Cần có hướng dẫn cụ thể về xác định phân chia tài sản chung để thi hành án

05/11/2021 08:00

(kiemsat.vn)
Điều 74 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về việc xác định, phân chia tài sản chung để thi hành án, tuy nhiên, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 hướng dẫn về vấn đề này còn có điểm chưa phù hợp dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn, cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.

Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS năm 2008) và các văn bản hướng dẫn đã quy định, chi tiết việc xác định, phân chia phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung (Điều 74 Luật THADS năm 2008; Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015)). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy quy định của điều luật với hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất về cách thức xác định, phân chia tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình để thi hành án, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2008 thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Nếu người phải thi hành án và các đồng sở hữu tài sản không tự thỏa thuận, thỏa thuận không được, thỏa thuận trái pháp luật hoặc không tự phân chia và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Hết thời hạn nêu trên, người được thi hành án không khởi kiện thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Với các quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2008 thì thẩm quyền phân chia tài sản chung vợ chồng và tài sản chung của hộ gia đình thuộc về Tòa án mà người yêu cầu giải quyết là vợ, chồng,  thành viên hộ, người được thi hành án, hoặc Chấp hành viên. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Thứ hai, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015 quy định như sau:

“... b) Trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS, trừ trường hợp quy định tại Điểm c khoản này;

c) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.

Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.

 Nếu thực hiện theo điều khoản này thì Chấp hành viên không phải thông báo cho người được thi hành án thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự như quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008. Đồng thời, loại trừ việc tự thỏa thuận phân chia của vợ chồng, các thành viên trong hộ có khối tài sản chung, mà Chấp hành viên chỉ thông báo cho vợ chồng và các thành viên hộ biết kết quả phân chia.

Tác giả cho rằng, hướng dẫn nêu trên không phù hợp với quy định về thẩm quyền của Tòa án tại các điều 35, 36, 37, 38 và 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

 Việc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng, của các thành viên trong hộ chỉ được thực hiện trong trường hợp sau khi có kết quả phân chia của Chấp hành viên mà người phải thi hành án, các thành viên trong hộ có tài sản chung với người phải thi hành án không đồng ý với kết quả tự phân chia của Chấp hành viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Có ý kiến cho rằng, khi Chấp hành viên không đủ cơ sở để xác định được phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung và đã yêu cầu Tòa án giải quyết theo khoản 9 Điều 27 BLTTDS năm 2015 thì xảy ra 02 trường hợp:

- Trường hợp Tòa án không thụ lý với lý do Chấp hành viên không có quyền yêu cầu khởi kiện theo Điều 187 BLTTDS năm 2015;

- Trường hợp Tòa án thụ lý nhưng Chấp hành viên không thể đáp ứng nội dung theo quy định về việc phải cung cấp chứng cứ để Tòa án xem xét, giải quyết theo Điều 6 BLTTDS năm 2015.

Tác giả bài viết không đồng tình với ý kiến này, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp Tòa án không thụ lý với lý do Chấp hành viên không có quyền yêu cầu khởi kiện theo Điều 187 BLTTDS năm 2015 là chưa đúng với tinh thần của Điều 187 BLTTDS năm 2015 và các quy định khác của BLTTDS năm 2015. Cụ thể:

 Với quy định nêu trên tại Điều 74 Luật THADS năm 2008, cần phải hiểu Chấp hành viên thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự tại khoản 9 Điều 27 BLTTDS năm 2015 - là thực hiện quyền yêu cầu theo Điều 6 và Điều 361 BLTTDS năm 2015. Những quy định mà phần thủ tục giải quyết việc dân sự không quy định thì sẽ được áp dụng các điều luật khác của BLTTDS năm 2015 để giải quyết. Chấp hành viên là người được Thủ trưởng cơ quan THADS phân công thực hiện tổ chức việc thi hành án nên khi Chấp hành viên thực hiện quyền yêu cầu theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008 thì họ là người tham gia tố tụng với tư cách cơ quan THADS. Việc này phù hợp với khoản 4 Điều 187 BLTTDS năm 2015: “...4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”.

Thứ hai, đối với trường hợp Tòa án thụ lý nhưng Chấp hành viên không thể đáp ứng nội dung về việc phải cung cấp chứng cứ thì giải quyết theo khoản 2 Điều 6 và khoản 7 Điều 70 BLTTDS năm 2015.

Tại Điều 6 BLTTDS năm 2015 quy định về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự như sau:

“1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”

Theo quy định tại đoạn 2 Điều 361 BLTTDS năm 2015 thì: “... Trường hợp Phần thủ tục giải quyết việc dân sự không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự”.

Theo đó, Chấp hành viên khi thực hiện quyền yêu cầu theo Điều 74 Luật THADS năm 2008 nếu không cung cấp được chứng cứ sẽ được Tòa án hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 và khoản 7 Điều 70 BLTTDS năm 2015. Vì vậy, nếu không thu thập được chứng cứ thì Chấp hành viên có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Trên đây là một số ý kiến tác giả nêu ra để bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi./.

Bàn về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”

(Kiemsat.vn) - Thông qua việc tìm hiểu quy định của một số quốc gia trên thế giới, tác giả bình luận 04 yếu tố cấu thành tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, từ đó kiến nghị: Đổi tên tội danh thành tội “Sử dụng người dưới 18 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm”; Bổ sung dấu hiệu pháp lý “phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy về người dưới 18 tuổi” vào hành vi khách quan của tội phạm.

Kỹ năng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa kinh doanh, thương mại đối với một số loại án cụ thể

(Kiemsat.vn) - Khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án kinh doanh, thương mại, nhất là về tranh chấp thành viên công ty với công ty hoặc giữa các thành viên công ty với nhau; về hợp đồng mua bán hàng hóa; về hợp đồng xây dựng là những dạng tranh chấp thường xảy ra,… Kiểm sát viên cần nắm được đặc điểm, đặc thù của từng loại án, đồng thời nắm chắc các quy định pháp luật về nội dung và tố tụng để nghiên cứu, vận dụng, từ đó chuẩn bị bài phát biểu tại phiên tòa được chính xác, toàn diện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang