Hoàn thiện quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
(kiemsat.vn) Bổ sung các tội phạm thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; bổ sung Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKS quân sự Trung ương có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quy định rõ tài liệu thu thập được qua điều tra tố tụng đặc biệt được dùng để khởi tố bị can là những kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về nội dung này.
Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Một trong những nội dung của các công ước đó là: Các quốc gia thành viên trong phạm vi cho phép sẽ áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt để đấu tranh chống tội phạm. Nhằm thực thi các công ước quốc tế, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới, chương XXVI Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử là các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã thể hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Cơ quan điều tra (CQĐT) trong giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, quy định của BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về biện pháp điều tra này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
1. Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
- Về trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Theo quy định của BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), CQĐT chỉ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các tội phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 224, nhằm tương thích với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tránh tình trạng áp dụng tràn lan, xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
Theo tác giả, Điều 224 quy định chưa đủ các tội phạm thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Bởi lẽ: Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) xác định hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi… là các hành vi tham nhũng và được sử dụng “kỹ thuật điều tra đặc biệt”. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không coi Tội đưa hối lộ, Tội môi giới hối lộ và Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là các tội phạm về tham nhũng ở Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự (quy định tại Mục 2 - Các tội phạm khác về chức vụ); tuy nhiên, các tội phạm này có mối quan hệ và thường xảy ra cùng với các tội phạm về tham nhũng. Do vậy, nếu không áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong điều tra các tội phạm này sẽ không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và không phát huy được tác dụng của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong thu thập thông tin, tài liệu để đấu tranh chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Khoản 1 Điều 224 quy định Tội khủng bố thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nhưng không quy định Tội tài trợ khủng bố. Tội tài trợ khủng bố cũng không phải là “tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” để áp dụng biện pháp điều tra theo khoản 2 Điều 224. Trong khi đó, hành vi khủng bố và tài trợ khủng bố có mối quan hệ chặt chẽ, hành vi tài trợ khủng bố thường đi liền và tạo điều kiện thuận lợi để hành vi khủng bố được thực hiện, nếu không kịp thời ngăn chặn hành vi tài trợ khủng bố thì hành vi khủng bố có thể xảy ra. Do vậy, việc không quy định Tội tài trợ khủng bố thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng là bất cập.
- Về thẩm quyền quyết định áp dụng, thẩm quyền yêu cầu quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Khoản 1 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”; theo đó, có hai vướng mắc như sau:
+ Một là, về thẩm quyền quyết định áp dụng:
Điều luật chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh và Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên có quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, mà không quy định Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Như vậy, Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương không có quyền áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các tội phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), trong đó có tội phạm về tham nhũng. Trong khi đó, khoản 3 Điều 163 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương có thẩm quyền điều tra các tội phạm về tham nhũng khi các tội phạm này xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Do vậy, sẽ là thiếu sót nếu không quy định Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương có quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; điều này không tương thích với quy định khác của BLTTHS và làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng, việc không quy định Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương có quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt xuất phát từ lý do: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân và CQĐT trong Quân đội nhân dân là các CQĐT nằm trong lực lượng vũ trang. Vì vậy, các cơ quan này được trang bị, huy động phương tiện kỹ thuật để có thể ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật hoặc thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Còn CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nằm trong hệ thống Viện kiểm sát nên không được trang bị phương tiện kỹ thuật để có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Chúng tôi không đồng ý với quan điểm trên, bởi lẽ: Mặc dù CQĐT của Công an nhân dân và CQĐT trong Quân đội nhân dân thuộc lực lượng vũ trang, tuy nhiên không phải CQĐT nào cũng được trang bị phương tiện kỹ thuật để có thể tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Khi cần thiết phải áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, CQĐT của Công an nhân dân và CQĐT trong Quân đội nhân dân sẽ đề nghị các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách trong Công an và Quân đội phối hợp thực hiện (theo khoản 3 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021): “Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”). Do vậy, nếu cho rằng CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không được trang bị phương tiện kỹ thuật nên không cần thiết quy định Thủ trưởng có quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là không hợp lý. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm về tham nhũng, và nếu thấy cần thiết áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể đề nghị cơ quan chuyên trách trong Công an và Quân đội phối hợp thực hiện. Trách nhiệm phối hợp thực hiện của cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cũng đã được quy định tại Điều 5 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) - trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
+ Hai là, về thẩm quyền yêu cầu quyết định áp dụng:
Khoản 1 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu yêu cầu Thủ trưởng CQĐT quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, không quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Như vậy, nếu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT Bộ Công an hoặc CQĐT Bộ Quốc phòng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương không có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trong khi đó, khoản 3 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) lại quy định: “Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”. Bất cập này dẫn đến một nghịch lý: Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên không có quyền yêu cầu, chỉ có quyền phê chuẩn, trong khi Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới có cả quyền yêu cầu và quyền phê chuẩn.
- Về trách nhiệm giữ bí mật:
Theo khoản 4 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021): “Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật”.
Như vậy, ngoài Thủ trưởng CQĐT là người ra quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát là người phê chuẩn quyết định thì người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (người của các cơ quan chuyên trách được trang bị, quản lý và sử dụng máy móc, phương tiện kỹ thuật có thể ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật hoặc thu thập bí mật dữ liệu điện tử) có trách nhiệm giữ bí mật.
Quy định như trên là thiếu chủ thể có trách nhiệm giữ bí mật trong áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, bởi sau khi khởi tố vụ án, Thủ trưởng CQĐT sẽ phân công Điều tra viên tiến hành điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát sẽ phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, Điều tra viên là người đề xuất Thủ trưởng CQĐT ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Kiểm sát viên là người nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để đề xuất Viện trưởng Viện kiểm sát xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của CQĐT. Hơn nữa, sau khi tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Điều tra viên và Kiểm sát viên sẽ quản lý, sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được để đề xuất Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định những thủ tục tố tụng tiếp theo. Do vậy, sẽ là thiếu sót nếu không quy định trách nhiệm giữ bí mật của Điều tra viên, Kiểm sát viên, cũng như trách nhiệm của Cán bộ điều tra khi tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
- Về sử dụng thông tin, tài liệu thu thập:
Theo khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021): “Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời”.
Như vậy, điều luật chỉ quy định thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được “sử dụng vào việc khởi tố”, mà không quy định rõ là khởi tố vụ án hay khởi tố bị can. Do vậy, “việc khởi tố” được hiểu là khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ việc khởi tố. Tuy nhiên, nếu hiểu như vậy sẽ mâu thuẫn với quy định “sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt” tại Điều 223 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Như vậy, khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) còn thiếu sót khi không quy định rõ thông tin, tài liệu chỉ được sử dụng vào khởi tố bị can, không được sử dụng vào việc khởi tố vụ án.
Bên cạnh đó, khi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, CQĐT có thể thu thập được những thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm khác không thuộc vụ án đang điều tra. Những thông tin, tài liệu này cho dù có đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác thì CQĐT cũng không được sử dụng do khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: “Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời”. Theo tác giả, quy định này không hợp lý, không cần thiết phải tiêu hủy những thông tin, tài liệu nêu trên, bởi lẽ về bản chất, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là biện pháp điều tra được CQĐT tiến hành theo quy định của BLTTHS qua việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật; trước khi CQĐT tiến hành đã được Viện kiểm sát phê chuẩn. Những thông tin, tài liệu thu thập được qua tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hoàn toàn khách quan, đúng với những gì xảy ra trên thực tế. Nếu tiêu hủy những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án đang điều tra nhưng liên quan đến tội phạm khác chưa được khởi tố có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm vì CQĐT không thu thập lại được những thông tin, tài liệu khác có giá trị chứng minh, vì đối tượng có thể chỉ thực hiện tội phạm một lần hoặc đã kịp thời che giấu tội phạm, mà CQĐT không thể mở rộng điều tra. Hoặc, nếu có thể thu thập lại những thông tin, tài liệu khác liên quan đến tội phạm chưa được khởi tố, CQĐT sẽ phải quyết định áp dụng lại biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sau khi đã khởi tố vụ án, trong khi không thể sử dụng những thông tin, tài liệu thu thập được từ lần áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trước để làm căn cứ khởi tố (do BLTTHS không cho phép và đã tiêu hủy). Việc tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nhiều lần như vậy sẽ không bảo đảm tính nhanh chóng, toàn diện của hoạt động điều tra, mất thời gian, tốn kém kinh phí, trong khi trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện nay chưa đủ đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều tra.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Từ những bất cập nêu trên, tác giả đề xuất một số nội dung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trên thực tiễn như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 224 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) theo hướng quy định thêm một số tội phạm thuộc trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cụ thể:
“Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, Tội khủng bố, Tội tài trợ khủng bố, Tội rửa tiền, Tội đưa hối lộ, Tội môi giới hối lộ, Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Thứ hai, sửa đổi khoản 1 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) theo hướng: Bổ sung quy định Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng CQĐT Viện kiểm sát quân sự Trung ương có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương có quyền yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ ba, sửa đổi khoản 4 Điều 225 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) theo hướng: Bổ sung thêm Điều tra viên, Kiểm sát viên và người có thẩm quyền liên quan là những người có trách nhiệm giữ bí mật trong áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ tư, sửa đổi khoản 1 Điều 227 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) theo hướng: Quy định rõ thông tin, tài liệu thu thập qua tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng vào việc khởi tố bị can; không tiêu hủy những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án đang điều tra nhưng liên quan đến tội phạm khác chưa được khởi tố và nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích trái pháp luật. Như vậy, sẽ đạt được cả hai yêu cầu: Không bỏ lọt tội phạm và không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân./.
-
1Rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị huỷ do vi phạm về đánh giá chứng cứ
-
2Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
-
3Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội
Bài viết chưa có bình luận nào.