Giải quyết hậu quả việc trao nhầm con thế nào?

17/07/2018 10:09

(kiemsat.vn)
Chuyện các bé sơ sinh bị trao nhầm cho sản phụ không phải là mẹ đẻ tuy rất hiếm xảy ra, nhưng không phải là không xảy ra. Việc giải quyết hậu quả của nó thế nào và cần làm những thủ tục pháp lý gì để nhận lại con là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Như các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đưa tin, trường hợp hai trẻ sơ sinh bị trao nhầm tại bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) xảy ra cách nay đã gần 06 năm. Rất may, hai người mẹ bị trao nhầm con lại sinh sống cùng huyện Ba Vì, Hà Nội (chị Hương sống tại xã Phú Sơn còn vợ chồng anh Sơn, chị Hiền sống tại xã Tây Đằng). Vì vậy, sau nhiều năm day dứt vì đứa con trai càng lớn càng không giống bố mẹ nên anh Sơn đi thử ADN để xác định chính xác con đẻ của mình. Cuối cùng anh đã tìm ra đứa trẻ cùng huyết thống với mình là cháu Phùng Thanh H. đang do chị Hương nuôi. Còn cháu Đoàn Nhật M. đang do vợ chồng anh nuôi dưỡng lại cùng huyết thống với chị Hương.  

Sự thật đang dần dần hé mở nhưng việc thực hiện các thủ tục để trả lại đúng tư cách con đẻ cho hai gia đình cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ảnh: Báo Lao động

Phía gia đình anh Sơn, chị Hiền rất mong muốn sớm nhận lại con đẻ đang do chị Hương nuôi dưỡng trở về với anh chị và trả cháu M. về cho chị Hương. Tuy nhiên, chị Hương thì ngược lại, chưa muốn trả cháu H. cho gia đình anh Sơn, chị Hiền. Lý do mà chị Hương đưa ra là do sự việc xảy ra quá đột ngột nên chưa sẵn sàng chấp nhận sự thật này. Theo chị Hương, hai gia đình nên cho các cháu đi lại làm quen dần để có thời gian thích ứng. Suy nghĩ của chị Hương phản ánh đúng tâm trạng, hoàn cảnh của chị (đã ly hôn chồng) có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, việc xác định đúng cha mẹ cho con hoặc xác định con của cha mẹ thì không thể kéo dài. Mặt khác, khi sự việc trao nhầm con đã được xác định rõ ràng, có căn cứ mà người nào ngăn cản việc con nhận cha mẹ; hoặc ngăn cản việc cha mẹ nhận con là vi phạm Điều 90, 91 Luật hôn nhân và gia đình. Vì vậy, sự việc trên cần sớm được giải quyết một cách có tình có lý.

Trước hết, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), nơi để xảy ra sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh có trách nhiệm báo cáo xác nhận cụ thể về sự cố trao nhầm con giữa gia đình anh Sơn, chị Hiền với gia đình chị Hương. Đồng thời, trên cơ sở kết quả giám định ADN, động viên, giải thích để hai gia đình đồng thuận nhận lại đúng con đẻ của mình.

Trường hợp, cả hai bên đồng thuận nhận lại con đẻ của mình thì gia đình anh Sơn, chị Hiền và gia đình chị Hương phải trực tiếp làm lại giấy tờ hộ tịch (Thủ tục đăng ký nhận con; đăng ký khai sinh...) cho các cháu theo quy định của Luật Hộ tịch.  

Trường hợp, một trong hai gia đình không chấp nhận việc nhận con hoặc trả lại con thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án xác định con của cha mẹ theo quy định tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS.

Ngoài ra, các gia đình anh Sơn, chị Hiền và gia đình chị Hương có thể trực tiếp yêu cầu hoặc khởi kiện ra Tòa án buộc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) có trách nhiệm bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần do sự cố trao nhầm con gây ra theo quy định của pháp luật.

Xem thêm>>>

Điều kiện nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi

Quy định của pháp luật về xác định họ, tên cho cá nhân

Có làm được giấy khai sinh cho con khi chưa đăng ký kết hôn?                                                                                                                            

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang