người ở trong nước
-
4Khó khăn, vướng mắc từ việc thi hành bản án về di dời cây
Bài viết chưa có bình luận nào.