Có nên áp dụng tình tiết: “Hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”

12/12/2017 09:46

(kiemsat.vn)
– Từ vướng mắc trong thực tiễn, tác giả cho rằng không nên quy định tình tiết “hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” để làm tình tiết định khung với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là do người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông uống rượu, bia say. Nhưng thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ yếu tố cấu thành tình tiết định khung  theo điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS), nay là điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, với tình tiết “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng, đang còn nhiều cách hiểu chưa được thống nhất.

Tác giả đưa ra một số vấn đề về áp dụng tình tiết có sử dụng rượu, bia mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định để bạn đọc cùng tham khảo để kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999 quy định: “Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác”; điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 (gọi tắt Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS năm 1999 về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, thì:

…“2. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:

a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Điều 7 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014 của Bộ Y tế – Bộ Công an (gọi tắt Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT) quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu:

1. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

2. Người điềukhiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

3. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

4. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu .

Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT quy  định những trường hợp về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trách nhiệm của cơ quan Công an:

“a) Yêu cầu cơ sở xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho những người quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 3 Thông tư liên tịch này theo quy định;

b) Phối hợp với cơ sở xét nghiệm trong việc lấy mẫu máu xét nghiệm của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này;

c) Trường hợp người tham gia giao thông bị tai nạn giao thông thì cơ quan Công an yêu cầu cơ sở y tế tiếp nhận nạn nhân cho xét nghiệm nồng độ cồn trong máu sớm, trong khoảng thời gian 24 giờ……….;

Như vậy, tình tiết sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác so với quy định của BLHS năm 1999, thì quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015, về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có một số điểm mới sau:

Bộ luật hình sự  năm 1999 chỉ quy định phạm tội trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác là tình tiết định khung nhưng BLHS năm 2015 thì quy định chi tiết hơn đó là phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng là tình tiết định khung”.

Trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để áp dụng tiết tiết phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung còn nhiều bất cập, đó là:

Tình tiết “hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” chỉ là để xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vì vậy, để áp dụng Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLL áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 là tình tiết định khung là mâu thuẫn với Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT. Bởi lẽ, Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT quy định rất cụ thể điều kiện, trách nhiệm và trình tự trong việc xét nghiệm nồng độ cồn (Etannol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng. Còn điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT hướng dẫn quy định “người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” là tình tiết định khung để áp dụng điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999, (nay là điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015) là bất cập và gây bất lợi cho người phạm tội.

Bởi vì, trong thực tiễn đã xảy ra các trường hợp khi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn qua kiểm tra nồng độ cồn đo bằng máy đo nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông  thì đủ yếu tố cấu thành tình tiết định khung hình phạt để áp dụng điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Nhưng khi áp dụng theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT để lấy mẫu máu đi giám định thì không đủ định lượng do vậy, không thể áp dụng tình tiết “hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” mà phải áp dụng tình tiết định khung sử dụng rượu, bia mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá quy định” thì mới chính xác để đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật một cách chính xác, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Từ những bất cập nêu trên, tác giả đưa ra một vụ án cụ thể trong quá trình giải quyết còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất:

Vào khoảng 21 giờ ngày 05/7/2017,  T điều khiển xe mô tô trên xe chở anh Nguyễn Văn S chạy từ khu vực thị trấn A đến xã B để uống cafe. Khi đến đoạn đường T thuộc thị trấn A, T điều khiển xe mô tô lấn trái đường đụng vào xe mô tô do anh Trần Văn Q điều khiển chạy ngược chiều. Hậu quả anh Q bị tử vong trên đường đưa đi cấp cứu, còn T và anh S bị thương nhẹ phải đưa đi cấp cứu.

Căn cứ biên bản đo nồng độ cồn ngày 05/7/2017 của Đội cảnh sát giao thông Công an huyện A xác định T có nồng độ cồn là 0,686 miligam/1 lít khí thở (qua máy đo nồng độ cồn).

Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra vào hồi 7 giờ ngày 06/7/ 2017, Trung tâm Y tế huyện A tiến hành thu giữ 05 ml máu của T để giám định. Nhưng  kết luận giám định nồng độ Ethanol của  T là 22,70mg/100ml máu.

Như vậy, về trình tự thủ tục thu mẫu máu của Trung tâm Y tế huyện A đối với  T là đúng quy định theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT. Nhưng để áp dụng tình tiết định khung theo điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999, nếu căn cứ vào biên bản đo nồng độ cồn thì  T có nồng độ cồn là 0,686 miligam/1 lít khí thở là vượt mức quy định theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT (0,25 miligam/1 lít khí thở). Đây là yếu tố để áp dụng tình tiết định khung. Nhưng nếu căn cứ vào kết luận giám định nồng độ Ethanol của T là 22,70mg/100ml máu không đủ yếu tố để áp dụng tình tiết định khung vì Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT quy định người điều khiển xe mô tô xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu nên T không thể áp dụng tình tiết định khung theo điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999 và  theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì không thể áp dụng biên bản đo nồng độ cồn ngày 05/7/2017 của Đội cảnh sát giao thông Công an huyện L xác định T có nồng độ cồn là 0,686 miligam/1 lít khí thở để xử lý T theo tình tiết “hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” để áp dụng tình tiết định khung hình phạt.           

Từ những bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản quy định tình tiết để áp dụng điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999, (nay là điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015) cho phù hợp với thực tiễn và không nên quy định tình tiết “hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” để  áp dụng tình tiết định khung hình phạt mà nên quy định  tình tiếtsử dụng rượu, bia mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá quy định” thì mới phù hợp với thực tiễn.

Lê Văn Quang

VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Bài có liên quan>>

Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự ATGT đường bộ

Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (tiếp theo)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang