Bàn về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
(kiemsat.vn) Hiện nay, còn trường hợp thanh niên không nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi trong thực hiện nghĩa vụ quân sự dẫn đến có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Thực tiễn giải quyết các vụ án, vụ việc có dấu hiệu của tội này nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập trong quy định của pháp luật và trong quy định, hoạt động mang tính đặc thù của Quân đội.
Quy định về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS) trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) kế thừa hoàn toàn nội dung trong BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tại khoản 1 Điều 332 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Trong cấu thành cơ bản của điều luật mô tả 03 hành vi, đó là: (1) Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS; (2) Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; (3) Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật NVQS năm 2015 thì đăng ký NVQS là việc lập hồ sơ về NVQS của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS là hành vi của công dân thuộc đối tượng phải đăng ký NVQS nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ theo quy định của Luật NVQS năm 2015 như: Không đến cơ quan quân sự đăng ký hoặc đến nhưng không đúng thời gian, địa điểm đăng ký, không thực hiện việc đăng ký bổ sung, thay đổi khi thuộc trường hợp phải đăng ký bổ sung, thay đổi đăng ký NVQS.
Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của công dân đã đăng ký NVQS khi có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi giao, nhận quân nhưng lại bỏ trốn. Được coi là đã có lệnh gọi nhập ngũ là trường hợp công dân đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trước thời gian ghi trong lệnh gọi 15 ngày (khoản 6 Điều 34 Luật NVQS năm 2015).
Hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là hành vi của công dân có đủ điều kiện theo quy định của Luật NVQS năm 2015 phải thực hiện việc tập trung huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về, trốn tránh việc thực hiện chương trình huấn luyện.
Về mặt khách quan của tội phạm này, còn có tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Việc xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện được điều chỉnh bởi Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Khách thể của tội phạm là xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước trong quản lý hành chính về thực hiện NVQS.
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ công dân nào còn trong độ tuổi phải thực hiện NVQS và có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, đối chiếu với quy định của Luật NVQS năm 2015 mà xác định cụ thể như sau: Công dân nam từ đủ 17 tuổi có hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS; công dân nam từ đủ 18 tuổi có hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện; đối với công dân nữ là đủ 18 tuổi.
Về mặt chủ quan, người phạm tội trốn tránh NVQS thực hiện hành vi với lỗi cố ý, mục đích là trốn tránh việc phải thực hiện NVQS.
Theo Luật NVQS năm 2015, lần đầu tiên khái niệm “trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự” được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, “trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”. Luật NVQS năm 2015 liệt kê 04 hành vi được xem là trốn tránh thực hiện NVQS, đó là hành vi không chấp hành: (1) Lệnh gọi đăng ký NVQS, (2) Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, (3) lệnh gọi nhập ngũ, (4) Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Đối với các hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS, lệnh gọi nhập ngũ thì đã phân tích ở trên. Về hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS thì theo quy định về đăng ký NVQS cũng như các quy định khác trong Luật NVQS năm 2015 thì đăng ký NVQS và khám sức khỏe NVQS là hai hoạt động độc lập, riêng biệt; đăng ký NVQS không bao gồm việc khám sức khỏe NVQS. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS thì khám sức khỏe NVQS là việc “thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm NVQS đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện”. Đối chiếu với các quy định trong Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe NVQS, Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; đồng thời, qua thực tiễn hoạt động đăng ký NVQS, gọi nhập ngũ hằng năm thì khám sức khỏe NVQS là hoạt động tiếp theo của việc đăng ký NVQS; trên cơ sở kết quả khám sức khỏe của từng công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra lệnh gọi công dân đó nhập ngũ nếu cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn khác về độ tuổi, chính trị, văn hóa. Như vậy, hoạt động khám sức khỏe NVQS là bước chuyển tiếp giữa hoạt động đăng ký NVQS và hoạt động nhập ngũ; nếu không thực hiện việc khám sức khỏe NVQS thì không thể nhập ngũ. Để thực hiện đầy đủ NVQS đối với Tổ quốc, công dân phải chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS.
Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu: Nội hàm của quy định này gồm 04 hoạt động, trong đó huấn luyện là việc tổ chức rèn luyện cho đối tượng thực hiện NVQS theo chương trình thống nhất để họ nắm vững lý luận, thực hành chuẩn xác, rút được kinh nghiệm trong hoạt động quân sự, làm cơ sở cho việc chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất, toàn diện nhất, sát thực tế chiến đấu, có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ, khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của mỗi đơn vị cũng như trong rèn luyện, nâng cao năng lực chỉ huy của cán bộ, chỉ huy các cấp. Kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu là việc cơ quan, người có thẩm quyền tổ chức kiểm tra công tác sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Tại khoản 1 Điều 27 Luật NVQS năm 2015 quy định: “Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng” và theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019 thì thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu là trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên. Ngoài ra, nghiên cứu Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019 có thể nhận thấy cụm từ “huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu” là cụm từ được sử dụng nhiều lần và luôn đi liền nhau. Tóm lại, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu là những hoạt động độc lập nhưng có mối quan hệ chặt chẽ và đều có vị trí, ý nghĩa quan trọng ngang nhau trong đặc thù hoạt động quân sự. Khi điều chỉnh các hoạt động này, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đều sử dụng thuật ngữ “huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.
Như vậy, hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu xâm hại đến hoạt động của cơ quan nhà nước trong quản lý hành chính về thực hiện NVQS với tính chất, mức độ tương tự hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS, lệnh gọi nhập ngũ.
Những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng
Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật NVQS năm 2015 đều có các quy định về trốn tránh NVQS, tuy nhiên đối chiếu với những quy định cụ thể trong 02 văn bản trên Điều 332 BLHS năm 2015 đã “không quy định về” hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn hoặc có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Dẫn chứng một số trường hợp cụ thể như sau:
Nam công dân A đủ 17 tuổi, đã thực hiện việc đăng ký NVQS với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên đến khi thực hiện việc khám sức khỏe NVQS để làm cơ sở cho việc gọi nhập ngũ thì A đã không chấp hành lệnh gọi với mục đích trốn tránh việc thực hiện NVQS. Ban đầu, A bị xử phạt hành chính về hành vi trên nhưng khi có lệnh gọi khám sức khỏe NVQS tiếp theo, A tiếp tục không chấp hành. Mặc dù hành vi này có tính chất, mức độ nghiêm trọng tương tự như hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS hay hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ nhưng không thể truy cứu TNHS đối với A về Tội trốn tránh NVQS theo quy định tại Điều 332 BLHS năm 2015, bởi vì điều luật không quy định hành vi này. Mặt khác, cũng không thể xử lý hình sự A về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ vì A chưa khám sức khỏe quân sự nên không có cơ sở để ra lệnh gọi nhập ngũ. Hay như trường hợp, công dân B đủ 18 tuổi, bị xử phạt 09 tháng tù về tội trốn tránh NVQS do có hành vi trốn tránh việc đăng ký NVQS, chấp hành án xong B về địa phương sinh sống. Trong thời gian chưa được xóa án tích, B đi đăng ký NVQS, nhưng khi có lệnh gọi khám sức khỏe NVQS, B lại tiếp tục có hành vi trốn tránh. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền cũng không thể xử lý TNHS đối với B.
Tóm lại, không có căn cứ để truy cứu TNHS đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự” theo quy định tại Điều 332 BLHS năm 2015 (Nội dung này cũng được nêu ra và giải đáp trong mục 11 phần I Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự).
Về hành vi “không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện”, BLHS năm 2015 là cũng không liệt kê đầy đủ các hoạt động “diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu” trong điều luật, vì vậy cũng nảy sinh những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng pháp luật.
Ví dụ: Công dân A không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện thì bị xử lý TNHS, nhưng công dân B không chấp hành lệnh gọi tập trung diễn tập thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính (giả sử trong 02 trường hợp trên các yếu tố cấu thành tội phạm khác đều thỏa mãn) vì Điều 332 BLHS năm 2015 không quy định hành vi này, mặc dù trên thực tế, tính chất, mức độ của hành vi này là nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất, toàn diện nhất, việc trốn tránh không tham gia diễn tập sẽ ảnh hưởng đến việc nâng cao trình độ kỹ chiến thuật, khả năng chiến đấu và kết quả hiệp đồng giữa các lực lượng.
Về kỹ thuật lập pháp, Điều 332 BLHS năm 2015 còn sử dụng thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” là chưa chuẩn xác, dẫn đến việc nhận thức không thống nhất. Có quan điểm cho rằng nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS nhưng sau đó họ không vi phạm về hành vi này mà có hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì không được coi là “mà còn vi phạm”, vì điều luật không quy định là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này”. Mặt khác, trong cấu thành cơ bản của tội phạm quy định ba hành vi khác nhau nên không thể coi cả ba hành vi này là một. Có quan điểm lại cho rằng áp dụng quy định tại mục 6 của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để làm căn cứ xác định trong trường hợp này, nếu không sẽ để lọt tội phạm và người phạm tội. Tuy nhiên, Nghị quyết này đã hết hiệu lực và xu hướng hiện nay là nội luật hóa các quy định, hướng dẫn có liên quan. Về vấn đến này, xem xét các điều luật khác trong BLHS năm 2015 như: Điều 163, 164, 167, 254, 388 đều sử dụng thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này” thay vì thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” để quy định trong cấu thành cơ bản của các tội danh kiểu này, vì vậy, trong thực tiễn áp dụng đã gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục một số, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật nêu trên, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 332 BLHS năm 2015 theo hướng: “Người nào trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Với quy định như trên, khi áp dụng điều luật sẽ viện dẫn đến văn bản luật điều chỉnh lĩnh vực này là Luật NVQS nhằm đảm bảo tính toàn diện, bao quát cũng như sự hoàn thiện trong kỹ thuật lập pháp.
Thứ hai, Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu có các nội dung liên quan đến các văn bản luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng như: Luật quốc phòng năm 2005, Luật NVQS năm 1981, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1994 và 2005, Luật dân quân tự vệ năm 2009, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 2009. Hiện nay, các luật này đã được thay thế, cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn hiện nay./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.