Giải pháp hạn chế nạn đua xe trái phép

14/04/2021 16:28

(kiemsat.vn)
Thời gian gần đây, tình hình đua xe trái phép diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam. Việc tổ chức đua xe trái phép không chỉ gây náo loạn tại nhiều địa bàn dân cư, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà còn thách thức trật tự pháp luật. Tình hình trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với vấn nạn nguy hiểm này.

Tái diễn tình trạng đua xe trái phép

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương phía Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, tại nhiều địa phương đã tái diễn tình trạng đua xe trái phép. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh; tỉnh Bình Dương; tỉnh Hậu Giang…đã liên tiếp xảy ra các cuộc đua xe tự phát trên tuyến quốc lộ, thu hút sự tham gia của hàng trăm đối tượng đến từ nhiều địa phương, gây ách tắc cản trở giao thông, mất trật tự công cộng, đe doạ an toàn tính mạng, sức khoẻ người dân. Mới đây nhất, vào ngày 26-3-3021, các đối tượng đã chặn các phương tiện đang lưu thông trên QL1 thuộc địa bàn ấp 5 xã, An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để tổ chức cuộc đua trái phép, gây náo loạn khu vực.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, các nhóm đua xe thường thách thức đối thủ trên mạng xã hội, đồng thời sử dụng các fanpage đua xe như diễn đàn lôi kéo người tham gia. Việc tổ chức đua xe trái phép có giải thưởng do các cơ sở “độ” xe máy tài trợ. Để tạo đường đua, các đối tượng dựng chướng ngại vật để chặn các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực đua. Quá trình đua xe các đối tượng sử dụng phương tiện đã được thay đổi cấu hình để tăng công suất động cơ, đồng thời thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm như chạy xe với tốc độ cao, bốc đầu, nhấc đuôi (đi 1 bánh), tháo phanh, quẹt chân chống, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm. Khi cơ quan chức năng phát hiện, chặn bắt, các đối tượng bỏ chạy hoặc chống đối, cản trở việc thực thi công vụ. Đối tượng tham gia đua xe và cổ vũ đua xe có độ tuổi phổ biến từ 18 đến 25, thường không có công việc ổn định, hoặc đã bỏ học, nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự về hành vi đua xe trái phép.

Đâu là nguyên nhân?

Thứ nhất, nhu cầu được trải nghiệm cảm giác mạnh khi đối diện với nguy hiểm, với là đặc điểm tâm lý có thật ở một số người. Hoạt động thể thao mạo hiểm như đua xe mô tô giúp con người thoả mãn nhu cầu đó. Ở nước ta hiện nay, các hoạt động đua xe mạo hiểm chưa được tổ chức rộng rãi tại sân vận động, với các cuộc thi quy tụ các tay đua chuyên nghiệp. Sự thiếu vắng sân chơi này là một trong số nguyên nhân đưa thanh niên đến các cuộc đua tự phát.

Thứ hai, hạ tầng giao thông hiện nay ở nhiều địa phương rất tốt, phương tiện xe máy cá nhân đã phổ cập, tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn trải nghiệm cảm giác mạnh khi thực hiện hành vi đua xe.

Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế. Đối tượng tham gia các vụ đua xe trái phép hầu hết là thanh, thiếu niên. Đây là độ tuổi rất hiếu động, bốc đồng, ham hiểu biết, thích cảm giác mạnh và luôn có ham muốn tự thể hiện mình với người xung quanh, không muốn bị chê là nhát, là kém. Những người ở độ tuổi này thường có những hạn chế nhất định về nhận thức và khả năng kiểm soát hành vi, dễ bị rủ rê, lôi kéo. Khi tham gia đua xe trái phép, họ biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, nhận thức được nguy cơ xảy ra tai nạn, nhưng vì chủ quan tin rằng hậu quả không xảy ra, hoặc muốn tìm cảm giác mạnh, muốn chứng tỏ bản thân…nên họ sẵn sàng lao vào các cuộc đua bất chấp nguy hiểm. Ban đầu, có thể là những hành vi thiếu ý thức, nhưng tham gia vài lần không bị ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc, hình thành nên thói quen vi phạm pháp luật.

Thứ tư, nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhiều người không hiểu việc đua xe trên đường phố là vi phạm pháp luật, nên có thái độ thờ ơ, bàng quan, bỏ mặc, thậm chí nhiều người còn cổ vũ nhiệt tình cho cuộc đua trái phép, hỗ trợ các đối tượng đua xe bằng việc cản trở các phương tiện giao thông trên đường, ngăn cản những người thi hành công vụ trong việc chặn bắt, xử lý người tham gia đua xe trái phép. Hành động của họ lại là tác nhân thúc đẩy, dung dưỡng cho tệ nạn đua xe trái phép tồn tại và phát triển.

Thứ năm, tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Điều này dẫn đến việc không thường xuyên nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hàng ngày của con cái mình để giáo dục, uốn nắn. Chẳng hạn, nếu quan tâm đến con cái, bố mẹ sẽ nhận ra chiếc xe máy của con đã được thay đổi kết cấu…đó là dấu hiệu của việc con tham gia đua xe, để kịp thời ngăn chặn.

Thứ sáu, hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên ở trường học và trong các cộng đồng dân cư chưa thường xuyên và phát huy hiệu quả.

Thứ bảy, chính quyền, các ban ngành ở một số địa phương còn nhìn nhận công tác phòng chống đua xe là việc riêng của lực lượng Công an, nên hoạt động phòng ngừa xã hội chưa được triển khai thường xuyên, rộng khắp tại địa phương.

Thứ tám, công tác phòng ngừa nghiệp vụ nhiều lúc còn chưa theo kịp tình tình; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án chưa kịp thời, nghiêm minh, dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Thời gian qua, Công an các tỉnh đã tăng cường tổ chức truy bắt các quái xế đua xe trái phép nhưng chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính nên tác dụng răn đe, giáo dục kém, các đối tượng “nhờn luật” nên tiếp tục vi phạm. Sự phối hợp giữa các lực lượng trực tiếp đấu tranh với tình hình tệ nạn đua xe trái phép nhiều lúc chưa kịp thời, mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, không phát huy được sức mạnh đồng bộ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn đua xe trái phép.

Thứ chín, lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống tệ nạn đua xe trái phép còn thiếu về người, phương tiện và khả năng chuyên môn, kiến thức luật pháp.

Giải pháp nào ngăn chặn, phòng ngừa nạn đua xe trái phép?

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa tình hình đua xe trái phép trong thời gian tới, theo tác giả, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp

Một là, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, hướng tới đối tượng mục tiêu là thanh thiếu niên. Đây là giải pháp có tính căn cơ, bền vững. Thông qua các hình thức phù hợp như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các buổi toạ đàm chuyên đề, sân khấu hoá…, các trường học và cộng đồng dân cư cần tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục luật an toàn giao thông, luật hình sự, luật xử lý vi phạm hành chính…cho thanh thiếu niên liên quan đến hành vi đua xe trái phép; giáo dục để họ nâng cao nhận thức về ý thức công dân, trách nhiệm đối với xã hội, các chuẩn mực đạo đức cần tuân thủ trong đời sống cộng đồng; cảnh báo họ về các nguy cơ tai nạn cùng các hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi tổ chức và tham gia đua xe trái phép.

Bên cạnh đó, cần định hướng thanh niên vào các môn thể thao, hoạt động thể chất lành mạnh. Không chỉ có đối tượng thanh thiếu niên, việc tuyên truyền pháp luật về phòng chống đua xe trái phép cần phải áp dụng với cả người dân tại các cộng đồng dân cư, để họ biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có ý thức quản lý giáo dục con em mình không tham gia hoạt động này; chủ động phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng biết những nhóm tụ tập đua xe để kịp thời xử lý; không tham gia cổ vũ hay trợ giúp cho hoạt động đua xe trái phép.

Hai là, tạo sân chơi cho những người ưa thích mạo hiểm được trải nghiệm cảm giác mạnh tại các cuộc đua được tổ chức bài bản, an toàn. Kinh nghiệm tại TP Cần Thơ đã tổ chức giải đua xe Hoàng Trà My trong những năm vừa qua, đã thu hút được rất đông thanh niên tham gia. Hoạt động đua xe có phép được tổ chức bài bản, quy củ, an toàn diễn ra trong đường đua của sân vận động, với sự trợ giúp của thiết bị kỹ thuật, nhân viên y tế, nhà chuyên môn, nhà tài trợ…đã trở thành hoạt động thể thao được chờ đợi của đông đảo người dân địa phương.

Ba là, Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, khai thác thông tin mạng xã hội, ứng dụng OTT, thông tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống camera giám sát, camera của người dân... để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn các cá nhân tổ chức đua xe trái phép. Trên cơ sở đó, chủ động lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm là nơi các đối tượng thường tổ chức, tụ tập đua xe trái phép... để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để đấu tranh, phòng chống có hiệu quả nạn đua xe trái phép, tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng trên địa bàn, Phòng CSGT Công an các tỉnh cần xây dựng kế hoạch thành lập các tổ công tác liên ngành có sự phối hợp của lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh, Công an các quận, huyện; phối hợp với các lực lượng xã hội khác như Thanh niên xung phong, Dân phòng, Tự quản… tăng cường tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, thường xuyên và đột xuất tuần tra cơ động trên các tuyến đường, hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực trọng điểm…để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu khi có biểu hiện tụ tập đua xe trái phép.

Bốn là, xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời các đối tượng có hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép.

 
Để việc xử lý được nhanh chóng, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung điều tra, giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ đua xe trái phép mới xảy ra; áp dụng thủ tục rút gọn để phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật (Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) để truy tố, xét xử nghiêm những người tổ chức đua xe trái phép; đưa ra xét xử lưu động ngay tại địa bàn một số vụ điển hình nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung./.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang