Cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự Việt Nam
(kiemsat.vn) Chứng minh trong là nghĩa vụ bắt buộc đối với hầu hết các chủ thể tham gia tố tụng. Tuy nhiên, việc hiểu và nhận thức đầy đủ về các cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự vẫn chưa được quan tâm; trong nhiều trường hợp, hiệu quả chứng minh chưa cao, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án dân sự. Bài viết nghiên cứu về các cấp độ chứng minh được sử dụng tương đối phổ biến trong tố tụng dân sự tại Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả.
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động nhằm hạn chế bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên sửa, hủy
Kinh nghiệm ban hành kiến nghị trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình
Nhận thức khoa học về các biện pháp tha miễn trong luật hình sự Việt Nam (Kỳ 1)
“Chứng minh là một quá trình khó khăn, phức tạp nhằm giúp Tòa án tìm ra và tái hiện lại những sự kiện thực tế đã xảy ra trong quá khứ thông qua các chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu của đương sự”. Về nguyên tắc, “hầu hết các chủ thể tham gia tố tụng dân sự đều phải chứng minh cho yêu cầu mà họ đưa ra hoặc trình bày trước Tòa án là có cơ sở hay có căn cứ”2. Tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phạm vi và mức độ chứng minh của các chủ thể tham gia tố tụng thường khác nhau. Lý luận khoa học và thực tiễn xét xử cho thấy, chứng minh trong tố tụng dân sự được chia thành nhiều cấp độ và việc vận dụng các cấp độ chứng minh luôn có sự liên quan, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có nghĩa vụ phải chứng minh. Tại các quốc gia theo truyền thống dân luật (civil law) như Đức, Pháp; hay các quốc gia tiêu biểu của hệ thống pháp luật án lệ (common law) như Anh, Hoa Kỳ đều coi trọng vấn đề chứng cứ và tính thuyết phục của chứng cứ. Nói cách khác, chứng cứ có khả năng thuyết phục Hội đồng xét xử đến đâu tùy thuộc vào giá trị chứng minh của nó hay đó chính là các cấp độ chứng minh.
Tuy nhiên, việc thực hiện các cấp độ chứng minh thường khó khăn, phức tạp, bởi lẽ, không phải mọi chủ thể tham gia tố tụng dân sự đều hiểu quy định của pháp luật. Đồng thời, thực tiễn xét xử các vụ án dân sự cho thấy, “các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể tham gia tố tụng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập”3.
1. Các cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự Việt Nam
Khác với tố tụng hình sự hay tố tụng hành chính; tố tụng dân sự là quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự, do đó, nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự phải thuộc về các bên đưa ra yêu cầu đề nghị Tòa án xem xét giải quyết. Về cơ bản, các chủ thể chứng minh trong tố tụng dân sự sẽ xoay quanh các giả thuyết về một sự thật đã xảy ra trong quá khứ để đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm biện minh, làm rõ cho yêu cầu của họ là có cơ sở và hợp pháp. Việc “chứng minh sẽ hoàn tất khi người ta thuyết phục được cơ quan áp dụng pháp luật tin tưởng rằng giả thuyết đó là đúng”4. Chủ thể chứng minh sẽ thuyết phục Hội đồng xét xử dựa vào các chứng cứ cụ thể hay những lập luận, lý lẽ phù hợp với các quy luật logic đã được thừa nhận chung và viện dẫn các quy định của pháp luật một cách chi tiết, rõ ràng, chính xác. Tuy nhiên, nếu các đương sự đều đưa ra chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình thì cũng cần có cơ sở hay tiêu chí để Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá. Nói cách khác, Hội đồng xét xử phải xem xét, đánh giá việc tiến hành hoạt động chứng minh của phía đương sự nào có khả năng thuyết phục, áp đảo hơn. Do vậy, khái niệm cấp độ chứng minh được đưa ra và là một trong những tiêu chí rất quan trọng để Hội đồng xét xử cân nhắc khi cần so sánh mức độ tin cậy, chính xác giữa các hoạt động chứng minh của các bên đương sự. Cấp độ chứng minh giống như thước đo, tiêu chí đánh giá để so sánh giữa các hoạt động chứng minh được các bên tham gia tố tụng thực hiện tại Tòa án.
Tuy nhiên, hiện nay, cấp độ chứng minh không được quy định chi tiết, rõ ràng trong các văn bản pháp luật, bởi pháp luật chỉ quy định Hội đồng xét xử dựa vào quá trình nghiên cứu, đánh giá chứng cứ để đưa ra kết luận cuối cùng khi giải quyết vụ việc dân sự. Việc đánh giá chứng cứ và hoạt động chứng minh của các bên đương sự dựa vào quan điểm của Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, Hội đồng xét xử luôn phải cân nhắc, so sánh giữa các chứng cứ được các bên đương sự đưa ra. Tùy thuộc vào từng vụ án, sẽ có những chứng cứ có khả năng thuyết phục cao, có những chứng cứ ít liên quan hay giá trị chứng minh thấp hơn. Chính vì thế, cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự được hình thành từ quá trình thực tiễn xét xử và luôn là yếu tố rất quan trọng để đánh giá khả năng chứng minh của các bên đương sự.
Từ lý luận và thực tiễn xét xử cho thấy, hoạt động chứng minh trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng có thể chia thành các cấp độ như sau:
- Cấp độ thứ nhất, có khả năng xử thắng cho bên chiếm ưu thế hơn về chứng cứ:
Khi tham gia tố tụng dân sự, các đương sự đều đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, phản đối yêu cầu hay bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chứng cứ được các bên đương sự đưa ra khá đa dạng. Vì vậy, việc xem xét khả năng có thể xử thắng cho bên chiếm ưu thế hơn về chứng cứ được xem là mức độ thấp nhất của nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự. Về nguyên tắc, khi kết thúc phần tranh tụng, Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng và các chứng cứ của các bên đương sự để đưa ra quyết định cuối cùng. Thông thường, Tòa án sẽ xử thắng cho bên có chứng cứ thuyết phục hơn. Chẳng hạn, trong các vụ án tranh chấp về quyền nuôi con, bên nào có thể chứng minh khả năng, điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa trẻ thì sẽ có khả năng giành phần thắng. Tuy nhiên, cấp độ chứng minh này chưa hoàn toàn thuyết phục và chủ yếu dựa vào những yếu tố đánh giá theo hướng phỏng đoán để đưa ra kết luận cuối cùng.
- Cấp độ thứ hai, chứng cứ đã rõ ràng và có khả năng thuyết phục cao: Đây là cấp độ chứng minh có độ tin cậy cao hơn so với trường hợp xem xét khả năng có thể xử thắng cho bên chiếm ưu thế hơn về chứng cứ. Đối với cấp độ này, các chứng cứ và lập luận đưa ra có thể sắp xếp thành những suy luận có tính logic về sự thật khách quan của vụ án. Tuy vậy, chứng cứ đã rõ ràng và có khả năng thuyết phục cao vẫn không loại trừ khả năng đặt ra một giả thuyết khác với giả thuyết mà chủ thể có nghĩa vụ chứng minh đưa ra. Ví dụ, trong các vụ án chia thừa kế, nếu một bên đương sự cố tình làm giả chứng cứ là bản di chúc nhưng tất cả các chủ thể tham gia tố tụng và cả những người tiến hành tố tụng đều không phát hiện ra thì nếu dựa theo bản di chúc giả này, Hội đồng xét xử có thể ra phán quyết trái với sự thật khách quan của vụ án. Cấp độ chứng minh này mặc dù mang đến sự tin cậy lớn hơn cho Hội đồng xét xử, nhưng vẫn có thể xảy ra trường hợp chứng cứ bị giả mạo một cách tinh vi. Tuy nhiên, so với cấp độ chứng minh thứ nhất, cấp độ chứng minh thứ hai giúp những người có nghĩa vụ chứng minh và Tòa án có căn cứ vững chắc hơn để đưa ra các nhận định, đánh giá. Nghiên cứu cho thấy, các quốc gia theo truyền thống civil law rất ưa chuộng cấp độ chứng minh này. Ở Việt Nam, đây cũng là cấp độ chứng minh thường được Tòa án tin cậy. Khi xét xử, Tòa án thường căn cứ vào các chứng cứ thu thập được và dựa trên kết quả tranh tụng để ra phán quyết.
Mặt khác, cũng cần khẳng định, cấp độ chứng minh và nghĩa vụ chứng minh là hai vấn đề riêng biệt nhưng luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Bởi cấp độ chứng minh ảnh hưởng trực tiếp từ việc đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Hay việc đương sự chứng minh như thế nào đều liên quan đến cấp độ chứng minh. Bên cạnh đó, “theo sự tiến triển của hoạt động chứng minh, trong những điều kiện nhất định có thể di chuyển từ một bên đương sự này sang một bên đương sự khác và ngược lại”5. Tuy nhiên, đó là trường hợp đảo nghĩa vụ chứng minh và là một nội dung hoàn toàn khác so với cấp độ chứng minh. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã quy định tương đối chặt chẽ, đầy đủ, chi tiết về chế định chứng cứ và chứng minh, nhưng các quy định về cấp độ chứng minh lại chưa được quan tâm, chú ý. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa quy định chi tiết, đầy đủ, rõ ràng về các cấp độ chứng minh để Tòa án có căn cứ và hướng dẫn khi áp dụng giải quyết vụ việc dân sự. Có thể nói, quy định trong BLTTDS năm 2015 vẫn “chưa thật hoàn thiện, chứa đựng nhiều điểm không hợp lý, thiếu sự nhất quán, công bằng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh”6. Chính vì vậy, khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự, các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh thường gặp rất nhiều khó khăn.
Tóm lại, kết quả giải quyết của các vụ việc dân sự đều phải dựa trên hoạt động chứng minh của các chủ thể tham gia tố tụng. Mặt khác, tùy từng cấp độ chứng minh, yêu cầu của các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh sẽ được Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét, đánh giá để tìm ra phương hướng giải quyết vụ việc dân sự.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Như đã phân tích ở trên, việc quy định các cấp độ chứng minh trong BLTTDS rất quan trọng, vì đó là cơ sở pháp lý để Tòa án căn cứ và ra quyết định. Mặt khác, khác với tố tụng hình sự, việc chứng minh trong tố tụng dân sự thường rất khó khăn bởi tính chất đa dạng, phức tạp của các tranh chấp dân sự. Trong nhiều trường hợp, nếu các chủ thể chứng minh đưa ra chứng cứ có giá trị tin cậy tương đương nhau thì sẽ rất khó khăn để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết. Chính vì vậy, nếu việc xét xử dựa trên cấp độ chứng minh thì có thể nhanh chóng, dễ dàng và đơn giản hơn. Ngay cả đối với các chủ thể chứng minh, việc chứng minh dựa trên các cấp độ chứng minh cũng thuận lợi hơn vì các chủ thể có thể nhận thức được mức độ chứng minh của họ trước pháp luật có giá trị tin cậy và khả năng thuyết phục đến đâu. Bởi lẽ, việc xét xử coi trọng chứng cứ cũng như cấp độ chứng minh đạt được đến đâu có thể quyết định phần thắng khách quan, rõ ràng hơn so với việc quyết định dựa hoàn toàn vào phán đoán của Hội đồng xét xử. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, BLTTDS cần bổ sung quy định về các cấp độ chứng minh. Đồng thời, xem xét việc quy định kết quả xét xử của Tòa án dựa trên cấp độ chứng minh, chứng cứ và hoạt động tranh tụng của các đương sự tại phiên tòa. Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh và việc xét xử giải quyết tranh chấp dân sự sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Bàn về việc ra quyết định thi hành án với tài sản đang tranh chấp trong thời gian kháng cáo đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.