Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản theo yêu cầu của công ước quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc

17/02/2025 09:47

(kiemsat.vn)
Trong phạm vi bài viết, các tác giả khái quát thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về tội tham ô tài sản; chỉ ra những yêu cầu nội luật hóa Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), kinh nghiệm của Trung Quốc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng... phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng để không dám tham nhũng”. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả khái quát thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về Tội tham ô tài sản; chỉ ra những yêu cầu nội luật hóa Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), kinh nghiệm của Trung Quốc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

1. Quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về Tội tham ô tài sản

Điều 353 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) quy định về Tội tham ô tài sản như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản  5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Nghiên cứu quy định của BLHS Việt Nam năm 2015, chúng tôi thấy Tội tham ô tài sản có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, Tội tham ô tài sản là tội phạm cấu thành vật chất, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý, trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.

Thứ hai, chủ thể của Tội tham ô tài sản trước hết phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước). Ngoài những cán bộ, công chức, chủ thể của Tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản. Người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của Tội tham ô tài sản. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt. Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình...

Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu, chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, Chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình. Việc xác định trách nhiệm của một người đối với tài sản là rất quan trọng, nếu xác định không đúng tư cách của người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt thì dễ nhầm lẫn với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015, như: Tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối nhưng nếu người thực hiện là người có trách nhiệm quản lý tài sản và họ đã chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội tham ô tài sản, nhưng nếu người thực hiện không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc tuy quản lý tài sản nhưng họ không chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do những đặc điểm đặc thù về chủ thể của Tội tham ô tài sản, nên khoa học luật hình sự cho rằng, chủ thể của Tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới tham ô tài sản được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án tham ô tài sản không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn, nhưng người thực hành trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ ba, BLHS Việt Nam năm 2015 có một số quy định đặc thù xử lý Tội tham ô tài sản: Một là, chỉ quy định một số dấu hiệu định khung tăng nặng (chủ yếu là dấu hiệu chiếm đoạt tài sản và dấu hiệu gây thiệt hại về tài sản), không quy định dấu hiệu định khung giảm nhẹ. Hai là, xử lý cả người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Ba là, thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với Tội tham ô tài sản, đó là: Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bốn là, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

2. Yêu cầu nội luật hóa Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) và kinh nghiệm của Trung Quốc

2.1. Yêu cầu nội luật hóa Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC)

Công ước chống tham nhũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 01/10/2003 (Công ước), . Mục đích của Công ước là hình thành khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua các biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Điều 1 Công ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả hơn... Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.

Công ước đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải nội luật hóa các quy định hình sự từ Điều 15 đến Điều 25 Công ước, trong đó có tội tham ô; biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt khác bởi công chức; lạm dụng ảnh hưởng để trục lợi; lạm dụng chức năng; biển thủ tài sản trong khu vực tư....

2.2. Quy định của pháp luật Trung Quốc về tham ô tài sản và một số kinh nghiệm rút ra

Công cụ phòng, chống tham nhũng hữu hiệu, tập trung và rõ nét nhất của Trung Quốc chính là BLHS. Chương VII BLHS Trung Quốc quy định Tội tham ô tài sản như sau:

Điều 382. Nhân viên nhà nước lợi dụng chức vụ nhằm chiếm đoạt, cướp đoạt, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác chiếm hữu phi pháp tài sản công cộng là Tội tham ô.

Những người được cơ quan nhà nước, công ty quốc hữu, xí nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể nhân dân ủy thác quản lý, kinh doanh tài sản quốc hữu lợi dụng chức vụ ngầm chiếm đoạt, cướp đoạt, lừa gạt hoặc các thủ đoạn khác chiếm hữu phi pháp tài sản công cộng thì bị xử lý về Tội tham ô.

Người nào cấu kết, thực hiện tội phạm cùng những người được nêu trong 2 khoản trên sẽ bị xử về tội đồng phạm.

Điều 383. Đối với những người phạm tội tham ô tài sản, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ để xử phạt theo những quy định sau:

Cá nhân tham ô với mức trên 100.000 tệ trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân, có thể phạt tịch thu tài sản; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị xử tử hình, tịch thu tài sản.

Cá nhân tham ô ở mức từ 5.000 tệ đến dưới 50.000 tệ sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm trở lên, có thể tịch thu tài sản; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù chung thân và tịch thu tài sản.

Cá nhân tham ô ở mức từ 5.000 tệ đến dưới 50.000 tệ sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm; nếu có tình tiết nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 10 năm. Cá nhân tham ô ở mức từ 5.000 đến dưới 10.000 tệ, sau khi phạm tội có biểu hiện hối cải, tích cực hoàn trả có thể được giảm hoặc miễn xử phạt hình sự và do đơn vị sở tại hoặc cơ quan chủ quản cấp trên xử phạt hành chính.

Cá nhân phạm tội tham ô ở mức dưới 5.000 tệ, có tình tiết tương đối nặng sẽ bị phạt tù từ 2 năm trở xuống hoặc phạt giam hình sự; nếu có tình tiết tương đối nhẹ sẽ do đơn vị sở tại hoặc cơ quan chủ quản cấp trên xem xét, xử phạt hành chính.

Tham ô nhiều lần mà chưa bị xử lý sẽ bị xử phạt theo tổng số tiền đã tham ô.

Nghiên cứu quy định của BLHS Trung Quốc, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, trong BLHS Trung Quốc, các dấu hiệu định khung tăng nặng của Tội tham ô tài sản bao gồm: (1) Làm chết người; (2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (3) Đã thực hiện hành vi trái pháp luật; (4) Đã không thực hiện hành vi đúng đắn; (5) Có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng; (6) Có tình tiết nghiêm trọng; (7) Có tình tiết tương đối nặng; (8) Tham ô nhiều lần; (9) Tiền, tài sản dùng vào việc cấp cứu, di dân...

Thứ hai, bên cạnh các dấu hiệu định khung tăng nặng nêu trên, BLHS Trung Quốc còn quy định dấu hiệu định khung giảm nhẹ của Tội tham ô tài sản, đó là: “Có tình tiết tương đối nhẹ” (đoạn 1 khoản 4 Điều 383).

Ngoài ra, để không bỏ lọt Tội tham ô tài sản, đoạn 2 khoản 4 Điều 383 Chương VII BLHS Trung Quốc quy định: “Tham ô nhiều lần mà chưa bị xử lý sẽ bị xử phạt theo tổng số tiền đã tham ô”.

Như vậy, pháp luật hình sự Trung Quốc quy định cả dấu hiệu định khung tăng nặng và dấu hiệu định khung giảm nhẹ của Tội tham ô tài sản, phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội tham ô tài sản tăng lên hoặc giảm xuống đáng kể trong phạm vi 01 khung hình phạt so với trường hợp phạm tội không có dấu hiệu định khung này, thậm chí có trường hợp nếu có dấu hiệu định khung giảm nhẹ thì người phạm tội có thể được miễn xử lý hình sự và họ chỉ bị xử phạt hành chính.

3. Một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về Tội tham ô tài sản

Trên cơ sở thực trạng quy định của BLHS Việt Nam năm 2015 về Tội tham ô tài sản, yêu cầu nội luật hóa Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) và kinh nghiệm của Trung Quốc, chúng tôi kiến nghị hoàn thiện quy định về Tội tham ô tài sản theo hướng sau:

Một là, cần bổ sung dấu hiệu định tội “gây thiệt hại về tài sản” vào khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015.

Dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản” hiện nay chỉ được quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại các khoản 2, 3, 4 Điều 353 BLHS năm 2015 với giá trị tài sản bị thiệt hại thấp nhất là 1.000.000.000 đồng.

Chúng tôi cho rằng, cần bổ sung dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản” vào khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015 mới phù hợp, bởi lẽ, dấu hiệu này độc lập với dấu hiệu giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, hiện nay khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015 chỉ quy định dấu hiệu giá trị tài sản bị chiếm đoạt (và dấu hiệu đã bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án), mà không quy định dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản”. Điều này có thể dẫn đến sự “không công bằng” giữa các trường hợp phạm tội.

Ví dụ, A có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý trị giá 1.000.000 đồng, không gây thiệt hại về tài sản, nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này thì A phạm tội tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015. B có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý trị giá 2.000.000 đồng, không gây thiệt hại về tài sản thì B cũng phạm tội tham ô theo khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015. C có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý trị giá 1.500.000 đồng và còn gây thiệt hại về tài sản 900.000.000 đồng nhưng C lại không phạm tội tham ô tài sản. Do đó, để bảo đảm công bằng và không bỏ lọt trường hợp phạm tội nguy hiểm này, cần bổ sung dấu hiệu định tội “gây thiệt hại về tài sản” vào khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015.

Hai là, bổ sung cụm từ “người được hưởng chính sách xã hội khác” vào sau cụm từ “đối với người có công với cách mạng” tại điểm đ khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015; bổ sung một số dấu hiệu định khung tăng nặng khác vào Tội tham ô tài sản.

Về bổ sung cụm từ “người được hưởng chính sách xã hội khác” vào sau cụm từ “đối với người có công với cách mạng” tại điểm đ khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015: Dấu hiệu “chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng” được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 theo hướng liệt kê rất cụ thể các trường hợp, trong đó có trường hợp chiếm đoạt tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, quy định này chưa đầy đủ nên chưa bảo đảm sự công bằng, do các đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác cũng cần được bảo vệ khỏi sự xâm hại của các loại hành vi phạm tội này, đó là: Người hưu trí; người bị tai nạn lao động; thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng các chế độ ưu đãi (như: Con đẻ bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng...; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua bảo hiểm y tế...).

Về bổ sung một số dấu hiệu định khung tăng nặng khác vào Tội tham ô tài sản như: (1) Biết rõ tiền, tài sản dùng vào việc cấp cứu, di dân; (2) Đã thực hiện hành vi trái pháp luật; (3) Đã không thực hiện hành vi đúng đắn; (4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (5) Làm chết người...

Hiện nay, BLHS năm 2015 - Phần các tội phạm về chức vụ không quy định một số dấu hiệu định khung tăng nặng của Tội tham ô tài sản, mà qua nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, tác giả thấy rằng cần bổ sung: (1) Biết rõ tiền, tài sản dùng vào việc cấp cứu, di dân; (2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (3) Làm chết người..., để không bỏ lọt và có cơ sở xử lý nghiêm những trường hợp phạm tội tham ô tài sản.

Ba là, hoàn thiện quy định về hình phạt bổ sung là hình phạt tiền tại khoản 5 Điều 353 BLHS năm 2015.

Sửa đổi quy định về hình phạt bổ sung là hình phạt tiền tại khoản 5 Điều 353 BLHS năm 2015 theo hướng áp dụng hình phạt tiền là bắt buộc, không phải là “có thể” như hiện nay, đồng thời cần tăng mức phạt tiền, cả mức tối thiểu và mức tối đa.

Hiện nay, khoản 5 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định hai loại hình phạt bổ sung, trong đó hình phạt “cấm đảm nhiệm chức vụ” là bắt buộc, nhưng hình phạt “tiền” chỉ được quy định là “có thể” áp dụng, với mức phạt “từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” hoặc “từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Theo chúng tôi, cần quy định hình phạt tiền là bắt buộc phải áp dụng mà không nên quy định “có thể” áp dụng như hiện nay. Việc sửa đổi quy định này là hoàn toàn phù hợp với Điều 31 BLHS năm 2015, tức là hình phạt bổ sung bắt buộc này sẽ hỗ trợ một cách có hiệu quả cho hình phạt chính đạt được mục đích tối đa. Đồng thời, mức phạt tiền tối đa 100.000.000 đồng là cơ bản thấp so với các dấu hiệu định khung của Điều luật và giá trị tài sản mà người phạm tội được nhận hoặc chiếm đoạt. Tăng mức phạt tiền, cả mức tối thiểu và mức tối đa để vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, vừa nhằm trừng trị nghiêm khắc, có hiệu quả người phạm các tội tham nhũng mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Nguyễn Duy Giảng - Đỗ Đức Hồng Hà

Kỹ năng kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật của Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật. Qua nghiên cứu những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, bài viết chia sẻ một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự.

Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án

(Kiemsat.vn) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả tổng hợp một số dạng vi phạm điển hình của Chấp hành viên, thủ quỹ, kế toán nghiệp vụ, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, từ đó đưa ra một số vấn đề cần lưu ý đối với Kiểm sát viên khi kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang