Căn cứ xác định tội buôn lậu dựa trên số lượng hay định giá bằng tiền?

05/05/2017 11:09

(kiemsat.vn)
– Đối với vụ án buôn lậu mà VKS đã truy tố trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thì tang vật thu được không định giá bằng tiền làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà phải xác định bằng số lượng rất lớn theo BLHS năm 1999.

Buôn lậu được hiểu là việc buôn bán trái phép hàng hoá, hàng cấm qua biên giới Việt Nam. Hành vi này làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, an ninh xã hội gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Căn cứ xác định tội buôn lậu dựa trên số lượng hay định giá bằng tiền?
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đối với tội “Buôn lậu”, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định số lượng vật phạm pháp làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 lại quy định giá trị bằng tiền. Vậy, đối với vụ án Viện kiểm sát đã truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1999 và chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết (trước thời điểm có Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Bộ luật hình sự năm 2015) thì có phải định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự không? Cơ quan nào yêu cầu định giá? Trong trường hợp không định giá được thì đường lối giải quyết vụ án như thế nào?

Để ngăn chặn và xử lý các hành vi này, việc xác định căn cứ phạm tội còn tùy thuộc vào những trường hợp cụ thể và được TANDTC hướng dẫn tại công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 như sau:

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2016 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn’’ đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì: lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 từ ngày 01/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành; các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 01/7/2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành”.

Như vậy, đối với vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 (hàng cấm có số lượng rất lớn) và hồ sơ vụ án đã chuyển cho Tòa án giải quyết trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì không định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà phải xác định hàng cấm có số lượng rất lớn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xét xử.

Lê Cường

Buôn lậu lấy số lượng hay giá trị bằng tiền làm căn cứ truy cứu TNHS

(Kiemsat.vn) - Đối với tội “Buôn lậu”, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định số lượng vật phạm pháp làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 lại quy định giá trị bằng tiền.

Xử lý nghiêm vụ cán bộ Hải quan đánh tráo, chiếm đoạt tang vật ngà voi

(Kiemsat.vn) – Tại công văn số 9369/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngày 01/9/2017 chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh việc cán bộ Cục Hải quan thành phố Hà Nội đánh tráo, chiếm đoạt tang vật là ngà voi.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang