Bài 2: Thực trạng pháp luật quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự trong thu hồi tài sản và phòng, chống rửa tiền

06/01/2024 16:28

(kiemsat.vn)
Kiemsat online trân trọng gửi đến bạn đọc Bài 2 trong Báo cáo của Nhóm chuyên gia Ngô Thị Quỳnh Anh - Phạm Thị Trang - Khachik Harutyunyan về "Nghiên cứu so sánh và đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản và phòng, chống rửa tiền nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo chu kỳ 2 thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC)".

Báo cáo “Nghiên cứu so sánh và đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản và phòng, chống rửa tiền nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo Chu kỳ 2 thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC)” được hoàn thành với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam” (Dự án UNCAC) do UNDP thực hiện và Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Các kết quả và quan điểm thể hiện trong Báo cáo là của Nhóm tác giả, không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), của INL cũng như của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

1. Quy định về thu hồi tài sản và phòng chống rửa tiền trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Tham nhũng đã trở thành mối lo ngại và quan tâm hàng đầu của các quốc gia hiện nay, đe doạ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới để ngăn chặn, phòng ngừa và đấu tranh một cách có hiệu quả với những hành vi tham nhũng là một yêu cầu cần thiết của các quốc gia. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) là văn kiện quốc tế đầu tiên trong phạm vi toàn cầu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Công ước có hiệu lực từ ngày 14 tháng 12 năm 2005 và đã có gần 190 quốc gia là thành viên của Công ước. Ngày 10 tháng 12 năm 2003, Việt Nam tham gia Lễ kí kết Công ước tại Merida, Mexico; ngày 30/6/2009 Việt Nam phê chuẩn Công ước và gửi văn kiện phê chuẩn tới Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 19/8/2009. Vì thế, kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2009, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước. Việt Nam cũng là quốc gia đã và đang tham gia vào cả hai Chu trình đánh giá của Công ước. Việc tham gia Công ước là chủ trương đúng đắn, khẳng định được tầm chiến lược của Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng nhằm xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh.

Công ước UNCAC gồm 8 Chương và 71 Điều. Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4), quy định về mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Công ước. Chương II: Các biện pháp phòng ngừa (từ Điều 5 đến Điều 14), quy định về chính sách và hành động chống tham nhũng của quốc gia; cơ quan phòng, chống tham nhũng; khu vực công; quy tắc ứng xử cho công chức; báo cáo công khai; khu vực tư; mua sắm tài sản công; quản lý tài chính công; sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; các biện pháp liên quan đến truy tố và xét xử hành vi tham nhũng. Chương III: Hình sự hoá và thực thi pháp luật (từ Điều 15 đến Điều 42), quy định về các hành vi tham những bị coi là tội phạm và các biện hỗ trợ, tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi đó. Chương IV: Hợp tác quốc tế (từ Điều 43 đến Điều 50), quy định hợp tác quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án, tương trợ tư pháp, chuyển giao vụ án hình sự, hợp tác thực thi pháp luật, liên kết điều tra và kỹ thuật điều tra đặc biệt đối với hành vi tham nhũng. Chương V: Thu hồi tài sản (từ Điều 51 đến Điều 59), quy định việc phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản tham nhũng; các biện pháp và cơ chế hợp tác vì mục đích thu hồi, hoàn trả và định đoạt tài sản tham nhũng. Chương VI: Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin (từ Điều 60 đến Điều 62), quy định về đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; thu thập, trao đổi và phân tích thông tin về tham nhũng; các biện pháp khác thi hành Công ước thông qua phát triển kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật. Chương VII: Các cơ chế thi hành Công ước (Điều 63, 64), quy định cơ chế thi hành Công ước. Chương VIII: Các điều khoản cuối cùng (từ Điều 65 đến Điều 71).

Các quy định về phòng chống rửa tiền trong Công ước được quy định chủ yếu tại Chương II, tại Điều 14. Trong khi đó, các quy định về thu hồi tài sản được quy định tập trung tại Chương V từ Điều 51 đến Điều 59 của Công ước.

1.1. Các quy định về thu hồi tài sản

Chế định thu hồi tài sản tham nhũng được quy định tại chương V của Công ước với 9 điều gồm 40 yêu cầu về thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng (trong đó có 26 yêu cầu mang tính bắt buộc và 14 điều mang tính tuỳ nghi). Những vấn đề quy định trong 9 điều này có thể nhóm vào 3 nhóm gồm: (1) nhóm những quy định chung mang tính nguyên tắc về thu hồi tài sản tham nhũng; (2) nhóm những quy định chung về phòng ngừa, phát hiện việc chuyển tài sản tham nhũng; (3) nhóm những quy định chung về các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp, cơ chế thủ tục và điều kiện hợp tác quốc tế trong tịch thu, trả lại và định đoạt tài sản tham nhũng.

* Nhóm 1: Nguyên tắc chung về thu hồi tải sản tham nhũng: Điều 51 Công ước quy định: “Việc hoàn trả tài sản theo quy định tại chương này là nguyên tắc căn bản của Công ước, và các quốc gia thành viên sẽ dành cho nhau sự hợp tác và tượng trợ tối đa trong vấn đề này”. Đây được coi là quy định quan trọng trong UNCAC vì nó đã cho phép các quốc gia có quyền được nhận lại tài sản bị thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra.

* Nhóm 2: Những quy định chung về phòng ngừa, phát hiện việc chuyển tài sản tham nhũng: Điều 52 được chia thành 2 nhóm: (1) nhóm các yêu cầu mang tính chất bắt buộc (khoản 1, 2, 3 và 4) và (2) nhóm các yêu cầu mang tính chất tuỳ nghi (khoản 5 và 6). Đối với nhóm (1) là những quy định liên quan đến nghĩa vụ phải thực hiện và các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác. Theo đó, các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp sau:

- Phải có các biện pháp cần thiết để yêu cầu các tổ chức tài chính của quốc gia mình xác định và nhận dạng khách hàng, áp dụng các biện pháp hợp lý để xác định nhận dạng chủ sở hữu các tài khoản đáng ngờ, có các khoản tiền được gửi trong các tài khoản có giá trị lớn. Thế nào là tài khoản có giá trị lớn thì sẽ do pháp luật của mỗi quốc gia quy định;

- Các quốc gia cũng phải giám sát chặt chẽ các tài khoản được mở hoặc duy trì nhân danh các cá nhân đang hoặc đã từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, hay các thành viên trong gia đình hoặc cộng sự thân thiết của người này, đồng thời trong quá trình kiểm tra phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ.

Để thực hiện các biện pháp này, đòi hỏi các quốc gia phải thiết lập được một hệ thống công khai tài chính đối với nhóm công chức nhất định, đồng thời các quốc gia cũng thiết lập cơ chế yêu cầu công chức phải báo cáo về các tài khoản ở nước ngoài mà họ có liên quan và đồng thời cần có chế tài trong trường hợp công chức không thực hiện việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực. Quy định này của Công ước là thực sự cần thiết để giúp cho việc minh bạch tài chính của công chức, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra, xác định và hoàn trả tài sản có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, Công ước cũng khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên chia sẻ những thông tin về các tài khoản đáng ngờ theo yêu cầu của quốc gia thành viên khác (Khoản 2 Điều 52).

Đối với nhóm các yêu cầu mang tính tuỳ nghi của Điều 52 mà cụ thể là ở khoản 5, 6 liên quan đến nghĩa vụ xem xét việc thực hiện công khai và minh bạch tài chính, Công ước khuyến khích các quốc gia thành viên xem xét thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép các cơ quan có thẩm quyền của mình có thể chia sẻ thông tin công khai tài chính với các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên trong trường hợp cần thiết để điều tra, khởi kiện và thu hồi tài sản có được do phạm tội theo quy định của Công ước.

Có thể nói Điều 52 chủ yếu yêu cầu các quốc gia thực hiện các biện pháp lập pháp liên quan đến việc kiểm soát các hoạt động chuyển dịch tài sản, kiểm soát các tài khoản ở nước ngoài của công chức và nghĩa vụ phải công khai tài chính của các công chức để ngăn ngừa và phát hiện các giao dịch liên quan đến tài sản do phạm tội mà có.

* Nhóm 3: Những quy định chung về các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp, thủ tục và điều kiện hợp tác quốc tế trong tịch thu, trả lại và định đoạt tài sản tham nhũng. Nhóm này gồm các quy định sau:

Điều 53 quy định về các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng trực tiếp và Điều 54 quy định về biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng một cách gián tiếp. Hai điều khoản này của Công ước thể hiện thẩm quyền tài phán quốc gia trong việc thu hồi tải sản tham nhũng. Theo đó, phương thức thu hồi tài sản trực tiếp được ghi nhận tại Điều 53 Công ước, với 3 phương thức như sau:

(i) Cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội tham nhũng.

(ii) Cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện tội phạm được quy định trong Công ước này phải bồi thường, đền bù cho quốc gia thành viên khác đã chịu thiệt hại từ tội phạm đó.

(iii) Cho phép tòa án hay các cơ quan chức năng khác của mình khi ra quyết định tịch thu công nhận quốc gia thành viên có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được do phạm tội tham nhũng.

Với quy định này, Công ước đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên phải có cơ chế cho phép tòa án hay các cơ quan có thẩm quyền của mình, khi ra quyết định tịch thu, công nhận tuyên bố của quốc gia thành viên khác về vấn đề chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản có được do phạm tội theo quy định của Công ước.

Điều 54 và Điều 55 của Công ước quy định về thủ tục hợp tác quốc tế trong vấn đề về tịch thu tài sản tham nhũng.

Đối với phương thức thu hồi tài sản tham nhũng một cách gián tiếp thông qua cơ chế hợp tác quốc tế trong tiến hành tịch thu được quy định tại Điều 54. Điều 54 đưa ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên phải quy định các trình tự, thủ tục cần thiết để đảm bảo việc tịch thu tài sản tham những ở ngước ngoài cũng như việc việc có thể áp dụng các biện pháp tạm thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành thủ tục tịch thu hoặc có những biện pháp phòng ngừa thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu. Theo đó, Công ước đưa ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải cung cấp các phương thức tương trợ tư pháp liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng như:

- Đưa ra quy định phân công cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận hiệu lực thi hành đối với lệnh tịch thu do toà án của quốc gia thành viên khác đưa ra;

- Đưa các quy định về thẩm quyền tài phán trong việc thực hiện lệnh tịch thu tài sản có nguồn gốc nước ngoài;

- Quy định về thẩm quyền phong toả hoặc tạm giữ tài sản dựa trên một lệnh phong toả hoặc tạm giữ được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên có yêu cầu đối với tài sản thuộc diện phải tịch thu;

- Cho phép các cơ quan có thẩm quyền của mình phong toả hoặc tạm giữ tài sản khi có yêu cầu trong trường hợp có đủ căn cứ để thực hiện những hành động như vậy đối với tài sản bị tịch thu.

Theo Công ước, nghĩa vụ đầu tiên là các quốc gia phải cho phép các cơ quan có thẩm quyền trong nước công nhận và thực hiện theo lệnh tịch thu của Toà án của một quốc gia thành viên khác. Nghĩa vụ thứ hai là cho phép các cơ quan có thẩm quyền trong nước ra lệnh tịch thu tài sản có nguồn gốc nước ngoài.

Như vậy, Điều 54 của Công ước đã đưa ra các yêu cầu cần thiết đối với các quốc gia thành viên nhằm thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp trong xử lý tài sản do tham nhũng mà có. Ngoài ra, điều luật này cho phép các yêu cầu tương trợ về tịch thu tài sản có thể được thực hiện mà không phụ thuộc vào việc kết án người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này đỏi hỏi các quốc gia phải xây dựng những quy định trong pháp luật quốc gia thì mới có cơ sở để thực hiện điều này.

Điều 55 đưa ra các quy định cụ thể về khả năng, cách tiếp cận của quốc gia được yêu cầu khi tiếp nhận, giải quyết yêu cầu kê biên, phong toả, thu giữ và tịch thu tài sản do phạm tội mà có. Điều 55 cũng khẳng định việc xem xét giải quyết các yêu cầu loại này cần căn cứ và phù hợp với pháp luật của quốc gia được yêu cầu.

Vấn đề về trả lại, định đoạt tài sản được quy định tại Điều 57 của Công ước. Điều 57 có thể coi là quy định quan trọng của UNCAC, Công ước đã trao quyền cho các quốc gia thành viên tự định đoạt tài sản bị tịch thu nhưng có tính đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình.Theo đó việc xử lý tài sản có liên quan đến tội phạm tham nhũng đã bị tịch thu trên cơ sở quy định của Điều 31 (phong toả, tạm giữ và tịch thu) hoặc Điều 55 (hợp tác quốc tế vì mục đích tịch thu), bao gồm cả việc trả lại chủ sở hữu hợp pháp, sẽ do quốc gia thành viên đã tịch thu tài sản quyết định trên cơ sở quy định của Công ước và pháp luật quốc gia đó.

Khoản 2 Điều 57 cho phép các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp cần thiết khác để cho phép cá cơ quan có thẩm quyền của mình trả lại tài sản bị tịch thu theo yêu cầu của quốc gia thành viên khác. Để thực hiện được các quy định ở khoản 1 và 2 , Khoản 3 Điều 57 Công ước đã quy định về các nguyên tắc cơ bản liên quan đến việc định đoạt và trả lại tài sản bị tịch thu như sau:

- Đối với tài sản có được do biển thủ công quỹ hoặc rửa tiền theo quy định của Điều 17 và 23 của Công ước, việc tịch thu được thực hiện theo Điều 55 và dựa trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu cầu (quốc gia yêu cầu có thể miễn điều kiện này), thì quốc gia được yêu cầu thu hồi tài sản phải trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp đương nhiên;

- Đối với tài sản có được do phạm các tội được quy định trong Công ước, việc tịch thu được tiến hành theo quy định của Điều 55 Công ước và căn cứ vào phán quyết cuối cùng của quốc gia yêu cầu (có thể được miễn bởi quốc gia được yêu cầu), khi quốc gia yêu cầu chứng minh được về quyền sở hữu trước đó của mình đối với tài sản bị tịch thu một cách hợp lý đối và khi quốc gia được yêu cầu công nhận thiệt hại đối với quốc gia yêu cầu thì đó sẽ là căn cứ để quốc gia được yêu cầu trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu;

- Trong các trường hợp khác, phải trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp trước đó hoặc bồi thường cho nạn nhân của tội phạm tham nhũng, trong đó có ưu tiên việc trả lại tài sản bị tịch thu cho quốc gia thành viên yêu cầu.

Ngoài ra, Công ước cũng cho phép quốc gia thu hồi tài sản có thể khấu trừ các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến việc trả lại hay định đoạt tài sản bị tịch thu (khoản 4 Điều 57). Công ước cũng khuyến khích các quốc gia thành viên đàm phán kí kết các hiệp định hoặc thoả thuận với nhau để dàn xếp đối với từng vụ việc cụ thể để đưa ra quyết định xử lý cuối cùng đối với tài sản bị tịch thu (khoản 5 Điều 57).

Như vậy, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng quy định ở chương V của Công ước được chia thành các giai đoạn khác nhau (giai đoạn phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do tham nhũng mà có; giai đoạn ban hành lệnh tịch thu tài sản; giai đoạn phong toả, tạm giữ tài sản; giai đoạn trả lại tài sản) và liên quan đến các cơ quan có thẩm quyền khác nhau (các tổ chức tài chính, ngân hàng; Toà án, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát…). Những quy định của Công ước tại chương 5 là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác; thúc đẩy, sử dụng các biện pháp phòng chống nham nhũng một cách có hiệu quả.

1.2. Quy định về phòng chống rửa tiền

Các biện pháp phòng chống rửa tiền được quy định tại Điều 14 của Công ước. Điều 14 với những quy định trực tiếp và gián tiếp, Công ước yêu cầu các quốc gia phải xây dựng những biện pháp cần áp dụng nhằm ngăn ngừa và chống rửa tiền. Các quy định trực tiếp bao gồm điểm a khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này. Cụ thể, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải thiết lập một cơ chế giám sát và điều tiết toàn diện trong nước đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức: các ngân hàng; các tổ chức tài chính phi ngân hàng (ví dụ: công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…); các cá nhân và pháp nhân cung cấp dịch vụ chính thức về chuyển tiền hoặc vật có giá trị; các cơ quan khác dễ phát sinh hoạt động rửa tiền (ví dụ: công ty môi giới chứng khoán, đại lý chứng khoán, văn phòng môi giới tiền tệ…) nhằm ngăn chặn và phát hiện mọi hình thức rửa tiền. Công ước quy định cơ chế điều tiết và giám sát này phải nhấn mạnh đến các yêu cầu về xác định khách hàng và cả người sở hữu hưởng lợi khi thích hợp, lưu giữ hồ sơ và báo cáo về các giao dịch đáng ngờ. Việc này đòi hỏi phải xác định và ghi lại các chủ tài khoản trong các tổ chức tài chính. Hồ sơ phải ghi đầy đủ thông tin để xác định các bên giao dịch và bằng chứng giao dịch; xác định được tài sản cụ thể về số lượng và giá trị liên quan, đồng thời thiết lập cơ chế có cho phép truy tìm nguồn gốc và đích đến của tất cả các khoản tiền và tài sản giao dịch.

- Lưu giữ hồ sơ: Yêu cầu này có nghĩa là hồ sơ khách hàng và các giao dịch của khách hàng phải được lưu giữ trong một khoảng thời gian phù hợp nhất định.

- Báo cáo về các giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết. Cơ quan có thẩm quyền ở đây có thể là FIU hoặc cơ quan khác được chỉ định. Các quốc gia nên trao quyền cho FIU để cơ quan này có thể kiểm tra hồ sơ và có quyền yêu cầu sự hỗ trợ của những người đang lưu giữ những hồ sơ về các giao dịch đáng ngờ này. Tuy nhiên, có những hồ sơ có thể nằm trong yêu cầu bảo mật của ngân hàng, vì vậy, các quốc gia cần xây dựng các quy định để vừa phải bảo đảm cho các tổ chức tài chính có thể thực hiện được các yêu cầu của FIU và các cơ quan có thẩm quyền khác và vừa có thể bảo vệ các tổ chức tài chính tránh khỏi những khiếu kiện dân sự về việc tiết lộ hồ sơ khách hàng cho các cơ quan có thẩm quyền.

Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp khả thi nhằm kiểm soát, phát hiện việc di chuyển tiền mặt và tài sản qua biên giới nhưng không được gây cản trở đối với sự di chuyển của các dòng vốn hợp pháp. Để kiểm soát được việc này các quốc gia cần yêu cầu các cá nhân và tổ chức kinh doanh phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển qua biên giới những lượng tiền mặt lớn và các công cụ có giá trị chuyển đổi khác.

Các quy định gián tiếp về các biện pháp phòng, chống rửa tiền mang tính chất định hướng và khuyến nghị các quốc gia thành viên. Công ước khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền (như cơ quan hành chính, cơ quan giám sát, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan khác chuyên về chống rửa tiền) của một quốc gia và giữa các quốc gia hợp tác với nhau, trao đổi thông tin với nhau nhằm mục đích hỗ trợ nhau trong việc phòng chống rửa tiền. Các cơ quan này có thể trao đổi thông tin với nhau trong phạm vi pháp luật cho phép. Để thực hiện được việc xác định, thu thập và trao đổi các thông tin có liên quan đến phòng chống rửa tiền, các quốc gia cần phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan liên quan. Cụ thể có thể xây dựng theo hướng: (i) các cơ quan quản lý sẽ chịu trách nhiệm giám sát các tổ chức tài chính, có quyền kiểm tra các tổ chức tài chính và quyền được áp dụng các biện pháp xử phạt đối với các tổ chức tài chính không chấp hành; (ii) Các cơ quan thực thi pháp luật sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc điều tra tội phạm, có quyền được bắt giữ những người phạm tội hoặc những người bị tình nghi; (iii) trao quyền cho FIU nhận báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, phân tích và cung cấp thông tin cho các cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cũng như quy định ở Điều 58 của Công ước, Điều 14 cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên thiết lập một đơn vị tình báo tài chính trung ương với nhiệm vụ thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về hoạt động rửa tiền tiềm tàng. Ngoài ra, Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên sử dụng các sáng kiến chống rửa tiền trong khu vực, liên khu vực và đa phương như là một định hướng để giải quyết vấn để chống rửa tiền. Các quốc gia thành viên cũng được khuyến nghị tăng cường hợp tác song phương và đa phương giữa các cơ quan tư pháp của các quốc gia nhằm thực thi và giám sát tài chính để đấu tranh chống rửa tiền.

Tóm lại, các quy định về thu hồi tài sản và phòng chống rửa tiền của UNCAC là những quy định mang tính chất bắt buộc hoặc có tính chất khuyến nghị các quốc gia thành viên thực hiện. Một mặt Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể để thu hồi tài sản và phòng chống rửa tiền, một mặt Công ước cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác với nhau để hỗ trợ nhau trong việc thực hiện thu hồi tài sản và phòng chống rửa tiền. Bằng việc tham gia Công ước, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ hài hóa hóa pháp luật thông qua hoạt động nội luật hóa. Đồng thời, việc tham gia Công ước cũng thúc đẩy các quốc gia tích cực đàm phán ký kết các hiệp định song phương và đa phương để xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế trong công tác phòng chống rửa tiền và thu hồi tài sản.

2. Các khuyến nghị của Báo cáo Chu kỳ 2 về việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

2.1. Chương 2: Các biện pháp phòng ngừa

Việt Nam được khuyến nghị:

- Trao cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng sự độc lập cần thiết để thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả và không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng trái pháp luật nào và tăng cường cơ chế phối hợp trong thực hiện chức năng của mình (Điều 6 (1), (2)).

- Nỗ lực thông qua đầy đủ các quy trình tuyển dụng và đào tạo các cá nhân đối với những vị trí được cho là đặc biệt có nguy cơ tham nhũng (Điều 7 (1)).

- Đảm bảo rằng các tiêu chí liên quan đến ứng cử vào các vị trí công tác được quy định đối với tất cả các vị trí được bầu cử (Điều 7 (2)).

- Xem xét mở rộng định nghĩa về xung đột lợi ích trong Luật PCTN phù hợp với các thực tiễn quốc tế tốt (Điều 7 (4); Điều 8 (5)).

- Thiết lập một hệ thống rà soát và khiếu nại hiệu quả do các cơ quan độc lập giải quyết đối với các vấn đề mua sắm công; đảm bảo áp dụng thống nhất đấu thầu công khai làm tiêu chuẩn trong mua sắm công; và xem xét áp dụng các biện pháp liêm chính cho cán bộ mua sắm (Điều 9 (1)).

- Tiếp tục thực hiện pháp luật về tiếp cận thông tin để đảm bảo rằng các cơ quan nhà nước áp dụng các thủ tục rõ ràng về tiếp cận thông tin, đào tạo công chức xử lý các yêu cầu và nâng cao nhận thức người dân. Tiếp tục nỗ lực để tăng cường tính minh bạch của các quyết định và quy trình tiếp cận thông tin (Điều 10 (a)).

- Tăng cường tính khách quan trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm lại thẩm phán (Điều 11 (1)).

- Thực hiện các biện pháp tăng cường phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư nhân, bao gồm bằng cách hướng dẫn phù hợp về quy trình tuân thủ cho các cơ quan/tổ chức trong khu vực tư nhân, tăng cường hợp tác với các cơ quan/tổ chức tư nhân trong phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy việc xây dựng các nguyên tắc liêm chính trong kinh doanh hoặc quy tắc quản trị doanh nghiệp (Điều 12 (1), (2)).

- Thông qua điều khoản quy định rõ ràng về việc không cho phép khấu trừ thuế của các chi phí cấu thành hối lộ (Điều 12 (4)).

- Tăng cường sự tham gia tích cực của các cá nhân và nhóm bên ngoài khu vực công trong phòng, chống tham nhũng và tiếp tục thúc đẩy tố cáo tham nhũng (Điều 13 (1), (2)).

- Rà soát và xem xét sửa đổi luật pháp để quy định cụ thể loại hình của các biện pháp điều tra có thể được áp dụng để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin và hợp tác quốc tế liên quan đến các tội rửa tiền và tham nhũng; và tiếp tục đánh giá các yêu cầu và điều kiện để trở thành thành viên của Nhóm EGMONT (Điều 14 (1)).

- Quy định cụ thể về việc xác định danh tính trong chuyển tiền điện tử phù hợp với Điều 14 (3).

Tiếp tục xây dựng mối quan hệ với các cơ quan tài phán nước ngoài vì mục đích tăng cường hợp tác để chống rửa tiền (Điều 14 (5)).

2.2. Chương 5: Thu hồi tài sản

Việt Nam được khuyến nghị:

- Xóa bỏ ngưỡng quy định trong xác minh danh tính khách hàng liên quan tới các giao dịch bất động sản; tiếp tục tăng cường các biện pháp xác định và xác minh đối với chủ sở hữu hưởng lợi của các định chế tài chính và tổ chức nghề và kinh doanh phi tài chính được chỉ định; sửa đổi pháp luật nhằm thực hiện yêu cầu tăng cường kiểm tra các tài khoản nhắm tới hoặc được duy trì bởi các cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước, các thành viên gia đình, những cộng sự thân thiết của họ, đồng thời sửa đổi định nghĩa về các cá nhân có ảnh hưởng chính trị nước ngoài để quy định cả những cộng sự thân thiết của những người này, bao gồm cả các pháp nhân (Điều 52 (1)).

- Áp dụng các biện pháp cụ thể nghiêm cấm thành lập “các ngân hàng vỏ bọc” tại Việt Nam, cũng như yêu cầu các định chế tài chính chống lại việc xây dựng các mối quan hệ với các định chế tài chính nước ngoài cho phép các tài khoản của họ được sử dụng bởi các “ngân hàng vỏ bọc” (Điều 52 (4)).

- Nỗ lực tăng cường hoạt động của hệ thống kê khai tài sản thông qua việc ban hành những quy định cần thiết về tổ chức bộ máy và thủ tục xác minh thông tin, tiếp tục nỗ lực thiết lập hệ thống kê khai và xác minh thông tin điện tử (Điều 52 (5)).

- Sửa đổi pháp luật và thông qua các biện pháp tuân thủ Điều 53 (a)-(c).

- Quy định việc công nhận và thực thi các lệnh tịch thu của tòa án nước ngoài (Điều 54 (1)(a)).

- Xem xét áp dụng các biện pháp cho phép tịch thu tài sản có được hoặc liên quan đến hành vi phạm tội không dựa trên bản án đối với trường hợp tội phạm không thể bị truy tố do bị chết, chạy trốn hoặc vắng mặt hoặc trong các trường hợp khác (Điều 54 (1)(c)).

- Sửa đổi pháp luật cho phép các cơ quan chức năng phong tỏa hoặc thu giữ tài sản khi có yêu cầu với điều kiện có các căn cứ hợp lý cho hoạt động đó, trong trường hợp không có lệnh phong tỏa hoặc thu giữ do tòa án nước ngoài ban hành (Điều 54 (2)(b)).

- Tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản là đối tượng tịch thu thông qua cơ chế hợp tác quốc tế, ví dụ như trên cơ sở lệnh bắt giữ hoặc cáo buộc hình sự nước ngoài (Điều 54 (2)(c)).

- Sửa đổi pháp luật cho phép các cơ quan chức năng: (i) có được lệnh tịch thu, hoặc thực thi một lệnh tịch thu của nước ngoài, trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài (Điều 55 (1)) và (ii) xác định, truy tìm và phong tỏa hoặc thu giữ tài sản vì mục đích tịch thu, trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài, trong trường hợp không có lệnh của tòa án nước ngoài có liên quan (Điều 55 (2)).

- Cụ thể hóa các nội dung của yêu cầu thu hồi tài sản và cân nhắc xây dựng hướng dẫn cụ thể dưới dạng cẩm nang hoặc hướng dẫn cho Quốc gia yêu cầu (Điều 55 (3)).

- Sửa đổi pháp luật để áp dụng các biện pháp bảo vệ các quyền của các bên thứ ba ngay tình (Điều 55 (9)).

- Nỗ lực áp dụng các biện pháp hợp tác và chia sẻ thông tin tự nguyện liên quan đến các tội phạm quy định trong Công ước này (Điều 56).

- Áp dụng các biện pháp nhằm định đoạt các tài sản đã bị tịch thu (bao gồm việc trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp trước đó) đồng thời trả lại tài sản đã tịch thu khi xử lý yêu cầu của quốc gia khác (Điều 57 (1) và (2)).

- Sửa đổi pháp luật để quy định việc trả lại tài sản bị tịch thu cho quốc gia yêu cầu trong các trường hợp được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 57, thông qua việc nội luật hóa các quy định của điều này vào hệ thống pháp luật quốc gia (Điều 57 (3)).

- Quy định về các chi phí liên quan đến thu hồi tài sản theo Điều 57 (4), trong đó lưu ý tới Điều 46 (28) của Công ước.

Áp dụng các biện pháp tăng cường tính độc lập cần thiết và tăng cường hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền (Điều 58).

2.3. Các khuyến nghị liên quan trực tiếp tới vấn đề TTTPHS về thu hồi tài sản

Liên quan đến hoạt động TTTPHS trong thu hồi tài sản, Việt Nam được khuyến nghị:

i. Sửa đổi pháp luật và thông qua các biện pháp tuân thủ Điều 53 (a)-(c);

ii. Quy định việc công nhận và thực thi các lệnh tịch thu của tòa án nước ngoài (Điều 54 (1)(a)).

iii. Xem xét áp dụng các biện pháp cho phép tịch thu tài sản có được hoặc liên quan đến hành vi phạm tội không dựa trên bản án đối với trường hợp tội phạm không thể bị truy tố do bị chết, chạy trốn hoặc vắng mặt hoặc trong các trường hợp khác (Điều 54 (1)(c)).

iv. Sửa đổi pháp luật cho phép các cơ quan chức năng phong tỏa hoặc thu giữ tài sản khi có yêu cầu với điều kiện có các căn cứ hợp lý cho hoạt động đó, trong trường hợp không có lệnh phong tỏa hoặc thu giữ do tòa án nước ngoài ban hành (Điều 54 (2)(b)).

v. Tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản là đối tượng tịch thu thông qua cơ chế hợp tác quốc tế, ví dụ như trên cơ sở lệnh bắt giữ hoặc cáo buộc hình sự nước ngoài (Điều 54 (2)(c)).

vi. Sửa đổi pháp luật cho phép các cơ quan chức năng: (i) có được lệnh tịch thu, hoặc thực thi một lệnh tịch thu của nước ngoài, trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài (Điều 55 (1)) và (ii) xác định, truy tìm và phong tỏa hoặc thu giữ tài sản vì mục đích tịch thu, trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài, trong trường hợp không có lệnh của tòa án nước ngoài có liên quan (Điều 55 (2)).

vii. Cụ thể hóa các nội dung của yêu cầu thu hồi tài sản và cân nhắc xây dựng hướng dẫn cụ thể dưới dạng cẩm nang hoặc hướng dẫn cho quốc gia yêu cầu (Điều 55 (3)).

viii. Sửa đổi pháp luật để áp dụng các biện pháp bảo vệ các quyền của các bên thứ ba ngay tình (Điều 55 (9)).

ix. Nỗ lực áp dụng các biện pháp hợp tác và chia sẻ thông tin tự nguyện liên quan đến các tội phạm quy định trong Công ước này (Điều 56).

x. Áp dụng các biện pháp nhằm định đoạt các tài sản đã bị tịch thu (bao gồm việc trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp trước đó) đồng thời trả lại tài sản đã tịch thu khi xử lý yêu cầu của quốc gia khác (Điều 57 (1) và (2)).

xi. Sửa đổi pháp luật để quy định việc trả lại tài sản bị tịch thu cho quốc gia yêu cầu trong các trường hợp được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 57, thông qua việc nội luật hóa các quy định của điều này vào hệ thống pháp luật quốc gia (Điều 57 (3)).

xii. Quy định về các chi phí liên quan đến thu hồi tài sản theo Điều 57 (4), trong đó lưu ý tới Điều 46 (28) của Công ước.

3. Pháp luật một số quốc gia và một số kinh nghiệm thực tiễn tốt về thu hồi tài sản và phòng chống rửa tiền

3.1. Thụy Sĩ

3.1.1. Pháp luật về rửa tiền

* Khái niệm:

Hành vi rửa tiền ở Thụy Sĩ được hình sự hóa theo điều 305bis của Bộ luật Hình sự Thụy Sĩ. Theo đó “Người nào thực hiện hành vi nhằm cản trở việc xác định nguồn gốc, truy tìm hoặc tịch thu tài sản mà mình biết hoặc phải nhận biết được nguồn gốc từ tội nghiêm trọng hoặc tội nhẹ về hành vi vi phạm thuế có tính chất nghiêm trọng, thì phải chịu hình phạt tù không quá ba năm hoặc bị phạt tiền”. Do đó, tất cả các tội nghiêm trọng đều là tội phạm nguồn ở Thụy Sĩ cùng với tội nhẹ về thuế mà có tính chất nghiêm trọng. Xét về tội thuế này, thành phần chính là số tiền trốn thuế phải trên 300.000 franc Thụy Sĩ.

Các tình tiết tăng nặng, mà theo Bộ luật Hình sự Thụy Sĩ được gọi là “trường hợp nghiêm trọng”, là: Nếu người phạm tội là thành viên của một tổ chức tội phạm hoặc khủng bố hoặc; người phạm tội là thành viên của một nhóm được thành lập để tiếp tục thực hiện hoạt động rửa tiền hoặc; người phạm tội đạt được doanh thu lớn hoặc lợi nhuận đáng kể thông qua hoạt động rửa tiền thương mại. Trong những tình huống như vậy, hình phạt là bản án giam giữ không quá 5 năm hoặc phạt tiền. Ngoài ra, hình phạt giam được kết hợp với hình phạt tiền không quá 500 đơn vị hình phạt hàng ngày.

* Các cơ quan có trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền:

Ủy ban Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) là cơ quan quản lý chính có trách nhiệm giám sát và thực thi các quy định chống rửa tiền tại Thụy Sĩ. Cơ quan này giám sát các ngân hàng, công ty bảo hiểm, môi giới chứng khoán và các trung gian tài chính khác để đảm bảo tuân thủ các quy định chống rửa tiền. Văn phòng Báo cáo Rửa tiền Thụy Sĩ (MROS) là đơn vị tình báo tài chính (FIU), hoạt động dưới sự điều hành của Cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ. Cơ quan này nhận và phân tích báo cáo hoạt động đáng ngờ (SARs) được gửi bởi các trung gian tài chính và truyền đạt thông tin liên quan đến các cơ quan thực thi pháp luật. Văn phòng Cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ (FEDPOL) đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối các nỗ lực chống rửa tiền và tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế. Đơn vị này làm việc chặt chẽ với MROS trong điều tra và truy tố các vụ án rửa tiền.

3.1.2. Thu hồi tài sản

Về việc thu hồi tài sản, tịch thu không dựa trên kết án (NCB) tồn tại ở Thụy Sĩ "nhưng chỉ là một khả năng theo luật hình sự hoặc thủ tục hình sự, chứ không phải là một quy trình độc lập". Thụy Sĩ có cả tịch thu dựa trên kết án và tịch thu không dựa trên kết án (NCB), cả hai đều dựa trên các quy định trong Bộ luật Hình sự của Thụy Sĩ và áp dụng các thủ tục tương tự. Theo điều 70 của Bộ luật Hình sự Thụy Sĩ, phần 1: "Tòa án sẽ ra lệnh tịch thu tài sản có được do phạm tội hoặc được dùng để phạm tội hoặc làm thanh toán cho việc phạm tội trừ khi tài sản đã được chuyển cho người bị hại để khôi phục lại tình trạng hợp pháp trước đó". Đáng chú ý là "Nếu số lượng tài sản để tịch thu không thể xác định được hoặc chỉ có thể xác định được thông qua việc gây ra một mức độ khó khăn và chi phí không cân xứng, tòa án có thể cân nhắc".

Việc tịch thu sẽ không được phép nếu một bên thứ ba đã mua những tài sản đó mà không biết về lý do tịch thu, miễn là họ đã trả một giá trị tương đương hoặc việc tịch thu sẽ gây ra khó khăn không cân xứng đối với họ. Nếu tài sản mà phải tịch thu không còn tồn tại, tòa án có thể chấp nhận yêu cầu bồi thường của Nhà nước về một số tiền tương đương, yêu cầu này có thể được thực hiện đối với một bên thứ ba chỉ khi họ không bị loại trừ. Tòa án sẽ ra lệnh tịch thu tất cả các tài sản thuộc diện bị xử lý của tổ chức tội phạm hoặc khủng bố, và đối với trường hợp tài sản của một người tham gia hoặc hỗ trợ tổ chức như vậy, sẽ được cho là tài sản thuộc diện bị xử lý của tổ chức này cho đến khi có cơ sở chứng minh ngược lại.

Tương trợ tư pháp trong các vụ án hình sự được quy định theo Luật Liên bang về Tương trợ tư pháp hình sự quốc tế (IMAC). Bộ tư pháp Liên bang (FOJ) là cơ quan giám sát tương trợ tư pháp và là đầu mối liên lạc cho các cơ quan trong nước và quốc tế. Tùy theo từng vụ án cụ thể, cả các văn phòng công tố tỉnh hoặc các cơ quan truy tố hình sự liên bang có thể chịu trách nhiệm thực hiện tương trợ.

Theo điều 18 của IMAC, theo yêu cầu khẩn từ quốc gia yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền tại Thụy Sĩ có thể ra lệnh các biện pháp tạm thời ngay cả trước khi có yêu cầu chính thức, nhằm ngăn chặn việc chuyển tài sản đến một địa điểm khác. Đặc biệt, theo phần đầu của điều này: "Theo yêu cầu khẩn từ một Nhà nước khác, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp tạm thời để bảo vệ tình hình hiện tại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp bị đe dọa hoặc bảo vệ bằng chứng có nguy cơ bị mất, trừ khi các thủ tục đối chiếu theo Luật này là không được phép hoặc không phù hợp". Ngoài ra, phần thứ hai của điều này yêu cầu sự khẩn trương: "Nếu mọi trì hoãn đều gây nguy hiểm cho các thủ tục và nếu có đủ thông tin để xác định xem tất cả các điều kiện đã được đáp ứng, Văn phòng Liên bang cũng có thể ra lệnh các biện pháp tạm thời ngay sau khi yêu cầu được thông báo. Các biện pháp đó sẽ bị hủy nếu nước ngoài không gửi yêu cầu trong thời hạn đã đề ra".

Nếu không yêu cầu bảo mật đối với người liên quan, người đó sẽ được thông báo về yêu cầu đó từ các cơ quan Thụy Sĩ. Trong mọi trường hợp, người liên quan sẽ được tham gia phiên tòa, ít nhất vào cuối quá trình tương trợ tư pháp tại Thụy Sĩ, tại đó cơ quan tương trợ tư pháp ra lệnh nộp chứng cứ và duy trì việc tạm giữ tài sản.

Các chứng cứ đã được thu thập sẽ được cung cấp cho quốc gia yêu cầu ngay sau khi quá trình tương trợ tư pháp kết thúc thành công. Các tài sản sẽ tiếp tục bị tạm giữ tại Thụy Sĩ và dựa trên các chứng cứ đã nhận được, quốc gia yêu cầu sẽ có thể ban hành lệnh tịch thu cho những tài sản này. Ngay khi lệnh tịch thu có hiệu lực và có thể thi hành, quốc gia yêu cầu có thể sử dụng làm cơ sở để yêu cầu trao trả tài sản thông qua các kênh tương trợ tư pháp. Tài sản sẽ được trao trả cho nhà nước hoặc chủ sở hữu hợp pháp (theo lệnh tịch thu) ngay sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Các điều khoản chính của IMAC: Điều 18, 74a, 80a và 80d. Điều 18, như đã đề cập và trích dẫn ở trên, liên quan đến các biện pháp tạm thời. Điều 80a liên quan đến quyết định của cơ quan thực thi (các công tố viên) để xem xét vụ án (bằng cách ban hành một quyết định tóm tắt) và thực hiện các biện pháp tương trợ tư pháp theo luật tố tụng của Thụy Sĩ.

Điều 80d là về quyết định cuối cùng đối với chứng cứ. Điều khoản quan trọng về việc giao đồ vật để tịch thu là điều 74, cần được trích dẫn đầy đủ như sau:

"1. Theo yêu cầu, đồ vật hoặc tài sản đang bị tạm giữ có thể được giao cho cơ quan nước ngoài có thẩm quyền sau khi kết thúc quy trình tương trợ (Điều 80d) tịch thu hoặc trả lại cho người có quyền sở hữu.

2. Đồ vật hoặc tài sản được đề cập trong khoản 1 bao gồm:

a. Công cụ đã được sử dụng để thực hiện tội phạm;

b. Sản phẩm hoặc lợi nhuận từ tội phạm, giá trị thay thế và bất kỳ lợi ích trái pháp luật nào;

c. Quà tặng và các đóng góp khác có mục đích khích lệ tội phạm hoặc bồi thường kẻ phạm tội, cũng như giá trị thay thế khác.

3. Việc chuyển giao có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của tố tụng cho nước ngoài, thông thường dựa trên một quyết định cuối cùng và có hiệu lực từ phía quốc gia yêu cầu.

4. Tuy nhiên, đồ vật hoặc tài sản có thể được giữ lại ở Thụy Sĩ nếu:

a. Người bị hại thường trú tại Thụy Sĩ và tài sản phải được trả lại cho người đó;

b. Một cơ quan khẳng định quyền của mình đối với tài sản đó;

c. Một người không liên quan đến tội phạm và quyền lợi của người đó không được đảm bảo bởi Nhà nước đã chứng minh lý do có căn cứ cho việc anh ta đã mua lại quyền với các đồ vật và tài sản này một cách hợp pháp tại Thụy Sĩ, hoặc anh ta thường trú tại Thụy Sĩ, tại một quốc gia nước ngoài; hoặc

d. Đồ vật hoặc tài sản là cần thiết cho các tố tụng hình sự đang được giải quyết ở Thụy Sĩ hoặc dường như, vì tính chất của chúng, có thể bị tịch thu tại Thụy Sĩ.

5. Khi một người tuyên bố có quyền đối với đồ vật hoặc tài sản theo khoản 4, việc chuyển giao cho quốc gia yêu cầu sẽ được hoãn lại cho đến khi tình hình pháp lý rõ ràng. Đồ vật hoặc tài sản đó có thể được giao trả cho người có quyền nếu:

a. quốc gia yêu cầu đồng ý;

b. trong trường hợp khoản 4 điểm b, cơ quan có thẩm quyền đồng ý; hoặc

c. yêu cầu đã được công nhận bởi một tòa án Thụy Sĩ."

Các điều kiện để từ chối tương trợ tư pháp được quy định trong các điều khoản 2-6 của IMAC. Các điều kiện này có thể tóm tắt như sau:

- Tố tụng nước ngoài không đáp ứng yêu cầu thủ tục của Công ước châu Âu về Bảo vệ Quyền con người và tự do cơ bản (ECHR) hoặc Hiệp ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

- Tố tụng nước ngoài được tiến hành để truy tố hoặc trừng phạt một người dựa trên quan điểm chính trị, thuộc về một nhóm xã hội nhất định, chủng tộc, tôn giáo hoặc quốc tịch của họ.

- Cung cấp tương trợ tư pháp có thể làm trầm trọng thêm tình hình của bị cáo khi truy tố hoặc trừng phạt một người dựa trên quan điểm chính trị, thuộc về một nhóm xã hội nhất định, chủng tộc, tôn giáo hoặc quốc tịch của họ.

- Cung cấp hỗ trợ tương trợ tư pháp có những vấn đề nghiêm trọng khác.

- Đối tượng của tương trợ trong quan điểm Thụy Sĩ có tính chất chính trị rõ ràng, vi phạm thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc tương tự, hoặc dường như nhằm vào an ninh quốc gia hoặc quốc phòng của quốc gia yêu cầu.

- Đối tượng của tương trợ là một tội phạm có vẻ như nhằm giảm nghĩa vụ thuế hoặc vi phạm quy định về tiền tệ, thương mại hoặc biện pháp kinh tế.

- Một yêu cầu sẽ bị từ chối nếu tính nghiêm trọng của tội phạm không đủ để thực hiện tố tụng.

- Nếu ở Thụy Sĩ hoặc trong quốc gia nơi tội phạm đã được thực hiện, tòa án đã tuyên bố bị cáo được tha bổng hoặc không xét xử vì lý do về tài liệu, hoặc đã đình chỉ hoặc tạm thời đình chỉ hoặc bản án đã được thực hiện hoặc không thể thực hiện theo luật của quốc gia nơi ban hành bản án hoặc việc thực hiện đòi hỏi biện pháp bắt buộc và việc truy tố hoặc thực hiện bản án này đã quá thời hạn theo luật Thụy Sĩ.

3.1.3. Các vụ án thu hồi tài sản nổi tiếng

Sani Abacha, kẻ độc tài người Nigeria đã nổi tiếng với việc rút ruột hàng tỷ đô la từ quốc gia Nigeria trong thời kỳ nắm quyền của ông từ năm 1993 đến năm 1998. Phần lớn tài sản trộm cắp này đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, tận dụng lợi ích từ các luật bí mật ngân hàng của quốc gia này.

Sau cái chết của Abacha vào năm 1998, chính phủ Nigeria cùng với các tổ chức quốc tế và các nhóm đấu tranh đã tiến hành một chiến dịch quyết liệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Thụy Sĩ, nhận thức về cần thiết của sự hợp tác và trách nhiệm toàn cầu, đã tiến hành những biện pháp quan trọng để hỗ trợ quá trình thu hồi.

Công cuộc thu hồi tài sản đã đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các thủ tục pháp lý phức tạp, các luật bí mật ngân hàng Thụy Sĩ và việc xác định tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, thông qua những cuộc đàm phán kiên trì và áp lực quốc tế, Thụy Sĩ đã đồng ý hợp tác và hỗ trợ quá trình thu hồi.

Trong suốt những năm qua, đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc trả lại tài sản Abacha từ Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ đã đóng băng nhiều tài khoản ngân hàng và làm việc chặt chẽ với các cơ quan Nigeria để theo dõi và thu hồi khoản tiền bị chiếm đoạt. Các tài sản đã được trả lại cho Nigeria, nơi chúng đã được sử dụng để tài trợ các dự án hạ tầng, chương trình xã hội và các sáng kiến phát triển vì lợi ích của nhân dân Nigeria.

Vụ thu hồi tài sản Abacha từ Thụy Sĩ đã trở thành một ví dụ nổi bật về sự hợp tác quốc tế và cam kết trong việc đấu tranh chống tham nhũng và rửa tiền. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch, hợp tác và việc thiết lập cơ chế pháp lý hiệu quả để đảm bảo tài sản bị chiếm đoạt được trả về chủ sở hữu hợp pháp.

3.2. Pháp

3.2.1. Pháp luật về rửa tiền

* Khái niệm:

Ở Pháp, định nghĩa pháp lý về rửa tiền được nêu trong Bộ luật hình sự. Cụ thể, điều 324-1 của Đạo luật mô tả định nghĩa về tội phạm rửa tiền như sau: "Rửa tiền là hành vi giúp đỡ, bằng mọi phương tiện, chứng minh sai về nguồn gốc tài sản hoặc thu nhập của kẻ phạm tội hoặc người vi phạm đã mang lại lợi nhuận trực tiếp hoặc gián tiếp. Cũng cấu thành rửa tiền việc hỗ trợ trong tiến hành sắp xếp, che giấu hoặc chuyển đổi những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp do phạm tội mà có". Tội phạm này có thể bị phạt 5 năm tù và mức phạt tiền 375.000 EUR, trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

Tội rửa tiền là độc lập với tội phạm nguồn và bất kỳ tội phạm nào dù nhẹ hay nặng cũng có thể coi là tội phạm nguồn nếu người nào thực hiện hành vi phạm vào tội phạm nguồn đó thu được lợi nhuận hoặc nhận được tài sản từ tội phạm đó.

* Các cơ quan có trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền

TRACFIN (Traitement du Renseignement et Action contre les Circuits FINanciers clandestins) là Đơn vị Tình báo Tài chính của Pháp và hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế và Tài chính. Đơn vị này chịu trách nhiệm nhận, phân tích và chia sẻ thông tin về các giao dịch hoặc hoạt động đáng ngờ liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố. TRACFIN hợp tác với các đơn vị tình báo tài chính nội địa và quốc tế khác để chống lại tội phạm tài chính một cách hiệu quả.

ACPR (Autorité de Contrôle Prudentiel et de Résolution) hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế và Tài chính và chịu trách nhiệm giám sát ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác. ACPR đảm bảo các tổ chức này tuân thủ quy định chống rửa tiền và thực hiện biện pháp phù hợp khi cần thiết.

AFA (Agence Française Anticorruption) là Cơ quan Chống Tham nhũng Pháp và trọng tâm chính là các biện pháp chống tham nhũng, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn rửa tiền và thúc đẩy các hoạt động đúng đắn trong các tổ chức. AFA cung cấp hướng dẫn, đào tạo và kiểm soát cho các cơ quan công và tư để ngăn chặn tham nhũng và rửa tiền.

Bộ Kinh tế và Tài chính chịu trách nhiệm tổng thể về việc phối hợp các nỗ lực chống rửa tiền trong nước, định hình chính sách và quy định chống rửa tiền, giám sát hoạt động của TRACFIN, ACPR và các cơ quan liên quan khác, và đảm bảo việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế trong chống rửa tiền.

3.2.2. Thu hồi tài sản

Hướng dẫn thu hồi tài sản do Bộ Tư pháp ban hành đã thể hiện đầy đủ cơ sở cho tương trợ tư pháp về việc thu hồi tài sản của Pháp. Căn cứ pháp lý cho việc tương trợ tư pháp có thể là một hiệp ước song phương hoặc đa phương, Nghị định 2018/1805 của Quốc hội châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu áp dụng cho các Quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (trừ Ireland và Đan Mạch), hoặc nếu không có văn kiện song phương hoặc đa phương nào sẵn có, dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Kênh gửi yêu cầu tương trợ tư pháp là kênh ngoại giao, nếu có công ước ước/hiệp định liên quan giữa các quốc gia yêu cầu và Pháp, thì kênh gửi là kênh được đề cập đến trong văn kiện đó. Điều 694 của BLTTHS (CPC) của Pháp quy định rằng "Yêu cầu tương trợ tư pháp từ các cơ quan tư pháp nước ngoài gửi cho các cơ quan tư pháp Pháp được gửi qua kênh ngoại giao. Các tài liệu thi hành được trả lại cho các cơ quan của Quốc gia yêu cầu theo cùng cách thức". Trong trường hợp cấp thiết, yêu cầu có thể được gửi điện tử đến cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hoặc đến cơ quan tư pháp và sao chép cho cơ quan trung ương. Điều này được quy định cụ thể trong các điều 694-1 đến 694-5 của CPC.

Như Hướng dẫn chính thức đề cập, các lý do từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp có thể là:

- Không phải tội phạm kép;

- Thiếu liên kết giữa tài sản và tội phạm;

- Nguy cơ bị xét xử hai lần (Ne bis in idem);

- Đe dọa đến quyền tự vệ và can thiệp vào quyền của các bên thứ ba ngay tình;

- Không thể tịch thu tài sản theo pháp luật Pháp;

- Đe dọa đến trật tự công cộng hoặc lợi ích thiết yếu của Pháp.

Yêu cầu tương trợ tư pháp nhằm mục đích tạm giữ và tịch thu được thực hiện bằng pháp luật nội địa của Pháp. Yêu cầu tương trợ tư pháp để xác định tài sản có thể được thực hiện cả ở mức hợp tác không chính thức (ví dụ: cảnh sát với cảnh sát) và hợp tác chính thức bằng cách gửi yêu cầu riêng hoặc đi kèm với yêu cầu tạm giữ tài sản để tịch thu sau này. Nội dung vụ án được đề cập trong lệnh nước ngoài là bắt buộc phải có cho tòa án Pháp và việc thi hành một lệnh tịch thu ở Pháp không cho phép tòa án địa phương xem xét lại chứng cứ. Ngay khi việc tạm giữ được tuyên, yêu cầu tương trợ tư pháp không cần được gia hạn bởi Quốc gia yêu cầu.

Có nhiều cách để tạm giữ và tịch thu tài sản ở Pháp. Ở Pháp, tạm giữ hình sự không phải là làm cho tài sản bị coi là chứng cứ hoặc để đảm bảo tịch thu tài sản đó sau này bởi tòa án xét xử. Lệnh tạm giữ có thể được ban hành bởi công tố viên (đối với động sản) hoặc bởi thẩm phán về giam giữ trên cơ sở tài liệu công tố viên gửi đến (đối với tạm giữ đặc biệt bao gồm bất động sản, số tiền được giữ trong tài khoản ngân hàng và tài sản số) trong khuôn khổ điều tra đặc biệt hay điều tra trước khi xét xử, hoặc bởi thẩm phán điều tra trong khuôn khổ điều tra tư pháp. Việc tịch thu do tòa án đã xác nhận việc tạm giữ và dẫn đến việc chuyển giao tài sản cho nhà nước, cũng cũng được coi là tuyên án. Hoạt động này tạo ra một hình phạt bổ sung hoặc thay thế hình phạt tù, một khoản tiền phạt cho người phạm tội nhẹ hoặc tội cấp độ 5. Thủ tục và nội dung của việc tịch thu được điều chỉnh chi tiết trong Điều 131 của Bộ luật hình sự. Việc tịch thu áp dụng cho cả thể nhân và pháp nhân. Thủ tục được quy định trong Điều 131-21 của Bộ luật hình sự theo đó hình phạt tịch thu áp dụng cho tất cả các tội phạm và tội danh bị phạt tù hơn một năm, ngay cả khi bản cáo trạng không có dữ liệu rõ ràng, trừ tội phạm truyền thông.

Các đối tượng của việc tạm giữ và tịch thu theo hệ thống Pháp bao gồm:

- Vật trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc tài sản do phạm tội mà có, bất kể người nắm giữ là ai, kể cả bên thứ ba không phải là bị cáo, trừ khi họ hành động một cách thiện chí và trừ khi tài sản đó có khả năng được trả lại cho người bị hại;

- Công cụ được sử dụng để phạm tội hoặc được dự định sử dụng để phạm tội mà người bị kết án là chủ sở hữu hoặc do người chủ sở hữu tài sản đó tự nguyện định đoạt;

- Tài sản có giá trị tương đương mà bị cáo là chủ sở hữu hoặc, do người chủ sở hữu tài sản đó tự nguyện định đoạt: tịch thu tài sản có giá trị tương đương với đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc công cụ phạm tội;

- Tài sản do bị cáo hoặc bên thứ ba nắm giữ khi các tài sản này được xác định là trực tiếp hoặc gián tiếp do phạm tội mà có. Khái niệm tự do định đoạt có trong văn bản luật cũng cho phép tịch thu các công cụ hoặc tài sản thu được trực tiếp hoặc gián tiếp bất kể do người phạm tội can thiệp đến người trung gian - tức là khi tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba (người được chỉ định, pháp nhân bị can thiệp) nhưng người phạm tội lại là người có lợi trên thực tế;

- Tịch thu toàn bộ hoặc một phần của tài sản thuộc sở hữu của bị cáo hoặc thuộc quyền định đoạt của họ. Trong các trường hợp như vậy, không cần cung cấp bằng chứng trước về mối liên hệ giữa tài sản và tội phạm cũng như xác định giá trị chính xác của số tiền do phạm tội mà có, hoặc tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp hay không. Tuy nhiên, việc tịch thu tài sản không được dẫn đến sự can thiệp không tương xứng vào các quyền về tài sản của người bị kết án, có tính đến mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và nhân thân của người bị kết án. Hình phạt bổ sung này được quy định riêng đối với tội buôn bán ma túy và rửa tiền;

- Động sản hoặc bất động sản đối với tội phạm hoặc hành vi phạm tội bị phạt tù ít nhất 5 năm và đã mang lại cho người bị kết án một khoản lợi nhuận trực tiếp hoặc gián tiếp, bất kể bản chất của tài sản đó là gì, chia được hay không chia được, thuộc về họ hay, tùy thuộc vào các quyền của chủ sở hữu hành động một cách thiện chí, mà họ được tự do định đoạt, “khi cả người bị kết án lẫn chủ sở hữu, khi được yêu cầu giải thích về tài sản dự kiến tịch thu, đều không thể chứng minh được nguồn gốc của tài sản đó”.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng hệ thống pháp luật của Pháp quy định việc bảo vệ chủ sở hữu bên thứ ba ngay tình, với việc tịch thu tài sản theo định đoạt của người bị kết án chỉ có thể thực hiện được theo quyền của chủ sở hữu tự nguyện đồng ý.

Mặc dù luật của Pháp không có cơ chế tịch thu tài sản mà không bị kết án, nhưng cơ chế không hoàn trả tài sản do phạm tội mà có hoặc phương tiện phạm tội được quy định tại Điều 41-4 của BLTTHS tạo ra những tác động gần như tương tự, trong các tình huống mà cơ chế này áp dụng. Khoản 2 Điều 41-4 BLTTHS quy định “Không cần hoàn trả khi việc hoàn trả có thể gây nguy hiểm cho người hoặc tài sản khi tài sản bị thu giữ là công cụ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp do phạm tội mà có hoặc khi một điều khoản cụ thể quy định để tiêu hủy các đồ vật được đặt dưới sự giám sát tư pháp; quyết định không hoàn trả dựa trên một trong những căn cứ này hoặc bất kỳ căn cứ nào khác, kể cả mặc nhiên, bởi công tố viên hoặc Tổng công tố có thể được bên liên quan chuyển đến Giám đốc phòng điều tra hoặc phòng điều tra, trong thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo, bằng tuyên bố tại cơ quan đăng ký của tòa án hoặc qua đường bưu điện đã đăng ký có ký nhận; kháng cáo này có hiệu lực đình chỉ”. Công tố viên, thẩm phán điều tra, Tòa án hình sự cấp cao nhất và Tòa án cải huấn, Tòa phúc thẩm có thể ra lệnh không hoàn trả (Điều 41-4, 99, 373, 481 và 512 của BLTTHS). Luật cho phép giữ lại các phương tiện hoặc tài sản do phạm tội mà có trong trường hợp thủ tục tố tụng hình sự đã được bắt đầu nhưng không thể kết tội bằng lệnh tịch thu. Hơn nữa, khi không thể điều tra hoặc truy tố bị cáo, cơ chế không hoàn trả rộng rãi hơn được quy định trong trường hợp đồ vật bị thu giữ thuộc loại nguy hiểm hoặc có hại (Điều 41-5, Khoản 4 BLTTHS và Điều 131 -21, Khoản 7 Bộ luật hình sự).

Việc tịch thu không dựa trên kết án có thể là cơ sở của yêu cầu tương trợ tư pháp đối với việc thu giữ hoặc tịch thu và chỉ được thi hành ở Pháp theo án lệ đã được thiết lập và chỉ sau khi cơ quan tư pháp của Pháp đã xác minh rằng các sự kiện làm cơ sở cho yêu cầu cấu thành một hành vi phạm tội theo luật của Pháp. Về vấn đề này, một trường hợp mang tính bước ngoặt là một trường hợp từ Tòa Phúc thẩm, gọi là vụ án Crisafulli. Quyết định không kết án này có thể được đưa ra khi một cuộc điều tra hoặc truy tố hình sự đang diễn ra.

Về phân chia tài sản, pháp luật Pháp quy định chia một nửa cho Nhà nước Pháp và một nửa cho Nhà nước yêu cầu khi số tiền bị tịch thu vượt quá 10.000 EUR.

Việc quản lý, bán và phân chia tài sản bị tịch thu được thực hiện bởi Cơ quan quản lý và thu hồi tài sản bị tạm giữ và tịch thu (AGRASC). AGRASC tư vấn cho tòa án việc lập giấy chứng nhận phong tỏa và tịch thu. Theo điều 706-160 của BLTTHS, AGRASC đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý các yêu cầu tương trợ tư pháp đến, số tiền thu giữ ở Pháp theo yêu cầu của một quốc gia nước ngoài được tập trung trong tài khoản AGRASC, chịu trách nhiệm về xử lý, tiêu hủy tài sản bị tịch thu và phân phối số tiền bán được để thực hiện bất kỳ yêu tương trợ tư pháp hoặc hợp tác nào từ cơ quan tư pháp nước ngoài.

3.2.3. Các vụ thu hồi tài sản nổi tiếng

Vụ án gia đình Bongo: Các cơ quan tố tụng Pháp đã điều tra tài sản của gia đình Bongo, người đã nắm quyền điều hành Gabon trong nhiều thập kỷ. Vụ án xoay quanh cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Một số tài sản, như căn hộ sang trọng và bất động sản, đã bị tịch thu ở Pháp trong khuôn khổ cuộc điều tra.

Thu hồi tài sản Tunisia: Sau cách mạng Tunisia năm 2011, các cơ quan có thẩm quyền Pháp đã làm việc chặt chẽ với Tunisia để thu hồi tài sản liên quan đến cựu Tổng thống Tunisia, Zine El Abidine Ben Ali, và gia đình ông. Nhiều tài sản, bao gồm tài sản giá trị, tài khoản ngân hàng và doanh nghiệp, đã được xác định, đóng băng và cuối cùng là bị tịch thu ở Pháp.

3.3. Vương quốc Anh

3.3.1. Pháp luật về rửa tiền

Trong Đạo luật về tài sản do phạm tội mà có 2002 (POCA), rửa tiền được xác định là "quá trình biến đổi tiền thu được từ phạm tội thành tài sản có vẻ có nguồn gốc hợp pháp sao cho nó có thể được giữ lại vĩnh viễn hoặc tái phục vụ các hoạt động tội phạm tiếp theo".

Rửa tiền có thể được phân thành hai loại:

- Những người phạm tội sau đó rửa tiền từ các hoạt động tội phạm đó. Các hành vi tội phạm được gọi là "tội danh nguồn".

- Những người chỉ có liên quan tội phạm duy nhất là rửa tiền từ tội danh do người khác phạm.

Các tội phạm rửa tiền dưới POCA được áp dụng trên cơ sở ‘tất cả các tội phạm’ (phương pháp tiếp cận ‘tất cả tội phạm’).

3.3.2. Thu hồi tài sản

Các yêu cầu tương trợ tư pháp sẽ được gửi đến Cơ quan Trung ương để được xử lý. Ở Vương quốc Anh, có 3 cơ quan trung ương:

(1) Cơ quan Trung ương của Bộ Nội vụ Anh - cho các yêu cầu liên quan đến Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, nhưng không bao gồm các điều tra chỉ liên quan đến các vấn đề thuế và hải quan tài chính.

(2) Cục Thuế và Hải quan Hoàng gia Anh - cho các yêu cầu chỉ liên quan đến các vấn đề thuế và hải quan tài chính.

(3) Cơ quan Hoàng gia - cho các yêu cầu liên quan đến Xứ Scotland.

Vương quốc Anh có thể cung cấp tương trợ tư pháp cho bất kỳ quốc gia nào, bất kể quốc gia đó có thể hỗ trợ Vương quốc Anh hay không, và liệu hiện có thỏa thuận song phương hay đa phương hay không. Luật hình sự (Hợp tác Quốc tế) 2003 được áp dụng chủ yếu để thực hiện tương trợ tư pháp hình sự, xử lý và giải quyết những vấn đề mang tính thể chế chính của quy trình tương trợ. Phần còn lại về các thông tin (bao gồm định dạng yêu cầu, khung thời gian và cơ sở từ chối) do văn kiện hợp tác cụ thể (ví dụ: thỏa thuận quốc tế, thỏa thuận song phương, bản ghi nhớ v.v.) hoặc các đạo luật nội địa khác như Luật về tài sản do phạm tội mà có 2002 và các văn kiện khác cho phép thu hồi tài sản thông qua tương trợ tư pháp. Nhìn chung, luật pháp của Vương quốc Anh về yêu cầu tương trợ tư pháp là rất phức tạp, do đó Bộ Nội vụ Anh đã tổng hợp và đơn giản hóa dưới dạng hướng dẫn.

Nhìn chung, các điều kiện để từ chối yêu cầu tương trợ tư pháp là:

- Yêu cầu không nghiêm trọng như: lợi ích hoặc thiệt hại tài chính dưới 1000 bảng Anh hoặc; Tội phạm được cho là đã được thực hiện cách đây hơn 10 năm (và không có hoặc giải trình không thuyết phục về sự trì hoãn trong việc điều tra hoặc truy tố);

- Yêu cầu liên quan đến điều tra hoặc truy tố có chủ đích chính trị;

- Việc thực hiện yêu cầu sẽ làm tổn hại chủ quyền, an ninh hoặc lợi ích cần thiết khác của Vương quốc Anh;

- Việc thực hiện yêu cầu sẽ làm tổn hại đến trật tự công cộng của Vương quốc Anh (bao gồm cả nguy cơ án tử hình sẽ được áp dụng cho tội phạm đang được điều tra);

- Xử lý hai lần: Yêu cầu liên quan đến một người, nếu bị truy tố ở Vương quốc Anh vì tội danh được yêu cầu hỗ trợ, sẽ được hủy án với lý do đã được tha bổng hoặc bị kết án trước đó;

- Yêu cầu liên quan đến một tội phạm mà Vương quốc Anh xem như là một tội phạm theo luật quân sự, mà không phải là một tội phạm theo luật hình sự thông thường;

- Có lý do chính đáng để tin rằng yêu cầu đã được đưa ra nhằm mục đích điều tra, truy tố hoặc trừng phạt một người dựa trên chủng tộc, giới tính, tình dục, tín ngưỡng, quốc tịch, nguồn gốc dân tộc hoặc quan điểm chính trị, hoặc vị trí của người đó có thể bị tổn hại vì bất kỳ lý do đó;

- Yêu cầu là một biện pháp cưỡng chế hoặc xâm phạm mà Vương quốc Anh yêu cầu sự tương đồng về tội danh kép và không có tội phạm tương đương ở Vương quốc Anh;

- Sự trợ giúp được yêu cầu sẽ chứa thông tin cá nhân và việc cung cấp thông tin đó không thể thực hiện theo luật pháp bảo vệ dữ liệu của Vương quốc Anh.

Ngoài ra, Vương quốc Anh thực hiện kiểm tra quyền con người để xem xét các yêu cầu tương trợ tư pháp, gồm 4 giai đoạn: tổng quan chiến lược (đánh giá tình hình trong quốc gia); xác định rủi ro; giảm thiểu rủi ro, và; đánh giá tổng thể và quy trình phê chuẩn.

Về quy trình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến chống rửa tiền, không có các thủ tục đặc biệt mà những yêu cầu này sẽ được xử lý như các yêu cầu tương trợ tư pháp thông thường.

- Khám xét và thu giữ: Để hỗ trợ trong việc tìm kiếm và tịch thu, cơ quan thực thi ở Vương quốc Anh sẽ phải đệ đơn đến tòa án Vương quốc Anh để cấp lệnh khám xét. Ngay cả khi yêu cầu tương trợ tư pháp được kèm theo lệnh khám xét để tìm kiếm và tịch thu được ban hành tại quốc gia yêu cầu. Ngoài ra, để hỗ trợ trong vấn đề này, Vương quốc Anh yêu cầu sự tương đồng về tội danh kép. Tuy nhiên, có loại tài liệu không thể trở thành đối tượng của lệnh khám xét, đó là: "Tài liệu được loại trừ" như tài liệu báo chí mật, hồ sơ y tế và các mẫu bệnh phẩm, hồ sơ tư vấn; "Tài liệu pháp lý ưu tiên" như tài liệu liên quan đến lời khuyên của một luật sư tư pháp đối với khách hàng của mình, trừ khi tài liệu này được sử dụng để phục vụ mục đích phạm tội; "Tài liệu thủ tục đặc biệt" như hồ sơ kinh doanh mật và tài liệu báo chí không mật, thông thường có thể được thu thập bằng các lệnh yêu cầu cung cấp tài liệu, nhưng trong một số trường hợp như tống đạt thông báo về lệnh yêu cầu cung cấp tài liệu có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến cuộc điều tra. Hướng dẫn cụ thể đề cập rằng để hỗ trợ trong việc tìm kiếm và tịch thu, phần 8 của Luật Cảnh sát và chứng cứ tội phạm năm 1984 phải được đáp ứng. Đoạn 1 của phần 8 của Luật được nêu rõ: "(1) Nếu theo đề nghị của cảnh sát, cán bộ tư pháp rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng - (a) đã xảy ra một tội phạm có thể bị truy tố; và (b) có tài liệu ở một cơ sở có thể có giá trị lớn (một mình hoặc kết hợp với các tài liệu khác) cho cuộc điều tra về tội phạm đó; và (c) tài liệu có thể là bằng chứng có liên quan; và (d) rằng nó không bao gồm hoặc bao gồm các mục thuộc đặc quyền pháp lý, tài liệu bị loại trừ hoặc tài liệu thủ tục đặc biệt; và (e) bất kỳ điều kiện nào được xác định tại khoản (3) dưới đây áp dụng, - có thể ban hành lệnh cho phép một cảnh sát đi vào và khám xét tòa nhà về khu nhà được chỉ định trong đơn đề nghị". Đáng lưu ý rằng thông thường, điện thoại thông minh, máy tính hoặc các phương tiện lưu trữ khác sẽ không được cung cấp cho quốc gia yêu cầu vì chúng có thể chứa thông tin và tài liệu không thuộc phạm vi của lệnh ban đầu.

- Lệnh cung cấp tài liệu: Lệnh cung cấp tài liệu có ý nghĩa đặc biệt đối với các yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến rửa tiền. Lệnh cung cấp tài liệu thường được sử dụng để thu thập "Tài liệu thủ tục đặc biệt" như hồ sơ doanh nghiệp được bảo mật, hồ sơ do các kế toán viên giữ, v.v. Cơ quan Trung ương sẽ đưa ra chỉ thị cho cảnh sát để đệ đơn đến tòa án yêu cầu lệnh cung cấp tài liệu. Có hai hình thức cho lệnh cung cấp tài liệu: Trên thông báo và trực tiếp. Đối với lệnh cung cấp tài liệu theo thông báo, Luật Hợp tác chống tội phạm (quốc tế) năm 2003 sẽ được áp dụng, yêu cầu chính trong vấn đề này là thỏa mãn về tội phạm kép. Đối với lệnh cung cấp tài liệu trực tiếp, Điều 6 Luật tài sản có được từ tội phạm năm 2002 (Điều tra bên ngoài) Nghị định 2014 sẽ được áp dụng. Điều này cũng sẽ không áp dụng cho các mục đích điều tra tạm giữ và tịch thu. Khoản 1 của Điều 6 trong Luật nêu rõ rằng "Một thẩm phán có thể, theo đơn đề nghị từ một sĩ quan có thẩm quyền, đưa ra lệnh cung cấp tài liệu nếu thẩm phán tin rằng các yêu cầu để đưa ra lệnh đã được thỏa mãn".

Các yêu cầu để đưa ra lệnh được quy định tại Điều 7, quy định rằng: "(1) Đây là các yêu cầu để đưa ra lệnh cung cấp tài liệu. (2) Phải có cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng đơn đề nghị liên quan đến một cuộc điều tra bên ngoài. (3) Phải có cơ sở hợp lý để tin rằng - (a) người được chỉ định trong đơn đề nghị có vẻ có tài liệu được nêu trong đơn đề nghị đang nắm giữ hoặc kiểm soát nó, (b) tài liệu có thể có giá trị lớn (không chỉ riêng nó) cho cuộc điều tra bên ngoài, và (c) việc cung cấp tài liệu hoặc truy cập đến nó là cần thiết vì lợi ích công cộng, có xem xét đến - (i) lợi ích có thể thu được cho cuộc điều tra bên ngoài nếu có được tài liệu, (ii) các trường hợp mà theo đó người mà đơn chỉ định dường như đang sở hữu hoặc kiểm soát tài liệu nắm giữ đó.”

Tuy nhiên, Điều 3, khoản 4 cụ thể quy định rằng Đạo luật tài sản có được từ tội phạm năm 2002 (Điều tra bên ngoài) Nghị định 2014 không áp dụng cho cuộc điều tra bên ngoài về việc liệu tội rửa tiền có được thực hiện hay không.

Đối với chứng cứ ngân hàng, yêu cầu tương trợ tư pháp phải chứa thông tin về tài khoản (tên của tổ chức tài chính, tên chủ sở hữu tài khoản, số tài khoản, địa chỉ và/hoặc số chi nhánh ngân hàng nơi tài khoản được mở), lý do tin rằng ngân hàng ở Vương quốc Anh có tài khoản và, trong phạm vi có thể, tên các ngân hàng có thể liên quan, khoảng thời gian mà thông tin được yêu cầu (phải giải thích cho bất kỳ khoảng thời gian nào nằm ngoài khung thời gian của cuộc điều tra), tài liệu cụ thể yêu cầu (ví dụ: thông tin mở tài khoản, sao kê, tài liệu giao dịch, v.v.), và sự liên quan đến cuộc điều tra, xác nhận rằng có tội danh kép. Thông tin về tiền điện tử được chú ý đặc biệt. Về vấn đề này, ID người dùng chỉ định và địa chỉ ví hoặc ID sẽ được đề cập trong yêu cầu.

- Lệnh giám sát tài khoản. Đây là một công cụ cho phép giám sát các tài khoản ngân hàng cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Ở Vương quốc Anh, có hai cách để nhận được các lệnh này. Thứ nhất, theo Đạo luật Tội phạm (Hợp tác Quốc tế) năm 2003 - nếu quốc gia yêu cầu là một "quốc gia tham gia" được chỉ định bởi một lệnh của Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Thứ hai, theo Nghị định về tài sản có được từ tội phạm (Cuộc điều tra bên ngoài) năm 2014 (Lệnh POCA), cho các trường hợp khác. Phần 5 của Nghị định sau đây là đặc biệt quan trọng.

Theo Mục 29, khoản 1, phần 5 của lệnh POCA, "Một thẩm phán có thể, sau khi có đơn đề nghị từ một người có thẩm quyền, ban hành một lệnh giám sát tài khoản nếu thẩm phán tin rằng mọi yêu cầu để đưa ra quyết định đã được thỏa mãn". Theo khoản 2, Mục 29, "Đơn đề nghị yêu cầu lệnh giám sát tài khoản phải nêu rõ rằng - (a) điều 3(2) đã được thỏa mãn, (b) lệnh được yêu cầu cho cuộc điều tra bên ngoài, (c) lệnh được tìm kiếm chống lại tổ chức tài chính cụ thể được chỉ định trong đơn đề nghị về thông tin tài khoản cụ thể đó".

Điều 3 (2) đã đề cập quy định rằng quyền hạn của Lệnh này chỉ có hiệu lực khi người có thẩm quyền tin rằng cuộc điều tra bên ngoài liên quan đến một cuộc điều tra hình sự hoặc thủ tục tố tụng hình sự ở quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tiến hành cuộc điều tra. Tuy nhiên, cũng phải nhớ rằng lệnh này không áp dụng cho các tội phạm rửa tiền.

Trong các trường hợp khác, lệnh Giám sát Tài khoản có thể được cấp cho một cuộc điều tra bên ngoài, liên quan đến cuộc điều tra về tội phạm hoặc vụ án hình sự trong quốc gia yêu cầu miễn là cuộc điều tra thuộc định nghĩa quy định trong Phần 8 của Đạo luật tài sản có được từ tội phạm 2002, đối với hai loại cuộc điều tra: Thứ nhất, cuộc điều tra tịch thu tài sản, là cuộc điều tra về a) liệu một người có được lợi ích từ hành vi tội phạm của mình, hoặc; b) mức độ hoặc vị trí của lợi ích từ hành vi tội phạm của mình. Thứ hai, cuộc điều tra thu hồi dân sự, là cuộc điều tra về a) liệu tài sản có thể thu hồi được hoặc liên quan, b) ai nắm giữ tài sản, hoặc; c) mức độ hoặc vị trí của nó.

Về khía cạnh thu hồi tài sản, các giai đoạn yêu cầu sự hợp tác Tương trợ tư pháp mạnh mẽ là "phong tỏa và tịch thu tài sản" và "xử lý tài sản". Về việc phong tỏa, nó được thực hiện để bảo vệ hoặc bảo tồn tài sản ở Vương quốc Anh để sẵn sàng trao trả theo các lệnh tịch thu của nhà nước yêu cầu. Một lệnh phong tỏa được gọi là "Lệnh tạm giữ" nếu phong tỏa được sử dụng như một biện pháp tạm thời trước khi ra lệnh tịch thu (nếu đó là một trường hợp tịch thu dựa trên tuyên án) và theo cùng một logic, nó được gọi là "Lệnh ngăn chặn" nếu đó là tịch thu không dựa trên tuyên án. Lệnh phong tỏa cũng có thể được sử dụng như một kỹ thuật để thực hiện lệnh tịch thu.

Lệnh tạm giữ được quy định bởi Nghị định về tài sản có được từ tội phạm 2002 (Yêu cầu và Lệnh Bên ngoài) năm 2005 và Mục 447 của Đạo luật tài sản có được từ tội phạm 2002, cùng với luật án lệ. Để cung cấp sự hợp tác tương trợ tư pháp đối với một lệnh tạm giữ, phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Thứ nhất, phải có lý do hợp lý để tin rằng bị cáo/nghi phạm được đề cập trong yêu cầu đã được hưởng lợi (bằng cách nhận tiền hoặc tài sản khác) từ hành vi tội phạm của họ. Thứ hai, phải có cuộc điều tra hình sự đang diễn ra ở quốc gia yêu cầu hoặc phải có các vụ kiện tại tòa án vì một tội phạm ở quốc gia yêu cầu. Thứ ba, phải có nguyên tắc tội phạm kép. Thứ tư, tài sản/bất động sản phải đang nằm ở lãnh thổ Vương quốc Anh, ngay cả khi nó được đăng ký dưới tên của một bên thứ ba. Thứ năm, phải có nguy cơ tài sản bị tẩu tán nếu không có một lệnh tạm giữ được ban hành. Tiếp theo, phạm vi của tài sản phải đủ để đảm bảo việc thi hành yêu cầu bên ngoài. Điều quan trọng khác là để ban hành một lệnh tạm giữ, phải chứng minh rằng không có đủ tài sản ở nơi khác ngoài Vương quốc Anh.

Về quy trình, yêu cầu tương trợ tư pháp yêu cầu ban hành một lệnh tạm giữ phải được gửi đến Cơ quan Trung ương (xem phần trên) sẽ quyết định ai sẽ thực hiện yêu cầu và cơ quan thực thi này sẽ nộp đơn đề nghị lệnh tạm giữ gửi tòa án. Khi nộp đơn đề nghị cho tòa án, lệnh tạm giữ có thể được ban hành mà không thông báo cho bị cáo/nghi phạm hoặc người bị cáo buộc khác trong một phiên xử kín trước một thẩm phán. Đồng thời, phải đưa ra quy định để đảm bảo chi phí sinh hoạt hợp lý của bị cáo/nghi phạm và chi phí pháp lý hợp lý của họ trong vụ án, nhưng không phải là chi phí pháp lý liên quan đến tội phạm đang được điều tra hoặc vụ kiện đã khởi tố. Về điều này, quốc gia yêu cầu phải rõ ràng liệu họ có cho phép việc sử dụng tài sản bị tạm giữ cho các chi phí sinh hoạt. Khi tòa án ban hành một lệnh tạm giữ, bản sao sẽ được gửi cho đối tượng và cho các bên liên quan. Nếu các cơ quan có thẩm quyền Vương quốc Anh không thực hiện đúng, tòa án có thể hủy lệnh. Tòa án cũng có thể hủy lệnh nếu quy trình tố tụng hình sự tại quốc gia yêu cầu không được khởi tố trong khoảng thời gian nhất định nếu quy trình tố tụng tại quốc gia yêu cầu chấm dứt mà không có lệnh nào được ban hành, hoặc nếu lệnh tịch thu không được đăng ký tại Vương quốc Anh để thực thi trong một khoảng thời gian nhất định.

Nếu cần thiết, do loại tài sản và đặc điểm của vụ án, một người nhận được có thể được chỉ định để quản lý tài sản (ví dụ: khi tài sản của một doanh nghiệp đang bị đóng băng nhưng doanh nghiệp cần được quản lý một cách tích cực để duy trì giá trị của nó).

Đối với các lệnh ngăn chặn, quy trình tương tự được áp dụng với sự khác biệt là lệnh được ban hành bởi Tòa án Cấp cao. Lệnh ngăn chặn cấm mọi hình thức giao dịch liên quan đến tài sản. Lệnh không phụ thuộc vào việc có, đã có hoặc có dự định về một cuộc điều tra, vụ kiện hoặc kết án hình sự. Có hai điều kiện tiên quyết cho một lệnh ngăn chặn: Nó phải là tài sản có liên quan được xác định trong yêu cầu Tương trợ tư pháp và không có thủ tục nào được tiến hành liên quan đến tài sản đó để thu hồi bằng cách thu hồi dân sự tại Vương quốc Anh.

Tài sản được coi là "tài sản có liên quan" nếu có lý do hợp lý để tin rằng nó có thể được sử dụng để đáp ứng một lệnh tịch thu không dựa trên kết án đã được hoặc có thể được ban hành. Một lệnh tịch thu không dựa trên kết án phải dựa trên hành vi tội phạm được cáo buộc và đáp ứng yêu cầu tội danh kép.

Liên quan đến việc tịch thu trong tố tụng hình sự, cơ quan Trung ương quyết định ai sẽ thực hiện yêu cầu và chuyển cho cơ quan có liên quan tương ứng theo Đạo luật Tài sản do phạm tội mà có năm 2002 (Yêu cầu và Lệnh Bên ngoài) năm 2005 và Mục 447 của Đạo luật Tài sản do phạm tội mà có năm 2002. Cơ quan thực thi sau đó đệ đơn xin đăng ký lệnh tịch thu bên ngoài lên tòa án. Yêu cầu tịch thu lại đòi hỏi yêu cầu tội danh kép. Yêu cầu Tương trợ tư pháp quốc tế (MLA) về tịch thu phải đáp ứng một số điều kiện sau đây: Người có tên trong lệnh đã bị kết án và không có đơn kháng cáo nào liên quan đến kết án đó; Lệnh tịch thu đang có hiệu lực và không thể kháng cáo; Thiếu số tiền tại quốc gia yêu cầu để trả đầy đủ số tiền được đề cập trong lệnh tịch thu; Lệnh có mục đích thu hồi tài sản hoặc giá trị của tài sản nhận được liên quan đến việc phạm tội (ví dụ: tòa án cần đưa ra kết luận về việc tài sản đó là thu được từ hoạt động tội phạm hoặc đại diện cho tài sản thu được từ hoạt động tội phạm).

POCA là luật chính quy định việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án tại Vương quốc Anh. Theo POCA, các cơ quan có thể tiến hành quy trình thu hồi dân sự để tạm giữ và tịch thu tài sản nếu có lý do hợp lý nghi ngờ rằng tài sản đó là tài sản cần thu hồi, có nghĩa là tài sản do phạm tội mà có.

Các đặc điểm quan trọng của việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án tại Vương quốc Anh bao gồm:

- Quy trình thu hồi dân sự: Việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án được thực hiện thông qua thủ tục tố tụng dân sự thay vì thủ tục tố tụng hình sự. Nghĩa vụ chứng minh được giảm đi trong thủ tục dân sự, yêu cầu cơ quan chứng minh rằng có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng tài sản là tài sản cần thu hồi, thay vì chứng minh tội danh ngoài sự nghi ngờ hợp lý như trong các vụ án hình sự.

- Tiêu chuẩn chứng cứ: Trong quy trình thu hồi tài sản dân sự, tiêu chuẩn chứng minh được đặt ở mức xác suất. Điều đó có nghĩa là cơ quan chức năng phải chứng minh rằng có khả năng cao rằng tài sản được nêu là thu được từ hoạt động bất hợp pháp.

- Lệnh kê khai tài sản chưa giải thích (UWOs): UWOs là một công cụ quan trọng khác trong việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án được giới thiệu theo Đạo luật Tài chính Tội phạm 2017. UWOs cho phép các cơ quan yêu cầu cá nhân giải thích nguồn gốc tài sản của họ nếu có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng tài sản của cá nhân đó không tương xứng với thu nhập đã biết của họ. Việc không cung cấp giải thích hợp lý có thể dẫn đến việc thu hồi tài sản.

- Lệnh can thiệp thu hồi tài sản (ARIOs): ARIOs là các quy định trong POCA cho phép các cơ quan can thiệp và quản lý tài sản nghi ngờ là tài sản có thể thu hồi trong quá trình điều tra hoặc tố tụng pháp lý. ARIOs được thiết lập để ngăn chặn sự tiêu hao, chuyển nhượng hoặc xử lý tài sản để đảm bảo thu hồi tài sản hiệu quả.

Việc thu hồi tài sản không dựa trên kết án tại Vương quốc Anh là một công cụ mạnh mẽ để đối phó với tội phạm tài chính và thu hồi tài sản thu được từ hoạt động bất hợp pháp. Nó tập trung vào chính tài sản thay vì chỉ dựa vào kết án hình sự, cho phép chính quyền phá vỡ các mạng lưới tội phạm và làm suy yếu khả năng sinh lời của các hoạt động bất hợp pháp.

Sau khi tài sản được thu hồi, chúng sẽ được xử lý thông qua một trong ba quy trình: Các trường hợp thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng thuộc các quy định của Công ước Liên hiệp quốc chống tham nhũng (UNCAC) sẽ được xử lý theo Điều 57 của Công ước đó. Các trường hợp không thuộc các quy định của UNCAC có thể được chia sẻ với quốc gia được nhận nếu có quy định trong bất kỳ luật pháp quốc tế nào áp dụng hoặc nếu Vương quốc Anh ký kết một thỏa thuận chia sẻ tài sản. Nếu không có thỏa thuận chính thức với một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, sẽ có những thỏa thuận hành chính cho phép chia sẻ tài sản trong từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp không có thỏa thuận chia sẻ tài sản nào, tài sản sẽ được giữ lại bởi Vương quốc Anh và xử lý theo luật pháp nội địa.

3.3.3. Các vụ thu hồi tài sản nổi tiếng

Vụ án Teodorin Obiang, thông thường được biết đến với tên Teodorin Obiang, là con trai của Tổng thống Guinea Xích Đạo. Vào năm 2014, ông đối mặt với một phiên tòa tham nhũng được nhiều người biết đến ở Pháp, dẫn đến việc tịch thu tài sản của ông, bao gồm một biệt thự ở Paris trị giá hàng triệu đô la. Vương quốc Anh cũng đóng vai trò trong các nỗ lực thu hồi tài sản liên quan đến ông Obiang, bao gồm tịch thu các xe sang và tài sản khác của ông.

Vụ án Altaf Khanani, một công dân Pakistan, là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới rửa tiền quốc tế. Vào năm 2016, ông ta bị bắt giữ ở Panama và bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, nơi ông ta đã thú nhận tội rửa tiền. Vụ án này liên quan đến sự hợp tác giữa Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia (NCA) của Vương quốc Anh và các cơ quan thi hành pháp luật quốc tế để triệt phá hoạt động tài chính bất hợp pháp của Khanani và thu hồi tài sản liên quan đến mạng lưới tội phạm của ông ta.

Vụ án James Ibori, một chính trị gia Nigeria và cựu thống đốc tiểu bang Delta, đã bị kết án vào năm 2012 tại Vương quốc Anh về tội rửa tiền và lừa đảo. Vụ án này liên quan đến việc thu hồi tài sản trị giá hàng triệu đô la, bao gồm các tài sản xa xỉ, một chiếc máy bay riêng và các khoản tiền được giữ trong tài khoản ngân hàng. Các tài sản này đã được truy vết và tịch thu như là một phần của quá trình thu hồi tài sản.

3.4. Úc

3.4.1. Pháp luật về rửa tiền

Luật chống rửa tiền và tài trợ Khủng bố 2006, Phần 1, Điều 5 định nghĩa Rửa tiền có nghĩa là hành vi dẫn đến: (a) vi phạm Mục 400 (Rửa tiền) của Bộ luật Hình sự; hoặc (b) hành vi vi phạm pháp luật của một Bang hoặc Vùng lãnh thổ tương ứng với hành vi phạm tội được đề cập trong đoạn (a); hoặc (c) hành vi vi phạm pháp luật của một quốc gia nước ngoài hoặc một phần của quốc gia nước ngoài tương ứng với hành vi phạm tội nêu tại khoản (a).

Phần 12 quy định là Hành vi phạm tội khi (a) đưa ra thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn; hoặc (b) tạo ra một tài liệu sai lệch hoặc gây nhầm lẫn; hoặc (c) Giả mạo tài liệu để sử dụng trong quy trình nhận dạng khách hàng hiện hành; hoặc (d) cung cấp hoặc nhận một dịch vụ được chỉ định bằng cách sử dụng tên khách hàng giả hoặc thông tin ẩn danh của khách hàng; hoặc (e) cấu trúc một giao dịch để trốn tránh nghĩa vụ báo cáo theo Đạo luật này.

Bộ luật Hình sự 1995 - Mục 400. Rửa tiền quy định các hành vi phạm tội liên quan đến công cụ phạm tội, tiền hoặc tài sản khác nếu chúng liên quan đến một người xử lý tiền hoặc tài sản mà có ý định trở thành, hoặc có nguy cơ trở thành, công cụ phạm tội liên quan đến một hành vi phạm tội có thể truy tố của Khối thịnh vượng chung; hoặc một hành vi phạm tội nước ngoài… Lưu ý: Việc truy tố không cần chứng minh sự tồn tại của bất kỳ yếu tố lỗi nào đối với bản chất của hành vi phạm tội. Việc đề cập đến “tiền hoặc tài sản khác” bao gồm việc đề cập đến các công cụ tài chính, thẻ và các đồ vật khác đại diện cho tiền hoặc có thể đổi lấy tiền, cho dù chúng có giá trị nội tại hay không.

3.4.2. Thu hồi tài sản

Luật tương trợ tư pháp về hình sự Úc 1987 ban đầu quy định những nội dung tương trợ truyền thống. Kể từ khi Bộ luật về tài sản có nguồn gốc phạm tội năm 2002 ra đời, Luật tương trợ tư pháp về hình sự đã bổ sung các quy định về phạm vi tương trợ liên quan đến xử lý, thu hồi tài sản có nguồn gốc tội phạm.

Nội dung tương trợ này bao gồm tiếp nhận, thi hành các lệnh của nước ngoài yêu cầu phong tỏa, hạn chế, giám sát hay tịch thu tài sản có nguồn gốc tội phạm tồn tại ở Úc hoặc tiếp nhận yêu cầu của nước ngoài đề nghị tòa án có thẩm quyền ở Úc ban hành các Lệnh nêu trên sau đó thi hành trên thực tế. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu để cơ quan có thẩm quyền Úc tiến hành việc xử lý, thu hồi tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp ở nước ngoài và ngược lại, nước ngoài cũng có thể tiến hành việc xử lý, thu hồi tài sản ở Úc. Nhìn chung, Luật tương trợ tư pháp Úc mở ra khả năng tối đa nội dung tương trợ, theo đó Úc có thể yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ hay ngược lại nước ngoài có thể yêu cầu Úc thực hiện tương trợ nhiều nội dung tương trợ khác nhau.

Một yêu cầu tương trợ của nước ngoài sẽ bị từ chối theo quyết định của Tổng chưởng lý nếu có căn cứ cho rằng:

- Yêu cầu liên quan đến việc truy tố hay trừng phạt một người về một tội là tội phạm chính trị, hoặc một tội mà trong hoàn cảnh tội phạm đó bị nghi ngờ vừa được hay đã được thực hiện được coi là tội phạm chính trị; hoặc có căn cứ chắc chắn cho rằng yêu cầu được lập với mục đích truy tố hay trừng phạt một người về một tội phạm chính trị;

- Có căn cứ chắc chắn cho rằng yêu cầu được lập nhằm truy tố, trừng phạt hay có định kiến đối với một người dựa trên chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch hay quan điểm chính trị của người đó;

- Yêu cầu liên quan đến truy tố, trừng phạt một người liên quan đến hành vi mà nếu hành vi đó xảy ra tại Úc sẽ cấu thành một tội phạm quy định trong luật quân sự Úc nhưng không được quy định trong luật hình sự thông thường ở Úc;

- Việc thực hiện yêu cầu gây nguy hại đến chủ quyền, an ninh hay lợi ích quốc gia của Úc hoặc lợi ích quan trọng của một bang hay vùng lãnh thổ của Úc;

- Yêu cầu liên quan đến việc truy tố một người về một tội phạm mà người đó đã được tuyên vô tội hay được ân xá bởi cơ quan có thẩm quyền của một nước; hoặc đã chấp hành hình phạt do bị xét xử ở nước đó về tội phạm này hay tội phạm khác được cấu thành bởi hành vi là hành động hay không hành động giống như tội phạm đó.

Về tương trợ có điều kiện: một yêu cầu tương trợ của nước ngoài có thể bị từ chối nếu yêu cầu đó liên quan đến việc truy tố hay trừng phạt một người bị điều tra, truy tố về một tội phạm có khung hình phạt tử hình ở nước đó; hoặc sau khi xem xét lợi ích hợp tác quốc tế về hình sự, thấy yêu cầu tương trợ là không nên được thực hiện.

Theo quyết định của Tổng chưởng lý, yêu cầu tương trợ của nước ngoài có thể bị từ chối nếu: yêu cầu liên quan đến việc truy tố hay trừng phạt một người liên quan đến một hành là hành động hay không hành động mà nếu hành vi đó xảy ra ở Úc thì không cấu thành một tội phạm vi phạm pháp luật Úc; hoặc việc thực hiện tương trợ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng hay điều tra liên quan đến một tội phạm ở Úc; hoặc việc thực hiện tương trợ sẽ hay có thể sẽ ảnh ảnh hưởng đến sự an toàn của một người bất kể người đó sống trong hay ngoài Úc; hoặc việc thực hiện tương trợ vượt quá khả năng thực hiện của liên bang, một Bang hay một vùng lãnh thổ; hoặc trong tất cả mọi trường hợp, việc không thực hiện yêu cầu là hợp lý.

Trong một vụ việc cụ thể, Tổng chưởng lý có thể đưa ra các điều kiện để một yêu cầu của nước ngoài được tiếp nhận và thi hành ở Úc. Nếu nước ngoài đáp ứng được các điều kiện đó thì yêu cầu của nước đó sẽ được tiếp nhận và thi hành.

Cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự: cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp của Úc là Cơ quan Tổng chưởng lý. Các cơ quan thực hiện yêu cầu là Viện trưởng Viện công tố (Director of Public Prosecution (DPP)), Cảnh sát, Tòa án và cơ quan quản lý tài sản (the Official Trustee).

Trong mọi trường hợp, yêu cầu của nước ngoài phải được gửi đến Tổng chưởng lý hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản bởi Tổng chưởng lý. Nếu quyết định việc thi hành, Tổng chưởng lý chuyển yêu cầu cho DPP để thi hành. Sau khi được phép thực hiện yêu cầu, DPP ủy quyền cho Cảnh sát thực hiện yêu cầu. Nếu yêu cầu liên quan đến xin ban hành hay thụ lý Lệnh khám xét, thu giữ, phong tỏa (hạn chế), giám sát hay tịch thu tài sản thì DPP hoặc Cảnh sát nộp đơn xin tòa án ban hành hay thụ lý Lệnh. Cơ quan quản lý tài sản là cơ quan thi hành Lệnh của tòa án đối với tài sản liên quan đến yêu cầu.

Luật dành nhiều điều khoản quy định về trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động tương trợ liên quan đến xử lý tài sản có nguồn gốc phạm tội như tiếp nhận yêu cầu từ nước ngoài đối với việc ban hành hay thụ lý sau đó thực hiện các Lệnh khám xét, thu giữ, Lệnh phong toả, Lệnh hạn chế và Lệnh tịch thu tài sản; yêu cầu nước ngoài thụ lý hay ban hành sau đó thi hành Lệnh khám xét, thu giữ, Lệnh phong toả, Lệnh hạn chế và Lệnh tịch thu tài sản. Việc áp dụng điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ trên đều được viện dẫn từ Bộ luật về tài sản do phạm tội mà có năm 2002.

Theo quy định của Điều 32, Úc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tiếp nhận và thi hành một trong các Lệnh sau: (1) Lệnh tịch thu của Úc đối với tài sản được cho là đang tồn tại ở nước ngoài; (2) Lệnh phạt tiền của Úc, hay Lệnh đối với tài sản có được từ kinh doanh tai tiếng, trong trường hợp một phần hay toàn bộ tài sản hiện có để thi hành Lệnh được cho là đang tồn tại ở nước ngoài; (3) Lệnh hạn chế (kê biên) của Úc đối với tài sản được cho là đang tồn tại ở nước ngoài. Các Lệnh trên được ban hành trên cơ sở một cáo buộc đến một tội phạm nghiêm trọng.

Điều 34 quy định việc tiếp nhận và thi hành các Lệnh về tài sản của nước ngoài tại Úc như sau: nếu một nước yêu cầu Tổng chưởng lý tổ chức thi hành một Lệnh tịch thu của nước đó được ban hành liên quan đến một tội phạm nghiêm trọng đối với tài sản có cơ sở nghi ngờ đang tồn tại ở Úc; hoặc một Lệnh phạt tiền của nước đó được ban hành liên quan đến một tội phạm nghiêm trọng trong trường hợp một phần hay toàn bộ tài sản hiện có để thi hành Lệnh có cơ sở nghi ngờ đang tồn tại ở Úc, thì Tổng chưởng lý có thể cho phép DPP yêu cầu một tòa án ở Úc thụ lý Lệnh đó. Việc thụ lý dựa trên cơ sở Tổng chưởng lý có đủ căn cứ xác định rằng một người đã bị kết tội về tội phạm đó và việc kết tội và Lệnh liên quan đến yêu cầu đã có hiệu lực pháp luật ở nước đó.

Nếu một yêu cầu thi hành Lệnh của nước ngoài không phải là các Lệnh nêu trên và được lập theo các quy định khác không phải là quy định của luật tương trợ nhưng có bản chất giống các Lệnh nêu trên, thì cơ quan có thẩm quyền của Úc vẫn có thể tiếp nhận và thi hành các Lệnh đó.

Nếu một nước yêu cầu Tổng chưởng lý thi hành Lệnh hạn chế của nước đó đối với tài sản có cơ sở nghi ngờ đang tồn tại ở Úc, mà Lệnh đó được ban hành liên quan đến một tội phạm nghiêm trọng ở nước đó và có người bị kết tội về tội phạm đó thì Tổng chưởng lý cho phép DPP yêu cầu một toà án thụ lý Lệnh đó.

Yêu cầu khám xét, thu giữ đồ vật, tài liệu: theo quy định tại Điều 38B, cơ quan cảnh sát sau khi được ủy quyền bởi DPP có thể yêu cầu tòa án ban hành Lệnh khám xét đối với đồ vật tài liệu trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài. Theo đó, nếu cảnh sát có đủ căn cứ nghi ngờ rằng đồ vật, tài liệu có thể dùng làm chứng cứ đang hoặc sẽ tồn tại ở một địa điểm cụ thể thì cơ quan cảnh sát có thể, bằng một bản tuyên thệ nêu các các căn cứ nghi ngờ, yêu cầu ban hành Lệnh để khám xét địa điểm đó nhằm thu giữ đồ vật, tài liệu có thể dùng làm chứng cứ. Đối với việc khám xét người, nếu cảnh sát có đủ căn cứ nghi ngờ một người đang hoặc sẽ nắm giữ đồ vật, tài liệu có thể dùng làm chứng cứ thì nhân viên cảnh sát có thể, bằng một bản tuyên thệ nêu các các căn cứ nghi ngờ, yêu cầu ban hành Lệnh để khám xét người đó nhằm thu giữ đồ vật, tài liệu có thể dùng làm chứng cứ. Về thủ tục ban hành, trong trường hợp yêu cầu của cơ quan cảnh sát có đủ căn cứ theo quy định tại Điều 38C thì Tòa án thụ lý yêu cầu đó sẽ ban hành Lệnh khám xét đối với địa điểm hay khám xét người để cơ quan cảnh sát tiến hành việc khám xét.

Luật về tài sản do phạm tội mà có 2002, tại Chương 2 về Kế hoạch tịch thu, Phần 2-1. Lệnh tạm giữ: Lệnh tạm giữ có thể được thực hiện đối với tài sản, liên quan đến một số tội phạm nhất định, trên cơ sở liên quan đến các lệnh tịch thu hoặc tịch thu có thể có liên quan đến các tội phạm đó (Không phải lúc nào cũng có yêu cầu rằng một người đã bị kết án về một tội như vậy). Lệnh được thực hiện theo đề nghị của DPP.

Luật tương trợ tư pháp về hình sự 1987 - Phần VI. Tiền thu được từ tội phạm, Phần 3. Các quy định liên quan đến lệnh tạm giữ của nước ngoài đã đăng ký, Điều 35A. Các vấn đề về thủ tục: (1) DPP phải thông báo bằng văn bản về đơn xin lệnh đối với tài sản cho (a) chủ sở hữu tài sản; và (b) bất kỳ người nào khác mà DPP có lý do để tin rằng có thể có lợi ích đối với tài sản đó. (2) Tòa án có thể, vào bất kỳ thời điểm nào trước khi quyết định cuối cùng về Lệnh, chỉ đạo DPP đưa ra hoặc công bố thông báo về Lệnh (a) cho một người hoặc một nhóm người cụ thể; và(b) theo cách thức và trong khoảng thời gian mà tòa án cho là phù hợp.(3) Một người yêu cầu quyền lợi đối với tài sản liên quan đến lệnh đăng ký có thể xuất hiện và đưa ra bằng chứng tại phiên điều trần của lệnh đăng ký.

Thi hành lệnh tịch thu nước ngoài được quy định tại Điều 34B. Lệnh tịch thu nước ngoài được đăng ký tại tòa án có hiệu lực và có thể được thi hành như thể đó là lệnh tịch thu do tòa án ban hành theo Luật tài sản do phạm tội mà có tại thời điểm đăng ký.

Luật tài sản do phạm tội mà có 2002, Chương 2 về Kế hoạch tịch thu, Phần 2-2 quy định Lệnh tịch thu có thể được thực hiện, tịch thu tài sản cho Liên bang, nếu một số hành vi phạm tội đã được thực hiện (Không phải lúc nào cũng cần yêu cầu rằng một người đã bị kết án về một tội như vậy). Lệnh được thực hiện trên cơ sở đề xuất của DPP. Các lệnh khác có thể được đưa ra để giảm tác dụng của lệnh tịch thu với các lý do như gây khó khăn cho những người phụ thuộc của người đó.

Luật tài sản do phạm tội mà có 2002, Phần 2-2 về Lệnh tịch thu, Khoản 3 quy định Cách thức nhận lệnh tịch thu, Điều 61 quy định về thông báo như sau:

(1) DPP phải thông báo bằng văn bản về đề xuất xin lệnh tịch thu cho: (a) người đó, nếu lệnh được yêu cầu liên quan đến việc một người bị kết tội; (b) bất kỳ người nào có yêu cầu quyền lợi đối với tài sản được đề cập trong lệnh đã đăng ký; và (c) bất kỳ người nào mà DPP có cơ sở để tin họ có thể có lợi ích đối với tài sản đó.

(2) Tòa án xem xét đề xuất xin lệnh có thể, vào bất kỳ thời điểm nào trước khi quyết định cuối cùng về lệnh, chỉ đạo DPP cung cấp hoặc công bố thông báo về lệnh cho một người hoặc một nhóm hoặc nhiều người cụ thể. Tòa án cũng có thể chỉ định thời gian và cách thức thông báo.

Thi hành lệnh phạt tiền nước ngoài được quy định tại Điều 34D. Lệnh phạt tiền của nước ngoài được đăng ký tại tòa án có hiệu lực và có thể được thi hành như thể đó là lệnh phạt tiền mà được thực hiện bởi tòa án theo Luật tài sản do phạm tội mà có tại thời điểm đăng ký; và yêu cầu thanh toán cho Liên bang số tiền phải trả theo lệnh.

Luật tài sản do phạm tội mà có 2002, Chương 2 về Kế hoạch tịch thu, Phần 2-4 quy định về Lệnh phạt tiền: Nếu một số hành vi phạm tội nhất định đã được thực hiện, lệnh phạt tiền có thể được thực hiện, yêu cầu thanh toán cho Liên bang số tiền dựa trên: (a) lợi ích mà một người có được từ hành vi phạm tội đó; và (b) (trong một số trường hợp) lợi ích mà người đó có được từ hoạt động bất hợp pháp khác. (Không phải lúc nào cũng có yêu cầu rằng một người đã bị kết án về hành vi phạm tội.)

Về Trả lại tài sản do phạm tội mà có cho các Quốc gia khác: (34ZD - MACMA)

Theo MACMA, Phần VI đề cập cụ thể đến việc thu hồi và trả lại tài sản. Mục 34ZD của MACMA liên quan đến việc trả lại tài sản bị tịch thu cho bên thứ ba. Không quy định cụ thể về thủ tục trả lại tài sản do phạm tội mà có cho nước khác. Úc mở ra không gian cho Hiệp định để tùy chỉnh phù hợp đảm bảo hài hòa pháp luật của Úc với quốc gia trong trong lĩnh vực này.

Về phân chia tài sản phạm tội thu hồi được: (Điều 295-299, Chương 4, Phần 4-3).

Việc phân bổ tài sản bị tịch thu ở Úc tuân theo Luật Tiền thu được từ tội phạm 2002 (POCA). Theo Luật này, tài sản bị tịch thu được chuyển vào tài khoản tài sản bị tịch thu, từ đó chúng có thể được sử dụng để: Bồi thường cho các nạn nhân của tội phạm, cung cấp kinh phí cho các sáng kiến phòng ngừa tội phạm, gây quỹ can thiệp để giảm thiểu tác hại của ma túy hoặc rượu, gây quỹ cho các chương trình tài trợ cộng đồng.

Trên thực tế, các chi tiết cụ thể về cách phân bổ các quỹ này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) cũng có quyền quản lý và định đoạt tài sản bị tịch thu tùy từng trường hợp cụ thể.

3.5. Hoa Kỳ

3.5.1. Pháp luật về rửa tiền

Bộ luật Hoa Kỳ, Tiêu đề 18, Mục 1956 (2) (3) định nghĩa rửa tiền là hành vi thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến tiền thu được từ các hoạt động phi pháp cụ thể với mục đích thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động phi pháp hoặc để trốn thuế hoặc yêu cầu báo cáo. Rửa tiền được phân loại thành nhiều loại khác nhau, bao gồm rửa tiền trong nước, rửa tiền quốc tế, và rửa tiền bí mật.

Tội phạm nguồn không có quy định cụ thể nào đề cập rõ ràng về việc giải thích “tội phạm nguồn” trong luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên, “tội phạm nguồn” thường đề cập đến các hoạt động tội phạm tiềm ẩn tạo ra các khoản tiền bất hợp pháp là đối tượng của hoạt động rửa tiền. Theo Bộ luật Hoa Kỳ, Tiêu đề 18, Mục 1956(c)(7), thuật ngữ "hoạt động phi pháp được chỉ định" bao gồm một loạt các tội phạm hình sự đóng vai trò là tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Một số ví dụ về tội phạm nguồn bao gồm:

- Tội phạm liên quan đến buôn bán ma túy hoặc ma túy.

- Các tội liên quan đến gian lận, chẳng hạn như gian lận chuyển khoản, gian lận ngân hàng hoặc gian lận chứng khoán.

- Các tội liên quan đến gian lận, bao gồm các hoạt động liên quan đến tội phạm có tổ chức.

- Các hành vi phạm tội liên quan đến khủng bố, chẳng hạn như tài trợ khủng bố hoặc cung cấp hỗ trợ vật chất cho các tổ chức khủng bố.

- Các tội liên quan đến buôn người, buôn lậu hoặc nhập cư bất hợp pháp.

- Các tội liên quan đến hối lộ, tống tiền hoặc tham nhũng, v.v.

3.5.2. Thu hồi tài sản

Thu hồi tài sản không qua kết án hình sự của Hoa Kỳ bao gồm thu hồi tài sản theo tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

* Thu hồi tài sản theo tố tụng dân sự:

Quy trình về cơ bản về thu hồi tài sản theo tố tụng dân sự được tiến hành theo những bước sau:

Về tạm giữ tài sản: Cơ quan thực thi pháp luật hoặc cơ quan thuộc chính phủ thu giữ tài sản có thẩm quyền liên quan đến hoạt động tội phạm hoặc những lợi ích có được từ tội phạm. Việc thu giữ thường xảy ra trước khi có bất kỳ sự tham gia nào của tòa án.

Về thông báo và nộp đơn khiếu nại: Sau khi thu giữ, chính phủ thông báo cho chủ sở hữu hoặc những người có quyền lợi đối với tài sản bị thu giữ. Chủ sở hữu hoặc bên quan tâm có thể nộp đơn yêu cầu khẳng định quyền sở hữu của họ đối với tài sản.

Xét xử: Nếu chính phủ tiến hành quy trình tịch thu và đơn khiếu nại đã được đệ trình, vụ việc có thể được đưa ra tòa án để xét xử. Tòa đánh giá vị trí của nguyên đơn, tính hợp lệ của đơn yêu cầu và bằng chứng do cả hai bên đưa ra. Vai trò của tòa án là đánh giá xem chính phủ có đáp ứng nghĩa vụ chứng minh, bằng chứng cứ đáng tin vượt trội, rằng tài sản bị thu giữ có thể bị tịch thu hay không.

Quyết định tư pháp: Dựa trên các bằng chứng và lập luận pháp lý được đưa ra trong quá trình xét xử, tòa án đưa ra quyết định về việc tịch thu tài sản. Nếu tòa án đặt niềm tin vào chính phủ, tài sản sẽ bị tịch thu. Nếu tòa án thấy nguyên đơn có cơ sở, tài sản sẽ được trả lại và việc tịch thu tài sản bị hủy bỏ.

* Thu hồi tài sản qua tố tụng hành chính:

Thu hồi tài sản qua tố tụng hành chính không có văn bản pháp luật mô tả quy trình cụ thể. Việc tịch thu hành chính được áp dụng trong một số trường hợp hạn chế. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xem xét áp dụng hay không.

Trên thực tiễn, phần lớn, thường là hơn 60 phần trăm, các vụ tịch thu liên bang ở Hoa Kỳ thông qua việc tịch thu hành chính và hầu hết các vụ tịch thu đều không bị tranh chấp. Cán bộ có trách nhiệm có thể áp dụng ngay lệnh thu giữ, hoặc lệnh tịch thu mà không cần sự tham gia của tòa án. Sau đó, những lệnh này có thể bị các bên liên quan nộp đơn khiếu nại.

Cơ sở pháp lý cho hoạt động tịch thu hành chính: Bộ luật Hoa Kỳ (US Codes), Tiêu đề 28, Phần 8 - Thủ tục tịch thu hành chính; Bộ luật Hoa Kỳ, Tiêu đề 19, Phần 162 - Quy định tịch thu hành chính; Bộ luật Liên bang, Tiêu đề 31, Phần 592 - Thủ tục hành chính tịch thu tiền; Bộ luật Hoa Kỳ § 1607 - Tịch thu đối với trị giá từ 500.000 USD trở xuống, hàng cấm, phương tiện vận chuyển.

* Tương trợ tư pháp hình sự:

Quy trình thực hiện Yêu cầu tương trợ tại Hoa Kỳ liên quan đến tịch thu tài sản: Yêu cầu tương trợ từ nước ngoài gửi đến; Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) – Văn phòng Quan hệ Quốc tế (OIA) xem xét yêu cầu; Xin Lệnh Tòa (nếu yêu cầu được chấp thuận, DOJ sẽ làm việc với các Công tố viên Hoa Kỳ để xin lệnh tòa về việc khám xét và thu giữ tài sản); Thi hành Lệnh (Các cơ quan thực thi pháp luật – FBI hoặc DEA thi hành lệnh [tìm kiếm, thu giữ hoặc các biện pháp khác]); Tố tụng pháp lý (nếu có tranh chấp, Chính phủ Hoa Kỳ phải chứng minh tài sản đó có liên quan đến các hoạt động tội phạm); cuối cùng là tịch thu và trao trả tài sản cho nước yêu cầu. Ngay cả khi không có lệnh từ các quốc gia khác, tòa án có thể ra lệnh dựa trên tính chất của vụ việc (nguyên tắc có lý do xác đáng).

Công nhận và thi hành các lệnh/bản án nước ngoài về tịch thu tài sản theo tố tụngdân sự: Hoa Kỳ có Luật Công nhận các bản án về tiền của nước ngoài (UFCMJRA). UFCMJRA cung cấp một khuôn khổ cho việc công nhận và thi hành bản án về tiền của nước ngoài trong các vấn đề dân sự. Mặc dù Luật này chủ yếu giải quyết các bản án về tiền, nhưng một số khu vực tài phán có thể sử dụng các điều khoản trong luật này để giải quyết việc công nhận và thi hành các loại bản án khác, bao gồm cả lệnh tạm giữ và tịch thu. Luật này đã được một số tiểu bang của Hoa Kỳ thực thi.

Dựa trên kết án hình sự và không có kết án hình sự:

1. Thủ tục: Yêu cầu tương trợ hình sự (hoặc các kênh khác) gửi đến Hoa Kỳ. Sau đó Tổng chưởng lý xác nhận lệnh hoặc bản án của nước ngoài để đảm bảo rằng những lệnh hoặc bản ánđó là “vì lợi ích của công lý”. Cuối cùng, Tòa án quận (hoặc tòa án có thẩm quyền khác) thi hành các bản án hoặc lệnh đó.

2. Loại bản án hoặc lệnh: liên quan đến tạm giữ hoặc tịch thu của nước ngoài.

3. Yêu cầu: là bản án có hiệu lực, đúng thủ tục pháp lý, có thẩm quyền đối với bị cáo và đồ vật, thông báo, bản ánkhông phải được ban hành do gian lận.

Lưu ý: Đối với lệnh tạm giữ tài sản, không rõ trong điều khoản $2467 có cho phép công nhận và thi hành các lệnh của nước ngoài hay không. Tuy nhiên, trong Chương 8, IX, B của Hướng dẫn tịch thu tài sản 2023, khẳng định lệnh tạm giữ tuân theo thủ tục tương tự như bản án của tòa án nước ngoài sẽ được thi hành tại Hoa Kỳ. Như vậy, có một cơ chế mà Tổng chưởng lý chứng nhận bản án hoặc lệnh của nước ngoài (kiểm tra xem có “vì lợi ích công lý” hay không) sau đó chuyển những bản án đó cho tòa án để công nhận và cho thi hành.

Cơ sở pháp lý của tạm giữ, đóng băng, tịch thu và trả lại tài sản do phạm tội mà có cho các quốc gia khác

Cơ sở pháp lý chung:

Bộ luật Hoa Kỳ (U.S.C). Quy định cụ thể liên quan: Một phần của Luật Hình sự: Tịch thu (Hình sự và Dân sự), Quy định chung về Tịch thu, Luật Thuế (IRS Seizure), Luật Hải quan (Vi phạm Hải quan), Thực thi pháp luật liên quan đến tội phạmma túy (Đạo luật về Chất bị kiểm soát), Luật Di trú (Vi phạm nhập cư).

Quy tắc tố tụng hình sự liên bang: Tìm kiếm và thu giữ.

Quy tắc tố tụng dân sự liên bang: Hoạt động tịch thu đối với tài sản, Tạm giữ người hoặc tài sản.

Các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Công ước Liên Hợp Quốc về Chống Tham nhũng (UNCAC), Sổ tay chính sách tịch thu tài sản 2023.

Những ưu điểm của pháp luật Hoa Kỳ so với các Quốc gia khác liên quan đến việc tịch thu tài sản:

1. Khung pháp lý toàn diện: Hoa Kỳ đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện giải quyết cả việc tịch thu tài sản dân sự và hình sự. Luật quy định nhiều loại tội phạm và cung cấp cơ chế tịch thu tài sản liên quan đến hoạt động tội phạm, bao gồm tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, rửa tiền, v.v.

2. Chia sẻ tài sản thu được/ Chia sẻ công bằng: Trong một số trường hợp, Hoa Kỳ cho phép chia sẻ tài sản bị tịch thu với các cơ quan thực thi pháp luật tham gia (trong nước và quốc tế). Điều này khuyến khích sự hợp tác và cộng tác giữa các cơ quan khác nhau, dẫn đến các nỗ lực thực thi nâng cao và phân bổ nguồn lực cho các sáng kiến cộng đồng và phòng ngừa tội phạm.

3. Bảo vệ chủ sở hữu vô tội: Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền của chủ sở hữu vô tội trong các trường hợp tịch thu tài sản. Ví dụ: theo Đạo luật cải cách tịch thu tài sản dân sự (CAFRA), chủ sở hữu vô tội có cơ hội khẳng định mình vô tội và có khả năng đòi lại tài sản bị tịch thu. Điều này giúp ngăn chặn việc tịch thu tài sản của những cá nhân vô tội một cách bất công.

4. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: Hệ thống tịch thu tài sản của Hoa Kỳ nhấn mạnh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các nhà chức trách được yêu cầu phải thông báo cho những người có khả năng cần yêu cầu bồi thường và có các thủ tục sẵn sàng cho các hoạt động tạm giữ và tịch thu nhiều khó khăn. Ngoài ra, các yêu cầu báo cáo đảm bảo rằng thông tin về tài sản bị tạm giữ và tịch thu được công khai, thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình.

5. Tiến hành đồng thời: Pháp luật Hoa Kỳ cho phép tiến hành song song thủ tục hành chính (không cần có sự tham gia của tòa án), dân sự và hình sự để tạm giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có.

6. Không áp dụng lệnh: Trong tịch thu dân sự, áp dụng tạm giữ mà không có lệnh trong một số trường hợp được quy định tại 18 U.S.C. § 981(b). Việc áp dụng này đảm bảo kịp thời và hạn chế có hiệu quả ý định chuyển dịch tài sản do phạm tội mà có.

7. Công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài (Bản án dân sự và hình sự): Tại Hoa Kỳ, pháp luật cho phép cơ chế công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài. Ngoài ra, luật pháp không quy định rõ liệu có áp dụng cơ chế tương tự đối với các lệnh tạm giữ của nước ngoài hay không. Tuy nhiên, trong Hướng dẫn mới đây lại chấp nhận quan điểm áp dụng cơ chế tương tự đối với các lệnh tạm giữ của nước ngoài.

(Mời bạn đọc đón xem tiếp Bài 3: So sánh và một số đề xuất nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo rà soát Chu kỳ 2 của UNCAC).

BBT
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang