Bàn về quyền yêu cầu giải quyết nuôi con sau khi ly hôn
(kiemsat.vn) Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, việc áp dụng các căn cứ pháp lý giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên đương sự.
So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ I)
So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ Il và hết)
Đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014, trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật HN&GĐ qua các thời kỳ lịch sử. Trên thực tế, quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn luôn được bảo vệ trên cả phương diện pháp lý và thực tiễn. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền và áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp về quyền này vẫn còn nhiều cách tiếp cận khác nhau, chưa thống nhất.
1. Khái quát chung về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1.1. Về quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” (khoản 14 Điều 3). Ly hôn làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng quan hệ cha mẹ đối với con thì không thay đổi, mà chỉ đặt ra vấn đề giải quyết giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng và việc cấp dưỡng nuôi con như thế nào. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan. Quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quyết định dựa trên các căn cứ sau:
Một là, vợ chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Hai là, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, sau khi ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con được thoả thuận thống nhất giữa cha, mẹ hoặc thông qua Tòa án (trong trường hợp các bên không thỏa thuận được) để xác định người trực tiếp nuôi con. Vì thế, con chung sẽ được giao cho một người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con được hiểu là người không được Tòa án giao cho trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có căn cứ. Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được hiểu là cách xử sự mà pháp luật cho phép cha, mẹ không trực tiếp nuôi con yêu cầu Tòa án giao cho trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Mục đích của việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con.
1.2. Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Bên cạnh cha, mẹ là người không được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con, Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, theo đó:
Thứ nhất, về người thân thích của con. Theo khoản 19 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014: “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”. Người thân thích của con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Anh, chị ruột đã thành niên; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chưa thành niên; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của người chưa thành niên.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình được quy định tại Điều 3 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình. Ngoài ra, theo các khoản 11, 12 Điều 8 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và theo các khoản 5, 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Theo đó, cần xác định các cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, trẻ em là các cơ quan được quy định tại các nghị định trên.
Thứ ba, về Hội liên hiệp phụ nữ. Theo Điều lệ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thông qua tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII ngày 11/3/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; cơ cấu tổ chức gồm 04 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở.
Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định diện những người được quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khá rộng để kịp thời phát hiện quyền của con bị ảnh hưởng do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con hoặc cố tình vi phạm quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con.
1.3. Căn cứ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Khi ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con được quyết định trong bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, nhưng trong những trường hợp cần thiết, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn phải hướng tới mục đích đảm bảo con được chăm sóc, giáo dục đầy đủ, hướng tới phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Khoản 2 Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định các căn cứ để cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là:
Thứ nhất, cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự trong quan hệ hôn nhân. Mặc dù đã ly hôn nhưng trong mối quan hệ cha - con, mẹ - con thì cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con và có quyền thỏa thuận, sắp xếp việc thăm nom, chăm sóc con phù hợp với lợi ích của con. Vì vậy, người trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận với người không trực tiếp nuôi con việc thay đổi người chăm sóc, nuôi dưỡng, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất để con học tập, phát triển.
Thứ hai, người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có đầy đủ chứng cứ cho thấy người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con như trước.
Thứ ba, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trẻ ở độ tuổi này đã nhận thức và biểu đạt được mong muốn ở với ai, nên phải tham khảo ý kiến của con có muốn ở cùng cha, mẹ không trực tiếp nuôi hay không. Điều này cũng có ý nghĩa rất quan trọng vì con là người sẽ sống cùng người đó sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Một số vấn đề pháp lý vướng mắc và giải pháp bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
2.1. Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn trong trường hợp con dưới 36 tháng tuổi và việc áp dụng Án lệ số 54/2022/AL
Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Thực tiễn áp dụng quy định này, Quyết định giám đốc thẩm số 0l/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án “ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P đã được lựa chọn và công bố là Án lệ số 54/2022/AL để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật HN&GĐ năm 2014 là một căn cứ pháp lý quan trọng trong thụ lý và giải quyết vụ án tranh chấp nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi cha mẹ ly hôn. Trong thực tiễn xét xử, quá trình đánh giá chứng cứ thường xác định những trường hợp không đủ điều kiện theo tiêu chí về điều kiện kinh tế, môi trường chăm sóc, giáo dục…, nhằm đảm bảo quyền lợi cho con trong giai đoạn mà sự phát triển của con cần được người mẹ chăm sóc chu đáo.
Trong thực tế, việc giải quyết các vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con dưới 36 tháng tuổi có trường hợp người mẹ tự bỏ đi khi con còn rất nhỏ và không trực tiếp thăm hỏi, quan tâm con cho đến khi vụ án ly hôn được Tòa án thụ lý giải quyết; nhưng cũng có trường hợp người mẹ bị buộc phải bỏ đi, bởi người chồng hoặc người thân của người chồng có những hành vi bạo lực gia đình như xua đuổi, chửi mắng, thậm chí bạo hành dẫn đến thương tích đối với người vợ, hoặc để người chồng đồng ý ly hôn thì người vợ phải đồng ý không nuôi con dưới 36 tháng tuổi… Trong hoàn cảnh này, người mẹ bỏ đi nhưng do gia đình nhà chồng đe dọa, cấm cản, gây khó khăn cho việc người mẹ quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì Tòa án có xem là người mẹ tự ý bỏ nhà đi hay không? Có coi là người mẹ không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hay không?
Đối với vụ án ly hôn có tình huống pháp lý tương tự như tình huống tại Án lệ số 54/2022/AL, theo tác giả, Tòa án cần xem xét toàn diện từ nguyên nhân, đến hoàn cảnh việc người mẹ phải bỏ đi khi con còn rất nhỏ và người mẹ có cố gắng tìm cách quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hay không, độ tuổi của con, thời điểm người mẹ bỏ đi, bỏ đi thời gian bao lâu, khi con được bao nhiêu tháng tuổi... Nếu việc người vợ bỏ đi do nguyên nhân từ người chồng, gia đình chồng tác động thì cần xem xét không áp dụng Án lệ số 54/2022/AL, mà việc giao con cho người chồng hoặc người vợ nuôi cần căn cứ vào các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Nếu người mẹ tự ý bỏ đi do ý chí của người mẹ, không bị chi phối, quyết định bởi các nguyên nhân khác thì cần xem xét áp dụng Án lệ số 54/2022/AL.
Ngoài ra, tình huống pháp lý của Án lệ số 54/2022/AL là con “mới được 04 tháng tuổi”, nhưng nếu người mẹ bỏ đi khi con ở độ tuổi nhiều hơn 04 tháng tuổi thì có thể xem xét áp dụng Án lệ số 54/2022/AL để giải quyết hay không? Theo tác giả, xác định thời điểm người mẹ tự ý bỏ đi là thời điểm con dưới 12 tháng tuổi là phù hợp nhất. Bởi lẽ, đây là thời điểm mọi trẻ em rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Nếu thời điểm người mẹ tự ý bỏ đi không xem xét áp dụng Án lệ số 54/2022/AL, thì việc giao con cho cha hoặc mẹ nuôi sau khi ly hôn cần căn cứ vào các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ chứng minh người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
Trong thực tiễn xét xử những vụ án tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, các Tòa án vẫn còn quan điểm xét xử khác nhau khi xác định nghĩa vụ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Từ đó, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như người con không được bảo đảm, không phù hợp với thực tiễn khách quan. Theo khoản 2 Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi “cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con”, hoặc “người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”, hoặc khi con đã đủ 07 tuổi thì cần xem xét nguyện vọng của con. Tuy nhiên, việc chứng minh thế nào là không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và ai là người có nghĩa vụ chứng minh còn chưa thống nhất.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022/HNGĐ-GĐT ngày 26/4/2022 về vụ án “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con” (Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022), Tòa án nhận định: Trong vụ án HN&GĐ, trước đó người mẹ (người cha) đồng ý để người còn lại nuôi con chung. Sau đó, người mẹ (hoặc người cha) có đơn khởi kiện tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trường hợp này, Tòa án phải xác định người mẹ (hoặc người cha) có nghĩa vụ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tác giả đồng tình với nhận định này.
Có ý kiến cho rằng, cần lựa chọn Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022 ban hành thành án lệ nhằm định hướng cho các Tòa án giải quyết các vụ án tương tự khi phải xác định người mẹ (hoặc người cha) có nghĩa vụ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo tác giả, để có căn cứ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, nguyên đơn cần chứng minh “người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”; đồng thời, pháp luật HN&GĐ cần có những quy định cụ thể làm rõ tình huống pháp lý “người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”, cụ thể như sau:
Một là, về điều kiện vật chất. Người trực tiếp nuôi con không có đủ điều kiện về kinh tế đảm bảo cuộc sống của con, thể hiện thông qua việc không có tài sản hoặc không có công việc ổn định, không có phát sinh thu nhập…, điều kiện kinh tế không đáp ứng điều kiện để nuôi sống chính họ và người con, cuộc sống bấp bênh, khó khăn…
Hai là, về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con. Theo quy định, người trực tiếp nuôi con phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tư cách đạo đức, nhân phẩm tốt, không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con theo Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2014 như: Có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con; có lối sống đồi trụy, hay ép buộc con làm những việc vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội… Người nuôi con còn phải có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng con. Điều đó có nghĩa là khi một người không còn đáp ứng những điều kiện nêu trên thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền thu thập bằng chứng để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Thông thường, trên thực tế, việc không đáp ứng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con thường diễn ra trong những hoàn cảnh như: Cha, mẹ đang trực tiếp nuôi con lấy chồng/vợ mới, không trực tiếp chăm sóc con mà để con cho ông, bà hoặc người thân khác nuôi dưỡng; cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng con có những hành vi bạo hành, đánh đập, gây thương tích cho con hoặc có hành vi xâm hại tình dục, dâm ô với con; cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng con quá bận rộn với công việc, đi sớm về muộn, không thể dành thời gian để chăm sóc con, mà thường phải gửi người khác chăm sóc; cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng con ép buộc con phải thực hiện các hành vi trái pháp luật như trộm cắp, lừa đảo; cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng con ngăn cản, cấm đoán không cho con được đi học, đến trường,…
Ba là, về môi trường sống của con. Trường hợp người đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con không thể tạo ra môi trường sống lành mạnh cho con, mà khiến con phải sống trong môi trường thường xuyên bị bạo hành, bạo lực, tiếp xúc nhiều với tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc…, thì đây là môi trường có thể ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách, sự phát triển bình thường của trẻ.
Những trường hợp trên cho thấy, khi thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, con không được chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ, không được thực hiện các quyền lợi cơ bản… Minh chứng của nguyên đơn là một trong các căn cứ để Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn để đảm bảo rằng người con có thể được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, được hưởng tất cả những quyền lợi cơ bản, chính đáng.
2.3. Việc thu thập chứng cứ của Tòa án trong xét xử các vụ án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Để có những phán quyết đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn, bị đơn cũng như của người con trong quá trình xét xử, Tòa án cần đảm bảo thu thập chứng cứ về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, bao gồm: Xác minh, thu thập chứng cứ tại địa phương, tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên… Trong quá trình thụ lý vụ án, Tòa án chỉ căn cứ vào lời khai của nguyên đơn và người làm chứng để thay đổi người trực tiếp nuôi con là chưa đầy đủ.
Bản án số 04/2023/HNGĐ-PT ngày 14/4/2023 về việc tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh H nhận định: “Cấp sơ thẩm giải quyết yêu cầu thay đổi người nuôi con nhưng không có xác minh, thu thập chứng cứ tại địa phương, không tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em mà chỉ căn cứ vào lời khai của nguyên đơn và người làm chứng là mẹ đẻ của nguyên đơn để thay đổi người nuôi con, trong khi anh chị mới thoả thuận việc nuôi con sau khi ly hôn là chưa đầy đủ, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm…”
Theo khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Đối với vụ án HN&GĐ liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.
Trên thực tế, một số Tòa án chưa đảm bảo việc thu thập chứng cứ trong xét xử các vụ án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Điều này dẫn đến những phán quyết chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi của các bên, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của trẻ em.
Như vậy, theo quy định tại Điều 84 Luật HN&GĐ năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có thể là vụ án tranh chấp nếu cha, mẹ không thỏa thuận được hoặc do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện dẫn đến người còn lại hoặc cá nhân, tổ chức khác phải khởi kiện để thay đổi người nuôi con. Theo đó, tranh chấp (không thỏa thuận được mà phải khởi kiện) hay yêu cầu (thỏa thuận được) về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đánh giá chứng cứ là một quá trình lôgic nhằm xác định giá trị chứng minh và sự phù hợp của các chứng cứ, mối liên hệ của chứng cứ này với chứng cứ khác. Theo đó, cần lưu ý bảo đảm tính toàn diện khi xem xét các tình tiết, sự kiện để xác định sự thật khách quan, đảm bảo tính pháp lý, lẽ công bằng.
Nguyễn Minh Hằng - Lê Phương
Bồi thường ước tính - bản chất và sự tương quan với các chế định tương tự trong pháp luật Việt Nam
-
1So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ I)
-
2Đánh giá lỗi của người tham gia giao thông đường bộ qua công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi
-
3So sánh pháp luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ và Việt Nam (Kỳ Il và hết)
-
4Bồi thường ước tính - bản chất và sự tương quan với các chế định tương tự trong pháp luật Việt Nam
-
5Bàn về quyền yêu cầu giải quyết nuôi con sau khi ly hôn
Bài viết chưa có bình luận nào.