Bàn về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên

30/05/2018 11:08

(kiemsat.vn)
Mặc dù không có quyền độc lập nhưng Kiểm tra viên thực hiện rất nhiều công việc giống Kiểm sát viên nhưng dưới sự giám sát của Kiểm sát viên. Tuy nhiên, giới hạn về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên chỉ trong phạm vi trước khi xét xử cũng là một vấn đề chúng ta cần phải bàn luận.

Kiểm tra viên là một chức danh của ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2005, nhưng chỉ khi Luật Tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu lực (01/6/2015) thì Kiểm tra viên mới là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSND.

 

Khoản 4,5 Điều 90 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cũng như phải chịu trách nhiệm của Kiểm tra viên:

4. Kiểm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ, việc và báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

b) Lập hồ sơ kiểm sát vụ, việc;

c) Giúp Kiểm sát viên thực hiện hoạt động khác khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng.

5. Kiểm tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Kiểm sát viên và trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”

Như vậy, nhiệm vụ của Kiểm tra viên chủ yếu là giúp việc cho Kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.Tất cả những việc họ được làm đều dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Kiểm sát viên hoặc chịu sự phân công từ Viện trưởng nên họ sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên là trước các Kiểm sát viên và Viện trưởng. Điều này cho thấy thẩm quyền của họ chỉ bó gọn trong những phần việc được giao mà không được phép chủ động thực hiện bất kì một nhiệm vụ nào nếu chưa được sự đồng ý của những người mà họ giúp việc. Đây là những quy định chung nhất về thẩm quyền của Kiểm tra viên và trên cơ sở đó được quy định cụ thể trong các Bộ luật tố tụng như sau:

Điều 43 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên gồm có:

1. Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Kiểm sát viên:

a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự;

b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

c) Giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác.

2. Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình”.

Tiếp theo, Điều 59 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên:

Khi được phân công tiến hành hoạt động tố tụng, Kiểm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

2. Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát;

3. Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”.

Ảnh minh họa

Việc được tham gia ghi chép biên bản, chuyển giao các văn bản tố tụng cũng như lập hồ sơ kiểm sát, Kiểm tra viên đã tiếp xúc với hầu hết các công việc của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Trong lĩnh vực dân sự thì Kiểm tra viên được chủ động công việc trong việc nghiên cứu hồ sơ rồi báo cáo lại kết quả công việc, lập hồ sơ kiểm sát và giúp việc trong kiểm sát hoạt động tư pháp.

Có thể thấy mặc dù không có quyền độc lập nhưng Kiểm tra viên thực hiện rất nhiều công việc giống Kiểm sát viên nhưng dưới sự giám sát của Kiểm sát viên. Nhà làm luật đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho cả Kiểm sát viên và Kiểm tra viên để có thể phối hợp với nhau trong các hoạt động tố tụng và cũng là nền tảng để đào tạo Kiểm tra viên có thể trở thành Kiểm sát viên trong tương lai.

Tuy nhiên việc giới hạn phạm vi giúp việc của Kiểm tra viên chỉ đến trước xét xử cũng là một vấn đề chúng ta cần phải bàn luận.

Kiểm tra viên không thể giúp việc Kiểm sát viên tham gia phiên tòa hình sự, dân sự hay phiên họp dân sự. Việc giới hạn như vậy sẽ khiến Kiểm tra viên rất khó khăn trong việc tiếp cận môi trường xét xử là nơi mà Kiểm sát viên sẽ thể hiện rất nhiều kĩ năng, thao tác và cả bản lĩnh nghề nghiệp khi tham gia phiên tòa hoặc phiên họp.

Nếu được cùng Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp sẽ giúp Kiểm tra viên học tập, rèn luyện đối với kĩ năng kiểm sát xét xử, tích lũy kinh nghiệm; đồng thời Kiểm tra viên có thể giúp Kiểm sát viên một số công việc như ghi ghép, tìm kiếm tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ,… để Kiểm sát viên có thể tập trung hơn vào các hoạt động tranh tụng hoặc đưa ra những ý kiến đánh giá chứng cứ xác đáng hơn.

Thiết nghĩ, việc mở rộng hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên trong giúp việc Kiểm sát viên cả giai đoạn xét xử là cần thiết, để Kiểm tra viên được tham gia vào các hoạt động tố tụng một cách đầy đủ hơn, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.      

Xem thêm>>>

Nhiệm vụ của Kiểm tra viên, Thẩm tra viên trong tố tụng dân sự 

Kiểm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn gì trong tố tụng hành chính?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang