Hành vi của Trần Thị T không phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”

01/11/2016 02:27

(kiemsat.vn)
Sau khi nghiên cứu bài viết: Trần Thị T có phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không? của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, Vụ 1 VKSND tối cao đăng trên Kiemsat.vn ngày 27/10/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Cấu thành cơ bản của tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 BLHS: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Như vậy, khách thể của tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác. Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả.

– Về mặt khách quan của tội phạm:

+ Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: Là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.

+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ… trong Điều 267 là sử dụng các con dấu, giấy tờ… được tạo ra từ nguồn gốc không đúng thẩm quyền. Đối với hành vi sử dụng, tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi sử dụng các đối tượng trên để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân, không cần xảy ra hậu quả.

Thế nhưng, trong trường hợp này, Trần Thị T đã làm đơn xin giám định, đánh tráo bị hại (H thành N) và giao nộp Bản kết luận về độ tuổi N cho cơ quan tiến hành tố tụng. Kết quả giám định này sẽ có lợi cho bị can Trần Quý P. Theo đó, tính đến thời điểm P phạm tội, người bị hại là Nguyễn Thị Quỳnh N có độ tuổi trên 13 tuổi.

Như vậy, Trần Quý P sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Hành vi của T gây khó khăn cho công tác điều tra (cản trở điều tra). Sở dĩ, T làm phát sinh tình tiết này là do Điều tra viên thiếu trách nhiệm trong công tác điều tra. Lúc này, vụ án đã khởi tố điều tra thì bị hại là người đầu tiên Điều tra viên tiếp cận nhưng để T đánh tráo bị hại khi đi giám định mà Điều tra viên không biết là lỗi của Điều tra viên. Một nguyên tắc bất di bất dịch trong điều tra tội phạm là tội phạm bao giờ cũng muốn quanh co chối tội, tìm mọi thủ đoạn để bảo vệ cho mình (nhẹ tội), còn Điều tra viên bao giờ cũng muốn tìm tra hành vi phạm tội, nên BLHS đã có quy định Điều 46 là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Điều 48 là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với mục đích kêu gọi tội phạm thành khẩn khai báo để được hưởng sự khoang hồng của pháp luật và sự răn đe tội phạm để được thuận lợi trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Tuy Trần Thị T có hành vi đánh tráo bị hại, làm đơn xin giám định và giao nộp Bản kết luận giám định để lừa dối Cơ quan điều tra với mục đích làm cho em ruột Trần Quý P được nhẹ tội nhưng hành vi và các tài liệu do T nộp cho Cơ quan điều tra có được xem xét hay không? có giá trị pháp lý hay không? là do Điều tra viên đánh giá chứng cứ và quyết định. Đây là tài liệu công khai của T, T không hề dấu giếm, lừa dối, tao ra chứng cứ ngoại phạm đối với P. Nếu Điều tra viên đánh giá chứng cứ phát hiện mâu thuẫn thì cho N giám định lại theo quy định của Luật giám định tư pháp và BLTTHS. Vì thủ tục trưng cầu giám định của T trái quy định của BLTTHS.

Tại Điều 155 BLTTHS quy định về Trưng cầu giám định như sau:

1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.

3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó.

Như vậy, tại thời điểm này P đang bị điều tra, nên Cơ quan điều tra phải trực tiếp ra quyết định trưng cầu giám định đối với Nguyễn Thị Quỳnh N, chứ quyết định trưng cầu giám định không phải do Trần Thị T ban hành. Sau đó, T đưa H đi giám định thay N và cung cấp Bản kết luận cho Cơ quan điều tra là tài liệu trái pháp luật nên không có giá trị pháp lý, Điều tra viên có quyền không chấp nhận đó là chứng cứ, chứ không thể gọi hành vi đưa Bản kết luận của T cho Cơ quan điều tra là hành vi lừa dối Cơ quan điều tra.

Hơn nữa, tài liệu mà T tạo ra không làm xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước theo cấu thành cơ quan của Điều 267 BLHS mà tài liệu này nhằm phục vụ cho công tác điều tra tội phạm trong một vụ án hình sự riêng biệt theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Do đó, hành vi T đưa H đi giám định để tạo ra Bản kết luận về độ tuổi của N nhằm làm cho P nhẹ tội không phải là hành vi lừa dối cơ quan nhà nước, không làm xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước của cơ quan điều tra nói riêng và cơ quan Công an nói chung.

Cho nên, T không phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 BLHS./.

Lê Thanh Bình
VKSND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

Bắt 3 cán bộ đất đai vì làm giả bìa đỏ

Ngày 24-1, Viện KSND tỉnh Gia Lai cho biết vừa phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với 3 người vốn là nhân viên văn phòng đăng ký đất đai Gia Lai để điều tra vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm lừa đảo.

Trần Thị T không phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 BLHS

(Kiemsat.vn) - Sau khi đọc nội dung bài viết: Trần Thị T có phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không? của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đăng trên Kiemsat.vn ngày 27/10/2016, tôi đồng ý với nhóm ý kiến thứ hai. Bởi vì ở cuối bài:
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang